Chương 2. CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DI DÂN TỰ
2.1.2. Các chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh ĐắkLắk
Là một địa phương luôn chịu tác động nặng nề của tình trạng di dân tự do nên việc chỉ đạo giải quyết vấn đề di dân tự do cũng như những tác động của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh ĐắkLắk quan tâm. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là từ sau năm 2000, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng
và Nhà nước, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết vấn đề di dân tự do, Tỉnh uỷ đã nhìn nhận và đánh giá sát thực tình trạng di dân tự do đến địa bàn tỉnh và những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, tỉnh uỷ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp và các cơ quan ban ngành liên quan quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong việc đề ra những kế hoạch, phương án và giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề di dân tự do đến địa bàn tỉnh ĐắkLắk.
Chỉ thị số 10/CT-TU, ngày 12/03/2002 của tỉnh uỷ ĐắkLắk Về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn và giải quyết vấn đề di cư tự do đến ĐắkLắk. Chỉ thị nêu lên một số điểm lớn về tình trạng di cư tự do đến ĐắkLắk và những vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết là: (1) Tình trạng dân di cư tự do đến ĐắkLắk đã gây ra những xáo trộn; bất ổn định nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, gây mất trật tự, trị an ở nhiều vùng của tỉnh; (2) Đặc biệt từ năm 2002 dân di cư tự do (chủ yếu là người Mông, theo đạo tin lành) đã ồ ạt đến ĐắkLắk và đang ở mức báo động; (3) Số dân di cư tự do cũ đến ĐắkLắk từ năm 2001 trở về trước ở nhiều vùng đời sống còn khó khăn, tỉnh vẫn chưa lập được phương án để sắp xếp, ổn định; (4) Tình trạng tái di cư tự do của các hộ dân đã đến từ những năm trước; (5) tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ yêu cầu tách hộ, giãn dân, đòi lập buôn mới, tự phát phá rừng làm để lấy đất sản xuất [53, tr.1].
Để giải quyết thực trạng trên, Chỉ thị đã đề ra những giải pháp chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tập trung thực hiện như:
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo với Chính phủ và làm việc với các tỉnh có dân di cư tự do, để có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nạn di dân tự do đến tỉnh ĐắkLắk.
2. Đối với số dân di cư tự do đã đến ĐắkLắk từ năm 2001 trở về trước, đời sống đang khó khăn, chưa bố trí sắp xếp vào vùng dự án, thì cần khẩn trương quy hoạch, rà soát, lập các dự án để ổn định dân cư hoặc đưa họ vào
xen ghép trong các dự án đã có. Kiến nghị với Chính phủ quan tâm đầu tư thoả đáng cho các dự án này để ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Đối với hộ dân di cư tự do đến ĐắkLắk từ ngày 01/01/2002, hiện đang sống ở những vùng rừng đặc dụng, phòng hộ, vùng bị ngập lụt trong mùa mưa, không còn khả năng sắp xếp, bố trí cho số hộ này định cư tại ĐắkLắk, yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, đề nghị các tỉnh có dân đi, vào ngay ĐắkLắk để phối hợp cùng tỉnh ĐắkLắk đưa số dân này trở về quê cũ.
4. Các địa phương chú trọng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý nạn phá rừng, lấn chiếm, mua bán, sử dụng đất trái phép, chuyển cư trái phép, bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động và cả cưỡng chế hành chính, phải cương quyết giải toả những khu định cư, canh tác trái phép, đặc biệt là ở những khu rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng xung yếu của tỉnh. Bám sát cơ sở, phát hiện và cương quyết đấu tranh, xử lý, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng, di dân, lập buôn trái phép… [53, tr.1-2].
Ngoài ra trong văn bản này, Tỉnh uỷ cũng chỉ đạo việc giải quyết một số điểm nóng liên quan đến dân di cư tự do đang nổi lên trên địa bàn tỉnh và cũng đề nghị các địa phương trên phải chú trọng xem xét, giải quyết kịp thời, thoả đáng nhu cầu chính đáng về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Những địa phương không còn quỹ đất thì phải lập kế hoạch báo cáo với tỉnh, để có phương án điều hoà, giải quyết chung.
Như vậy, Chỉ thị số 10/CT-TU, ngày 12/03/2002 của tỉnh uỷ ĐắkLắk đã thể hiện sự nhận thức một cách cụ thể, sát thực về tình trạng di dân tự do đang tái diễn trên địa bàn tỉnh cũng như những tác động có phần phức tạp của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Từ đó đề ra những giải pháp thiết thực để tăng cường chỉ đạo các địa phương giải quyết vấn đề di dân tự do. Đây là văn bản chỉ đạo điều hành mới nhất của tỉnh uỷ ĐắkLắk, nó
có vai trò định hướng cho việc giải quyết tình trạng di dân tự do kể từ năm 2002 đến nay.
