Chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện nga sơn (tỉnh thanh hóa) lãnh đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo từ năm 2000 đến năm 2010 (Trang 20 - 30)

Chương 1: QUAN NIỆM VỀ XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO VÀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA HUYỆN NGA SƠN (TỈNH

1.1. Quan niệm về đói nghèo và chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo

1.1.2. Chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một lãnh tụ tối cao của Đảng và của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn của các dân tộc bị áp bức và nhân loại của thế kỷ XX. Lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ tên tuổi chói lọi Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa” thế giới.

Những di sản của Người sẽ sống mãi với thời gian, với cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, cho quyền được sống và được hưởng tự do, hạnh phúc của các dân tộc, của mỗi con người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Do đó, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đối với con người, đặc biệt là những người nghèo khổ xuất phát từ quan điểm Mác xít về con người và giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là thiếu niên đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Người đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Với tình yêu thương đồng bào phải chịu cảnh nước mất, nhà tan, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong hành trang ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, yêu nước và thương dân là hai yếu tố quan trọng nhất. Người đã từng khẳng định rằng: Lòng yêu nước của tôi với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi. Đó chính là sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, những người dân mất nước, nô lệ lầm than.

Chăm lo đời sống của nhân dân chính là chăm lo đến lợi ích của họ. Hồ Chí Minh trong tư tưởng cũng như trong hành động, luôn xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người lao động. Khi cách mạng mới thành công, tại phiên họp ngày 3/9/1945 của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ

cấp bách, trong đó có nhiệm vụ chống nạn đói. Điều này thể hiện bản chất của Chính quyền cách mạng và tình yêu thương của Bác đối với những người nghèo khổ. Người đã kêu gọi đồng bào cả nước “Sẻ cơm nhường áo”: “Hỡi đồng bào yêu quý. Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc bộ nước ta đã có 2 triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lũ, nạn đói càng tăng lên, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng” [67, tr. 31]. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (thành lập ngày 31/12/1945), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “…Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân đủ ăn 2. Làm cho dân đủ mặc 3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân được học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức cho tự do độc lập” [67, tr. 152]. Bác còn ra lời kêu gọi mọi người giúp đỡ người nghèo:“Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” [67, tr. 31]. Bằng tình yêu thương đối với những người nghèo khổ, Người đã gương mẫu thực hành tiết kiệm để cứu đói. Nhờ vậy mà phong trào “sẻ cơm nhường áo” đã thu hút đông đảo nhân dân cả nước tham gia.

Chính sách độc ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp như: ép thu thóc, bắt nhổ lúa trồng đay đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào Bắc bộ bị chết đói vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, kế đó lại bị lụt, bị hạn, lại bị bọn thực dân Pháp

gây chiến tranh ở Nam Bộ làm cho việc đem gạo từ Nam ra Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Nạn đói cũng hết sức nguy hiểm. Muốn chống giặc đói cũng phải huy động và tổ chức tất cả lực lượng của đồng bào toàn quốc: “ Nạn đói đã đến rồi. Nếu chúng ta không lập tức tìm hết mọi cách để chống nó, thì trong vài tháng nữa, nạn đói sẽ đè lên đầu dân ta” [67, tr. 93]. Người đã đề ra một số cách chống đói như: cấm nấu rượu, vùng này san sẻ thức ăn cho vùng khác, ra sức tăng gia trồng trọt các loại cây ngắn ngày. Nói tóm lại, bất cứ cách gì, hễ làm gì cho dân ta đỡ đói lúc này và ngăn ngừa nạn đói mùa sau chúng ta đều phải làm cả. Theo Người: “Công việc chống đói cũng như công việc to lớn khác, phải kiên quyết, phải phấn đấu, phải sẵn sàng hi sinh, phải đoàn kết nhất trí. Ví dụ: cấm nấu rượu gạo, cấm bánh ngọt trong mấy tháng thì những người có nghề đó chắc phải thiệt thòi. Nhưng các đồng bào đó cũng sẵn lòng hy sinh lợi ích của mình để cứu cho đồng bào khỏi nạn đói. Chắc không ai thấy đồng bào chết đói mà nỡ lòng no ấm một mình”[67, tr. 94].

