Phương hướng phát triển của khách sạn Paloma Hà Nội

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của khách sạn Paloma Hà Nội (Trang 68 - 72)

Chương 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA KHÁCH SẠN PALOMA HÀ NỘI TRONG THỜI GIAN TỚI

3.1. Phương hướng phát triển của khách sạn Paloma Hà Nội

3.1.1. Phương hướng phát triển của ngành kinh doanh khách sạn du lịch

Triển khai quyết định số 321/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 – 2020, trong đó có những điểm sau:

Thứ nhất, phấn đấu đến năm 2020 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên theo hướng chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy giá trị nổi trội của tài nguyên du lịch của các vùng miền, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững. Phát triển được những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, phù hợp với thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.

Thứ ba, xây dựng được thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu sản phẩm du lịch theo vùng, thương hiệu loại hình du lịch tiêu biểu gắn với các địa phương, doanh nghiệp và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, nâng cao hiệu quả khai thác du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý du lịch thông qua củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường thiết chế, chính sách, phối hợp liên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Thứ năm, góp phần đạt được chỉ tiêu về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch đã đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36-37 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD; đến năm 2020 thu hút 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47-48 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD.

Thứ sáu, chương trình quốc gia về du lịch giai đoạn 2013-2020 là chương trình triển khai Quyết định số 321/QĐ-TTg, nhằm đạt được mục tiêu là đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Thứ bảy, trong năm 2016 xây dựng 3-4 thương hiệu du lịch cấp vùng và tổ chức các hoạt động phát triển thương hiệu; đến năm 2020 xây dựng thương hiệu và thực hiện các hoạt động phát triển thương hiệu cho cả 7 vùng du lịch của Việt Nam.

Thứ tám, đẩy mạnh xúc tiến đưa hình ảnh của Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng có vị trí xứng đáng trong làng du lịch thế giới. Định hướng các cấp, các ngành và toàn xã hội hưởng ứng và tham gia tích cực vào chương trình phát triển du lịch.

Như vậy với quan điểm phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn du lịch có nhiều cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Bảng 3.1: Dự báo một số chỉ tiêu cơ bản của du lịch Việt Nam đến năm 2020.

STT CHỈ TIÊU ĐƠN VỊ NĂM 2015 NĂM 2020

1 Khách du lịch quốc tế Triệu lượt 7 đến 7,5 10 đến 10,5 2 Khách du lịch nội địa Triệu lượt 36 đến 37 47 đến 48 3 Thu nhập từ du lịch Tỷ USD 10 đến 11 18 đến 19

4 Phòng lưu trú Phòng 390.000 589.000

5 Số lao động tực tiếp

trong ngành Du lịch Số lao động 620.000 870.000 ( Nguồn: Tổng cục du lịch)

Với tốc độ tăng trưởng như vậy, đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở- vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế và 71 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng tương ứng 5,2% và 4,1%/năm. Và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực với các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao (nguồn: Dự báo của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, năm 2011).

3.1.2. Phương hướng phát triển của khách sạn Paloma Hà Nội

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, sự góp mặt của quá nhiều khách sạn dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và khốc liệt hơn. Một vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nói chung và khách sạn Paloma Hà Nội nói riêng là làm sao để doanh nghiệp mình phát triển một cách bền vững, không bị đào thải bởi quy luật cạnh tranh.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây tình hình kinh doanh của khách sạn Paloma Hà Nội có nhiều biểu hiện đi xuống, từ chất lượng dịch vụ đến việc marketing mở rộng thị trường đều có nhiều bất cập dẫn đến doanh thu tụt giảm mỗi năm và nhận được nhiều phản hồi không tốt từ phía khách hàng. Trước tình hình đó ban quan trị khách sạn Paloma Hà Nội đã và đang xây dựng kế hoạch cho năm 2016: Đầu tư xây dựng mở rộng kinh doanh; Tái thiết lại hoạt động kinh doanh của khách sạn; Nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách phát triển kinh doanh. Ban quản trị khách sạn đã đưa ra mục tiêu kinh doanh trong năm 2017 như sau:

Bảng 3.2: Chỉ tiêu hoạt động của khách sạn Paloma Hà Nội 2017

Chỉ tiêu Đơn vị tính Số lượng So sánh 2015

Tổng lượt khách Lượt khách 8.979 187%

- Khách quốc tế - Khách nội địa

Lượt khách Lượt khách

7.183 1.796

Công suất phòng % 82% 143%

Doanh thu thuần Triệu đồng 9.548,227 175%

(Nguồn: Khách sạn Paloma Hà Nội) Để đạt được những mục tiêu trên, ngay từ bây giờ ban quản trị khách sạn Paloma cần xây dựng những chiến lược kinh doanh và có kế hoạch thực hiện một cách đồng bộ và gắn với những mốc thời gian cụ thể.

Thứ nhất, đầu tư xây dựng mở rộng diện tích, mặt bằng kinh doanh: nâng cao thêm hai tầng tăng số phòng từ 23 phòng lên 30 phòng, trong đó có 3 phòng gia đình.

Thứ hai, đầu tư thay thế các trang thiết bị hoạt động kém hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thứ ba, chú trọng đến hoạt động marketing đặc biệt là việc mở rộng thị trường hướng tới những đối tượng khách hàng mới nhiều tiềm năng.

Thứ tư, chú trọng hơn nữa việc kinh doanh các dịch vụ bổ sung như: dịch vụ kinh doanh ăn uống, dịch vụ du lịch lữ hành. Cụ thể là chuyển nhà hàng từ tầng trệt lên tầng thượng, tận dụng tầm nhìn đẹp kinh doanh ăn uống. Một phần nâng cao chất lượng dịch vụ chung của khách sạn, một phần phục vụ khách vãng lai tối đa hóa doanh thu cho khách sạn.

Thứ năm, xây dựng kế hoạch tuyển dụng cũng như đào tạo nhân lực nhằm nâng cao trình độ của nhân viên nhất là trình độ ngoại ngữ. Đồng thời có những chính sách và ưu đãi đối với những nhân viên có năng lực, có ý muốn gắn bó lâu dài với khách sạn.

Thứ sáu, công tác bảo dưỡng, sửa chữa cần được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng các dịch vụ của khách sạn.

Thứ bảy, thực hiện tốt công tác tiết kiệm, tăng cường kiểm tra và đôn đốc nhân viện thực hành tiết kiệm hợp lý.

Thứ tám, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để tệ nạn xã hội xảy ra tại khách sạn.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của khách sạn Paloma Hà Nội (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)