CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ CHUỖI CUNG ỨNG XANH VỚI NÔNG SẢN
1.2. TỔNG QUAN VỀ NÔNG SẢN VÀ CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG SẢN
1.2.2. Chuỗi cung ứng nông sản
Trong thực tế thì chuỗi cung ứng nông sản đa dạng và phức tạp hơn nhiều, được chi tiết theo từng sản phẩm hay nhóm sản phẩm, bao gồm các hoạt động có liên quan đến chuỗi các nhà cung cấp các dịch vụ từ khâu giống, cung ứng vật tư, vận tải, hải quan…
Xem xét chuỗi cung ứng nông sản một cách toàn diện hơn, bao gồm một nền móng các tổ chức, con người và các hoạt động, các nguồn lực liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa (hoặc dịch vụ) từ tay người phân phối, (hoặc nhà sản xuất) đến khách hàng (người tiêu dùng). Ở mức độ quan trọng, quản trị chuỗi cung ứng gồm có
sự phối hợp và hợp tác của các đối tác trên cùng một nơi như nhà sản xuất, bên trung gian, các nhà sản xuất dịch vụ, khách hàng. Về mặt khái niệm, chuỗi cung ứng rộng hơn và gồm Logistics và sản xuất.
Chuỗi cung ứng nông sản gồm 6 mắt xích cơ bản: (1) Đầu vào; (2) Sản xuất; (3) Thu gom; (4) Chế biến; (5) Thương mại/ Phân phối; (6) Tiêu dùng, được minh họa qua hình dưới đây:
Hình 1.2 – Sơ đồ chuỗi cung ứng nông sản
Nguồn: Bộ Thông Tin và Truyền Thông Đầu vào(1): Ngoài những cơ sở vật chất cố định (đất đai, trang trại…) thì đầu vào của chuỗi cung ứng nông sản chủ yếu gồm có: giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật…. Các nguyên liệu này có thể nhập từ nguồn khác, hoặc trực tiếp được tái chế từ các khâu khác trong chuỗi.
Khâu sản xuất (2): Chủ thể tham gia khâu sản xuất gồm có: hộ nông dân, hợp tác xã, trang trại…. Sản xuất quy mô lớn với chuỗi giá trị liên kết nông dân và các tổ chức nông nghiệp khác bao gồm các liên hiệp hợp tác xã, các hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển và mở rộng đến ngày càng nhiều địa phương. Các đơn vị này đảm nhiệm công việc biến nguyên liệu đầu vào thành các sản phẩm thô. Cụ thể là hoạt động trồng trọt và chăn nuôi và thường có các tiêu chuẩn đo lường đầu ra như VietGAP, HACCP,...
Khâu thu hoạch (3) (nằm trong khâu thu gom): Hoạt động thu hoạch nông sản được tiến hành sau khi nông sản đã đến giai đoạn chín muồi đối với cây trồng và đạt
trọng lượng nhất định với vật nuôi. Ví dụ: thu hoạch cà chua khi quả chín, bắt gia súc, gia cầm đem tới lò mổ… Thường hoạt động thu hoạch sẽ được thực hiện theo phương pháp thủ công (dựa trên sức người) hoặc kết hợp thiết bị và công nghệ tiến hành thu hoạch. Ví dụ: thu hoạch lúa bằng báy gặt lúa, máy thu hoạch khoai tây….
Khâu thu mua (3)(nằm trong khâu thu gom): Chủ thể tham gia thu mua gồm thương lái, chủ vựa, hãng sơ chế, nhà máy xay xát….. Trong thị trường, các chủ tham gia mang nhiều tên gọi rất đa dạng tùy thuộc tính chất ngành hàng khi họ tham gia.
Đối với mặt hàng trái cây: người thu gom, vựa đóng gói, vựa phân phối, đại lý thu mua. Đối với mặt hàng lúa gạo: môi giới mua bán lúa gạo, hàng xáo, thương lái, đại lý thu mua, nhà máy xay xát. Đối với ngành hàng cà phê: các hãng rang xay, thương lái, các đại lý phân phối. Đối với ngành hàng thịt lợn: lái heo, thương lái, lò giết mổ….
Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, cần sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Khâu chế biến (4): Sản phẩm thô sau khi được thu gom sẽ chuyển đến các doanh nghiệp chế biến, cơ sở chế biến, nhà máy hoặc thậm chí ngay tại hộ gia đình… để tạo ra thành phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đối với cây trồng, sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển tới các nhà máy sơ chế (tại đây nông sản sẽ được bảo quản, đóng gói, hút chân không...) rồi phân phối ra thị trường hoặc chuyển tới các nhà máy chế biến cao như: làm mứt, làm nước ép, sấy khô…Đối với vật nuôi, khâu chế biến thường gắn liền với các lò mổ hoặc các nhà máy chế biến thịt đông lạnh, thực phẩm đóng hộp…Có thể nói đây là công đoạn tạo ra giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Khâu thương mại/ Phân phối (5): Ở thị trường trong nước, nông sản được tiêu thụ thông qua hệ thống các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng, bán rong. Trong đó, đối với các mặt hàng như rau quả thì chợ là hình thức chủ yếu và phổ biến. Ở khâu này các đơn vị phân phối sẽ tiếp nhận sản phẩm và bày bán, giới thiệu nông sản đến cho các khách hàng
Đối với hoạt động xuất khẩu, chủ yếu theo con đường chính ngạch của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước; ngoài ra còn có hoạt động xuất khẩu theo đường tiểu ngạch của các doanh nghiệp trong nước và một số doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn Việt Nam.
Khâu tiêu dùng (6): Là nơi nhận cuối của sản phẩm khi đã hoàn chỉnh. Nông sản là nguồn lương thực không thể thiếu đối với con người. Do đó tiêu dùng sản phẩm
chính là hoạt động con người mua và hấp thụ nông sản đó vào cơ thể. Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Còn lại phục vụ chế biến, xuất khẩu, chăn nuôi, làm giống và dự trữ. Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tiêu thụ, điều tiết thị trường.