Quá trình chỉ đạo thực hiện

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện yên dũng (tỉnh bắc giang) lãnh đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn từ năm 2001 đến năm 2010 (Trang 78 - 105)

Chương 2: LÃNH ĐẠO TOÀN DIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM

2.2. Chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ năm 2006 đến năm 2010

2.2.3. Quá trình chỉ đạo thực hiện

Kết quả trong 5 năm huyện đã dành kinh phí trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ, khuyến khích nông dân đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chú trọng.

Mặc dù suy giảm kinh tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định, đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cả nước, như nông nghiệp tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Dũng nói riêng vẫn phát triển. Với sự chỉ đạo tích cực và nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn của Đảng bộ, kinh tế - xã hội tiếp tục đạt những thành tựu khá toàn diện các mục tiêu chương trình đã đề ra. Giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân hàng năm là 4,1%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt (trồng trọt năm 2005 là 60,73%, năm 2010 là 54,58%; Chăn nuôi năm 2005 là 33,4%, năm 2010 là 37,66%). Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 62 triệu đồng/ha/năm, tăng 2,2 lần so với năm 2005 [17, tr. 23].

Trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hoá, vùng sản xuất khoai tây chất lượng cao, khoai tây chế biến, vùng sản xuất củ đậu, dưa bao tử, đậu tương…

Về nông thôn phát triển theo hướng CNH, HĐH gắn kết với khâu thu mua một số loại nông sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế trang trại phát triển mạnh đã xuất hiện những mô hình sản xuất tập trung cho thu nhập cao, mô hình nuôi con đặc sản. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực:

-Về trồng trọt

Cây lương thực: Yên Dũng là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh, huyện đã xây dựng được thương hiệu “gạo thơm Yên Dũng”, vì thế diện tích trồng cây lương thực trong đó có cây lúa được mở rộng. Từ năm 2006 đến nay, Phòng nông nghiệp huyện đã kết hợp Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở khoa học và công nghệ, Trung tâm ươm giống cây trồng Bắc Giang chỉ đạo thực hiện dự án: chuyển giao các giống lúa mới ngắn ngày cho năng suất, chất lượng như: Khang Dân, CR 203, C70, C71, PT, giống lúa Tám thơm, nếp Hoa Vàng,…để thay thế cho các giống cũ đã thoái hoá, ít kháng sâu bệnh. Những giống này được đưa vào canh tác trên đồng đất Yên Dũng cho năng suất vượt trội, ít sâu bệnh được bà con nhanh chóng tiếp nhận và sản xuất ở diện rộng. Việc đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ giống mới được đầu tư. Cơ cấu giống lúa thay đổi qua mỗi mùa vụ sản xuất, tăng tỷ lệ những giống mới phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, khí hậu Yên Dũng cho năng suất, chất lượng cao, giảm sâu bệnh. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã cho thấy mặc dù diện tích trồng lúa giảm, nhưng năng suất và sản lượng lúa liên tục tăng qua các vụ. Diện tích lúa cao sản năm 2010 đạt 2.912 ha, năng suất trung bình 70 tạ/ha, góp phần đưa năng suất chung của huyện đạt 55,1 tạ/ha. Sản xuất lúa theo kỹ thuật mới tiếp tục được chỉ đạo phát triển mở rộng, diện tích lúa cấy theo kỹ thuật SRI, 3 giảm, 3 tăng; diện tích lúa thực hiện theo phương pháp sạ hàng càng được mở rộng. Năm 2010 diện tích lúa cấy theo kỹ thuật mới đạt 4.386 ha chiếm 26,5% tổng diện tích gieo cấy [17, tr. 24].

Cây thực phẩm: Diện tích cây hàng năm luôn ở mức 2.500 - 3.500 ha, đạt trên 87% kế hoạch. Trong đó diện tích trồng khoai tây qua các năm đạt 300 - 552 ha, diện tích khoai tây chất lượng cao, sạch bệnh tăng dần đến năm 2009 đạt 205 ha; các đơn vị trong chương trình mục tiêu đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất khoai tây như: Tư Mại, Đức Giang, Tân An, Tiến Dũng,

Nham Sơn, với các giống khoai tây chất lượng cao Sonala, Atlantic, Diamant…Trong sản xuất khoai tây, bước chuyển biến rõ rệt từ mô hình khoai tây chất lượng, sạch bệnh 3 ha tại xã Tư Mại năm 2006, từ năm 2007 đến nay đã phát triển được 30 ha với giống khoai tây Atlantic có năng suất cao từ 7 - 8 tạ/sào, sản phẩm sản xuất ra được ký kết bao tiêu sản phẩm với các nhà máy chế biến với giá thành cao, ổn định. Đã xây dựng được 3 kho lạnh bảo quản khoai tây giống có công suất trên 40 tấn/kho tại thị trấn Neo, Tân An nhằm chủ động cung ứng giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất.

