CHƯƠNG 2: XÂY DỰNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG Ở TỈNH HƯNG YÊN
2.2. Chủ trương và quá trình xây dựng tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (1997 - 2000)
2.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng tổ chức cơ sở đảng (1997-2000)
Trước yêu cầu của thời kỳ mới, việc xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh là một nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và chỉnh đốn Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6-1996), Đảng chỉ đạo, trong công tác xây dựng Đảng phải thường xuyên nắm vững và quán triệt, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Nâng cao sức năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Đại hội cũng nhấn mạnh việc “…khảo sát kỹ từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, đánh giá đúng thực
trạng và nguyên nhân để có biện pháp đổi mới, chỉnh đốn phù hợp. Bảo đảm cho mỗi loại hình hoạt động đúng chức năng và nhiệm vụ của mình” [27, tr.147].
Đại hội chỉ rõ cần phát huy kết quả, kinh nghiệm lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII), để chỉ đạo tốt cuộc vận động xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh; chấn chỉnh các cơ sở yếu kém; khắc phục việc buông lỏng công tác Đảng; ở những nơi nội bộ Đảng mất đoàn kết, cán bộ chủ chốt có nhiều biểu hiện tiêu cực thì cấp trên phải chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp. Nghị quyết Đại hội nêu yêu cầu:
Hướng chủ yếu củng cố, chỉnh đốn các tổ chức cơ sở đảng là phải làm cho các cơ sở này quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra chủ trương, giải pháp đúng và lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của đơn vị, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người lao động, chống tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lãnh đạo giải quyết những nguyện vọng chính đáng, thiết thực, bức xúc của nhân dân…Các tổ chức cơ sở đảng phải động viên và tổ chức nhân dân thường xuyên tham gia xây dựng Đảng;
đóng góp ý kiến xây dựng các nghị quyết của Đảng [29, tr.724].
Nghị quyết nhấn mạnh về xây dựng TCCSĐ để khắc phục các tổ chức cơ sở yếu kém, đặc biệt là làm rõ được những nhiệm vụ chủ yếu cụ thể của TCCSĐ.
Ngày 19-11-1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 12-QĐ/TW, về việc đình chỉ sinh hoạt của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, của cấp uỷ viên, đình chỉ sinh hoạt của tổ chức Đảng.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 29-QĐ/TW ngày 2 - 6 - 1997, quy định về thi hành Điều lệ Đảng. Quy định cụ thể việc thi hành Điều 10 (điểm 2,3); Điều 21 (điểm 3, 4, 5) khi lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng; lập cơ cấu tổ chức ở các cơ sở đảng có đặc điểm khác nhau; lập, hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
Công tác kiểm tra đối với TCCSĐ luôn được coi trọng, qua đó đánh giá đúng kết quả việc làm được và chưa làm được. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 29-CT/TW (4-2-1998), về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng. Chỉ thị số 29 chỉ rõ: “Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”
[3]. Công tác kiểm tra của Đảng cần tập trung vào một số nội dung sau: Kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Tổ chức và của cấp uỷ các cấp về KT-XH, công tác xây dựng Đảng, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng về thu, chi ngân sách; kiểm tra công tác cán bộ.
Nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 30-CT/TW (18-2-1998), về Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị xác định rõ: mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu đồng thời là động lực đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới [4].
Chỉ thị số 30 quán triệt quan điểm đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; phát huy chế độ dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp ở cơ sở; phát huy dân chủ gắn liền với phát triển KT-XH, nâng cao dân trí, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, gắn quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với công tác cải cách hành chính.
Tiếp đó, nhằm mục đích cụ thể hoá Chỉ thị số 30 của Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 07-HD/KT (19-3-1998), Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra của Đảng. Hướng dẫn đã cụ thể hóa 3 nội dung kiểm tra chủ yếu theo Chỉ thị số 29. Tháng 2 năm 1999, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII ra Nghị quyết số 10-NQ/TW, Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết nêu rõ các tổ chức đảng và cán bộ đảng viên phải thực hiện 10 nhiệm
vụ cụ thể: Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động; Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận; Đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả; Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; Củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; Sắp xếp lại bộ máy tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Cải tiến việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết [31].
