Phân loại viêm dạ dày trên nội soi theo hệ thống Sydney được sử dụng rất phổ biến trong nghiên cứu cũng như trong thực hành lâm sàng [2],
[9], [10], [13], [21], [28]. Trong nghiên cứu này, cả 7 dạng viêm dạ dày trên nội soi theo phân loại này đều được ghi nhận. Tương tự như kết quả của hầu hết các nghiên cứu trong nước trước đây, dạng viêm dạ dày trên nội soi thường gặp là dạng phù nề sung huyết và dạng trợt phẳng, dạng viêm teo trên nội soi chiếm tỉ lệ thấp [2], [9], [13], [28]. Nhiều nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ dạng viêm teo trên nội soi theo hệ thống Sydney chỉ chiếm 0,58% – 9,48%, trong khi tỉ lệ viêm dạ dày mạn teo trên mô bệnh học cũng trong các nghiên cứu này khá cao: 67,2% – 73,3% [2], [13], [28]. Do đó tuy có ưu điểm là đạt được sự thống nhất cao khi mô tả các tổn thương trên nội soi, một tồn tại rất lớn của hệ thống Sydney cải tiến là không có mối liên quan chặt chẽ giữa dấu hiệu teo niêm mạc dạ dày trên nội soi và giải phẫu bệnh, và vì vậy không cung cấp thông tin để tiên lượng mức độ nguy cơ UTDD.
Phân loại teo niêm mạc trên nội soi theo Kimura và Takemoto đã được chứng minh là có tương quan với mức độ teo niêm mạc trên giải phẫu bệnh theo hệ thống phân loại Sydney cải tiến [78]. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mức độ TNMNS có liên quan đến nguy cơ bị UTDD [63], [107], [110]. Một số nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đánh giá mức độ TNMNS và đề nghị bổ sung thêm đặc điểm này vào phần nội soi của hệ thống Sydney cải tiến [102]. Tuy nhiên cho đến nay, kinh nghiệm đánh giá TNMNS vẫn mới chỉ phổ biến tại Nhật Bản và Hàn Quốc _ hai quốc gia có tần suất UTDD thuộc hàng cao nhất thế giới và có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá tổn thương tiền ung thư và ung thư dạ dày sớm dựa trên nội soi. Việt Nam có lợi thế là nội soi dạ dày đã phát
triển rất mạnh mẽ đến các tuyến y tế quận huyện và có giá thành khá rẻ so với khu vực, tuy nhiên đa số trường hợp UTDD vẫn còn bị phát hiện trong giai đoạn trễ [4], [12], [16], [17]. Do đó, việc đánh giá TNMNS theo phân loại Kimura – Takemoto rất cần được được quan tâm và nghiên cứu thêm ở beọnh nhaõn Vieọt Nam.
Để xác định dạng và mức độ teo niêm mạc dạ dày trên nội soi, điểm quan trọng nhất là cần xác định được vị trí của BTNM một cách chính xác.
Do đó, dạ dày cần phải sạch bọt khí và thức ăn. Máy soi dạ dày được sử dụng trong nghiên cứu này không phải là thế hệ tối tân; thêm vào đó thuốc Simethicone sử dụng để làm tan bọt khí ở dạ dày cũng rất phổ biến trên thị trường với giá thành khá rẻ. Những điểm thuận lợi này cho thấy phương pháp đánh giá TNMNS có thể ứng dụng rộng rãi trong điều kiện thực tế ở Vieọt Nam.
Tất cả các dạng và mức độ TNMNS theo phân loại Kimura – Takemoto đều được ghi nhận trong nghiên cứu. Tuy nhiên do tỉ lệ TNMNS mức độ nặng chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp (3,6%) nên được gộp và phân tích kết quả chung với các trường hợp có biểu hiện TNMNS mức độ vừa.
Nhóm bệnh nhân TNMNS mức độ vừa – nặng có tuổi trung bình cao hơn so với nhóm bệnh nhân TNMNS mức độ nhẹ (48,2 ± 10,8 so với 44,4 ± 10, p = 0,002), và tỉ lệ nhiễm H. pylori cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê (71,4% so với 31,8%, p < 0,001). Mối liên quan giữa tuổi và mức độ TNMNS cũng đã được ghi nhận trong y văn trước đây: Kohli và cs [70]
đánh giá mức độ TNMNS trên 167 bệnh nhân Nhật và 77 bệnh nhân Canada. Tác giả nhận thấy mức độ nặng của TNMNS tăng dần theo tuổi ở
cả hai nhóm bệnh nhân, tuy nhiên ở cùng một nhóm tuổi thì các bệnh nhân Nhật có mức độ TNMNS nặng hơn. Nghiên cứu của Sakaki [100] về diễn tiến tự nhiên của BTNM đã làm sáng tỏ mối liên quan thực sự giữa các yếu tố này: trên 43 bệnh nhân Nhật (8 không nhiễm H. pylori và 35 có nhiễm H. pylori) được theo dõi và lặp lại nội soi dạ dày kèm sinh thiết để đánh giá giải phẫu bệnh mỗi năm trong thời gian hơn 10 năm, kết quả cho thấy 8 trường hợp bệnh nhân không nhiễm H. pylori ở thời điểm ban đầu và không bị nhiễm mới trong thời gian theo dõi đều không có sự thay đổi dạng TNMNS cũng như tình trạng teo niêm mạc trên giải phẫu bệnh. Ngược lại, 15 trên tổng số 35 bệnh nhân nhiễm H. pylori ban đầu có biểu hiện TNMNS nặng hơn và trên giải phẫu bệnh mức độ VDDMT cũng tiến triển nặng hơn. Như vậy, nghiên cứu này cho thấy H. pylori mới thực sự là nguyên nhân dẫn đến tiến triển của teo niêm mạc trên nội soi và giải phẫu bệnh. Mức độ TNMNS nặng hơn theo độ tuổi có lẽ là do tình trạng nhiễm H. pylori thường diễn tiến mạn tính và tỉ lệ nhiễm H. pylori tăng dần theo độ tuổi [30].
Đối chiếu mối liên quan giữa các dạng viêm dạ dày trên nội soi theo phân loại Sydney với mức độ TNMNS theo phân loại Kimura – Takemoto có thể góp phần hỗ trợ cho nhà nội soi vốn đã quen với cách đánh giá viêm dạ dày theo phân loại Sydney cải tiến bước đầu làm quen và đánh giá mức độ TNMNS theo phân loại Kimura - Takemoto. Trong nghiên cứu này, dạng viêm trợt phẳng thường đi kèm với TNMNS mức độ vừa – nặng (tỉ số chênh = 3,49, p < 0,001), trong khi dạng viêm phù nề sung huyết ít khi đi kèm với TNMNS mức độ vừa – nặng (tỉ số chênh = 0,29, p < 0,001). Dạng
viêm teo trên nội soi cũng thường đi kèm với TNMNS mức độ vừa – nặng (p = 0,04) nhưng do số lượng bệnh nhân có biểu hiện viêm treo trên nội soi quá ít nên không xác định được tỉ số chênh.