Chương 3: NHẬN XÉT CHUNG VÀ MỘT SỐ
3.1.2. Một số hạn chế
- Kinh tế có tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chưa mạnh. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm.
- Sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, diện tích cây có giá trị cao còn ít, việc liên kết trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông, làm giảm hiệu quả sử dụng đất như: Song Khê, Đồng Sơn, Tiền Phong. Một số xã chưa chỉ đạo tốt chương trình sản xuất lúa hàng hóa: Tân Liễu, Quỳnh Sơn, Lão Hộ, Yên Lư.
- Chăn nuôi gia súc, gia cầm còn chậm phát triển, các mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm quy mô trang trại còn ít.
- Diện tích nuôi trồng thủy sản tuy lớn nhưng hiệu quả thấp do phân tán nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, phương pháp nuôi chậm đổi mới.
-Trình độ áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp, lao động thủ công còn phổ biến, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất còn lạc hậu. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp tuy đã được cải thiện nhưng so với yêu cầu phát triển của một nền nông nghiệp hàng hoá thì còn chưa đáp ứng được. Mức độ cơ giới hoá, điện khí hoá nông nghiệp tăng chậm, tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương còn chưa nhiều.
- Quy mô và nguồn đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút cao các nguồn đầu tư từ bên ngoài vào việc phát triển nông nghiệp của tỉnh.
- Hiệu quả sử dụng đất còn thấp, việc dồn điền đổi thửa diễn ra chậm, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đổi mới phương thức quản lý đất nông nghiệp và chính sách về đất còn hạn chế.
- Nhiều hợp tác xã sau chuyển đổi còn lúng túng trong sản xuất kinh doanh, chưa tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp chưa tạo được động lực mới thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Kinh tế trang trại còn chưa phát triển mạnh.
- Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, nhiều khu đồi chưa được phủ xanh, nạn chặt phá rừng vẫn diễn ra. Cháy rừng ở một số nơi như Nham Sơn, Yên Lư, Tiền Phong. Điều đó kéo theo tình trạng lũ quét xảy ra vào mùa mưa lũ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
- Kinh tế nông thôn đã chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, nhưng còn chậm và không đồng đều giữa các vùng miền.
Nguyên nhân của hạn chế Về khách quan
- Là một huyện miền núi, từ điểm xuất phát thấp, kinh tế thuần nông, trình độ kỹ thuật canh tác lạc hậu, cơ cở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng còn thấp kém; điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, nền kinh tế - xã hội còn chịu tác động của mặt trái của cơ chế thị trường.
- Thị trường thế giới trong những năm đầu thế kỷ XXI có nhiều biến động bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trong quá trình từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới, kinh tế cả nước, kinh tế tỉnh Bắc Giang nói chung và kinh tế huyện Yên Dũng nói riêng luôn chịu tác động của thị trường và giá cả của khu vực và của thế giới. Song sản xuất nông sản của huyện vẫn chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, phân tán, kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu nên việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới là rất khó khăn.
Về chủ quan
- Một số chủ trương, kế hoạch của huyện về kinh tế còn chậm được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện. Chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng bộ địa phương. Tổ chức phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan trong một số việc còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Đầu tư chưa thỏa đáng cho nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ nông nghiệp còn ít.
- Cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nông nghiệp, nông thôn còn ít, trong khi đó trình độ dân trí và kiến thức về kinh tế thị trường của đại bộ phận nông dân rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hoá trong xu thế hội nhập. Chính quyền địa phương chưa có chính sách thu hút nhân tài về địa phương công tác lâu dài. Cán bộ còn trông chờ và ỷ lại vào cán bộ cấp trên.
- Tổ chức sản xuất nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ, việc tổ chức các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại gắn công nghiệp chế biến và xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Việc chỉ đạo, điều hành cũng có những lúc thiếu tập trung, đồng bộ, chưa kịp thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, đảm bảo môi trường, củng cố quốc phòng an ninh.
Những nguyên nhân nêu trên, ở những mức độ khác nhau đều tác động không nhỏ tới quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Yên Dũng. Để hạn chế và từng bước khắc phục khó khăn, có nhiều việc cần phải làm, trong đó trước hết phải thống nhất quan điểm, xác định phương hướng, quan trọng nhất là nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính khả thi. Dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, song đó chỉ là những khó khăn trong buổi đầu thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở một huyện thuần nông. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một nền nông nghiệp lạc hậu sang một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, kinh tế nông thôn đa ngành.