Chương 2: CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN NGA SƠN (TỈNH THANH HÓA) THỰC HIỆN XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2010
2.1. Chủ trương và quá trình chỉ đạo của Đảng bộ huyện Nga Sơn (tỉnh
2.1.2. Quá trình chỉ đạo của Đảng bộ huyện Nga Sơn thực hiện xóa đói, giảm nghèo giai đoạn (2000-2005)
Dưới ánh sáng đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các cơ sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân huyện, sự phối hợp kết hợp chặt chẽ đồng bộ của các cơ quan ban, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, Đảng bộ, nhân dân trong huyện trong 5 năm (2000-2005) đã thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo một cách tích cực, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
2.1.2.1. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của huyện (2000- 2005), Đảng bộ huyện Nga Sơn luôn xác định xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước, vì đây là một trong số các dự án được quan tâm và chỉ đạo đồng bộ các nguồn vốn do Trung ương, tỉnh Thanh Hóa trợ giúp. Các nguồn vốn xây dựng cơ bản được lấy từ các chương trình dự án của Chính phủ và do đóng góp của nhân dân. Trong 5 năm (2000-2005), huyện Nga Sơn đã đầu tư hàng trăm triệu cho xây dựng cơ bản và xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là người nghèo có cơ hội giao lưu buôn bán, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình.
Về giao thông: Đây là một trong những dự án đầu tư mà huyện Nga Sơn rất quan tâm và tập trung cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn này. Trong những năm này, huyện đã mở mới được một số tuyến đường, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng nhiều cầu dân sinh, sửa chữa được nhiều tuyến đường hư hỏng, đặc biệt trong đó Huyện đã làm được cầu mới từ Thị trấn sang bệnh viện huyện. Toàn huyện đã xây dựng và khai thác mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện gồm: Quốc lộ 10A từ Nga Mỹ đi cầu phao Thắm, 3 tuyến đường Tỉnh lộ, 34,6km đường giao thông liên xã và trên 100km đường xã và thôn xóm bằng các nguồn vốn ngân sách đầu tư nước ngoài, ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã, nhân dân đóng góp và gọi vốn đầu tư. Ngoài ra cùng với đầu tư cho làm đường, các phương tiện vận chuyển cũng tăng nhanh nhất là xe công nông, ô tô các loại,
đảm bảo mỗi năm vận chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng hóa, hàng chục lượt khách.
Như vậy, trong giai đoạn 2000-2005, hệ thống giao thông từ huyện đến các xã, liên xã, liên thôn không ngừng được mở rộng, bộ mặt của nông thôn thay đổi từ đó góp phần tích cực vào chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng bộ huyện Nga Sơn.
Về thủy lợi: Đảng bộ huyện Nga Sơn đã chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu chủ động. Trong những năm qua, huyện đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đắp đê Ngự Hàm IV (giai đoạn I), xây dựng cống Mộng Dường II và lập dự án kè và lát 2 bờ sông Hưng Long, cống Phát Hải, cống thủy sản Nga Thạch; đặc biệt là huyện đã xin chủ trương với tỉnh để có nguồn kinh phí trả tiền bồi dưỡng giải phóng mặt bằng hệ thống tiêu thoát lũ sông Hoạt (giai đoạn I) thi công vào năm 2005.
Ngoài ra, huyện đã xây dựng được nhiều phương án tưới nước cho cây cói các xã Nga Thủy, Nga Tân, Nga Liên, Nga Thanh. Hoàn thành kế hoạch đắp đê Nga Điền, soát xét quy hoạch thủy lợi 2005-2015, kiểm tra đê, kè, cống nước mùa mưa bão.
Về xây dựng trường học: Ngoài nguồn vốn do sự hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp, Đảng bộ huyện Nga Sơn đã lãnh đạo chỉ đạo toàn dân trong giai đoạn này đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một số trường học, vì vậy mà cơ sở vật chất trường học được tăng cường, có thêm 14 trường kiên cố với 130 phòng học được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 63,7%, có 5 trường học với 50 phòng học đang xây dựng. Năm 2005 cơ bản hoàn thành kiên cố hóa các trường Tiểu học, Trung học cơ sở ở tất cả các xã, thị trấn. Ngoài ra trang thiết bị dạy học được làm mới, nâng cấp và hoàn thiện, cảnh quan trường học cũng được đổi mới theo hướng xanh - sạch - đẹp tạo điều kiện
cho lĩnh vực giáo dục của huyện phát triển, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Về y tế: Trong giai đoạn này, Đảng bộ huyện đã tranh thủ các nguồn vốn để bổ sung trang thiết bị khám chữa bệnh, điều trị. Xây dựng tương đối hoàn chỉnh cơ sở vật chất của Trung tâm y tế huyện theo quy hoạch được duyệt, mua nhiều trang thiết bị cho bệnh viện trung tâm và các trạm y tế xã. Tiếp tục thực hiện chương trình y tế cộng đồng nhằm đưa các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe vào phục vụ đời sống nhân dân trong huyện.
