Chương 2. ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LÃNH ĐẠO TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010
2.1. Những điều kiện mới tác động tới sự phát triển kinh tế du lịch thành phố Hồ Chí Minh
Những năm 2006 – 2010 là khoảng thời gian có nhiều yếu tố tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh nói chung cũng như tác động tới ngành kinh tế du lịch của Thành phố nói riêng.
Trên thế giới, kể từ sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 09 năm 2001 tại Mỹ, cùng với sự kiện chiến tranh I Rắc năm 2003, tình hình an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp. Chính vì vậy mà những nơi có nền chính trị, an ninh ổn định như Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Đồng thời trong khu vực, sự phát triển du lịch Asean đã mở ra cơ hội to lớn cho du lịch Thành phố thu hút nhiều hơn nữa lượng khách quốc tế từ các luồng khách du lịch đổ vào khu vực. Sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch tạo ra cơ hội giới thiệu một số loại hình du lịch mới như: du lịch tàu biển, du lịch sinh thái, du lịch hội họp... Điều này giúp du lịch Việt Nam cũng như du lịch Thành phố đa dạng hoá hơn nữa các sản phẩm du lịch của mình.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào các tổ chức du lịch quốc tế như Hiệp hội du lịch Đông Nam Á (ASEANTA), Hiệp hội du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA)…đã tạo ra môi trường cho các tổ chức liên quan đến du lịch như hiệp hội du lịch, các công ty du lịch có cơ hội cùng hợp tác với các tổ chức cùng ngành tại các quốc gia khác trong việc thúc đẩy du lịch.
Mặt khác, trong quá trình này, các tổ chức du lịch của thành phố cũng sẽ có
thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm tổ chức, quản lí và đào tạo, tiếp cận các công nghệ mới để phục vụ cho ngành du lịch để từ đó nâng cao được sức cạnh tranh của mình.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì bối cảnh quốc tế, khu vực cũng đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của du lịch Thành phố. Sự phát triển du lịch trong khu vực giúp du lịch thành phố Hồ Chí Minh có thêm nhiều cơ hội thu hút thêm khách, nhưng sự nỗ lực của các điểm đến khác trong khu vực cũng tạo ra các thách thức đối với du lịch thành phố. Các thách thức này càng trở nên đáng quan tâm do bản thân sự chưa vững mạnh của ngành kinh tế du lịch Thành phố, đặc biệt là các biện pháp thu hút du khách. Nhân lực lành nghề trong ngành du lịch còn nhiều điều phải cải thiện. Ngành kinh tế du lịch còn thiếu một đội ngũ cán bộ, nhân viên có kỹ năng chuyên môn và kiến thức vững vàng về du lịch tại cơ quan quản lí nhà nước cũng như các hiệp hội và tại các doanh nghiệp.
Các ngành, các cấp và người dân địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của ngành du lịch – một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố nên thiếu sự phối hợp chặt chẽ hoặc hời hợt trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của nhà nước có liên quan đến công tác tiếp thị - quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, vẫn còn những hành động làm tổn thương đến hình ảnh - thể diện quốc gia như ăn xin, móc túi, trấn lột, thậm chí gây thương tích cho du khách.
Đối với tình hình trong nước, những năm 2006 – 2010 là khoảng thời gian Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Đất nước sau 20 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tương đối cao, tình hình chính trị, an ninh được giữ vững, đời sống người dân ngày một được nâng cao. Tất cả những yếu tố ấy cho thấy hình ảnh một Việt Nam hòa bình,
ổn định đang từng bước vươn lên. Đây là một trong những giá trị to lớn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế. Đồng thời đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện đã làm gia tăng nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi của người dân từ đó tạo ra nguồn du khách nội địa lớn cho lĩnh vực du lịch cả nước nói chung cũng như du lịch thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Những năm 2006 – 2010 cũng là khoảng thời gian mà vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, với việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao APEC lần thứ 14 (tháng 11/2006), đảm nhận ghế Chủ tịch luân phiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Cũng trong thời gian này, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) – tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mở ra khả năng trao đổi, hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực với các nước trong đó có lĩnh vực du lịch. Nhờ tổ chức thành công các sự kiện kinh tế, chính trị quốc tế, Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi mang lại cho ngành kinh tế du lịch thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu du lịch của cả nước.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, tiếp nối những thành quả đạt được trong việc thực hiện chương trình hành động quốc gia năm 2001 – 2005, ngày 29/05/2006, Chính phủ ra quyết định số: 121/2006/TTg – CP Về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 – 2010, với mục tiêu tổng quát: "Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010 góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, phấn đấu từ năm 2010 Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực" [52, tr.1]. Chương trình hành động quốc gia về du lịch là cơ sở
để ngành du lịch các địa phương định hướng cho chính sách phát triển của mình, có biện pháp hưởng ứng chương trình phát triển du lịch theo hướng trọng tâm mà chương trình đã vạch ra. Từ năm 2006, Luật du lịch chính thức có hiệu lực đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong việc phát triển ngành du lịch của cả nước. Với chủ trương tổ chức triển khai văn bản hướng dẫn Luật Du lịch tới các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, ngày 01/06/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2007/NĐ – CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.