Nội dung chủ yếu của nghị quyết thể hiện việc xác định rõ ràng sự đổi mới trong nhận thức tư duy lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng trong chỉ đạo xây dựng Đảng và xây dựng TCCSĐ phù hợp với tình hình mới.
Ngày 05-5-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy chế số 53-QC/TW, về chế độ kiểm tra cán bộ và công tác cán bộ. Đây là cơ sở đánh giá thực trạng công tác cán bộ. Quy chế số 53 xác định căn cứ chung để đánh giá cán bộ gồm 3 điều: Điều 1, các cấp uỷ và tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra cán bộ và công tác cán bộ; Điều 2, kiểm tra để đánh giá đúng cán bộ và công tác cán bộ, kịp thời nêu gương cán bộ và tổ chức đảng làm tốt, giúp đỡ cán bộ và tổ chức đảng gặp khó khăn, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc của cán bộ (về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trách nhiệm...) và công tác cán bộ (thực hiện các nguyên tắc, quy chế, chế độ quy định về phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ), phát hiện những kinh nghiệm tốt, uốn nắn những sơ hở thiếu sót trong công tác cán bộ, kịp thời xử lý những vi phạm; Điều 3, việc kiểm tra phải tuân thủ Điều lệ Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương và hướng dẫn của UBKT Trung ương Đảng.
Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kế hoạch số 04-KH/TW (13-5-1999), triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kế hoạch số 04 xác định: mục đích, yêu cầu; với 3 bước thực hiện và việc lãnh đạo tổ chức thực hiện.
Ngày 02-7-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Công văn số 194-CV/TW về việc hướng dẫn tự phê bình và phê bình: Công văn nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị trên một số nội dung: Quy trình chuẩn bị để tiến hành tự phê bình và phê bình; việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cá nhân và đối với các đồng chí lãnh đạo giữ nhiều chức vụ; thành phần dự kiểm điểm; thời gian và quy định gửi báo cáo. Nội dung Công văn số 194 đã góp phần định hướng cụ thể về lãnh đạo công tác tự phê bình và phê bình, quy định thời gian và thành phần tham dự kiểm điểm.
Trong nhiệm kỳ khóa VIII của Đảng những vấn đề cơ bản về xây dựng TCCSĐ đã được bổ sung đầy đủ, toàn diện hơn và là một trong những nhiệm vụ cấp bách được chú trọng trong công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
2.2.2. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng tổ chức cơ sở đảng (1997-2000)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tháng 11 năm 1997, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng bộ TSVM, Đại hội nêu rõ:
Tiếp tục kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có kiến thức và năng lực, có uy tín, đủ sức lãnh đạo nhân dân Hưng Yên vượt qua khó khăn thử thách, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng tỉnh giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh [13, tr.14].
Công tác xây dựng Đảng tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là: Tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong trong Đảng. Coi trọng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tăng cường bản chất giai cấp công nhân một mặt tăng cường số đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân, nhưng điều chủ yếu và quyết định là xây dựng quan điểm, chính sách, tổ chức sinh hoạt của đảng bộ thực sự dựa trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có bản lĩnh và trí tuệ, gắn bó, mật thiết với nhân dân, thực sự vì dân, chống chủ nghĩa thực dụng, vô kỷ luật bè phái trong Đảng.
Hai là: Nâng cao trình độ trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ đảng viên và được quy định thành chế độ của cấp uỷ. Đổi mới cán bộ chủ chốt trong tỉnh, huyện và thị xã. Phải có kế hoạch thường xuyên học tập lý luận, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học.
Đồng thời, phải thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Ba là: Phải rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức, dao động, mất niềm tin, chạy theo lối sống cơ hội thực dụng, làm giàu bất chính, lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế chính sách để tham nhũng, buôn lậu. Kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, kèn cựa, địa vị, cục bộ địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải gương mẫu tự rèn luyện, các cấp uỷ phải có kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng, quản lý, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện.
