CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
1.3. XUẤT KHẨU HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
1.3.1. Quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Bước 1: Nêu rõ các đặc điểm, tính chất của hàng hóa được xuất khẩu như khối lượng, chất liệu, số lượng,… cho những đơn vị làm thủ tục vận chuyển hàng hóa. Tất cả những loại nguyên liệu đặc biệt như gỗ đều cần có giấy chứng nhận xuất xứ rõ ràng nhằm đảm bảo tính minh bạch của hàng hóa và đồng thời đảm bảo loại hàng hóa này không sử dụng nguyên liệu là gỗ quý, gỗ cấm khai thác trái với quy định của pháp luật.
Bước 2: Cung cấp danh mục hàng hóa cần xuất khẩu để làm thủ tục thông quan xuất khẩu. Hiện nay, doanh nghiệp có thể thực hiện bước này thông qua hệ thống khai báo hải quan điện tử, với hình thức này việc khai báo cần phải chính xác để tránh các sai sót không đáng có.
Bước 3: Để làm được thủ tục giấy cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng thủ công mỹ nghệ, chủ doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất cần cung cấp chứng nhận làng nghề theo đúng quy định. Giấy chứng nhận sẽ giúp giảm được nhiều khoản phụ phí khác theo quy định của pháp luật về xuất khẩu hàng mỹ nghệ hiện nay.
1.3.2. Các hình thức xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Hàng thủ công mỹ nghệ có thể được xuất khẩu ra nước ngoài theo 2 hình thức sau:
- Xuất khẩu tại chỗ: Khi khách du lịch đến từ nước ngoài vào một quốc gia và mua hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất tại quốc gia đó.Với xu hướng phát triển của du lịch như hiện nay, hình thức xuất khẩu này sẽ góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của quốc gia đó.
- Xuất khẩu ra nước ngoài: là hình thức các doanh nghiệp bán hàng thủ công mỹ nghệ cho các đối tác nước ngoài bằng cách mang hàng sang tận nơi bằng các phương tiện vận tải khác nhau và phải chịu sự ràng buộc của một số thủ tục xuất khẩu nhất định.
1.3.3. Vai trò hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ 1.3.3.1. Đối với nền kinh tế quốc dân
Xuất khẩu tạo nguồn vốn cho nhập khẩu, phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước
Việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ mang lại nguồn ngoại tệ lớn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nhờ có nguồn vốn đó, các làng nghề truyền thống và các cơ sở sản xuất TCMN có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ thuật cao cho ngành thủ công mỹ nghệ.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng hiện đại hoá
Chuyển dịch cơ cấu nông thôn là nhằm phát triển kinh tế nông thôn phát triển, làm thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, cơ cấu giá trị sản lượng và cơ cấu thu nhập.Với mục tiêu như vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ngày càng được thúc đẩy, nó diễn ra ngay trong nội bộ ngành công nghiệp. Khi tham gia xuất khẩu, hàng hóa của một nước phải cọ xát với môi trường kinh doanh quốc tế và phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của các nước khác. Từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn luôn đổi mới công nghệ sản xuất và quy trình quản lý kinh doanh, mở rộng quy mô đầu tư theo hướng ngày càng hiện đại và hiệu quả. Mặt khác, việc phát triển các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp sản xuất đã có vai trò tích cực trong việc góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, chuyển từ lao động sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp sang ngành nghề nông nghiệp có thu nhập cao hơn.trực tiếp nước ngoài.
Đối với các nước đang phát triển, xuất khẩu TCMN đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi vì để mở rộng xuất khẩu trong điều kiện các yếu tố nguồn lực như vốn, công nghệ và kinh nghiệm còn hạn chế thì các nước đang phát triển phải sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài như là bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế.
Như vậy, xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của mọi quốc gia, khi xuất khẩu được mở rộng sẽ tạo nên mối liên hệ gắn kết, thúc đẩy lẫn nhau giữa các lĩnh vực của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế ngày càng hợp lý.
Tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân.
