Chương 1:LÃNH ĐẠO CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2005
1.1. Những yếu tố tác động đến quá trình hoạch định chủ trương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng bộ huyện Yên Dũng
1.1.3. Thực trạng nông nghiệp nông thôn huyện Yên Dũng trước năm
Năm 1996 nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Hòa chung không khí cả nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIV được tiến hành vào những năm cuối của thế kỷ XX chuẩn bị những tiền đề, đặt nền móng để tiến bước vào thế kỷ XXI, tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Quán triệt quan điểm của Đại hội Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ Yên Dũng lần thứ XVII (2000) đề ra những mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cao cho phát triển nông nghiệp trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, đảm bảo nhu cầu lương thực cho tiêu dùng và tăng nhanh hàng hoá nông sản thực phẩm” [5, tr. 153].
Trong những năm 1996 - 2000, huyện uỷ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đã xác định cần tập trung trí tuệ, dồn tâm sức cho sự phát triển đi lên của huyện. Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế Đảng bộ huyện chỉ rõ: “Tiếp tục chủ trương tập trung sức cho phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt
trận hàng đầu, gắn sản xuất nông lâm nghiệp với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá; xây dựng các vùng chuyên canh đi đôi với việc phát triển kinh doanh tổng hợp” [5, tr. 155].
Căn cứ vào thực tế địa phương với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy cao độ tính chủ động, năng động sáng tạo, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra những mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cao cho phát triển nông nghiệp trên cơ sở đổi mới kinh tế nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hợp lý theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo đảm nhu cầu lương thực cho tiêu dùng và tăng nhanh lượng hàng hóa nông sản thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2000, nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%/ năm; giá trị nông - lâm nghiệp tăng 11,11%/ năm; giá trị tiểu thủ công nghiệp tăng 20,44%/ năm; giá trị xây dựng tăng 24,88%/ năm; dịch vụ tăng 19,38%/ năm.
Thực hiện cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp là 62,19%, tiểu thủ công nghiệp 3,10%, xây dựng 12,45%, dịch vụ 22,56%” [5, tr. 154].
Trong những năm 1996 - 2000, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Dũng quán triệt và đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ XVII trong hoàn cảnh quốc tế, trong nước và địa phương có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn đó là: nền kinh tế của huyện ở điểm xuất phát thấp, chủ yếu vẫn thuần nông; cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - vật chất kỹ thuật và hạ tầng cơ sở chậm phát triển chưa theo kịp với yêu cầu của sự đổi mới, nguồn thu ngân sách thấp. Song 5 năm 1996 - 2000 với tinh thần nỗ lực phấn đấu vươn lên vì sự nghiệp đổi mới của Đảng vì cuộc sống của nhân dân, Đảng bộ và nhân dân Yên Dũng đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đề ra. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng trong đó đổi mới
kinh tế làm trọng tâm. Huyện ủy và các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, khai thác tiềm năng của địa phương tiếp tục đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH và đã đạt được những thành tựu nổi bật. Thành tựu nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH những năm trước năm 2001. Cụ thể :
Về sản xuất nông - lâm nghiệp - Về nông nghiệp
Ngành trồng trọt:Tổng diện tích gieo trồng năm 2000 đạt 22.155,34 ha, so với năm 1995 tăng 2,2%; cây lúa năm 2000 đạt 17.137 ha so với năm 1995 tăng 6,1%. Cây ngô trong 5 năm bình quân trồng được 871 ha, đỉnh cao năm 1997 trồng được 1.478 ha; tổng sản lượng lương thực quy ra thóc năm 1995 đạt 61.312 tấn, năm 1999 đạt 71.919,5 tấn, năm 2000 là 80.845 tấn vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra năm 2000 là 10.845 tấn. Trong đó sản lượng thóc tăng nhanh từ 53.656,5 tấn năm 1995 lên 76.199,1 tấn năm 2000. Lương thực bình quân đầu người cũng tăng khá từ 377 kg năm 1995 lên 495 kg năm 2000, so với chỉ tiêu Đại hội đề ra vượt 100 kg/người/năm. Năng suất lúa tăng từ 33,23 tạ/ha năm 1995 lên 39,32 tạ/ha năm 1999 và năm 2000 là 44,4 tạ/ha, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra là 4,4 tạ/ha. Một số cây công nghiệp ngắn ngày phát triển khá như cây lạc tăng so với năm 1995 là 8,9 %. Hệ số sử dụng đất năm 2000 đạt 2,14 lần tăng so với năm 1995 0,2 lần [7, tr. 15].
Ngành chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc gia cầm, thuỷ sản trong 5 năm 1996 - 2000 tuy có gặp khó khăn do dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm nhưng cũng có bước phát triển khá, đàn bò đàn lợn đều tăng. Đàn bò đạt 11.000 con tăng 19,2% so với năm 1995, trong đó 1.764 bò lai Sind; đàn lợn đạt 66.000 con tăng so với năm 1995 là 20,4%; đàn gia súc gia cầm tăng mạnh đạt 850.000 con tăng gấp 2 lần so với năm 1995. Diện tích mặt nước có khả năng
nuôi trồng thuỷ sản đã được khai thác, sản lượng hàng năm đạt 1.000 tấn.