Người cho rằng: “Chống nạn đói cũng như chống một cuộc ngoại xâm, ta nhất định thành công vì đồng bào ta ai cũng sẵn lòng hăng hái. Nhưng các bạn phụ trách các địa phương phải biết cách tuyên truyền, biết cách giải thích cho ai nấy đều hiểu rõ, đều thực hành. Các bạn phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ Cần, chữ Kiệm, chữ Hy sinh, chữ Công bằng thì các bạn phải thực hành trước; phải làm gương cho dân chúng noi theo”[67, tr. 94].

Trong “Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm” (3/1952), Hồ Chủ tịch đã nói: “Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, cải thiện đời sống nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như thế nhân dân mới càng thấy Chính phủ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân” [69, tr. 441]. Như vậy, xuất phát từ bản chất của chế

độ ta và nhạy cảm trước nhu cầu cấp thiết của nhân dân, Người đã đưa ra nhiều chính sách và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong sản xuất và tiết kiệm.

Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói (13/6/1955), Người đã nói: “Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên” nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”.

nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân.

Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[70, tr. 572]. Bác luôn là người quan tâm, chăm lo cho dân từ “miếng cơm manh áo”. Người hiểu rõ những nhu cầu thiết yếu của họ. Từ đó đã thu phục lòng dân và tập hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. “Vì vậy cán bộ Đảng và Chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” [70, tr. 572]. Cho nên: “Phải biết giáo dục, lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân tham gia sản xuất và tiết kiệm. Phải tiết kiệm là vì nếu được bữa nào xào bữa ấy thì sẽ thiếu vốn. Nếu cán bộ khéo léo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu” [70, tr. 572]. Người đã chỉ ra cách làm cụ thể để tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm nhằm chăm lo đến đời sống của nhân dân: “Vì nước ta là một nước nông nghiệp, mọi việc đều dựa vào nông nghiệp…cho nên chính sách tăng gia sản xuất và tiết kiệm là chính sách căn bản của chúng ta. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm để nâng cao đời sống của

nhân dân, khôi phục kinh tế, mở mang văn hóa và đề phòng đói, chống đói”

[70, tr. 572-573]

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà tư tưởng vĩ đại, một tấm gương trong sáng về đạo đức, lối sống. Tấm gương tiêu biểu về tính nhất quán quyết tâm thực hiện xóa đói giảm nghèo, không những chỉ riêng trong nước mà mong muốn của Người là xóa đói khổ cho tất cả mọi người trên thế gian. Trước lúc đi xa Người vẫn không thôi canh cánh bên lòng mối quan tâm đến con người và căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” [71, tr. 498].

“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [71, tr. 500].

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về chống đói nghèo đã được Đảng ta phát triển thành đường lối chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xóa đói giảm nghèo

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quyết tâm, kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội, xây dựng một chế độ xã hội mới vì con người. Phấn đấu vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Không chỉ chú trọng đúng mức đến vấn đề xóa đói giảm nghèo trong xã hội, với nhãn quan chính trị nhạy bén và với trách nhiệm cao cả trước nhân dân, Đảng đã đưa ra chương trình mục tiêu quốc gia “xóa đói giảm nghèo”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã có 14 chương trình cấp quốc gia và dự án đang được thực thi có nội dung gắn với xóa đói giảm nghèo.

Xóa đói giảm nghèo vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt. Trước đổi mới, với cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, mặc dù thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư phần nào được cải thiện, nhưng vẫn có hơn 70% dân số nghèo. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), chúng ta đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển từ bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta bắt đầu có bước phát triển, đem lại sự phát triển năng động trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ và lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường nảy sinh những mặt tiêu cực cần chú ý giải quyết như sự phân hóa giàu nghèo gây nên bất bình đẳng trong xã hội, cho nên xóa đói giảm nghèo là nội dung và nhiệm vụ cần thực hiện để đảm bảo công bằng xã hội. Thực tiễn cho thấy có nhiều nguyên nhân nảy sinh nghèo đói, do đó việc xóa đói giảm nghèo được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.

Chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (9/1991). Nghị quyết chỉ rõ: Cùng với quá trình đổi mới, tăng trưởng kinh tế phải tiến hành công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, tránh sự phân hóa giàu nghèo quá giới hạn cho phép.

Cương lĩnh xây dựng đất nước đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII thông qua đã khẳng định: “Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài;

giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội” [41, tr. 139]. Đến hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VII đã chủ trương: Trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành quỹ xóa đói giảm nghèo ở các địa phương trên cơ sở dân giúp dân, Nhà nước giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo. Hội nghị đã đưa ra tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội nông thôn. Đối mặt với tình trạng đói nghèo, lạc hậu nhất là ở vùng nông thôn, do đó phải khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp, đi đôi với xóa đói giảm nghèo, phấn đấu để mọi gia đình đều khá giả, đủ ăn, thu hẹp diện nghèo, vùng nghèo. Hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo từ đó đề ra những giải pháp phù hợp để xóa đói giảm nghèo, chuyển từ trợ giúp bằng bao cấp sang giáo dục, thuyết phục, kèm cặp, hỗ trợ để người nghèo cùng cộng đồng tự chủ vươn lên làm ăn khá giỏi, thực hiện một bước công bằng xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề ra mục tiêu cụ thể cho công tác xóa đói giảm nghèo đến năm 2000 là giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 20-25% hiện nay xuống còn khoảng 10% vào năm 2000, bình quân giảm 300.000 hộ/năm. Trong 2-3 năm đầu của kế hoạch 5 năm tập trung xóa cơ bản nạn đói kinh niên. Để triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, Chính phủ đã đưa ra chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo theo quyết định số 133/1998/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 3/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi. Trong đó có 1000 xã đặc biệt khó khăn; 1715 xã được tập trung giải quyết trong năm 1999. Tháng 11/1999 Chính phủ đã tổ chức Hội nghị quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Sau Hội nghị Chính phủ đã chỉ đạo

phân công cán bộ, đoàn thể và các tỉnh khá giúp các tỉnh nghèo, khuyến khích các cơ quan, xí nghiệp, tổng công ty nhận giúp xã, huyện xóa đói giảm nghèo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định:

Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ người nghèo phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo thường xuyên củng cố thành quả xóa đói giảm nghèo, đưa Nghị quyết Đại hội IX vào cuộc sống. Chính phủ đã phê duyệt chiến lược toàn diện về tăng trưởng xóa đói giảm nghèo và nhiều quyết định, chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo cho từng vùng, nhất là vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế và thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong văn kiện Đại hội IX của Đảng đã khẳng định: “Khuyến khích làm giàu hợp pháp, đồng thời ra sức xóa đói giảm nghèo”[38, tr. 163]. Mục tiêu chiến lược xóa đói giảm nghèo thời kỳ 2001-2010 do Đại hội IX đề ra là:

“Phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo. Thường xuyên củng cố thành quả xóa đói giảm nghèo” [38, tr. 211]. Đại hội cũng đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo “công tác xóa đói giảm nghèo trên phạm vi cả nước đạt kết quả nổi bật, được dư luận thế giới đánh giá cao” [38, tr. 162].

Do đó, việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo

“quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nghèo, xã nghèo; đồng thời nâng cấp cải tạo các tuyến trục giao thông, nối vùng nghèo, xã nghèo với các trung tâm của những vùng khác, nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho vùng nghèo, vùng khó khăn để phát triển. Đi đôi với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phải rất coi trọng việc tạo nguồn lực cần thiết để dân cư ở các vùng khó khăn đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo” [38, tr. 299].

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện nga sơn (tỉnh thanh hóa) lãnh đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo từ năm 2000 đến năm 2010 (Trang 20 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)