Xuất khẩu hàng TCMN có tác dụng lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm và tăng thu nhập chính đáng cho lao động trong nước, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nhiều làng nghề không những thu hút lực lượng lao động lớn ở địa phương mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương khác. Mặt khác, sự phát triển của các làng nghề truyền thống đã kéo theo sự phát triển và hình thành của nhiều nghề khác, nhiều hoạt động dịch vụ liên quan xuất hiện, tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút nhiều lao động. Ngoài các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất trực tiếp còn có các dịch vụ khác như dịch vụ tín dụng ngân hàng. Từ kinh nghiệm thực tiễn đã tính toán cho thấy cứ xuất khẩu 1 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ thì tạo được việc làm và thu nhập trung bình 7000 - 8000 lao động và chủ yếu là lao động tại các làng nghề nông thôn. Và từ đó, giải quyết được vấn đề thất nghiệp, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực và góp phần đảm bảo trật tự an ninh xã hội.
Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ là cơ sở để mở rộng và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại, duy trì các ngành nghề truyền thống, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc
Xuất khẩu và các quan hệ kinh tế đối ngoại có tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau. Xuất khẩu là một hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện thúc đẩy các mối quan hệ giữa các quốc gia. Đẩy mạnh xuất khẩu nói chung và thủ công mỹ nghệ nói riêng có vai trò tăng cường sự hợp tác quốc tế với các nước, nâng cao địa vị và vai trò của quốc gia sản xuất trên thị trường quốc tế.
Có thể nói xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ đóng vai trò xúc tác hỗ trợ phát triển kinh tế mà nó còn cùng với hoạt động nhập khẩu như là yếu tố bên trong, trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ nền kinh tế như: vốn, kỹ thuật, lao động, thị trường tiêu thụ…Đối với nước ta, xuất khẩu hàng TCMN là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế đối ngoại.
Góp phần giữ gìn các giá trị văn hoá và ngành nghề truyền thống của dân tộc.
Lịch sử phát triển của các làng nghề truyền thống luôn gắn liền với lịch sử phát triển văn hoá của dân tộc. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nó được tạo nên bởi bàn tay tài hoa và trí óc sáng tạo của người thợ thủ công. Vì vậy mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nét đặc sắc của dân tộc, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi làng nghề và mang dấu ấn của mỗi thời kỳ. Hơn nữa, xuất khẩu hàng TCMN là điều kiện duy trì các nghề truyền thống, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là cái riêng, cái sẵn có của mỗi dân tộc được hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, là kết quả của sự trải nghiệm, thích ứng của cộng
đồng với môi trường.
Ngày nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với tính độc đáo và độ tinh xảo của nó vẫn có ý nghĩa rất lớn với nhu cầu đời sống của con người. Những sản phẩm này là sự kết tinh, sự bảo tồn các giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc truyền từ đời này sang đời khác tạo nên những thế hệ nghệ nhân tài ba với những sản phẩm độc đáo mang bản sắc riêng. Chính vì vậy xuất khẩu thủ công mỹ nghệ không những góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của dân tộc Việt nam mà còn có nhằm quảng bá chúng trên khắp thế giới.
TỔNG KẾT CHƯƠNG I
Trong chương I, tác giả đã tìm hiểu và khái quát một số kiến thức và thông tin liên quan đến đề tài, bao gồm: Lý thuyết cơ bản về hàng thủ công mỹ nghệ, hoạt động xuất khẩu cũng như vai trò và đặc điểm của chúng.
Trong chương này, tác giả đã trình bày cơ sở lý thuyết về kinh doanh xuất nhập khẩu và vai trò của việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, bao gồm 3 nội dung chính:
Thứ nhất, khái quát về hoạt động xuất khẩu: Khái niệm, một số hình thức xuất khẩu và vai trò của xuất khẩu.
Thứ hai, giới thiệu về ngành hàng thủ công mỹ nghệ: Khái niệm, đặc điểm và vai trò của thủ công mỹ nghệ.
Cuối cùng, trình bày và phân tích nhân tố ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.