Về thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đóng góp mang tính chất xã hội hóa, vì thế hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông tiếp tục được củng cố, phát triển. Cụ thể là mạng lưới bưu chính và phát hành báo chí phát triển rộng xuống tận các xã, mỗi xã đều có 1 điểm bưu điện văn hóa xã, mạng lưới viễn thông phát triển liên tục:
hàng năm số máy điện thoại không ngừng tăng lên. Tổng số máy điện thoại năm 2004 ước đạt 2500 máy, đạt 113,64% KH, tăng 38,89% so CK. Bình quân 1,7 máy/100 dân. Ngoài ra, bưu điện còn đảm bảo thông tin phục vụ lãnh đạo quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện có đủ nguồn đáp ứng yêu cầu lắp đặt điện thoại cho các ngành và nhân dân.
Về nước sinh hoạt: Mặc dù nguồn ngân sách của huyện còn nhiều hạn hẹp, song để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhân dân, trong giai đoạn này huyện đang lên dự án và xây dựng dự án nước sạch ở Thị trấn Nga Sơn.
Nhìn chung, trong giai đoạn (2000-2005), công tác xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện Nga Sơn đã có nhiều cố gắng, tranh thủ huy động được nguồn vốn tập trung đầu tư cho phát triển và xây dựng mới các công trình phúc lợi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên khắp các xã trong huyện.
2.1.2.2. Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề cho người nghèo.
Đảng bộ huyện Nga Sơn đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình về hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong huyện. Huyện đã chủ trương chủ động tiếp nhận có hiệu quả ngân sách triển khai các đề án, dự án của tỉnh và Trung ương về tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển ngành nghề.
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội chuẩn bị vốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn đầu tư vào sản xuất, trong đó đặc biệt là dự án đầu tư về tiểu thủ công nghiệp ở cụm Nga Liên, làng nghề Tư Sy và Khe Niễng.
Huyện có chính sách tập trung vào xây dựng mô hình điển hình và các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp như phát triển giống cây con, mương máng tưới tiêu, hỗ trợ giá cây giống...
Các dự án do Trung ương và tỉnh hỗ trợ thông qua Hội phụ nữ, Hội nông dân huyện cho các hội viên như: Ngày tiết kiệm vì người nghèo, Vận động và xóa mù chữ, Quỹ hỗ trợ nông dân...
Một số địa phương đang tiếp tục khơi dậy làng nghề truyền thống như cói, chiếu, chế biến thực phẩm như: Nga Liên, Nga Phú, Nga Bạch, Nga Tiến, Nga Tân, Nga Thủy.
Với các chính sách hỗ trợ sản xuất và phát triển nghề nêu trên đã góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển biến mọi mặt trong đời sống người dân của huyện: tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động, giảm tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo của huyện Nga Sơn.
2.1.2.3. Tín dụng cho người nghèo vay vốn
Nga Sơn là một huyện nghèo, trong giai đoạn (2000-2005), công tác tín dụng đối với người nghèo gặp nhiều khó khăn, song với sự cố gắng của các cấp, các ngành trong huyện cộng với sự trợ giúp của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa, các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho người nghèo đã được khai thác đa dạng,
cải thiện một bước trong lĩnh vực trợ giúp vốn đầu tư trực tiếp cho người nghèo hoạt động tài chính, tín dụng góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Kho bạc Nhà nước đã tích cực đảm bảo tiền mặt đầy đủ, đáp ứng kịp thời các khoản chi thường xuyên cũng như chi đột xuất, nhất là chi cho các đối tượng thụ hưởng ngân sách; các khoản chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với quy định của luật ngân sách Nhà Nước. Đồng thời chỉ đạo thực hiện phát hành trái phiếu đợt 2 năm 2004: Toàn huyện đã mua 1.921.700.000 đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 330% kế hoạch tỉnh giao; Nga Sơn là huyện hoàn thành kế hoạch sớm nhất tỉnh. Như vậy, với vốn vay từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã tạo tiền đề cho công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả cao.
2.1.2.4. Hỗ trợ người nghèo về giáo dục
Trong giai đoạn (2000-2005), thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của huyện Nga Sơn, công tác giáo dục và đào tạo của huyện đã đạt được những thành tựu to lớn, cơ sở trường lớp không ngừng được nâng cao. Các ngành học, cấp học tổ chức thực hiện tốt nội dung chương trình quy định. Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ở 27/27 xã, thị trấn. Tổ chức tốt khai giảng năm học qua các năm và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” long trọng. Trong giai đoạn này có 4 trường được cộng nhận trường chuẩn Quốc gia.
Chất lượng giáo dục được giữ vững và có mặt tiến bộ. Chỉ tính riêng năm 2004: Học sinh lên lớp đạt 99,9%; Học sinh đỗ tốt nghiệp: Tiểu học đạt 99,8%, THCS đạt 98,9%, THPT và Bổ túc THPT đạt 99,7%. Học sinh giỏi cấp huyện:
1.372 em, cấp tỉnh: 339 em, học sinh đạt giải quốc gia: 4 em; Giáo viên giỏi cấp huyện: 231 giáo viên, cấp tỉnh là 13 giáo viên.