Ngày 21/09/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số:
564/QĐ-BVHTTDL Ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch, nhằm Thực hiện chương trình hành động của chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giai đoạn 2007 – 2012. Với mục tiêu: "Về đón khách quốc tế: phấn đấu đến năm 2010, Du lịch Việt Nam sẽ đón được 5,5-6,0 triệu lượt khách quốc tế với nhịp độ tăng trưởng trung bình đạt 11,4%, 25 triệu lượt khách du lịch nội địa. Phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực" [3, tr.2].
Nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, ngày 25/12/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 185/2007/NĐ – CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, và tiếp theo là quyết định số 63/2008/QĐ – TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành ngày 19/05/2008. Đây là cơ sở quan trọng trong việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác du lịch tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc quản lý phát triển ngành kinh tế du lịch.
Ngày 08/09/2010, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định số
3146/QĐ – BVHTTDL Về việc phê duyệt nội dung Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm định hướng chiến lược phát triển một cách dài hơi cho ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch cũng hoàn thiện bản đề cương “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” nhằm xây dựng nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Đề án đưa ra những định hướng chung cho sự phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung trong tương lai, từ đó tạo cơ sở cho các địa phương có tài nguyên du lịch hoạch định chính sách phát triển ngành kinh tế du lịch phù hợp.
Cùng với những yếu tố thuận lợi tác động tới ngành du lịch Thành phố thì đây cũng là thời gian có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của ngành như: thời gian 2008 – 2010 là thời gian mà nền kinh tế thế giới khủng hoảng, suy thoái làm ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch toàn cầu mà Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Dịch cúm H1N1, H5N1 tiếp tục diễn biến phức tạp làm cho du khách hạn chế di chuyển du lịch, điều này tác động không nhỏ tới thu hút du khách, cũng như doanh thu du lịch.
Riêng đối với thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú của mình, đặc biệt là những sản phẩm du lịch có thế mạnh như vui chơi giải trí phục vụ du khách trong nước, sản phẩm du lịch Hội nghị, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (du lịch MICE) là thế mạnh của Thành phố. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội năng động và nhanh chóng của Thành phố, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng giao thông cũng được cải thiện, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Đại lộ Đông – Tây được xây dựng và ngày một hoàn thiện. Với vị trí địa lý thuận lợi của mình, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ vận chuyển, Thành phố có khả năng kết nối với các trung tâm du lịch trong nước
cũng như khu vực một cách thuận tiện hình thành nên các tuyến, tour du lịch.
Đồng thời, Đảng bộ Thành phố cũng nhận thức ngày một đầy đủ hơn về ngành kinh tế du lịch, giành sự quan tâm thường xuyên nhằm chỉ đạo phát triển ngành cũng là yếu tố tác động thuận chiều với ngành du lịch Thành phố.
Bên cạnh đó vẫn còn những yếu tố khó khăn ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch của Thành phố: Tốc độ đầu tư và phát triển nhiều chương trình du li ̣ch của các nước trong khu vực là rất mạnh trong khi khả năng cạnh tranh của ta còn hạn chế lại thiếu sự đồng bô ̣ ở cả cấp đô ̣ quốc gia và đi ̣a phương . Cơ chế , cơ sở ha ̣ tầng và điều kiê ̣n thực hiê ̣n hoa ̣t đô ̣ng du li ̣ch chưa hoàn thiê ̣n và đồng bô ̣ sẽ là những trở nga ̣i trong viê ̣c nâng chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng khai thác, tạo sản phẩm mới và thúc đẩy du lịch phát triển lành mạnh. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ là một bài toán khá nan giải trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng như hiện nay.
