CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG TÂY BAN NHA
2.3. Đánh giá về hoạt động xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam sang Tây Ban Nha
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
Tây Ban Nha là đối tác nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của rất nhiều quốc gia trên thế giới: Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ,Nhật Bản…Mặc dù Việt Nam có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, các làng nghề thủ công.
Về nhân lực
Nghề thủ công mỹ nghệ đem lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam, giải quyết vấn đề thất nghiệp cho rất nhiều người lao động, đặc biệt là những người nông dân hay những người cao tuổi. Nhìn chung, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có rất nhiều lợi thế nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh thiếu kỹ năng chuyên môn họ còn thiếu kiến thức về xuất khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng quá nhiều vào việc khảo sát để có thể nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài dẫn đến việc các sản phẩm xuất sang Tây Ban Nha vẫn chưa thể đáp ứng một số lượng lớn nhu cầu của người tiêu dùng nơi đây.
Về quy mô sản xuất
Ngày nay, một số doanh nghiệp đang có xu hướng khai thác và đầu tư vào thị trường nội địa. Lý do bởi vì hoạt động xuất khẩu đều đang bị ảnh hưởng và không
đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong những năm gần đây. Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ - Hà Nội, hầu hết các sản phẩm mây tre đan là xuất khẩu nhưng vẫn không xuất khẩu sang được nhiều thị trường do đối tác gặp khó khăn về tài chính; do chất lượng sản phẩm không cạnh tranh được với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản... Huyện Phú Xuyên – Hà Nội cũng là một trong những khu vực có nhiều làng nghề chuyên sản xuất các mặt hàng TCMN sang thị trường EU. Mặc dù tình hình Covid-19 tại Việt Nam đã tiến triển tốt hơn nhưng nhu cầu trong nước cũng như quốc tế có xu hướng giảm xuống. Một số đối tác cũ nhập khẩu với số lượng ít hơn thậm chí là hủy bỏ đơn hàng, điều này làm cho các doanh nghiệp sản xuất phải lưu kho hàng hóa rất nhiều, một số đơn vị nhỏ lẻ buộc phải tuyên bố đóng cửa do nguồn vốn bị tồn đọng. Hàng hóa xuất đi không nhiều, lợi nhuận của doanh nghiệp đem về cũng không đủ để trả tiền lương cho người lao động hay chi phí sản xuất, nguyên liệu thì khan hiếm nên phải nhập khẩu từ nước ngoài,… điều này đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao làm cho các doanh nghiệp không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Về mẫu mã sản phẩm:
Trong xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, khâu thiết kế mẫu chiếm một vị trí quan trọng vì không chỉ người Tây Ban Nha mà tất cả các khách hàng đều mong muốn được mua những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Tuy nhiên hiện nay, khâu thiết kế của một số doanh nghiệp Việt vẫn chưa được chú trọng: chậm cải tiến mẫu mã, đưa ra những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.. Hơn nữa, vì “ngại”
sáng tạo nên doanh nghiệp chỉ làm theo mẫu truyền thống và theo đơn đặt hàng của khách, thậm chí vài doanh nghiệp chỉ có cho mình một vài mẫu mã nhất định. Theo khảo sát cho thấy, phần lớn cơ sở sản xuất ngại trong việc thay đổi mẫu mã thiết kế.
Cụ thể, khi được hỏi về nhu cầu thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường thì họ chỉ muốn bổ sung và thay đổi chút ít so với các sản phẩm truyền thống. Nguyên nhân chính khiến cho các cơ sở, làng nghề ngại thay đổi mẫu mã là do họ không nắm bắt được nhu cầu thị trường, không có lao động tay nghề cao.
Đây là hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam bởi một sản phẩm không nắm bắt kịp thời xu thế người tiêu dùng thì khó có thể đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Đó là lý do tại sao những sản phẩm
thủ công mỹ nghệ Việt Nam khi xuất khẩu đều có giá trị thấp mà giá thành sản phẩm cao nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Về nguồn nguyên vật liệu
Nguồn nguyên vật liệu cho ngành TCMN đang gặp khó khăn do một số vùng chưa được quy hoạch làm cho chất lượng nguyên liệu không ổn định và khan hiếm.
