CHƯƠNG 3 GIÁI PHÁP THÚC ĐẨY XANH HÓA CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG SẢN VIỆT NAM
3.3. GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
3.3.1. Tăng cường liên kết giữa thành phần trong chuỗi cung ứng xanh
Một chuỗi cung ứng xanh hiệu quả là khi các mắt xích trong chuỗi có sự liên kết và làm việc nhịp nhàng. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng xanh cần tăng cường mối quan hệ với nhau thông qua các cấp quản lí của chuỗi.
Thông qua các hoạt động của sở nông nghiệp như là cầu nối để hình thành các mối quan hệ trong chuỗi, tổ chức quảng bá sản phẩm tại các Festival, hộ chợ, triển lãm ngành….Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến, giới thiệu chuỗi cung ứng xanh trong nông nghiệp trên các phương tiện truyền thông, thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, hội chợ thương mại, hội nghị quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng của khách hàng trong và ngoài nước
Các thành phần tham gia cần thay đổi tư duy cải tiến liên kết thành các nhóm hộ từ đó tạo vùng sản xuất tập trung có dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Điều này cần có sự cải cách của Sở NN&PTNT ở từng địa phương trong việc thực hiện liên kết đất đai, dồn điền đổi thửa hình thành các vùng canh tác tập trung. Để liên kết các thành phần trong khâu chặt chẽ hơn, nên giảm tối đa các khâu trung gian không cần thiết vừa giúp các bên hiểu nhau hơn làm việc trực tiếp nhanh chóng về lâu dài sẽ tiết kiệm cả thời gian, vừa giảm giá thành sản phẩm khi đưa ra thị trường. Người nông dân cần chủ động tìm đầu ra cho nông sản bớt phụ thuộc vào thương lái thông qua các hội chợ, chợ phiên…do Bộ, Ban, Ngành các tỉnh thành phố tổ chức…
Các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của các bên tham gia chuỗi bằng cách đưa ra các chính sách phù hợp, thường xuyên tổ chức các
lớp đào tạo nghề cho lao động mới. Hơn nữa cần chủ động trong việc lập kế hoạch, huy động vốn để ứng dụng khoa học hiện đại và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển sản phẩm sạch, không chất độc hại, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng, và thân thiện với môi trường Từ đó, các công ty có thể cải thiện chất lượng nhân sự, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cá nhân khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh trong nông nghiệp, và cải thiện chuỗi thành công
3.3.2. Đẩy mạnh phát triển công nghệ tái chế phụ phẩm song song với chế biến sản phẩm.
Nếu hiện trạng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, xả thải phụ phẩm … đang xảy ra tràn lan thì công nghệ chế biến phụ phẩm là một giải pháp dần dần thay thế yếu tố hóa học trong sản xuất sang các chế phẩm sinh học.
Chế biến phế, phụ phẩm (tái chế phụ phẩm) là biện pháp hữu hiệu nhất trong công cuộc xanh hóa chuỗi cung ứng. Tái chế phụ phẩm là quá trình xử lí, chế biến những gì còn sót lại của thành phẩm thành các nguyên liệu ổn định và có thể sử dụng được. Phụ phẩm của các sản phẩm từ cây trồng có thể là lá, rễ, vỏ, rơm…., Từ động vật là mỡ, xương, nội tạng, bộ phận cắt bỏ, chết….
Từ thực tế cho thấy nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp chủ yếu là ngô, lúa, rau màu, đậu tương, những phụ phẩm như này hoàn toàn có thể chế biến làm thức ăn cho ra gia súc và cách chế biến cũng đơn giản, phổ biến như: Ủ rơm khô dạng cuộn với u-rê trong túi; ủ rơm tươi với u-rê theo phương pháp đóng bánh, ủ men phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt…Các hộ nông dân- những người tham gia trực tiếp vào sản xuất hoàn toàn có thể thực hiện hoạt động tái chế này. Nông dân đã sử dụng, chế biến rơm rạ, thân cây ngô, phụ phẩm xay xát… làm thức ăn nuôi cho trâu, bò và phục vụ trồng trọt. Đơn cử, xã Hương Ngải huyện Thạch Thất ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Áp dụng mô hình này, nông dân địa phương đã giảm số lần bón phân và không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Còn tại huyện Ba Vì, tận dụng lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc lớn, Hội Nông dân xã Ba Trại xây dựng mô hình thu gom phế thải từ chăn nuôi bò, lợn, gia cầm để xây dựng hầm khí biogas dùng làm chất đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày và làm chất đốt phục vụ chăn nuôi.