2.2. Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trong những năm 2006 – 2010
Trên cơ sở những thành quả mà ngành kinh tế du lịch Thành phố đạt được trong những năm 2000 – 2005, nhằm tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của ngành kinh tế du lịch trong cơ cấu chung của nền kinh tế Thành phố, phát huy những tiềm năng thế mạnh, tranh thủ thời cơ để tiếp tục vươn lên là mục tiêu của ngành kinh tế du lịch Thành phố trong những năm 2006 – 2010. Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII ngày 06/12/2005, khẳng định quyết tâm phát triển các ngành dịch vụ trong đó có du lịch: “Trong lĩnh vực dịch vụ, phấn đấu đưa giá trị gia tăng có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm trở lên. Tập trung phát triển, có tính đột phá 9 nhóm ngành dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại (tập trung các loại dịch vụ phục vụ xuất khẩu); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng
(chú ý các dịch vụ hàng hải quốc tế); bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản (phát triển đô thị mới; nhà ở; văn phòng cho thuê…); dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ (thị trường công nghệ); du lịch (tập trung du lịch quốc tế); y tế và giáo dục - đào tạo chất lượng cao nhằm tạo điều kiện cho khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn sau năm 2010” [10, tr.14].
Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh xác định du lịch là một trong chín ngành dịch vụ cần ưu tiên phát triển có tính đột phá trong đó “tập trung du lịch quốc tế”. Trong đó, ngành du lịch Thành phố cần được đầu tư theo hướng ưu tiên phát triển du lịch thu hút khách du lịch quốc tế, sớm xây dựng Thành phố trở thành trung tâm du lịch trong khu vực. Đồng thời nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới gắn liền với việc thúc đẩy ngành nông nghiệp gia tăng giá trị của mình Đảng bộ chủ trương: “Phát triển nông nghiệp sinh thái theo quy hoạch gắn với dịch vụ du lịch". Đây là một trong những hướng đi thích hợp nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới phục vụ nhu cầu người dân thành phố cũng như không ít du khách quốc tế đặc biệt là du khách Châu Âu.
Để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có ngành du lịch, Đảng bộ Thành phố chủ trương: “tập trung vào mục tiêu giải quyết giao thông đô thị (cầu, đường, vận tải hàng hóa và hành khách công cộng), cấp nước và chống ngập (mùa mưa và triều cường), hạ tầng viễn thông hiện đại.
Gắn việc thực hiện chương trình xử lý rác với việc xã hội hóa dịch vụ vệ sinh môi trường, với sự tham gia của các thành phần kinh tế” [10, tr.15]. Đây là những vấn đề có liên quan đặc biệt tới sự phát triển của ngành kinh tế du lịch, thực tế cho thấy, để phát triển mạnh ngành kinh tế du lịch Thành phố với những ưu thế về sản phẩm du lịch đặc thù thì hệ thống giao thông hiện đại, di chuyển nhanh chóng, an toàn là điều kiện vô cùng quan trọng. Việc phát triển mạnh hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc quy hoạch tour, tuyến
du lịch, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp lữ hành. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, việc đảm bảo môi trường vệ sinh tốt góp phần quan trọng trong việc tạo ấn tượng với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đặc biệt là việc xử lý vệ sinh môi trường tại các khu vực du lịch như khu vực trung tâm Thành phố, các điểm du lịch như Suối Tiên, Đầm Sen…
Nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VIII, ngày 12/06/2006, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề ra Chương trình số:
05-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VIII, về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2006 - 2010).
Trong đó đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đến năm 2010 đối với ngành du lịch để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu: “Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch của Thành phố; liên kết với các tỉnh, thành xây dựng và phát triển các khu du lịch đạt chuẩn quốc tế. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống khách sạn của Thành phố, xây dựng sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến vào các thị trường trọng điểm, gắn với mở rộng hợp tác liên kết và kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực” [46, tr.2]. Chương trình số: 05-CTr/TU, ngày 12/06/2006 đã thể hiện sự chỉ đạo tập trung đối với ngành du lịch Thành phố mang tính toàn diện khi đề cập tới hầu hết các lĩnh vực của ngành, điểm mới của Chương trình so với các chủ trương trước đây của Đảng bộ Thành phố về du lịch đó là coi trọng việc xây dựng và phát triển “thương hiệu du lịch của Thành phố” cũng như chú trọng công tác liên kết với các địa phương khác nhằm phát triển các khu du lịch đạt chuẩn quốc tế.
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khẳng định:
“Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư du lịch, trong đó tập trung đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Cần Giờ, cảng du lịch đường