Sản xuất nấm hàng năm đạt từ 800 - 1000 tấn nguyên liệu, trong đó chủ yếu là nấm rơm, nấm mỡ, mô hình trang trại sản xuất mộc nhĩ. Năng suất nấm rơm trung bình đạt trên 130 - 150 kg/tấn nguyên liệu; nấm mỡ đạt 230 - 250 kg/tấn nguyên liệu, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và được tỉnh đánh giá là huyện có phong trào sản xuất nấm và sản lượng nấm dẫn đầu tỉnh [17, tr. 21].

Cây công nghiệp ngắn ngày: Huyện đã tập trung chuyển đổi diện tích vàn cao không chủ động nước tưới, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như cây lạc, đậu tương (chủ yếu là cây lạc). Trung bình hàng năm diện tích cây lạc đạt 670 ha, sản lượng 1.350 tấn [17, tr. 21].

Những chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng tạo điều kiện để huyện xây dựng những cánh đồng sản xuất hàng hoá lớn, cho thu nhập cao.

Cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả chủ yếu sử dụng các giống lai tạo bằng phương pháp vô tính. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, canh tác theo quy trình công nghệ cao như: xử lý ra hoa rải vụ, hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm, bón phân qua đường ống, sử dụng giống phù hợp cho mỗi vụ, trồng dồn hàng, xen canh, trồng trong nhà lưới…đã cho năng suất cao hơn từ 100 - 140%, lợi nhuận tăng từ 30 - 60% so với công nghệ cũ. Sản phẩm dễ tiêu thụ, bán giá cao và tránh được thời điểm thu hoạch tập trung. Chất lượng

nông phẩm ngày càng được nâng lên với nhiều giống cây ăn quả chất lượng cao như: vải thiều, nhãn lồng, na dai, hồng không hạt, dứa cayen, xoài Ấn Độ…Như vậy việc ứng dụng quy trình này đã trở thành nhu cầu của những người trồng cây ăn quả và cây công nghiệp.

- Về chăn nuôi

Cùng với sự phát triển của trồng trọt, chăn nuôi cũng có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong nông nghiệp. Sự thay đổi phương thức chăn nuôi từ sản xuất truyền thống, tận dụng sang chăn nuôi thâm canh, công nghiệp và bán công nghiệp; cùng với tăng về quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, có hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, có hệ thống xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Đồng thời có sự chuyển dịch về cơ cấu giống, loài vật nuôi, sự chuyển biến tăng về cả số lượng và chất lượng đàn vật nuôi đã góp phần làm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm vật nuôi.

Tình hình dịch bệnh trong năm 2005, 2006 diễn biến khá phức tạp. Một số xã xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên gia súc, tuy nhiên do phát hiện sớm và chỉ đạo nghiêm túc các biện pháp dập dịch, tiêu độc, khử trùng và tiêm vacxin, nên dịch bệnh được khống chế, góp phần ổn định sản xuất. Đã tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cho 75.000 lượt con lợn, 20.000 lượt con trâu, bò; tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đợt 1 và đợt 2 cho trên 1,2 triệu con. Tính đến năm 2006 tổng đàn lợn là 84.834 con, đến năm 2010 đàn lợn tăng lên với tổng đàn lợn là 91.610 con, trong đó lợn thịt 76.728 con, lợn nái 14.882 con. Nhờ chú trọng tuyển chọn những giống gia súc có năng suất cao, phù hợp với chăn nuôi ở Yên Dũng, tỷ lệ nạc đạt 55 - 60 %, tăng mức đẻ từ 1,7 lên 2 lứa/năm. Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm cuối năm 2005 nên đàn gia cầm giảm mạnh, nhất là thuỷ cầm. Nếu năm 2006 đàn gia cầm khoảng 682.000 con thì đến năm 2010 tổng đàn gia cầm là 860.000 con. Toàn

huyện có 15 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 100 con trở lên, 7 trang trại chăn nuôi gà với quy mô 2.000 con trở lên.