Bốn là: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Phát huy quyền làm chủ thực sự của dân, chống quan liêu tham nhũng, ức hiếp dân. Động viên và tổ chức để nhân dân thường xuyên tham gia xây dựng Đảng. Cấp uỷ lãnh đạo các đoàn thể và các tổ chức xã hội chủ yếu là định hướng chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ,
thường xuyên kiểm tra, tạo mọi điều kiện để các đoàn thể và mọi tổ chức xã hội hoạt động tốt hơn [13, tr.16].
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2000, Đảng bộ tỉnh có trên 70% số cơ sở đảng đạt chỉ tiêu TSVM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05- CT/TU (02-4-1997), Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đồng thời đề ra 5 tiêu chuẩn xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh:
Một là, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cán bộ, công nhân viên (Kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng).
Hai là, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước.
Ba là, giải quyết tốt những chính sách xã hội, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng luôn lậu, đẩy lùi tệ nạn xã hội (có ít nhất 1 làng được cấp danh hiệu làng văn hóa).
Bốn là, nội bộ đoàn kết, sinh hoạt có chất lượng, đảng viên gương mẫu.
Năm là, chính quyền và các đoàn thể được công nhận vững mạnh [97].
Như vậy, theo Chỉ thị số 05, Tỉnh ủy Hưng Yên đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn để xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh một cách rõ ràng, là cơ sở để bình xét thi đua xây dựng TCCSĐ trong toàn tỉnh.
Để phong trào phát triển toàn diện, vững chắc, cấp ủy Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân, các ban, ngành chỉ đạo việc rà soát, đánh giá thực trạng tình hình TCCSĐ, từ đó có kế hoạch cụ thể để xây dựng cơ sở đảng của ngành, của địa phương mình đạt tiêu chuẩn TSVM. Trên cơ sở 5 tiêu chuẩn phải được cụ thể hóa cho từng loại hình để chấm điểm thi đua và có quy trình xét duyệt công nhân danh hiệu tổ chức cơ sở đảng TSVM, tổ chức đoàn thể và chính quyền cơ sở vững mạnh.
Nhằm mục đích triển khai Chỉ thị số 05-CT/TU đạt kết quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 70-HD/TC (15-4-1997) về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.
Theo đó, các tiêu chuẩn được cụ thể hóa cho phù hợp với từng loại hình cơ sở đảng: Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị (kinh tế-xã hội-chuyên môn); lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh; chống tham nhũng, buôn lậu, xa hoa, lãng phí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08-CT/TU (06-9-1997) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình đưa thông tin xuống cơ sở, Tỉnh ủy chỉ đạo, các cấp ủy quan tâm củng cố đội ngũ báo cáo viên các cấp, nhất là cấp cơ sở để thực hiện các chuyên đề về kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng ở địa phương. Khẩn trương tổ chức thực hiện để các công trình phục vụ cho việc đưa thông tin xuống cơ sở được triển khai sớm. Ngân sách Đảng tiếp tục tài trợ phát hành báo Hưng Yên, bản tin “Thông báo nội bộ” và điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt cho báo cáo viên. Nâng cao chất lượng các kênh thông tin, tuyên truyền miệng, phương tiện thông tin đại chúng, thông tin lưu động…đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của cán bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/TW (10-10-1998) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch số 17-KH/TU (6-7-1999) về Tự phê bình và phê bình thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Việc tự phê bình và phê bình được thực hiện theo các nội dung: Kiểm điểm về tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; về tổ chức và sự chỉ đạo điều hành; về phương châm, phương pháp tiến hành…Việc tiến hành tự phê bình được áp dụng với toàn thể đảng viên, trong đó tập trung vào các đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo các cấp…
Tiếp đó, ngày 20-10-1999, Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch số 17-KH/TU về việc Thực hiện bước 2 triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) và cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng. Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ bước 2 bao gồm: Tổ chức học tập và làm theo Di chúc,