3.3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
3.3.1. Cơ sở khoa học của việc đề xuất
3.3.1.1. Hiện trạng sử dụng đất năm 2012 của tỉnh Thừa Thiên Huế
Đối với việc đề xuất định hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ nói chung và đưa ra các giải pháp phát triển NLN theo hướng bền vững nói riêng, nghiên cứu hiện trạng sử dụng đất là một việc làm quan trọng. Năm 2012, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh TTH là 503.320,53ha, đạt 0,45 ha/người, gấp 1,22 lần mức bình quân của cả nước, trong đó: đất nông nghiệp có diện tích là 390.889,77ha, đất phi nông nghiệp có diện tích 91.026,20ha và đất chưa sử dụng có diện tích là 21.404,55ha [77].
Hiện trạng sử dụng đất được xem là một yếu tố cơ bản để xác định mức độ thoái hóa đất hiện tại, và cũng là yếu tố quan trọng, trong đánh giá thích hợp đất đai để bố trí loại hình sử dụng NLN hợp lý. Cùng một ĐVĐĐ có thể thích hợp với nhiều loại hình sử dụng được đưa vào đánh giá khác nhau, do đó hiện trạng sử dụng đất sẽ được giữ nguyên nếu nó giống hoặc gần giống với loại hình thích hợp nhất. Tuy nhiên, nếu thực tế khai thác sử dụng đất không phù hợp với kết quả đánh giá thì cần phải xem xét bổ sung nhiều yếu tố khác như quy hoạch sử dụng đất, chiến lược phát triển KT - XH của địa phương… để có giải pháp sử dụng bền vững.
3.3.1.2. Thực trạng phát triển ngành nông lâm nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế Năm 2012, tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế của ngành NLN đạt 5.268.367 triệu đồng, tăng 1,03% so với năm 2011 và chiếm 9,1% giá trị sản xuất của toàn tỉnh.
a. Ngành nông nghiệp
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá thực tế liên tục tăng qua các năm và đạt 4.850.445 triệu đồng năm 2012, chiếm 92,1% tổng giá trị sản xuất của ngành NLN toàn tỉnh. Trong đó, trồng trọt chiếm vị thế chủ đạo chiếm 67,4% giá trị sản xuất nông nghiệp, ngành chăn nuôi đạt chiếm 26,8%, các hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp… tuy có phát triển nhưng vẫn còn chậm, chỉ chiếm 5,8%.
* Trồng trọt
- Diện tích các loại cây, nhóm cây trồng trên địa bàn nghiên cứu tăng giảm không đều qua các năm. Bảng 3.14, cho thấy lúa vẫn là cây trồng chủ lực với diện tích lớn nhất 53.775ha (tăng 312ha so với năm 2011) được gieo trồng trong 3 vụ
đông xuân, hè thu và mùa (lúa vụ mùa chỉ có ở huyện A Lưới với 712ha).
Bảng 3.14. Diện tích các loại/nhóm cây trồng giai đoạn 2008 - 2012 (ha) [13]
Loại/Nhóm cây 2008 2009 2010 2011 2012
Lúa 50.846 53.038 53.705 53.445 53.757
Ngô 1.554 1.589 1.636 1.656 1.712
Sắn 7.248 6.932 7.080 7.811 7.595
Cây hàng năm - 12.307 11.690 11.566 11.142
Cây lâu năm 13.979 14.011 13.840 13.427 13.971 Nhóm cây lâu năm có diện tích trồng được mở rộng 544ha so với năm 2011 với những loại cây có giá trị cao như cao su, cà phê, hồ tiêu…, trong đó diện tích cây cao su tăng liên tục từ 8.380ha năm 2008 lên 9.163ha năm 2012, có khoảng 5.108ha đang ở trong kỳ khai thác. Các vùng có diện tích trồng cao su lớn là Nam Đông (3.538ha), Hương Trà (2.386ha), Phong Điền (1.523ha), A Lưới (1.162ha), Phú Lộc (554ha). Diện tích cây công nghiệp có xu hướng giảm (giảm 424ha so với năm 2011) do được chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
- Sản lượng cây trồng trên tỉnh TTH biến động khác nhau qua thời gian, dưới tác động của điều kiện tự nhiên và điều kiện KT - XH.
Bảng 3.15. Sản lượng một số cây trồng giai đoạn 2008 - 2012 (tấn) [13]
Loại cây 2008 2009 2010 2011 2012
Lúa 274.813 282.582 285.185 299.133 298.984
Ngô 5.288 5.655 5.959 6.159 6.923
Sắn 113.281 129.360 135.100 149.300 140.200
Lạc 6.333 8.722 8.732 7.360 8.106
Đậu các loại 1.295 1.195 1.176 1.135 1.237
Cà phê nhân 325,15 269,92 332 337,6 411,7
Cao su 1.080 2.692 3.616 4.613 5.824
Hồ tiêu 135,2 158,2 166 166,2 171,5
Năm 2012, sản lượng thu hoạch của cây ngô, lạc, đậu các loại, cà phê nhân, cao su và hồ tiêu đều tăng so với năm 2011. Sản lượng lúa đạt 298.984 tấn, giảm so với năm 2011 nhưng không đáng kể, năng suất đạt 55,6 tạ/ha. Cây sắn có sản lượng
giảm lớn nhất, giảm 9.100 tấn, do diện tích bị thu hẹp.