Chăn nuôi trâu bò của huyện trong những năm gần đây tăng không nhiều do việc đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu về sức kéo của đàn gia súc giảm mạnh, nhưng chuyển sang chăn nuôi lấy thịt, sữa nên đàn trâu, bò tăng. Năm 2006 tổng đàn trâu 2.920 con, đàn bò 16.653 con, năm 2010 đàn trâu giảm còn 2.403 con, đàn bò tăng với tổng số là 17.214 con. Đạt 100,6% kế hoạch; tỷ lệ bò lai Zêbu đạt 79,9%. Trên địa bàn toàn huyện có 151 trang trại, 600 gia trại [17, tr. 22]. Như vậy trong những năm gần đây, Yên Dũng đã chú trọng công tác phòng dịch trong chăn nuôi, đầu tư giống, phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ đầu ra cho chăn nuôi nên ngành chăn nuôi có điều kiện phát triển và dần dần trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.

Về thuỷ sản

Năm 2006 chuyển đổi được 125 ha ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, đạt 100 % kế hoạch, nâng tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện lên 976 ha, trong đó có 56 mô hình nuôi thuỷ sản quy mô từ 2 ha trở lên, bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi thuỷ sản có quy mô khá theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Đến năm 2010 diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 1.324 ha đạt 100% chỉ tiêu đại hội đề ra. Thực hiện mở rộng mô hình chăn nuôi cá thâm canh, bán thâm canh, nuôi cá kết hợp với chăn nuôi, kết hợp với lúa cá… để nâng cao năng suất cá trên một đơn vị diện tích. Năm 2010 diện tích nuôi cá thâm canh đạt trên 40 ha, năng suất trung bình đạt 8-10 tấn/ha, có nhiều hộ cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng thuỷ sản năm 2010 đạt 4.572 tấn, đạt 117% tăng so với mục tiêu Đại hội. Huyện đã chỉ đạo trợ giá giống và cung ứng con cá giống với các loại như: cá chép lai ba máu, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá trắm đen, cá mè, cá trôi, ba ba…Một số mô hình cho kết quả tốt như: nuôi cá thâm canh ở Đồng Phúc, nuôi cá lồng ở xã Lão Hộ, mô hình lúa - cá, nuôi tôm càng xanh ở xã Tân Liễu…trong

những năm tới tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trồng thuỷ sản này. Mô hình VAC, kinh tế trang trại phát triển mạnh.

Về lâm nghiệp

Giai đoạn 2006 - 2010 đã hoàn thành kế hoạch trồng tập trung 200 ha rừng và 52.000 cây phân tán; làm mới 11 km băng cản lửa, kiện toàn 07 tổ bảo vệ rừng chuyên trách, kiểm tra, xử lý 23 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, thu nộp ngân sách 73 triệu đồng. Công tác trồng, chăm sóc bảo vệ rừng được chú trọng, đã trồng mới 758 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đến nay tỷ lệ che phủ rừng chiếm 10,8%.

Tình hình cơ giới hoá nông nghiệp có nhiều chuyển biến, thể hiện qua việc tăng nhanh về cả số lượng và mã lực các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo được tính thời vụ trong gieo trồng, tăng năng suất lao động, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đã cơ giới hoá 95% khâu làm đất, khâu gieo trồng cây ngắn ngày, những nơi đất đá lộ đầu nhiều thì tỷ lệ cơ giới hoá bình quân 40 - 50%.

Khâu sơ chế và chế biến sản phẩm sau thu hoạch đạt 85%, một số nông sản khác chỉ cơ giới hoá công đoạn xay xát, còn khâu sấy chủ yếu phơi nắng để làm khô. Vì vậy tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, nhất là vụ hè thu khi thu hoạch gặp mùa mưa.

Về nông thôn

Cơ sở hạ tầng nông thôn

Hệ thống lưới điện: Trong giai đoạn 2006 - 2010 nguồn cung cấp điện cho huyện vẫn là trạm 110 KV Đồi Cốc - Bắc Giang. Trạm Đồi Cốc cùng với trạm Đình Trám, Lục Ngạn, đảm bảo cung cấp đủ công suất điện cho toàn bộ tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Dũng nói riêng.

Mục tiêu bố trí lưới điện 2005 - 2010 là mở rộng mạng lưới điện nông thôn, đặc biệt là các xã khó khăn, đảm bảo cho 100% số hộ có điện lưới quốc gia. Đến năm 2010, 100% xã có điện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần dân trí cho người dân.