Vô vàn các nghiên cứu khả khi đã và đang được triển khai và có dấu hiệu tích
cực. Có thể kể đến: “Nghiên cứu xử lí phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ xử dụng chế phẩm vi sinh” do nhóm sinh viên của Trường Đại học Lâm Nghiệp thực hiện; “Xây dựng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ bã thải (chè) sau chiết tách polyphenol do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Phú Thọ chủ trì…. Nghiên cứu gần đây nhất là lõi ngô sau khi tái chế sẽ thành thức ăn cho chăn nuôi, phân bón xuất hiện trong phiên chợ tuần nông sản tại Hà Nội là những sáng kiến hay cho việc tái chế hiệu quả nguồn phụ phẩm dư thừa.
Đối với người tiêu dùng. “Công nghệ xử lý rác hữu cơ trong gia đình” là diễn đàn do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam đưa ra một số sáng kiến: Phân bón từ vỏ chuối, Phân bón từ tro bếp, Phân bón từ vỏ trứng, Phân bón từ bã đậu nành và bã dừa, Phân bón từ thực phẩm thừa, Phân bón từ bã chè, bã cà phê…đều được sáng tạo và áp dụng trong thực tế. Hay ý tưởng biến rác thải nhà bếp thành nước rửa bát, nước lau sàn do chị Trịnh Hồng (Đà Nẵng) làm ra được nhiều người tin dùng. Năm 2015, Sở KH&CN Đà Nẵng đã đăng kí bản quyền sản phẩm do chị Hồng tạo ra.
Ở quy mô doanh nghiệp chế biến, công nghệ tái chế hoàn toàn có thể tích hợp và áp dụng. Ngoài sản phẩm chủ lực của công ty mình còn có thể phát triển ra một dòng sản phẩm mới làm đầu vào cho chuỗi cung ứng (của mình hoặc cung ứng khác) thay vì coi đó là chất thải và tiêu hủy bằng cách đốt hay xả thẳng ra môi trường. Dẫn đầu tiên phong là thương hiệu (i) Heineken- bia Việt Nam, đại diện công ty cho biết doanh nghiệp đã tái sử dụng và tái chế 99% phế thải của phụ phẩm. 100% nước thải được sau khi được xử lí sẽ được tái xử dụng để tưới cây, vệ sinh, nuôi cá và một phần nước thải làm khí sinh học. Ngoài ra, vỏ trấu sẽ tận dụng làm nguyên liệu sinh khối phục vụ quy trình sản xuất của nhà máy; bã hèm hiện được tái chế thành thức ăn cho gia súc; bùn sau xử lý nước thải cũng được tái chế thành phân bón và việc sản xuất tại nhà máy cũng dùng điện mặt trời. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã thu gom nắp chai bia, tái chế làm vật liệu xây cầu tại đồng bằng sông Cửu Long. (ii) Giám đốc đối ngoại Công ty Nestle Việt Nam, cho biết DN này đã và đang đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho việc tái chế chất thải sản xuất cà phê làm năng lượng sinh khối. Đến nay, 100% lượng chất thải đã được tái chế và nguồn năng lượng sinh khối này thay thế được khoảng 73% nguồn nhiên liệu làm chất đốt để vận hành lò
hơi. Đồng thời, giúp giảm thiểu khoảng 22.600 tấn khí CO2 thải ra môi trường hàng năm. (iii) Một nhà máy chế biến cà phê lon ở tỉnh Đồng Nai đã đầu tư tái chế: tái sử dụng vật liệu sản xuất, phế liệu, bã cà phê…trở thành sản phẩm trong dệt may, khử mùi. (iv) Công ty dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp Antesco tại tỉnh An Giang đã thành công trong mô hình thu gom tái chế phụ phẩm rau quả đông lạnh. Đầu tiên nhà máy thu hồi toàn bộ vỏ, nước ép trái cây (trước đây sẽ xả thẳng ra môi trường) sau đó đem nghiền nát hoặc sấy khô làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Nếu trước đây công ty sẽ mất 20 triệu/ngày dùng cho chi phí thu gom rác và xử lí thì giờ đây công ty đã tiết kiệm được khoản chi phí đó và không lo ngại tới vấn đề môi trường.
