Chương 1:LÃNH ĐẠO CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2005
1.2.3. Sự chỉ đạo thực hiện
Từ sự chỉ đạo của BCH Đảng bộ huyện, nhân dân trong huyện Yên Dũng thi đua sản xuất và đã đạt được những thành tựu về nông nghiệp nông thôn
theo hướng CNH, HĐH. Giai đoạn 2001 - 2005, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, cúm gia cầm, giá vật tư tăng, giá tiêu thụ một số nông sản chủ lực của huyện giảm mạnh làm thu nhập và đời sống của người nông dân giảm sút. Trong điều kiện khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Giá trị tổng sản phẩm của huyện tăng bình quân hàng năm đạt 11,27 %; trong đó giá trị ngành nông - lâm - thủy sản tăng 6,37%; công nghiệp - xây dựng tăng 24,1%; thương mại, dịch vụ tăng 23,89% [8, tr. 21]. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực:
Về nông - lâm nghiệp - thuỷ sản
Tính đến hết năm 2005, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp theo CNH, HĐH đều đạt và vượt mức. Giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân hàng năm là 5,7%, trong đó trồng trọt tăng 4,6%, chăn nuôi tăng 5,1%, dịch vụ nông nghiệp tăng 7,4% [8, tr. 24]. Cụ thể:
Về nông nghiệp: Giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân hàng năm là 5,7%. Trong đó trồng trọt tăng 4,6%, chăn nuôi tăng 5,1%, dịch vụ nông nghiệp tăng 7,4% [8, tr. 25].
Đẩy mạnh trồng trọt và mở rộng diện tích canh tác. Được sự chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ về giống mới và cơ cấu mùa vụ, nên ở các xã vùng trũng ngoại đê diện tích cấy lúa tái giá tăng lên rõ rệt, đã góp phần tăng diện tích và sản lượng lương thực giải quyết được lương thực dự trữ cho các xã trong huyện, đặc biệt là các xã có đê bối. Diện tích gieo trồng năm 2005 đạt 23.216 ha, tăng 3% so với năm 2001, cây lúa đạt 17.763 ha, tăng 1,1% so với năm 2001, với trên 80% diện tích là lúa lai và lúa thuần; diện tích cây ngô bình quân hàng năm đạt 584,4 ha; năng suất lúa bình quân năm 2005 đạt 50,24 tạ/ha, tăng 6,74 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 92.506 tấn, tăng 11.661 tấn, lương thực có hạt bình quân trên đầu người đạt 566 kg, tăng 17,4% so với năm 2000, vượt chỉ tiêu Đại hội 8,8% [8, tr. 28].
Diện tích cây công nghiệp bình quân hàng năm đạt 674 ha; cây thực phẩm đạt 2.338 ha, với một số cây trồng chủ yếu là lạc, đỗ tương, đỗ, xu hào, bắp cải, cà chua…cây ăn quả đạt 1.037 ha. Những loại cây này đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trong ngành trồng trọt. Toàn huyện có 40 cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm. Có 800 hộ có thu nhập đạt 50 triệu đồng/năm từ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ và phát triển ngành nghề [8, tr. 29].
Yên Dũng trở thành một trong những huyện nhiều năm đứng đầu tỉnh về năng suất lúa, đưa giá trị bình quân trên một diện tích canh tác đạt 20 - 25 triệu đồng/năm. Tổng sản lượng lương thực đạt hơn 92.000 tấn, tăng 17,9% so với năm 2001 (chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra là 85.000- 90.000 tấn) [5, tr. 199].
Về chăn nuôi, mặc dù sự phát triển của chăn nuôi còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế và đời sống nhân dân, nhưng trong 5 năm 2001 - 2005, ngành chăn nuôi của huyện đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng của sản xuất hàng hóa. Đã có một số mô hình chăn nuôi theo quy mô công nghiệp và bán công nghiệp đem lại hiệu quả. Đến năm 2005 Chương trình Sind hóa đàn bò được thực hiện có hiệu quả, chiếm tới 54% tổng số đàn bò, tăng 40 % so với năm 2001. Năm 2005, đàn bò ước đạt 13.000 con đứng thứ 2 toàn tỉnh [5, tr. 200] ; nạc hóa đàn lợn được nhân rộng, đàn lợn tăng 5,98% và đàn gia cầm tăng 9,24% so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII. Đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản theo mô hình trang trại, đưa một số giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Huyện chỉ đạo xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm. Đến cuối năm 2005, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa từ ô ruộng nhỏ thành những ô ruộng lớn, khắc phục tình trạng manh mún trong canh tác, tạo điều kiện khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai theo hướng sản xuất lớn trong nông nghiệp.
