Thứ nhất, tri thức là yếu tố quyết định mà mỗi sinh viên cần nỗ lực trau dồi.
Các kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ, kiến thức về kinh tế, kinh doanh là cần thiết phục vụ cho khởi nghiệp. Việc chủ động tự trang bị cho bản thân những kiến thức này góp phần giúp sinh viên nâng cao năng lực cảm nhận thị trường, từ đó nâng cao khả năng khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng thêm vốn hiểu biết của bản thân, tích nhặt kinh nghiệm kinh doanh bên ngoài xã hội nếu có cơ hội. Từ đó, sinh viên vun đắp năng lực lãnh đạo, tạo đà phát triển ý định khởi nghiệp.
Thứ hai, sinh viên cần nâng cao hiểu biết của bản thân về khởi nghiệp, từ đó có thể suy nghĩ về việc tự tạo việc làm cho bản thân mình thay vì đi làm thuê. Những kiến thức học trên ghế nhà trường, kiến thức về khởi nghiệp kết hợp với ngọn lửa đam mê cống hiến sẽ là động lực to lớn thúc đẩy ý định khởi nghiệp, thay đổi tư duy của sinh viên, tạo ra năng lượng tích cực đưa đến quyết định khởi nghiệp, gây dựng một văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ, mà cụ thể là sinh viên.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 5
Căn cứ vào phân tích, đánh giá ở các chương trước về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội và mức độ tác động của nhóm yếu tố này, Chương 5 đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Nhà nước, các trường đại học và các bạn sinh viên. Các khuyến nghị này có thể
chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng đã bao quát được hầu hết các vấn đề liên quan tới ý định khởi nghiệp của sinh viên. Các khuyến nghị được chắt lọc, xem xét và hướng tới số đông các trường đại học, các sinh viên ngành kinh tế. Nhóm nghiên cứu mong rằng, những người đứng đầu cơ quan nhà nước, ban lãnh đạo của trường đại học có thể căn cứ vào các khuyến nghị này nhằm rà soát lại các chính sách, quyết định nhằm cải thiện và nâng cao ý định khởi nghiệp của sinh viên. Khi đó, khả năng sinh viên khởi nghiệp sẽ cao hơn, góp phần tạo nên một làn sóng doanh nghiệp trẻ, tiếp nhận khoa học công nghệ tốt hơn trong thời đại Khoa học và Công nghệ 4.0, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong tương lai.
KẾT LUẬN CHUNG
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, xu hướng chuyển đổi số đang trở nên rõ ràng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Xu hướng khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế số là chủ đạo trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là một cơ hội tốt để cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều khó khăn và rào cản tại Việt Nam.
Bài nghiên cứu khoa học tập trung vào ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội vì nhóm sinh viên này được coi là nhóm đối tượng có tiềm năng khởi nghiệp hơn cả, xứng đáng nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm và các biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như xã hội để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của một thế hệ Startup Việt Nam mới.
Khởi nghiệp đang thực sự nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam trong những năm gần đây, tất cả mọi người đều được khuyến khích khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo là hình thức khởi nghiệp có thể giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đi tắt đón đầu các công nghệ mới, nâng cao nâng lực cạnh tranh để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Nhà nước và các Bộ Ngành khuyến khích việc khởi nghiệp thông qua các buổi tọa đàm và các chính sách hỗ trợ việc khởi nghiệp. Nguyên Thủ tướng chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành chỉ thị số 09/CT-TTg yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hàng loạt các chương trình hỗ trợ và khuyến khích sinh viên khởi nghiệp đã được tổ chức như chương trình khởi nghiệp của VCCI, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, cuộc thi “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ”, chương trình truyền hình “Làm giàu không khó”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, với những đặc thù mang tính lịch sử, phần lớn sinh viên đại học có xu hướng nỗ lực học tập, đạt kết quả tốt nhất để
tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp đang hoạt động thay vì khởi nghiệp. Tại Thành phố Hà Nội, số lượng sinh viên đại học khởi nghiệp vẫn còn thấp, bao gồm cả các đối tượng sinh viên khối ngành kinh tế. Ngoài ra, môi trường kinh doanh còn tồn tại nhiều hạn chế nên dẫn tới nhiều khó khăn, rào cản cho việc khởi nghiệp so với các nước trong khu vực. Ý tưởng kinh doanh thường chỉ được sinh viên áp dụng trong các cuộc thi khởi nghiệp nên còn xa vời về tính áp dụng trong thực tế sản xuất, do đó các
hoạt động khởi nghiệp của sinh viên thường mang tính chất phong chào. Như vậy, ý định khởi nghiệp của các sinh viên tại Việt Nam là tương đối thấp. Vì vậy, việc nâng cao ý định khởi nghiệp, đặc biệt là ý định khởi nghiệp của sinh viên cần được tiếp tục chú trọng hơn nữa.
Những kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài:
Thông qua việc nghiên cứu dữ liệu sơ cấp đã thu thập một cách có hệ thống và đưa ra kết luận đáng tin cậy, đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội” hướng tới đề xuất các giải pháp và khuyến nghị giúp các bạn sinh viên thực hiện hoạt động khởi nghiệp một cách hiệu quả và khoa học, nâng cao ý định khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững:
Đầu tiên, đề tài đã tập trung nghiên cứu và làm rõ cơ sở lý thuyết về hoạt động khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp. Hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trước đây giúp nhóm tìm ra khoảng trống lý thuyết để từ đó xây dựng thang đo nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu phù hợp, có tính thực tiễn, có tính mới.
Thứ hai, thông qua phân tích nhị phân Binary Logistic bằng phần mềm SPSS dựa trên dữ liệu khảo sát thu được từ 206 phiếu trả lời đạt yêu cầu, kết quả chỉ ra rằng các yếu tố Thái độ khởi nghiệp, Chuẩn chủ quan và Giáo dục khởi nghiệp đều có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Trong đó, về mức độ tác động, yếu tố thái độ khởi nghiệp có tác động lớn nhất, tiếp đó là Chuẩn chủ quan và cuối cùng là Giáo dục khởi nghiệp.
Cuối cùng, dựa vào các kết luận thu được từ quá trình nghiên cứu đánh giá mối quan hệ của các yếu tố với ý định khởi nghiệp của sinh viên, nhóm đã đưa ra một số khuyến nghị dành cho nhà nước, các trường đại học và các bạn sinh viên. Khuyến nghị của đề tài chủ yếu hướng tới các bạn sinh viên đã và đang có ý định khởi nghiệp nhằm nâng cao khả năng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên.
Tồn tại, hạn chế của đề tài nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo
Do đây là một đề tài nghiên cứu khá là mới mẻ ở Việt Nam, đi cùng với đó là hạn chế về thời gian và kinh phí, nghiên cứu không tránh khỏi các hạn chế như: số lượng mẫu điều tra, mối quan hệ giữa ý định khởi nghiệp và hành vi thực hiện hoạt động khởi nghiệp chưa được kiểm chứng.
Nhóm nghiên cứu gợi mở một số hướng nghiên cứu như nghiên cứu nhóm đối
tượng sinh viên mới ra trường nhằm tìm hiểu sự thay đổi của ý định khởi nghiệp trước các tác động của môi trường bên ngoài, hay nghiên cứu động lực tác động tới việc thực hiện hành động khởi nghiệp từ ý định khởi nghiệp.