CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU KỸ NĂNG NÓI TIẾNG MẸ ÁẺ CỦA TRẺ MẪU GIÁO
1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mẫu giáo
1.3.2. Các yếu tố khách quan
- Môi trường ngôn ngữ: Đây là yếu tố rất quan trọng vì ngôn ngữ, mà trực tiếp nhất là các phương thức ngữ pháp của một ngôn ngữ xác định, sẽ quyết định các thao tác cụ thể để thực hiện lời nói trong quá trình sản sinh lời nói.
Ở phạm vi rộng, môi trường ngôn ngữ có thể bao gồm yếu tố không gian (vùng miền) và văn hoá. Trẻ được sống và hoạt động trong môi trường ngôn ngữ nào thì ngôn ngữ của trẻ sẽ mang đặc trưng ngôn ngữ của môi trường ấy. Ảnh hưởng này được minh chứng rõ nét ở tiếng địa phương của mỗi vùng miền khác nhau (cả về phương diện ngữ âm, từ vựng, nghĩa của từ, lối dùng từ...). Tiếng Việt có 3 phương ngữ (tiếng địa phương) chính, gồm phương ngữ Bắc Bộ (Hà Nội), phương ngữ Trung Bộ (Huế) và phương ngữ Nam Bộ (Sài Gòn). Từ những phương ngữ này tiếp tục hình thành thêm những phương ngữ phụ khác. Các phương ngữ khác nhau chủ yếu ở giọng điệu và từ địa phương. Chẳng hạn, thanh hỏi và thanh ngã ở miền Bắc rõ hơn ở miền Nam, một số tỉnh miền Trung dùng thanh ngã và thanh hỏi lẫn nhau, miền Bắc sử dụng một số phụ âm (tr, ch, n, l...) khác với miền Nam và Trung. Hệ thống từ địa phương ở mỗi vùng miền cũng rất phong phú.
Ở phạm vi hẹp, môi trường ngôn ngữ có thể được coi là ngôn ngữ của những người gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với trẻ. Trẻ thường có xu hướng phát âm, dùng từ, diễn đạt giống với cách phát âm, nói năng của bố mẹ/ông bà/ anh chị em/người giúp việc…tuỳ vào việc thường xuyên được tiếp xúc và gắn bó với ai, chịu ảnh hưởng nhiều từ ai.
Sau môi trường ngôn ngữ cụ thể, cần nói đến sự khác biệt văn hóa trong các môi trường ngôn ngữ này. Xuất phát từ chỗ, ngôn ngữ nói chung, tiếng mẹ đẻ nói riêng mang nội hàm văn hóa dân tộc nên khi tiếp thu ngôn ngữ, trẻ đồng thời còn tiếp thu cả văn hóa được thể hiện trong ngôn ngữ đó. Trẻ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong môi trường văn hóa - ngôn ngữ nào thì sẽ dùng ngôn ngữ và văn hóa ngôn ngữ đó để giao tiếp với người khác.
Môi trường bạn bè cùng chơi cũng là một kênh để trẻ hình thành kỹ năng nói vì sự bắt chước không chỉ diễn ra trong quá trình giao tiếp với người lớn mà còn ở ngay môi trường bạn bè. Môi trường này vừa là điều kiện để trẻ bắt chước lẫn nhau, vừa là điều kiện để tiến hành các hoạt động vui chơi, qua đó phát triển đời sống tâm lý nói chung và kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ nói riêng cho trẻ.
- Phương phip dạy nắm vững tiếng mẹ đẻ của người thân và nhà trường: Đến lứa tuổi mẫu giáo, bên cạnh con đường bắt chước một cách tự phát, vốn là một đặc trưng của lứa tuổi, thì việc gia nhập vào môi trường học tập ở trường mầm non sẽ mang đến cho trẻ một con đường mới để hình thành kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ một cách tự giác, lâu dài và hiệu quả. Tuy nhiên, trong số các yếu tố thuộc về nhà trường (cũng như cha mẹ của trẻ) thì phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ rất quan trọng vì cùng mục đích, nội dung như nhau nhưng cách dạy khác nhau sẽ mang lại kết quả (kỹ năng nói) ở tính chất và mức độ khác nhau. Nếu người lớn dạy trẻ nắm vững tiếng mẹ đẻ bằng pương pháp, cách thức phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ thì trẻ hình thành kỹ năng nói tốt và ngược lại.
