Chương 3: KẾT QUẢ VÀ KINH NGHIỆM CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN
3.1. Thành tựu và hạn chế
3.1.2. Hạn chế và nguyên nhân
Trong suốt 10 năm (2000-2010) thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo của huyện Nga Sơn đã đạt được kết quả to lớn có ý nghĩa quan trọng trên nhiều mặt, niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Chính quyền trong huyện ngày càng được củng cố và nâng cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo thực hiện còn một số hạn chế và nguyên nhân sau:
Một là, về nhận thức: Trong quá trình thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện không đồng đều ở các địa phương, nhiều xã, thị trấn có tốc độ giảm nghèo nhanh, bền vững, nhưng còn
một số xã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương tự vẫn còn tình trạng tái nghèo cao. Đây chính là biểu hiện ở việc nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo. Điều đó thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Chưa coi công cuộc xóa đói, giảm nghèo là yêu cầu cấp thiết hiện nay, là yêu cầu khách quan đặt ra đối với huyện Nga Sơn đang trên con đường tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên cho rằng xóa đói giảm nghèo là một vấn đề thuộc an sinh xã hội.
Xóa đói, giảm nghèo là vấn đề mang tính đạo lý, trách nhiệm, là việc riêng của Đảng, Chính quyền nên quá trình thực hiện còn thiếu đồng bộ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chưa chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo còn có lúc bị xem nhẹ và còn hình thức, chưa mang tính chất chiều sâu và liên tục, nên còn quan niệm cho xóa đói, giảm nghèo là một trong vấn đề thuộc chính sách xã hội mà chưa phải là nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội cần phải quan tâm hàng đầu.
Hai là, về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và các cấp Chính quyền trong huyện và xã. Mặc dù Đảng bộ huyện Nga Sơn và các cấp chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, song chưa tương xứng với yêu cầu của Chương trình xóa đói, giảm nghèo, chưa thường xuyên có Nghị quyết, chương trình hành động, kiểm tra, tổng kết công tác xóa đói, giảm nghèo theo định kỳ. Đôi lúc chỉ là những báo cáo mang tính chất câu nệ, nhiều địa phương còn mang tính chất đối phó với cấp trên trong vấn đề này. Hàng năm, công tác sơ kết, đánh giá báo cáo chủ yếu dựa trên những báo cáo của các xã gửi về. Báo cáo thường mang tính chất liệt kê số liệu, chưa phân tích đánh giá đầy đủ.
Mặc dù huyện và các cấp đã thành lập được Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo song do kinh phí cho người làm công tác này còn eo hẹp, chưa thu hút
được đội ngũ cán bộ có năng lực thật sự. Ban chỉ đạo ở cơ sở chưa đủ mạnh, vừa thiếu về nhân lực vừa yếu về quản lý. Công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách còn chung chung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đề ra. Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo chưa kịp thời tổng kết, tham mưu đắc lực cho Đảng bộ và Chính quyền địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát các Chương trình xóa đói, giảm nghèo còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Ba là, về quá trình chỉ đạo thực tiễn của Chương trình xóa đói, giảm nghèo Công tác điều tra và lập danh sách hộ đói, hộ nghèo ở một số địa phương ít được quan tâm, đôi lúc danh sách được lập ra trên cơ sở chủ quan của một số cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo ở thôn, xã.
Kết quả huy động quỹ, đặc biệt là nguồn vốn từ sự ủng hộ, đóng góp của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp đạt ở mức thấp, nhiều địa phương có tư tưởng ỷ lại, trong chờ vào Nhà nước. Vì thế, kinh phí cho Chương trình xóa đói, giảm nghèo hầu như dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Trong trình sử dụng vốn, một số xã, thôn mới chỉ tập trung chú trọng vào vốn mà coi nhẹ tìm cách thức, giải pháp xóa đói, giảm nghèo, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn không cao. Quá trình giải ngân vốn xóa đói, giảm nghèo còn chậm, đôi khi còn có biểu hiện quan liêu, dẫn đến chênh lệch giàu nghèo ở một số xã, thôn còn khá cao như: năm 2008 số hộ nghèo cuối kỳ của xã Nga Trường chiếm 30,88% trong khi đó ở xã Nga Thành chỉ còn 11,3%...
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo ở cơ sở còn nhiều sai sót. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước thường xuyên ban hành một số chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi cho người nghèo có cuộc sống ổn định, phát triển sản xuất và hòa nhập cộng đồng như: chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo và tạo công ăn việc làm cho người dân. Bên cạnh một số địa phương trong huyện thực hiện tốt, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân thì vẫn còn một số địa phương do năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu
trách nhiệm đã thực hiện sai, hoặc có tư tưởng ỷ lại. Điều đó làm cho hiệu quả của các chính sách thực hiện còn thấp, hộ dân tái nghèo ngày càng cao, nhiều chính sách, hỗ trợ thiết thực, tích cực bị lạm dụng, dẫn đến hưởng sai đối tượng chính sách gây mất niềm tin trong nhân dân.
Đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động chưa được quan tâm kịp thời, còn diễn ra tình trạng mang tính chất cục bộ địa phương. Nguyên nhân là do đặc điểm lao động của địa phương còn có nhiều hạn chế như không được đào tạo tay nghề, kỹ năng làm việc tập thể còn yếu, còn mang nặng phong cách làm việc của nền nông nghiệp, chậm chạp, ít thích nghi với nền kinh tế thị trường.
Sự lồng ghép chương trình xóa đói, giảm nghèo với các chương trình về kinh tế - xã hội ở trong huyện, xã còn chưa đạt đến sự thống nhất cao, dẫn đến sự chồng chéo giữa các cấp, ban, ngành.
Ngoài ra, công tác quy hoạch, các kế hoạch dài ngắn hạn lập dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có quy hoạch kinh tế - xã hội được duyệt, các quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết chưa được triển khai thực hiện nhiều. Còn quá ít các dự án khả thi trên địa bàn huyện.