Việc áp dụng mô hình tuần hoàn trên đã giúp các DN cắt giảm được nhiều chi phí sản xuất, qua đó hạ giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
3.3.3. Phát triển công nghệ khí hóa sinh khối trong sản xuất
Phương pháp đốt truyền thống (đốt củi, than… trong quá trình chế biến) tạo ra các chất độc hại như: dioxin, furan, oxit nitơ và các loại bụi, gây các bệnh hô hấp cấp tính, mãn tính và ác tính. Lấy ví dụ về ngành chè đại diện cho nông sản Việt Nam, theo sở Công Thương Thái Nguyên, 1kg chè khô cần 2,4 kg củi để sao chè. Trung bình chế biến 1 sảo chè khối lượng 15kg cần khoảng 36kg củi khô. Với khoảng 91 nghìn hộ trồng chè hiện nay nếu một nửa số hộ này dùng củi khô để đốt thì khí thải cacbon ra môi trường là rất lớn. Đứng trước tình hình đó, Trung tâm nghiên cứu tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) giới thiệu về công nghệ đốt khí hóa sinh khối.
“Khí hóa sinh khối là hình thức khác của sản xuất khí sinh học. Khí hóa là quá trình mà nguyên liệu sinh khối rắn được chia nhỏ, sử dụng nhiệt để sản xuất một loại khí gây cháy. Nguyên liệu chung cho quá trình đốt cháy bao gồm gỗ, than củi, trấu, vỏ dừa. Công nghệ khí hóa sinh khối là quá trình phản ứng nhiệt hóa học khi đốt cháy nhiên liệu sinh khối trong điều kiện thiếu oxy (cháy sơ cấp), sản sinh ra hỗn hợp khí gas (CO, H2, CH4). Hỗn hợp này được đốt cháy ở giai đoạn hai khi tiếp xúc với nguồn oxy ở nhiệt độ đủ cao (cháy thứ cấp). Quá trình này tạo ra hai sản phẩm: (1) khí tổng hợp; (2) biochar. Syngas bị đốt cháy để sản xuất nhiệt cho các ứng dụng công nghiệp và hộ gia đình. Biochar được sử dụng làm chất cải tạo đất, phân bón,
chất lọc nước, và các ứng dụng làm sạch môi trường khác” (Theo Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững; Technology.net)
Công nghệ khí hóa sinh khối sẽ là giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn ở Việt Nam. Tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như trên để làm nguyên liệu đốt cho công nghệ khí hóa. Trên thị trường Việt Nam đã có một số mô hình thiết bị năng lượng sinh khối, nhưng chưa có mô hình nào được áp dụng rộng rãi. Việc ứng dụng quy trình khí hóa sinh khối ở quy mô công nghiệp vẫn chưa được triển khai vì những khó khăn về công nghệ, nguồn cung cấp và thiếu vốn. Điều đó càng thôi thúc hơn nữa nữa chính phủ đưa ra chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng sinh khối.
Triển khai về cơ sở vật chất, công nghệ, định hướng phát triển và tập huấn cho những người có trình bộ chuyên môn kĩ thuật áp dụng vào thực tế.