Nhiều hộ nông dân đã đầu tư cao cho nghề chăn nuôi, mô hình VAC phát triển khá, cho thu nhập có hiệu quả kinh tế [7, tr. 16].
- Về lâm nghiệp
Thực hiện chương trình 327 và chương trình 661 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và cùng với các chính sách đầu tư của nhà nước việc thực hiện các dự án theo mô hình nông - lâm kết hợp đã đạt kết quả tốt. Đến năm 2000 đã giao được 2.305/2.512 ha đồi núi cho 1.341 hộ trồng cây; các hộ đã trồng được 1.338,6 ha rừng và 2.460.000 cây phân tán, phong trào trồng rừng được phát triển mạnh, nhiều hộ đã trồng được hàng chục ha cây lấy gỗ, màu xanh của dãy núi Nham Biền dần dần trở lại, môi trường sinh thái được cải thiện [7, tr. 17].
Huyện ủy và nhiều cấp ủy cơ sở đã tập trung chỉ đạo khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, cải tạo vườn tạp, phát triển nhanh. Năm 2000 toàn huyện có 786,5 ha cây ăn quả, trong đó 576 ha vải thiều, có 394,6 ha cho thu hoạch. Mô hình về xây dựng vườn rừng, đồi rừng kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi gia súc được khẳng định và có hiệu quả. Có 349 hộ có diện tích trồng cây ăn quả tập trung từ 3.600 m2 trở lên. Từ kinh tế đồi rừng vườn cây ăn quả đã góp phần đáng kể tăng thu nhập cho các hộ nông dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người lao động [7, tr. 18].
Về kinh tế nông thôn
Chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH.
Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, quá trình phát triển nông nghiệp đã gắn bó với quá trình xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống người nông dân. Một số ngành nghề truyền thống như: mây, tre đan, nghề
mộc…được phục hồi và có bước phát triển, mạng lưới dịch vụ nông nghiệp được củng cố và mở rộng.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới có bước phát triển. Việc ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống cây trồng, vật nuôi mới có tính ưu việt làm cho năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tăng khá, đã cơ giới hóa 60 -70% khâu làm đất. Nhờ những kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã tác động đến việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, làm tăng hiệu quả sản xuất và chế biến. Trên 90% cây hàng năm sử dụng giống mới; giống cây lâu năm được sản xuất phổ biến bằng phương pháp vô tính. Hoàn thành chương trình nạc hóa đàn heo, Sind hóa đàn bò để phục vụ chương trình bò sữa. Ngành cơ khí đáp ứng được đa dạng các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Công nghiệp chế biến phát triển nhanh gắn với vùng nguyên liệu. Giá trị sản lượng công nghiệp chế biến giai đoạn 1996 - 2000 tăng bình quân 14,5%/năm. Năm 2000 sản lượng ngành chế biến nông sản chiếm 28% tổng giá trị sản lượng ngành công nghiệp [7, tr. 18]. Một số doanh nghiệp bắt đầu phát triển cơ sở chế biến, đưa trạm thu mua nông sản về nông thôn.
Xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm.
Đảng bộ đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm xá xã, đường điện, các công trình thuỷ lợi. Từ các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung từ ngân sách, vốn từ các chương trình mục tiêu huy động trong dân.
Về xây dựng cơ bản trong 5 năm 1996 - 2000 tổng giá trị xây dựng cơ bản đạt 80 tỷ 512 triệu đồng, so với nhiệm kì 1991 - 1995 tăng 56 tỷ đồng.
Trong đó làm đường giao thông 47 tỷ 208 triệu, xây dựng trường học 10 tỷ, các công trình khác 10 tỷ 164 triệu, xây dựng trung tâm y tế huyện và trạm xá 3 tỷ, xây dựng đường điện 10 tỷ, các công trình khác 10 tỷ 164 triệu. Các
công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: trường học các xã Đồng Việt, Đồng Sơn, Cảnh Thụy, Yên Lư, Đồng Phúc, Nham Sơn, Tiền Phong; tranh thủ vốn cấp trên về xây dựng được trường cao tầng cho các xã:
Lãng Sơn, Hương Gián, Tân Mỹ, Song Khê, Nội Hoàng, thị trấn Neo, Tân Liễu và Thắng Cương; xây dựng bến phà Đồng Việt, đường 299, 284, nhà Huyện ủy, nhà kỹ thuật bệnh viện, nhà làm việc của các xã, trạm xá, công trình nước sạch của thị trấn Neo đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng. Việc xây dựng nhà kiên cố của nhân dân với tốc độ phát triển nhanh [7, tr. 19].