* Chăn nuôi
Thừa Thiên Huế có diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi là 185,23ha (năm 2012 và nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú nên thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2012, số lượng gia súc có xu hướng giảm (do ảnh hưởng của dịch bệnh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra) nhưng gia cầm lại tăng so với các năm trước, tổng số gia súc là 281.580 con, gia cầm là 2.179.566 con.
b. Lâm nghiệp
Năm 2012, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 417.922 triệu đồng, tăng 55.034 triệu đồng so với năm 2011, trong đó giá trị sản xuất thu được từ khai thác lâm sản chiếm tỷ lệ lớn nhất, đạt 70,6%, công tác trồng và chăm sóc rừng chiếm 15,8%, dịch vụ và các hoạt động lâm nghiệp khác chiếm 13,6%. Diện tích rừng trồng mới là 4.225ha chủ yếu là ở các huyện Phong Điền (1.100ha), Phú Lộc (918ha), Thị xã Hương Trà (907ha), A Lưới (450 ha)... Trong năm 2012 đã khai thác 178.971m3 gỗ, 166.082ster củi và 566 tấn nhựa thông… góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, đưa kinh tế rừng thành một ngành kinh tế quan trọng.
Ngành NLN tỉnh TTH đang gặp phải một số khó khăn, thách thức như:
- Nông lâm nghiệp là ngành có sự phát triển, phân bố phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, nếu các yếu tố như đất đai, khí hậu và nguồn nước, không thuận lợi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất NLN.
- Phần lớn đất đai ở TTH đều có phản ứng chua đến chua vừa, tầng đất mỏng và nghèo dinh dưỡng. Đa số các loại đất đều có hàm lượng lân tổng số, kali tổng số cũng như lân và kali dễ tiêu đều nghèo. Bên cạnh đó, phương thức canh tác của người dân còn nhiều bất cập đặc biệt nhất là ở vùng đồi núi khiến cho đất đai ngày càng bị thoái hóa, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng lên nhưng lợi nhuận lại giảm sút.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất NLN trong tỉnh, cụ thể như:
nhiều diện tích lúa bị hư hại do sâu bệnh, hạn hán, nước nhiễm mặn…
Mạng lưới thủy văn khá dày đặc nhưng tình trạng thiếu nước, nước bị nhiễm
mặn vào mùa khô vẫn xảy ra, gây khó khăn cho sản xuất NLN (Vụ Hè Thu năm 2013, trong hơn 26.000 ha lúa đã gieo cấy đã có khoảng 2.500 ha thiếu nước tưới, tập trung ở các xã vùng cao huyện A Lưới, Nam Đông; các vùng gò đồi, vùng bán sơn địa, vùng ven phá, ven biển…). Việc tích nước của các hồ thuỷ điện Bình Điền, Hương Điền gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu sông Hương, sông Bồ...
- Các cây ngắn ngày và dài ngày như lạc, sắn, cao su, cà phê… đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh tuy nhiên việc đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển hợp lý cho các loại cây này chưa kịp thời nên hiệu quả vẫn còn hạn chế.
- Tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng và vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng chưa vẫn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh gây khó khăn cho ngành lâm nghiệp.
Năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy là 92ha trong đó 58ha rừng không có khả năng phục hồi.
- Chất lượng nguồn lao động trong ngành nông nghiệp thấp, nên hạn chế trong việc áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong sản xuất đang rất phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái nông nghiệp, giảm chất lượng nông sản, bất lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng, giảm sản lượng tiêu thụ, thúc đẩy thêm tình trạng suy thoái đất, giảm diện tích đất nông nghiệp.
3.3.1.3. Định hướng sử dụng đất cho mục đích sản xuất nông lâm nghiệp đến năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế
Tỉnh TTH [95] đã xác định hướng sử dụng đất đai cho mục đích sản xuất NLN trong giai đoạn 2010 - 2020 như sau:
- Đất trồng lúa nước: Trong 10 năm tới, ổn định diện tích đất trồng lúa khoảng 30.000ha, trong đó có 25.000ha đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên).
Vùng lúa có chất lượng cao được xác định ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang và thị xã Hương Trà, Hương Thủy.
- Đất trồng cây lâu năm: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây cao su, cà phê, hồ tiêu, quế. Hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp tạo nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
+ Cây cao su tập trung phát triển ở 2 huyện Phong Điền, Nam Đông, thị xã Hương Trà và có thể mở rộng diện tích cao su ở các huyện Phú Lộc, A Lưới và thị xã Hương Thủy. Dự kiến tăng diện tích cây cao su lên 10.000 - 12.000ha vào năm 2020.