Hiện thực hóa Chỉ thị này và các văn bản trước đó, Tỉnh ủy đã lồng ghép việc chỉ đạo giải quyết vấn đề di dân tự do trong các văn bản chỉ đạo các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như:
Trong văn bản số 09 - CTr/TU Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 ngày 07/11/2006, khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số hộ nghèo trong tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao thì nguyên nhân do “dân di cư tự do đến tỉnh nhiều và chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, làm phá vỡ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” là một trong những nguyên nhân làm cho số hộ nghèo tăng cao (27,55% dân số toàn tỉnh- theo tiêu chí mới) [56, tr.116]. Từ đó tỉnh uỷ đã đề ra những giải pháp nhằm giảm số hộ nghèo, trong đó có giải pháp về việc tiếp tục thực hiện việc định canh, định cư; quy hoạch bố trí, ổn định nơi ở cho dân di cư tự do với quan điểm chỉ đạo là: Qui hoạch các điểm dân cư ở rải rác, định canh, định cư cho các hộ du canh, du cư. Qua đó đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho dân cư các vùng này phát triển nhanh hơn, góp phần tích cực giảm nghèo [56, tr.118].
Trong Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biên giới đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, Tỉnh uỷ đã khẳng định một trong những giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội của các huyện vùng biên giới của tỉnh (huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn) là “Hoàn thành vững chắc việc định canh, định cư, khắc phục có hiệu quả tình trạng di dân nội vùng không có tổ chức, bảo đảm 100% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có đủ đất sản xuất, giữ được đất và có việc làm, thu nhập ổn định; thực hiện kế hoạch tiếp tục bố trí dân cư, lao động phù hợp với yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch để tổ chức sản xuất và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo đảm tính kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh; quốc
phòng - an ninh với kinh tế. Có biện pháp xử lý phù hợp tình hình dân di cư tự do đến ở ngoài vùng quy hoạch; phấn đấu đến năm 2015 huyện Ea Súp có khoảng 7 - 8 vạn dân, huyện Buôn Đôn ổn định ở mức 7,5 vạn dân” [55, tr.7].
Cũng đề cập đến vấn đề này, trong Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18/3/2008 của Ban thường vụ tỉnh uỷ Về phát triển kinh tế - xã hội các huyện đặc biệt khó khăn (Lăk, Krông Bông, M’Đrăk) đến năm 2010 và những năm tiếp theo, tỉnh uỷ khẳng định: “Tình trạng một bộ phận dân các tỉnh khác (chủ yếu là các tỉnh Tây Bắc) di cư tự do làm phá vỡ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện trong khu vực này” [56, tr.46].
Từ những đánh giá đó cho thấy, dân di cư tự do đến ĐắkLắk là một trong những tác nhân cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi mà họ nhập cư trái phép. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Nghị quyết 06/NQ/TU đã đề ra những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện đặc biệt khăn, trong đó; “Hoàn chỉnh vững chắc việc định canh, định cư; khắc phục có hiệu quả tình trạng dân di cư tự do không theo kế hoạch. Thực hiện sắp xếp dân cư theo đùng quy hoạch để tổ chức lại sản xuất và hoàn thiện các công trình hạ tầng” [56, tr.47] được xem là một giải pháp quan trọng.
Tiếp đó, ngày 18/09/2008 Thường vụ tỉnh ủy có Văn bản số 1466/TB- TU Về việc thông báo kết luận của Ban thường vụ tỉnh ủy về tình hình di dân ngoài kế hoạch đến ĐắkLắk. Trên cơ sở số liệu thống kê của các cấp các ngành và cáo của Chi cục Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Ban thường vụ tỉnh ủy đã đánh giá quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện việc giải quyết vấn đề di cư tự do, ghi nhận những thành tựu đã đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, nhất là việc chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng di dân tự do đến các địa phương trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản kết luận, “trong vài năm gần đây, tình trạng dân di cư tự do từ các địa phương khác, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiếu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào cư trú tại các địa phương thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh và có
những diễn biến phức tạp, gây sức ép lớn đối với các địa phương trong việc ngăn chặn, quản lý…”. Từ đánh giá đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan quản lý, các địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm ngăn chặn và giải quyết có hiệu quả tình trạng di dân tự do đang tái diễn và có chiều hướng phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh.
Ngoài ra, việc chỉ đạo giải quyết vấn đề dân di cư tự do còn được tỉnh uỷ đề cập trong nhiều văn bản khác nhau cũng như trong các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
Như vậy, việc giải quyết vấn đề dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh ĐắkLắk trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2010 là công việc thường xuyên được triển khai trong Đảng bộ tỉnh ĐắkLắk. Những văn bản, ý kiến chỉ đạo của tỉnh ủy không chỉ thể hiện nhận thức của Đảng bộ tỉnh về tầm quan trọng của vấn đề, đồng thời nó cũng là định hướng cho việc tiến hành giải thiểu, ngăn chặn và giải quyết các vấn đề liên quan đến dân di cư tự do.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh ĐắkLắk đã ban hành nhiều văn bản thực hiện việc giải quyết vấn đề di dân tự do, trong đó đáng chú ý là việc ra các văn bản cụ thể hóa Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tập trung xây dựng phương án sắp xếp, ổn định dân cư của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 và hướng đến năm 2015. Cụ thể như:
Quyết định số 2147/QĐ-UB ngày 12/07/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ĐắkLắk Về việc phê duyệt Dự án tổng quan quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh ĐắkLắk giai đoạn 2006 - 2010.
Phạm vi thực hiện của Dự án này được triển khai đến 38 xã thuộc 12 huyện trên địa bàn tỉnh ĐắkLắk với mục tiêu là: (1) Đến năm 2010 hoàn thành cơ bản sắp xếp lại dân cư, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất trên địa bàn theo quy hoạch; (2) Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp sang phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu lao động nông thôn.
Quyết định cũng đề ra nhiệm vụ đến năm 2010 phải sắp xếp ổn định cho 5 nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng là dân di cư tự do đã và đang định cư ở những vùng không theo quy hoạch cần sắp xếp vào vùng quy hoạch.
Ngày 28/12/2006 Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 2541/QĐ- UBND Về việc phê duyệt dự án quy hoạch, bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh ĐắkLắk giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2015. Dự án đã đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ cở bản là: (1) Đến năm 2010 hoàn thành cơ bản bố trí sắp xếp lại dân cư gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo quy hoạch; (2) Giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp sang phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu lao động nông thôn; (3) Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái; (4) Định hướng bố trí dân cư đến năm 2015, gắn liền giữa bố trí dân cư với phát triển sản xuất.
Quyết định cũng quy định phạm vi là các xã thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng số 146 xã thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có đối tượng là dân di cư tự do đồng thời đề ra định hướng đến năm 2015 cũng như những phương án, giải pháp cụ thể để thực hiện.
Liên quan trực tiếp tới việc giải quyết vấn đề di dân tự do, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản thực hiện các biện pháp theo sự chỉ đạo của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh. Đáng chú ý nhất trong hệ thống văn bản đó là Phương án quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh ĐắkLắk. Phương án này được Uỷ ban nhân dân tỉnh ĐắkLắk thông qua trong văn bản số 3992/UBND-NL, ngày 21/12/2005.
Nội dung của văn bản này bao gồm 2 phần: Phần thứ nhất khái quát đặc điểm tình hình; Phân thứ hai là nội dung dựng phương án.
Phần thứ nhất bao gồm những nội dung sau; (1) Khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh ĐắkLắk như là lý do thu hút dân di cư tự do
đến làm ăn, sinh sống tại địa bàn tỉnh; (2) Thực trạng dân di dân tự do đến ĐắkLắk trong các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 có 1.034 hộ với 4.668 nhân khẩu; (3) Đánh giá quá trình sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến di cư tự do giai đoạn trước năm 2000 với tổng số 14 dự án để đầu tư ổn định cho gần 8000 hộ dân di cư tự do gặp khó khăn đến địa bàn tỉnh trong giai đoạn 1991 - 1995; (4) Nêu yêu cầu cần phải sắp xếp, ổn định lại số hộ dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh trong giai đoạn 1996 - 2005 chưa được Nhà nước đưa vào kế hoạch, Chương trình chính thức để đầu tư ổn định. Tổng số các hộ dân cần được sắp xếp, ổn định là 5.886 hộ với 28.795 khẩu [70, tr.5-6].
Có thể nói, phần thứ nhất của Phương án này đã đánh giá một cách tổng quát thực trạng di tự do đến tỉnh qua các giai đoạn, phân tích sâu sắc những tác động của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ĐắkLắk cũng như đặc điểm, thành phần dân di cư tự do, đồng thời cũng đánh giá tổng thể những kết quả, hạn chế còn tồn tại và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vấn đề di cư tự do.
Trên cơ sở những nhìn nhận, đánh giá đó, ở phần thứ hai của Phương án gồm các nội dung: (I) Những căn cứ cơ bản để xây dựng dự án; (II) Sự cần thiết của việc xây dựng phương án bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do; (III) Thực trạng tình hình di dân tự do đến ĐắkLắk giai đoạn 1996 - 2000 và 2001 - 2005; (IV) Đánh giá quá trình ổn định dân di cư tự do từ năm 1996 - 2000;
(V) Phương án quy hoạch, bố trí ổn định dân di cư tự do; (VI) Đánh giá hiệu quả phương án; (VII) Những kiến nghị đối với Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương trong việc phê duyệt và thực hiện dự án [70, tr.7-8].
Mục tiêu mà tỉnh ĐắkLắk ra là phấn đấu đến năm 2010, cơ bản quy hoạch, bố trí sắp xếp ổn định lại các điểm dân di cư tự do đến trong các giai đoạn 1996 - 2000 và 2001 - 2005, phù hợp với phương hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo đảm ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho 5.886 hộ với 28.795 nhân khẩu là dân di cư tự do [70, tr.9].