- Cùng với phương pháp, hình thức tổ chức, điều kiện, phương tiện dạy nói cũng góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc dạy trẻ nắm vững tiếng mẹ đẻ. Do hoạt động vui chơi (với tính chất “học mà chơi, chơi mà học”) là dạng hoạt động chủ đạo của trẻ nên việc tổ chức các hoạt động nói chung, tổ chức trò chơi nói riêng, theo hướng tăng cường, phát triển ngôn ngữ là điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng kỹ năng nói cho trẻ. Tuy nhiên, để trò chơi thực sự ảnh hưởng tích cực tới ngôn ngữ của trẻ, cần lưu ý đến sở thích, nguyện vọng về nội dung chơi, cách chơi ở từng trẻ một cách phù hợp.
Các điều kiện khác (về thời gian, không gian, cơ sở vật chất, quy mô lớp học, trang thiết bị dạy học…) cũng ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các phương pháp dạy nắm vững tiếng mẹ đẻ và mức độ kỹ năng nói của trẻ.
- Ngoài ra, tính chất mối quan hệ giữa trẻ và đối tượng giao tiếp, đặc biệt với người lớn, sẽ góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm rõ nét sự phát triển kỹ năng nói tiếng
mẹ đẻ của trẻ. Mối quan hệ chan hoà, cởi mở sẽ thúc đẩy trẻ nói mạnh dạn hơn, sẵn sàng thể hiện hết những điểm tích cực và hạn chế trong kỹ năng nói của mình, từ đó có cơ hội để điều chỉnh những chỗ còn sai sót, lúng túng. Ngược lại, trẻ sẽ mang tâm lý mắc cỡ, xấu hổ vì nói sai, thậm chí sợ bị người lớn mắng, do đó sẽ ít nói, việc hình thành kỹ năng nói gặp nhiều khó khăn (rụt rè, lúng túng dẫn đến nói nhát gừng, không hết ý, khó có cơ hội để người lớn sửa các lỗi sai cho trẻ về phát âm cũng như cách dùng từ, diễn đạt…).
Tiểu kết chương 1
Tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy, kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mầm non nói chung, trẻ mẫu giáo nói riêng, được bàn đến ở nhiều góc độ khác nhau. Ở nước ngoài, đã có nhiều nghiên cứu công phu về vấn đề này nhưng ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu, đặc biệt dưới góc độ tâm lý học, hiện đang còn ít.
Trên cơ sở một số vấn đề lý luận tâm lý học về kỹ năng, kỹ năng nói, kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mẫu giáo được nghiên cứu ở cả góc độ kỹ thuật hành động nói và năng lực nói của trẻ. Trong nghiên cứu này, kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mẫu giáo được hiểu là sự vận dụng những tri thức, kinh nghiệm hành động/hoạt động nói tiếng mẹ đẻ đã có của trẻ vào thực hiện hành động/ hoạt động sử dụng ngữ âm, từ, ngữ pháp theo quy định để thể hiện ý phù hợp với tình huống lời nói.
Kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mẫu giáo được biểu hiện ở bốn kỹ năng thành phần: kỹ năng sử dụng ngữ âm, kỹ năng sử dụng từ, kỹ năng sử dụng ngữ pháp và kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ để thể hiện ý phù hợp với tình huống lời nói.
Dựa vào đặc điểm kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ, có thể đánh giá kỹ năng này của trẻ qua 3 tiêu chí (tính đúng đắn, tính thành thục, tính linh hoạt) và ở 5 mức độ (rất thấp, thấp, trung bình, cao, rất cao). Mỗi mức độ của từng tiêu chí đều có những biểu hiện cụ thể.
Kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ của trẻ mẫu giáo chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan (như đặc điểm thể chất, nhu cầu, hứng thú nói, khả năng bắt chước ngôn ngữ nói của người khác, trình độ nắm vững ngôn ngữ nói, một số trải nghiệm đời sống) và khách quan (như môi trường ngôn ngữ, phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ của người lớn, điều kiện, phương tiện dạy nói, mối quan hệ giữa trẻ và đối tượng giao tiếp).