Cụ thể, hiện nay, để mua được lục bình khô thì doanh nghiệp phải mất chi phí khoảng 23.000 đồng/kg. Chi phí mua nguyên vật liệu tăng sẽ làm giá thành sản phẩm cũng gia tăng theo. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chủ động trong việc thu mua nguyên vật liệu. Khi có đối tác thì doanh nghiệp mới thông qua các xưởng tại các làng nghề để thu gom sản phẩm, trường hợp thiếu thì phải thu mua từ một xưởng khác, dẫn đến việc nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho sản xuất không được chủ động và đồng đều.
Điển hình tại làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An), nếu như trước đây doanh nghiệp có thể tự lấy nguồn nguyên liệu được khai thác trực tiếp tại địa phương thì bây giờ họ phải phải sang địa phương khác thì mới mua được hàng. Thậm chí, nguyên liệu đúc đồng Phước Kiều cũng phải thu gom khắp nơi mới đủ cho doanh nghiệp sản xuất.
Trong khi đó, tại làng trầm hương Nông Sơn (huyện Nông Sơn), nguyên liệu phải nhập từ Huế, Quảng Bình, Đắc Lắc…;đặc biệt, tại một số ít cơ sở khác còn nhập khẩu nguyên liệu từ Malaysia, Lào, Indonesia.. thì mới có nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất.
* Một số khó khăn
Thứ nhất, về quy định và tiêu chuẩn đối với hàng thủ công mỹ nghệ
Mặc dù EU đã cam kết dành cho Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế đối với hầu hết hàng TCMN nhưng tại thị trường này luôn có những quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe, cụ thể như: quy định về bảo vệ môi trường, đóng gói sản phẩm, xuất xứ hàng hóa…làm cản trở quy trình xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và các làng nghề. Hơn nữa, công tác kiểm tra hàng hoá trước khi đóng gói của doanh nghiệp chưa được sát sao nên nhiều mặt hàng của doanh nghiệp phải “quay đầu”, làm tốn thêm chi phí và thời gian của doanh nghiệp.
Thứ hai, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh
Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn
nhất của thế giới nhưng hiện nay không còn là thị trường để các doanh nghiệp nhập khẩu hàng TCMN lựa chọn. Họ đang có xu hướng nhập khẩu những mặt hàng này ở một số khu vực lân cận, trong đó có Việt Nam. Mặc dù là quốc gia được các nhà nhập khẩu TCMN quốc tế quan tâm nhưng Việt Nam vẫn chưa thể nắm bắt được những cơ hội này bởi các sản phẩm thủ công của Việt Nam hiện nay có giá trị thấp mà giá thành lại quá cao. Theo ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) cho biết đã có nhiều khách hàng đặt hàng có giá trị từ 10 – 100 triệu USD về Việt Nam nhưng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều không thể ký được hợp đồng nào từ những cơ hội này. Nguyên nhân chính là những khó khăn trong nội tại sản xuất đã làm cho các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam yếu thế cạnh tranh trên thị trường và không thể biến cơ hội mà Việt Nam đang có thành những lợi thế.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 2
Chương 2 là tổng quan về tình hình xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam sang Tây Ban Nha giai đoạn 2017 – 2021. Có thể thấy rằng, thủ công mỹ nghệ đang là một trong những ngành tiềm năng lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế và khó khăn.. Đặc biệt đối với ba mặt hàng xuất khẩu TCMN chủ lực của Việt Nam là: Gốm sứ mỹ nghệ; mây tre đan và gỗ mỹ nghệ. Hiện trạng cho thấy các mặt hàng TCMN Việt Nam đang rất tiềm năng nhưng do ảnh hưởng bởi giá thành và chất lượng sản phẩm nên ngành TCMN vẫn chưa thể cạnh tranh được với các quốc gia trên thế giới. Do đó, Việt Nam cần phải nhanh chóng đưa ra kế hoạch và có giải pháp phù hợp để có thể giúp ngành thủ công mỹ nghệ Việt nắm bắt được cơ hội và phát triển hơn nữa trong tương lai.
CHƯƠNG 3