Đồng thời với quá trình lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho 97,61% hộ sử dụng đất nông nghiệp; 94% hộ sử dụng đất lâm nghiệp; 92% hộ ở nông thôn và 99% số hộ ở thị trấn, thị tứ.
Về lâm nghiệp
Yên Dũng là một huyện miền núi nên có nhiều điều kiện để phát triển trồng rừng. Nếu như ở giai đoạn trước những năm 2001 việc thực hiện Chương trình 327 và 661 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng phòng hộ được nhân dân đồng tình ủng hộ đạt kết quả khá thì đến giai đoạn sau (2001 - 2005), công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tiếp tục được thực hiện và đạt kết quả cao. Trong 5 năm huyện đã trồng được 905 ha rừng phòng hộ, trong đó trồng mới là 440 ha, trồng bổ sung cây thông lấy nhựa cho 465 ha rừng có chất lượng kém, trồng 700.000 cây phân tán; nâng độ che phủ rừng đạt 25%.
Công tác chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng được quan tâm và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, bình quân mức đầu tư cho 1 ha rừng hàng năm trong 5 năm qua đạt 3,6 triệu đồng [5, tr. 203].
Như vậy, ngành lâm nghiệp những năm 2001-2005 đã có bước chuyển sang phát triển theo hướng bền vững, hoạt động khai thác giảm nhưng thường xuyên trồng rừng để nâng cao tỷ trọng trồng mới. Điều chỉnh lại cơ cấu và mật độ trồng rừng để đảm bảo hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Về thuỷ sản
Yên Dũng là huyện có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, với diện tích ao, hồ, đầm khá lớn. Những năm trước vẫn còn hiện tượng chưa sử dụng hết diện tích mặt nước, hoặc sử dụng một cách manh mún, tự phát, nuôi trồng chưa trọng tâm, trọng điểm, thậm chí còn bỏ hoang. Nhưng trong những năm gần đây phong trào cải tạo mặt nước, ao, hồ để nuôi cá và con đặc sản phát triển, đến cuối năm 2005 diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đạt 912,7 ha; sản lượng
cá đạt 2.281 tấn, tăng so với năm 2001 là 298,7% [8, tr. 30].
Chương trình chuyển đổi diện tích cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản đang phát triển rộng khắp ở các xã có điều kiện, đã xuất hiện một số mô hình cấy lúa kết hợp với nuôi thả cá, nuôi con đặc sản bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập cao. Đến năm 2005, đã hình thành những vùng nuôi thả cá có diện tích lớn tại các xã: Cảnh Thụy, Tư Mại, Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Yên Lư, Tân Liễu, Tân An, Hương Gián.
Hai dự án đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản được tỉnh hỗ trợ đã được triển khai xây dựng, trong đó dự án thủy điện Đồng Cúi (Tân Tiến) đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ năm 1999 đến năm 2004, toàn huyện đã chuyển đổi 369,73 ha diện tích lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi thả cá và 122,55 ha sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp [5, tr. 198].
Như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không còn mang tính tự phát mà đã theo định hướng, quy hoạch; chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường. Diện tích cây trồng hiệu quả thấp bị thu hẹp và thay thế bằng các loại cây ăn quả, hoặc nuôi trồng thủy sản cho thu hoạch lớn và là sản phẩm đặc thù của địa phương như: vải thiều, nhãn, na, hồng, dứa,…những loại cây này đến năm 2005 trở thành những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn trong tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu chăn nuôi, khu công nghiệp chế biến công nghệ cao, tạo điều kiện cho nông sản có nơi tiêu thụ ổn định, giúp nông dân mạnh dạn hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó hình thành vùng chuyên canh nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư chiều sâu, tăng nhanh năng suất.
Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn
Từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Cơ sở vật chất, hạ
tầng kỹ thuật được nâng lên một bước khá rõ rệt, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, tạo môi trường thuận lợi để nông thôn phát triển sản xuất, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
Kết cấu hạ tầng nông thôn
Điện khí hóa: Giai đoạn 2001 - 2005 ngành điện tập trung đầu tư hệ thống điện nông thôn, xây dựng, lắp đặt đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp…nâng tổng số xã, phường, thị trấn có điện đạt 100%. Điện khí hóa đã thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn như: cơ khí sửa chữa, chế tạo công cụ nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, góp phần giải quyết việc làm cho người nông dân trong thời gian nông nhàn…
Cơ giới hóa nông nghiệp: Phát triển mạnh, vững chắc và từng bước đáp ứng toàn diện cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2005, số lượng máy móc và tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong nông nghiệp tăng đáng kể với trên 6.897 máy kéo các loại, 230 máy phụt lúa, 54.376 máy bơm các loại [8, tr. 27]. Các khâu canh tác từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch và sơ chế đã sử dụng máy móc khá phổ biến như: máy phun cao áp bón phân và thuốc trừ sâu, máy gặt lúa rải hàng, máy xay xát, tưới nước tự động, ống ngầm…Tuy nhiên, do điều kiện địa hình nên một số nơi dù cơ giới hóa khâu chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển đạt tỷ lệ khá nhưng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất thấp. Nhờ chú trọng đến cơ giới hóa nên đến năm 2005 đã có hơn 60% diện tích gieo trồng được làm bằng máy [8, tr. 26].
Trong chăn nuôi đã áp dụng máy móc, dây chuyền tự động hóa cho lợn, gà, bò ăn bằng máy, điều chỉnh nhiệt độ chuồng bằng máy vi tính, máy ấp trứng, máy vắt sữa bò. Trong thủy sản đã sử dụng máy bơm thổi sục khí phục vụ nuôi tôm.
Trong chế biến bảo quản có các loại máy sấy lớn, vừa và nhỏ; ngoài ra các hộ nông dân còn sử dụng máy sàng, nhiều loại máy xay sát, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi công suất lớn. Mức độ máy sấy ở Yên Dũng còn thấp, sơ chế chỉ đạt 10 - 30% nhu cầu. Năm 2005, có 140 máy sấy vải thiều nhưng chủ yếu sử dụng nguyên liệu củi và dầu; hơn nữa máy sấy chỉ được trang bị ở những cơ sở chế biến tập trung. Do chi phí cao, thời gian sử dụng không nhiều trong năm, thời gian thu hồi vốn kéo dài, giá nông sản chưa cao nên không khuyến khích nông dân đầu tư.
Thủy lợi hóa: Đối với nông nghiệp khâu thuỷ lợi có ý nghĩa rất quan trọng. Trung ương, tỉnh, huyện đều rất quan tâm tới vấn đề này. Điều đó đã thể hiện qua một số văn bản cụ thể. Từ năm 1996 - 2000, Chính phủ ban hành nghị định về kiên cố hóa kênh mương; Ban thường vụ tỉnh ủy có Nghị quyết về tăng cường công tác thủy lợi đến năm 2010 và đẩy nhanh chương trình kiên cố hóa kênh mương; Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định về đẩy nhanh thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương; Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết số 15/Nghị quyết - HĐND về ban hành bản quy định về Quy định huy động sử dụng vốn xây dựng nâng cấp đường giao thông, và kiên cố hóa kênh mương ở cơ sở; Uỷ ban nhân dân huyện có Kế hoạch số 634 - KH/UB ngày 26/10/1998 về chiến dịch làm đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương; Đảng bộ huyện Yên Dũng đã có Chương trình thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/HU ngày 12/10/2001 về phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2001 - 2005; Hội đồng nhân dân huyện đã có nghị quyết về thực hiện kiên cố hóa kênh mương.