+ Cây cà phê được phát triển theo hình thức trang trại và hộ gia đình, tập trung nhiều ở huyện A Lưới. Dự kiến tăng diện tích lên khoảng 2.000ha vào năm 2020.
+ Cây hồ tiêu là cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích hợp với vùng đất gò đồi của tỉnh TTH. Nhiều mô hình trồng tiêu vườn đồi ở Bình Điền, Hương Thọ, (Hương Trà), Phong Mỹ, Phong Sơn (Phong Điền), Hương Lộc (Nam Đông)…, cho kết quả tốt, góp phần xóa đói giảm nghèo và mở ra triển vọng sản xuất với quy mô lớn.
+ Cây ăn quả: mở rộng diện tích cây ăn quả và đất vườn lên 12.000 - 14.000ha, trong đó có 9.000 - 10.000ha đất vườn và 4.000 - 5.000ha diện tích cây ăn quả với loài cây chủ yếu là bưởi thanh trà, cam, quýt… Khuyến khích phát triển kinh tế vườn, cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho nông dân.
- Đất lâm nghiệp
+ Rừng sản xuất: Diện tích đất rừng sản xuất được quy hoạch là 141.508ha.
Tập trung mở rộng diện tích rừng nguyên liệu tập trung cho phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.
+ Rừng phòng hộ: Diện tích đất rừng phòng hộ được quy hoạch là 100.000ha.
Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ thuộc hành lang biên giới Việt - Lào; rừng phòng hộ ven biển; coi trọng việc đầu tư trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái ở các khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu du lịch biển Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô và các khu vực cộng đồng khác.
Đẩy mạnh hình thức quản lý rừng cộng đồng bằng phương thức giao rừng tự nhiên đến năm 2015, đặc biệt quan tâm những khu rừng phòng hộ đầu nguồn phân tán, rừng phòng hộ vùng cát, cửa sông, ven biển ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.
+ Rừng đặc dụng: Diện tích đất rừng đặc dụng được quy hoạch là 87.668ha.
Bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Phong Điền, Khu Bảo tồn Sao La và khu rừng văn hóa lịch sử Tây Nam TP Huế nhằm nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn gen động, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học của vùng Trung Trường Sơn, kết hợp với phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa.
Đầu tư xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích che phủ rừng của tỉnh đạt trên 60%.
3.3.1.4. Kết quả đánh giá thoái hóa đất hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Kết quả đánh giá cho thấy, tỉnh TTH có 237.456,15ha đất có mức độ thoái hóa nhẹ hoặc không thoái hóa (H1), chiếm 47,18% tổng DTTN toàn tỉnh. Có 233.856,92ha ở mức thoái hóa trung bình và mạnh, chiếm 52,82% tổng DTTN. Kết quả này là cơ sở để có kế hoạch bố trí sử dụng, cải tạo đất phù hợp.
3.3.1.5. Tiềm năng đất đai cho phát triển nông lâm nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế Toàn bộ lãnh thổ tỉnh TTH xác định được 130 ĐVĐĐ với tổng diện tích 502.601,83ha (trừ diện tích núi đá là 718,70ha), trong đó đưa vào đánh giá và phân hạng mức độ thích hợp cho 80 ĐVĐĐ với diện tích là 210.054,28ha. Kết quả đánh giá mức độ thích hợp của các ĐVĐĐ đối với các loại hình NLN được lựa chọn như sau:
Bảng 3.16. Kết quả phân hạng ĐVĐĐ cho phát triển nông lâm nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Loại hình sử dụng
Mức độ thích hợp Diện tích có thể trồng (ha)
S1 S2 S3 N
1. Nhóm cây hàng năm 41.369,39 38.912,17 10.043,89 119.728,83 90.325,45 2. Cây bưởi thanh trà 15.305,78 6.952,30 17.233,78 170.562,20 39.491,86 3. Cây cao su 4.584,06 10.944,05 34.344,50 160.181,67 49.872,61 4. Cây keo tai tượng 68.266,47 91.110,58 23.651,75 27.025,48 183.028,80 Bảng 3.16 cho thấy cây bưởi thanh trà, sau đó là cây cao su có diện tích không thích hợp lớn nhất. Điều này là do cây bưởi thanh trà có biên độ sinh thái hẹp, yêu cầu khắt khe về điều kiện sinh trưởng và phát triển. Cây cao su khó thích
nghi được với điều kiện hay có mưa bão của vùng nghiên cứu. Ngược lại, keo tai tượng có diện tích có thể trồng lớn nhất, tiếp đến là nhóm cây hàng năm (lạc, đậu, vừng) cũng có khả năng phát triển rộng. Đây là nhóm cây trồng ít kén đất, thậm chí có khả năng cải tạo đất bị thoái hóa. Do vậy, việc bố trí các loại hình sử dụng phù hợp với tiềm năng đất đai, lợi thế của lãnh thổ, phù hợp với chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất là rất cần thiết và quan trọng.