0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Vai trò của thơ lục bát trong phong trào Thơ Mới

Một phần của tài liệu VẦN VÀ NHỊP TRONG THƠ LỤC BÁT THỜI KỲ THƠ MỚI (1932 - 1945) (Trang 29 -31 )

6. Bố cục của luận văn

1.4. Vai trò của thơ lục bát trong phong trào Thơ Mới

Tiến trình lịch sử thi ca dân tộc đã chứng minh rằng thơ lục bát có một phẩm chất thẩm mĩ đặc biệt kết tinh tinh hoa văn hóa - ngôn ngữ dân tộc. Lục bát thể hiện cảm thức cộng đồng ở mọi thời đại. Ngôn từ lục bát bằng cách này hay cách khác đã đi vào tâm thức cộng đồng, biến hóa và tái sinh hiển nhiên giữa đời sống hiện thực một cách bền bỉ và sâu lắng. Phạm Đình Toái đã từng đưa ra nhận định về thơ lục bát như sau: “tao nhân, hào khách mở miệng thành câu, khuê phụ, điền phu buông lời đúng điệu cho đến ngạn ngữ ca dao các trẻ con đùa hát mà cũng đều tự nhiên đúng thể”. Sở dĩ có tình trạng đó là vì “hình hài” lục bát rất tự nhiên đã thường trú trong mỗi chúng ta tự bao giờ, chỉ cần có điều kiện cảm xúc là có thể buông lời đúng điệu. Người ta có thể dùng lục bát để đọc, để ngâm, để ví, để hát ru hay hát giao duyên... Có lẽ cũng vì thế mà lục bát đã được khẳng định là một thể thơ thuần túy Việt

Nam có thể sánh ngang với thơ Đường Trung Hoa hay các thể thơ khác của

một số dân tộc Châu Âu.

Vốn là một thể thơ bình dân, ra đời từ rất sớm, thoát thai từ ca dao, từ những giai điệu đồng quê đã được tinh luyện đến độ tinh khiết, lục bát đã không ngừng phát triển để tồn tại, chiếm lĩnh thi hứng chính thống và khẳng định vị trí không thể thay thế của mình trong tiến trình văn học. Đến nay lục bát đã trở nên phong phú và đa dạng nhờ những đóng góp của các tác giả tên tuổi như Nguyễn Du, Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tố Hữu, ... Khi một thể thơ đồng hành cùng với tiến trình lịch sử - văn hóa dân tộc thì nó cũng đồng thời trở thành một giá trị văn hóa có giá trị ổn định và có thể được xem như là thực chứng cho sự tồn tại hay tiêu vong của cộng đồng dân tộc ấy. Vì vậy, giữ gìn, phát triển lục bát là trau dồi bản sắc và phát triển văn hóa dân tộc. Trong tiến trình phát triển của mình, ở mỗi giai đoạn lục bát đều có những đặc điểm riêng. Có không ít người đã cho rằng lục bát chỉ phát triển

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

rực rỡ trong văn học dân gian, đến Truyện Kiều nó thực sự hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và nhường chỗ cho những thể loại thơ ca khác. Trên thực tế, lục bát đã khẳng định sức sống bền bỉ của mình và cũng không ngừng tỏa sáng, góp phần làm đẹp cho nền thi ca dân tộc.

Trong cuốn Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại khi liệt kê các thể thơ ca phổ biến thời kì Thơ Mới (1932 - 1945), hai tác giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã chỉ ra sự góp mặt quan trọng của thể thơ lục bát. Thơ lục

bát thời kì này chủ yếu vận động theo hai khuynh hướng đó là: khuynh hướng

hiện đại hóakhuynh hướng trở về với ca dao. Cho dù đi theo khuynh hướng nào thì cùng với các thể thơ khác (thể bốn từ, thể năm từ, thể bảy từ, thể thơ tám từ, ...) lục bát đã cùng góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho một thời đại trong thi ca: thời kì Thơ Mới ở phương diện các thể loại thơ. Với đặc trưng thể loại của mình (sự ổn định về số tiếng trong một cặp lục bát, ngắt nhịp, hiệp vần, ...) thơ lục bát đạt được nhiều thành tựu trong thời kì này. Điều đáng nói là với nhịp điệu hoàn chỉnh qua hai dòng thơ lục bát, sự kết hợp giữa hai loại vần chân và vần lưng và thường được gieo ở số từ chẵn đã tạo cho lục bát một âm hưởng riêng, một nhịp điệu riêng, nhẹ nhàng, uyển chuyển và ngân vang, tránh được sự gân guốc, khô cứng. Cũng từ đặc điểm này, lục bát đã phát huy vai trò khá quan trọng trong thời kì Thơ Mới, đó là nó đã diễn tả tinh tế những nỗi buồn mơ hồ và kéo dài, những tình cảm bâng

khuâng thương nhớ, vừa lơ lửng lại vừa quẩn quanh của người đương thời.

Thơ là tiếng lòng, là những xúc cảm tận sâu trong tâm hồn thi sĩ, thơ ca trong phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) lại đặc biệt đề cao con người cá nhân, cái Tôi rất mực được trân trọng. Chính lúc này lục bát là một lựa chọn để các nhà thơ khẳng định nét riêng cũng như phong cách của chính mình. Chính vì vậy mà cùng tìm về với lục bát nhưng người đọc lại cảm nhận thấy một Nguyễn Bính chân quê, giản dị, một Huy Cận lãng mạn, tài hoa, một Thế Lữ vững vàng, mới mẻ, ...

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Mỗi thể thơ có một ưu thế riêng và đều có chung một chức năng làm phong phú, đa dạng cho vườn hoa thi ca Việt Nam. Trong quá trình vận động và đổi mới của mình, phong trào Thơ Mới đã tạo ra một bước đột phá trong thi ca, nhưng đồng thời nó vẫn giữ lại những gì là bản sắc, là tinh hoa của thơ ca dân tộc. Lục bát - điệu hồn thơ ca dân tộc vẫn bền bỉ cùng với phong trào Thơ Mới làm nên những thành tựu sáng chói để nhiều năm sau người đọc vẫn phải say mê thưởng thức Lỡ bước sang ngang, Người hàng xóm (Nguyễn Bính), Thu rừng, Buồn đêm mưa ( Huy Cận), Chiều (Xuân Diệu), ...

Một phần của tài liệu VẦN VÀ NHỊP TRONG THƠ LỤC BÁT THỜI KỲ THƠ MỚI (1932 - 1945) (Trang 29 -31 )

×