Với chủ trương nêu trên, Yên Dũng đã vận động nhân dân cùng Nhà nước đẩy mạnh thực hiện kiên cố hóa kênh mương. Tính đến cuối năm 2010, tổng chiều dài kênh mương đã được kiên cố hóa là 47.432 km/268,1 km kênh mương hiện có, chiếm 17,7%. Các xã tổ chức tốt việc huy động nhân dân tham gia đóng góp để kiên cố hóa kênh mương là Tư Mại, Xuân Phú, Trí Yên…
Hàng năm, việc xây dựng và triển khai kế hoạch đắp đê phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức các đợt diễn tập tình huống được chỉ đạo thực hiện khá tốt. Yên Dũng đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác thủy lợi. Nhiều tuyến đê bao bọc, với tổng chiều dài lên tới 150 km, hàng năm đã được thực hiện tu bổ đạt 100% khối lượng. Trong 5 năm (2001 - 2005), đã đắp được 164.000 m3 đê Trung ương, 130.000 m3 đê Ba Tổng, 385.000 m3 đê bối, kè lát đá 6.000 m3, với chiều dài 3 km, đổ bê tông cứng hóa mặt đê dài 10 km, rải cấp phối mặt đường chống lụt 15 km, trồng 10 km tre chắn sóng. Việc cứng hóa kênh mương được đẩy mạnh. Từ năm 2001 đến đầu năm 2005, đã cứng hóa được 31 km kênh mương nội đồng, 10 km kênh mương cấp 1.
Nhiều công trình trạm bơm được nâng cấp như các trạm bơm: Tư Mại, Cống Bún, Yên Tập với số vốn 32 tỷ đồng. Do được quan tâm đầu tư lớn, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên các công trình thủy lợi đã phát huy tác dụng tốt trong tưới tiêu, phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Giao thông nông thôn: khá hoàn chỉnh, các công trình giao thông tiếp tục được đầu tư, trong 5 năm qua, được sự hỗ trợ ngân sách của các cấp cùng với sự đóng góp của nhân dân, toàn huyện đã trải nhựa và bê tông hóa được 44,75 km, trong đó đường quốc lộ 5,75 km; đường tỉnh lộ 9 km (cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng; Tân An - Chùa La); đường liên xã 30 km (Cảnh Thụy -Tư Mại; Ninh Xuyên - Ổ Cá; Hướng Gián - Kế; làng nghề Lãng Sơn; Tân Liễu; đê Đồng Sơn; Tân Tiến). Riêng đường giao thông nông thôn cứng hóa được 327,88 km, giá trị đầu tư đạt 62,1 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Đại hội 64%, có 124/197 thôn (chiếm 62,9%) số thôn đã cứng hóa mặt đường, có 103 thôn tỷ lệ cứng hóa đạt 100%, năm 2003 huyện được Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào phát triển nông thôn miền núi. Huyện được tỉnh đầu tư đang thi công xây dựng cầu Bến Đám, mở rộng tỉnh lộ 284 đoạn thuộc cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng [8, tr. 30].
Ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp
Chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn đã được Đảng bộ huyện xác định là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Trên cơ sở đó, huyện đã tiến hành quy hoạch cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và các xã lân cận như: Tân Mỹ, Tiền Phong; đẩy nhanh chính sách thu hồi vốn đầu tư, và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp thuê đất. Kết quả đến giữa năm 2005 đã có 39 tổ chức và cá nhân được chấp thuận đầu tư với số vốn đăng ký đạt 374 tỷ đồng trên mặt bằng diện tích cho thuê là 146,7 ha. Trong đó, thuộc cụm công nghiệp có 11 tổ chức, 4 cá nhân; ngoài cụm công nghiệp có 10 tổ chức và 14 cá nhân.
Nhằm phát trển đa dạng kinh tế nông thôn, và giải quyết việc làm cho người nông dân thời gian dư thừa, Huyện ủy đã tiếp tục quan tâm chỉ đạo khôi phục và mở rộng các làng nghề truyền thống như: mây, tre đan, nghề mộc, tạo điều kiện cho các cơ sở và hộ gia đình mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đăng ký học tập và chuyển nghề mới như: thêu ren, may công nghiệp...tăng cường đầu tư kinh phí thực hiện các dự án đào tạo nghề. Huyện đã chỉ đạo duy trì 6 làng nghề truyền thống, mở mang một số nghề mới như: mây giang siên, cuốn nứa,...góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động phổ thông, với mức thu nhập khoảng 20.000đ/ngày. Đã sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến công để thực hiện dự án đào tạo nghề và hỗ trợ đầu tư công nghệ mới với tổng kinh phí 546 triệu đồng. Đến giữa năm 2005, toàn huyện có 1.390 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2001, giá trị sản xuất hàng hóa hàng năm đạt 30 - 35 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng làng nghề mộc Lãng Sơn được triển khai nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất làng nghề. Tính đến năm 2005, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 54,2 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần so với năm 2001 (13,5 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng của sản xuất tiểu thủ công nghiệp bình quân là 32,5%/năm, gấp