Đường giao thông: Huyện đã huy động nhiều nguồn vốn tham gia đầu tư, xây dựng, nâng cấp sửa chữa đường giao thông nông thôn. Tiếp tục duy trì phong trào cứng hoá đường giao thông nông thôn, đã cứng hoá được 29 km, đạt 88% kế hoạch. Thi công xong hạng mục sửa chữa mặt đường tuyến Ninh Xuyên - Ổ Cá, san lấp ổ gà tuyến Tiền Phong - dốc Sở; chỉ đạo thi công đường từ tỉnh lộ 398 - đi Đồng Phúc đạt 50% khối lượng, đường Tân Dân - Lão Hộ đạt 60% khối lượng, đường Tân Dân - Hương Gián đạt 95% khối lượng, đường Quỳnh Sơn - Xuân Phú đạt 90% khối lượng. Phối hợp chỉ đạo thi công, nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 398 Tiền Phong - thị trấn Neo.

Huyện đã thống kê tình hình hoạt động của một số loại phương tiện, toàn huyện có : 15 xe vận tải nhỏ, 218 xe máy kéo nhỏ, 29 xe cơ giới 3 bánh, 10 xe cơ giới 3 bánh của thương binh và người tàn tật. Chỉ đạo thống kê, kiểm điểm phân loại xong các vi phạm hành lang giao thông ở 16/16 xã, thị trấn có đường tỉnh lộ và đường sắt đi qua để đảm bảo tham gia giao thông một cách an toàn. Yên Dũng là huyện có nhiều con sông chảy qua nên chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động của các bến khách ngang sông, kiểm tra hoạt động trở khách ngang sông tại 12 bến đò, và 11 phương tiện đò, đình chỉ hoạt động của phương tiện tại 02 bến, cấp thêm 01 giấy phép mở lái đò, tổ chức tập huấn về bến đò an toàn cho các xã có bến đò và chủ đò [17, tr. 23].

Công tác thuỷ lợi giai đoạn 2006 - 2010 được tiếp tục đầu tư để phục vụ sản xuất. Hoàn thành đắp 13.500 m3 đất và đổ 550 m3 bê tông mặt đê Trung ương, đê Ba Tổng, đắp được 38.000 m3, kè lát đá 1.282 m3, đắp đê bối 48.000 m3. Xây dựng 3 cống và khâu đê bối tại 2 xã Lãng Sơn và Trí Yên thuộc các hạng mục khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2008. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng chống lụt bão.

Nước sạch, vệ sinh môi trường: Đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ 60,21% năm 2006 lên 87,24% năm 2010 [17,tr. 24]. Chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng túi ủ Biogas đến người dân,

nâng tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh tăng qua các năm, từ 45%

năm 2006, lên 64% năm 2010. Có 87% xã thu gom rác thải, cơ sở chế biến nông nghiệp, làng nghề xử lý chất thải đạt chuẩn từ 48% năm 2008 tăng lên 65% năm 2010 [17, tr. 24].

Ngành nghề ở nông thôn

Việc phục hồi các làng nghề truyền thống ở nông thôn không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về văn hoá - xã hội. Mỗi sản phẩm truyền thống đều mang bản sắc của mỗi địa phương, song các sản phẩm cũng luôn được cải tiến phù hợp với cuộc sống trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, văn hoá, xã hội ngày càng phát triển. Mặt khác, trong điều kiện khó khăn về kinh tế thị trường, các làng nghề cần được hỗ trợ từ phía Tỉnh và Nhà nước về chính sách phục hồi, phát triển làng nghề, các chương trình hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ tiếp thị, xuất khẩu.

Năm 2010 huyện Yên Dũng có 5 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Trong đó phải kể đến các làng nghề sau: Làng Nghề Đông Thượng - xã Lãng Sơn, làng nghề Song Khê - xã Song Khê, làng nghề Thuận Lý, Đông Thắng xã Tiến Dũng, thôn Lực xã Tân Mỹ. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp như: cơ sở gốm làng Ngòi- xã Tư Mại, nghề mây tre đan ở thôn Cầu Thượng, Cầu Hạ - xã Đức Giang, nghề chẻ tăm tre lụa xuất khẩu ở thôn Sỹ, Trung, Nội, Chiền xã Nội Hoàng và một số nghề mây giang xiên, hàng bốc ở một số địa phương như: Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân An…

Năm 2010 toàn huyện có 3.550 cơ sở sản xuất với 10.750 lao động, trong đó có 1.420 cơ sở với 3.266 lao động chuyên nghiệp; các ngành nghề sản xuất chủ yếu là chế biến lương thực, sản xuất sản phẩm phi kim loại, chế biến gỗ, đồ mộc, nhôm kính, xây dựng, khai thác cát sỏi, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất sản phẩm mây, tre, nan sản xuất trang phục.

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện yên dũng (tỉnh bắc giang) lãnh đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn từ năm 2001 đến năm 2010 (Trang 78 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)