Ngoài ra, huyện cũng đã củng cố và thực hiện có hiệu quả việc dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa mới. Kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, nâng cao chất lượng dạy học trong các giờ chính khóa và
chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, các hoạt động, trợ cấp, đóng góp đồ dùng sách vở cho những học sinh nghèo đã thu hút được các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, các đơn vị sản xuất kinh doanh và nhân dân cho phong trào xã hội hóa giáo dục của huyện.
Với chính sách hỗ trợ đầu tư người nghèo về giáo dục, huyện đã hỗ trợ người nghèo trong các loại hình giáo dục và đào tạo, hạn chế được tình trạng bỏ học của con em các hộ nghèo ở các cấp học. Chính sách giáo dục đi trước một bước là cơ sở để nâng cao dân trí góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
2.1.2.5. Hỗ trợ người nghèo về y tế.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Đảng bộ huyện Nga Sơn lãnh đạo ngành y tế tạo điều kiện để 100% số hộ nghèo khi ốm đau được hưởng trợ giúp từ các dịch vụ y tế, đảm bảo mua cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn để bổ sung trang thiết bị khám chữa bệnh, điều trị. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên giám sát dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, ngăn chặn không để bệnh tật lây lan thành dịch. Đảm bảm các chỉ tiêu chương trình y tế quốc gia. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao 12 điều y đức.
Chỉ tính riêng năm 2004, huyện đã thực hiện tốt công tác phòng chóng dịch bệnh mùa đông, mùa hè; tuyên truyền thực hiện “Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường”, tháng hành động “Vệ sinh an toàn thực phẩm”. Vì vậy mà trên địa bàn huyện đã không xảy ra dịch bệnh lớn. Kịp thời cấp cứu các trường hợp ốm đau bệnh tật, tai nạn giao thông, không để xảy ra tử vong.
Ngoài ra, huyện còn tổ chức thực hiện nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tới các vùng khó khăn, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 8,8%; giảm tỷ lệ sinh xuống còn 13,8%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 23%...
Huyện cũng tăng cường đội ngũ bác sĩ ở cấp xã, thị trấn, số Bác sỹ/1 vạn dân là 2,64 bác sỹ, góp phần sắp xếp lại hệ thống khám chữa bệnh, tăng cường y đức và chất lượng chuẩn đoán điều trị bệnh, đẩy lùi tiêu cực trong ngành y tế, tạo điều kiện công bằng trong lĩnh vực này.
2.1.2.6. Hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo
Để đảm bảo đồng vốn cho vay có hiệu quả, người dân nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo, Đảng bộ huyện Nga Sơn và các ban, ngành đã thực hiện chỉ đạo hỗ trợ người nghèo tiếp cận với những kiến thức, mô hình mới với hiệu quả ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Trong những năm 2000-2005, huyện đã tổ chức lực lượng cán bộ liên ngành xuống cơ sở hướng dẫn người nghèo, hàng năm mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tiếp nhận giống mới vào sản xuất. Quá trình chuyển giao kinh nghiệm như vậy đã làm cho người dân vận dụng sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn của mình nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
2.1.2.7. Xây dựng mô hình xóa đói, giảm nghèo
Tiếp thu những kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Thanh hóa, trong những năm 2000-2005, Đảng bộ Huyện Nga Sơn đã lãnh đạo các cấp, ngành tìm ra những giải pháp tiếp cận, cách làm hay, xây dựng những mô hình xóa đói, giảm nghèo phù hợp có hiệu quả, thu hút các tổ chức, đoàn thể và đại đa số người nghèo tham gia, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Dưới đây là một số mô hình xóa đói, giảm nghèo điển hình trong huyện đã và đang thực hiện:
Một là, mô hình giảm nghèo toàn diện trên cơ sở gắn mục tiêu giảm nghèo lồng ghép với các hoạt động dự án phát triển kinh tế - xã hội: điển hình là nghề làm cói ở Nga Liên, Khu trung tâm thương mại Bảo Trung - Thị trấn Nga Sơn.
Hai là, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi thủy sản vào các xã nghèo như Nga Văn, Nga Thái, Nga Hải, Nga Điền, Nga Phú.
Ba là, mô hình ủy thác vốn vay đói nghèo thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên...
Tóm lại, trong giai đoạn 2000-2005, Đảng bộ huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã vận dụng một cách sáng tạo các Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện nhiều chương trình, hoạt động cụ thể như cho vay vốn, giải quyết việc làm nhằm giảm bớt tình trạng khó khăn cho một bộ phận không nhỏ nhân dân trong huyện. Những kết quả bước đầu mà huyện Nga Sơn đạt được thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, của các cấp, ban, ngành đã tạo điều kiện để nhân dân trong huyện phấn đấu xây dựng kinh tế, ổn định đời sống vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình, cho địa phương và một phần cho xã hội. Những thành công bước đầu nói trên là cơ sở cho việc xóa đói, giảm nghèo được nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo. Quá trình lãnh đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo của Đảng bộ huyện Nga Sơn giai đoạn 2000-2005 đã chứng minh cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân huyện Nga Sơn với những bước đi và cách làm phù hợp.