Công tác thuỷ lợi : Hoàn thành tốt công tác đắp đê, phòng chống thiên tai: đắp được 969.900 m3 trong đó có đê Trung ương 167.000 m3, đê Ba Tổng 349.900 m3, đê Bối 453.000 m3, kè lát đá 28.500 m3 chiều dài 8 km. Cùng với việc đắp đê, tu sửa kè cống nhân dân đã tích cực phòng chống lụt bão, đảm bảo về an toàn cho sản xuất và tài sản tính mạng cho nhân dân. Công tác thủy nông đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo nên việc tưới tiêu, thu thủy lợi phí, tu sửa máy móc, cứng hóa kênh mương có sự chuyển biến, xây dựng mới được các trạm bơm Trí Yên, Quỳnh Sơn phục vụ sản xuất, góp phần tích cực cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện [7, tr. 20].
Hệ thống dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được quan tâm xây dựng và phát triển, đặc biệt là hệ thống chợ nông thôn, các điểm đại lý giao dịch vật tư kỹ thuật...góp phần sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nông dân ở nông thôn, đặc biệt dân các xã vùng sâu, vùng xa.
Quan hệ sản xuất được đổi mới phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nông thôn. Kinh tế trang trại hình thành, kinh tế hợp tác được đổi mới và xuất hiện một số mô hình sản xuất có hiệu quả, mở đường cho hướng phát triển mới, là mô hình hấp dẫn với người nông dân như: tranh thủ diện tích trống, diện tích mặt ao để làm trang trại theo các mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) hay VACR (vườn, ao, chuồng, rừng)
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét theo hướng văn minh, tiến bộ. Số hộ kinh tế khá giả và giàu tăng lên. Thu nhập bình quân/người ở nông thôn năm 2000 đạt 1,2 triệu đồng. Các phương tiện phục vụ sinh hoạt của người dân như: nhà ở kiên cố, và bán kiên cố, máy thu thanh thu hình, điện thoại xe máy, đều tăng đáng kể. Trình độ làm chủ và ý thức chính trị của nông dân được nâng lên, tinh thần sáng tạo, tự chủ, tự lực tự cường được phát huy.
Trong những năm trước 2001, CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn của Yên Dũng đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
Một là, nông nghiệp Yên Dũng phát triển nặng về chiều rộng, nhiều loại nông sản đã được sản xuất với quy mô khá lớn, nhưng việc xác định thật sự đâu là sản phẩm chủ lực, thế mạnh hoặc sản phẩm để tạo nền tảng cho nông nghiệp Yên Dũng phát triển bền vững và có hiệu quả thì chưa rõ ràng vì có sản phẩm nhưng người dân trong huyện chưa biết tạo ra thương hiệu cho sản phẩm.
Hai là, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch chậm và chưa ổn định, vẫn mang tính chất thuần nông. Một số cây trồng, vật nuôi lợi thế như: vải, nhãn, hồng, na,...chăn nuôi lợn, bò, dê, gà,vịt,...phát triển chưa ổn định, còn mang yếu tố tự phát theo nhu cầu thị trường nhất thời dẫn đến tình trạng cung vượt cầu ở từng thời điểm, gây tác động xấu đến sản xuất.
Ba là, việc nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại chưa trọng tâm, trọng điểm nhất là đối với vùng nguyên liệu tập trung và những cây con chiến lược. Công nghệ sinh học chỉ mới phát huy tác dụng chủ yếu ở khâu giống, các khâu khác còn hạn chế. Tỷ lệ nông sản qua chế biến còn nhỏ, trình độ công nghệ chế biến chưa cao. Năng suất chất lượng nông sản còn thấp, giá thành cao nên khả năng cạnh tranh còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
Bốn là, hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng nhanh khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn và xây dựng nông thôn mới. Hiệu suất khai thác các công trình thủy nông thấp, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào nước mưa, mạng lưới điện nông thôn vẫn chưa đủ khả năng phục vụ cho sản xuất.
Năm là, năng lực sản xuất của nông hộ còn yếu, kinh tế hợp tác xã hoạt động theo mô hình mới còn hạn chế, trình độ sản xuất chưa cao. Sự liên kết giữa các thành phần kinh tế chưa được phổ biến.
Sáu là, năng lực của hệ thống chính trị, việc đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ ở nông thôn chưa đáp ứng kịp yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần vùng nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa còn thấp, số hộ vượt nghèo thiếu bền vững.
Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân cơ bản sau:
Do nhận thức vai trò, vị trí của CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn của cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ nên chưa có những chủ trương, chính sách thực hiện có hiệu quả. Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình mới, có hiệu quả còn hạn chế.
Nguồn nhân lực để phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn còn yếu và thiếu, nhất là lực lượng quản lý và kỹ thuật ở cơ sở.
Thực trạng nông nghiệp nông thôn Yên Dũng những năm 1996-2000 đặt ra yêu cầu phải tìm tòi, nghiên cứu con đường phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện theo hướng CNH, HĐH phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo bước đột phá đưa nông nghiệp nông thônYên Dũng phát triển, trở thành trọng điểm kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang.