Chương 1. ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2005
1.3. Chủ trương, biện pháp và quá trình chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh
1.3.1. Chủ trương và biện pháp
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa VI tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ VII, ngày 19 tháng 12 năm 2000 đã khẳng định: “Đưa ngành du lịch thành phố thực sự là một ngành công nghiệp với sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch của các nước trong khu vực. Phát triển mạnh dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng, kho vận và vận tải công cộng đô thị” [9, tr.12]. Như vậy tại Đại hội lần này, vị thế của ngành du lịch đã được chú trọng hơn một bước so với Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ VI năm 1996 với chủ trương:
“Mở rộng và phong phú hoá hoạt động du lịch ngang tầm một ngành kinh tế
mũi nhọn” [8, tr.19].
Ngày 02/ 01/ 2001, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001. Hội nghị đã ghi nhận những kết quả mà ngành du lịch của Thành phố đạt được trong năm 2000: “Ngành du lịch cũng đã có bước khởi sắc sau nhiều năm liên tiếp sụt giảm, doanh thu du lịch đạt trên 3.800 tỷ đồng, tăng 18,7% so cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đến thành phố đạt khoảng 1,1 triệu lượt người, tăng 12,3% so cùng kỳ. Riêng khách lữ hành quốc tế đạt 800.000 người, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Công suất phòng bình quân đạt 44%, tăng 3% so cùng kỳ” [40, tr.5].
Cùng với đó là sự khẳng định vai trò quan trọng của ngành kinh tế du lịch, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế các ngành và lĩnh vực, du lịch được xếp vào một trong bẩy ngành dịch vụ chủ lực trong những năm 2000 - 2005: “Xây dựng và triển khai 7 chương trình mục tiêu các nghành dịch vụ chủ lực là thương mại, du lịch, vận tải, bưu chính- viễn thông, kinh doanh tài sản và tư vấn, tài chính - ngân hàng và công nghiệp phần mềm trong 5 năm 2000-2005”
[40, tr.17]. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố, cũng như khai thác tài nguyên du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái, kết hợp nông nghiệp với du lịch, Hội nghị chủ trương: “Kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái ở ngoại thành nhằm phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng và bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ” [40, tr.16].
Không chỉ phát huy những giá trị du lịch, sản phẩm du lịch truyền thống, chủ trương đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một hướng đi tích cực không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho ngành kinh tế du lịch mà còn thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, đặc biệt là các hộ nông dân khu vực ngoại thành.
Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (khoá VII) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27 tháng 10 năm
2002 về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ - thương mại trên địa bàn thành phố đến năm 2005”. Nghị quyết xác định phương hướng chung cho ngành du lịch thành phố giai đoạn 2002 – 2005 là: “Đưa ngành du lịch thành phố thực sự là một trong những ngành kinh tế chủ lực có sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch của các nước trong khu vực” [41, tr.2].
Như vậy, mục tiêu của Đảng bộ Thành phố nâng ngành du lịch lên thành ngành kinh tế chủ lực có sức cạnh tranh trong khu vực. Vị trí ngành kinh tế du lịch được phấn đấu nâng lên một bước, điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng bộ thành phố trong việc phát triển ngành kinh tế có nhiều tiềm năng này. Không chỉ đề ra phương hướng chung, Nghị quyết số 09-NQ/TU còn tập trung chỉ đạo phát triển 6 nhóm ngành thương mại trong đó có ngành du lịch. Riêng đối với ngành du lịch, mục tiêu chung được xác định cho tới năm 2005 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU là: “Tập trung phát triển ngành du lịch thành phố thực sự là một ngành kinh tế mạnh, có các sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch của các nước trong khu vực. Phấn đấu tăng doanh thu du lịch bình quân hàng năm từ 10%
trở lên, tăng số ngày lưu trú và chi tiêu của khách quốc tế bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực” [41, tr.5].
Nghị quyết xác định các giải pháp: “Cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế,... Liên kết với các địa phương trong cả nước và với các nước trong khu vực để xây dựng chương trình du lịch đến các điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, hoàn chỉnh hệ thống quần thể du lịch theo chủ đề, cụ thể là :
+ Nghiên cứu quy hoạch, đầu tư hoàn chỉnh khu du lịch rừng ngập mặn
sinh thái Cần Giờ trở thành điểm du lịch hấp dẫn đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và phát triển bền vững khu vực dự trữ sinh quyển của quốc gia và thế giới.
+ Đầu tư hoàn chỉnh khu địa đạo và đền Bến Dược Củ Chi, nâng cấp các bảo tàng di tích lịch sử để phục vụ du lịch tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.
Xây dựng một số chương trình du lịch gắn với hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, giàu bản sắc dân tộc để có những sản phẩm du lịch văn hóa mang dấu ấn Việt Nam.
+ Hoàn thành đầu tư khu công viên Lịch sử văn hóa dân tộc.
+ Đầu tư bến cảng phục vụ du lịch đường sông, biển.
+ Tổ chức các trung tâm phục vụ mua sắm, ẩm thực phục vụ khách du lịch.
+ Chuẩn bị cơ sở vật chất để đào tạo đội ngũ phục vụ, các dịch vụ của trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế, các hoạt động thể thao cấp khu vực và cấp quốc tế” [41, tr.6].
Như vậy có thể thấy, từ năm 2000 đến năm 2005, trên cơ sở đánh giá tiềm năng du lịch của địa phương cũng như phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra những chủ trương kịp thời, phù hợp nhằm phát triển ngành kinh tế du lịch của Thành phố.