3.3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
3.3.3. Đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững ở tỉnh Thừa Thiên Huế
3.3.3.1. Giải pháp ngăn ngừa và hạn chế thoái hóa đất a. Giải pháp chung
■ Các giải pháp về chính sách quản lý, pháp luật, tuyên truyền giáo dục - Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách giao đất giao rừng phù hợp, các quy định về quản lý, sử dụng các loại đất (đất dốc, đất theo lưu vực sông, đất rừng, đất ngập nước, các cồn cát, dải cát). Tiến hành đánh giá tác động môi trường các dự án có liên quan đến sử dụng đất.
- Xây dựng các chiến lược, quy hoạch sử dụng đất bền vững đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất, rừng, hướng dẫn có hiệu quả việc áp dụng các mô hình sử dụng đất bền vững cho cộng đồng dân cư, nhất là đối với cộng đồng dân tộc thiểu số
sinh sống ở các huyện miền núi (các vùng có nguy cơ, hiện trạng thoái hóa đất cao).
- Đào tạo và huấn luyện nâng cao kiến thức của người dân trong việc áp dụng các kỹ thuật sử dụng và quản lý đất bền vững.
■ Các giải pháp kinh tế - sinh thái
Tùy theo hiện trạng thoái hóa đất để lựa chọn mô hình cây con thích hợp.
Để bảo đảm lương thực vùng núi cần phải định canh, định cư bảo vệ và phát triển rừng, chống xói mòn, sạt lở, rửa trôi đất. Lựa chọn cây nông nghiệp trồng cạn như ngô, đậu và cây có củ. Áp dụng các mô hình sinh thái khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả phát triển KT - XH và bảo vệ môi trường: Xây dựng các mô hình RVAC (rừng - vườn - ao - chuồng) hay VAC (vườn - ao - chuồng)… ở vùng núi, gò đồi, ven biển. Xác định quy mô hợp lý, điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế rừng (ưu tiên keo tai tượng), các vùng chuyên canh cây ăn quả (ưu tiên cây bưởi thanh trà) và cây lâu năm, cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu có giá trị kinh tế cao và áp dụng quy trình canh tác tiến bộ trên đất dốc. Kết quả điều tra hiệu quả KT - XH của đề tài
“Xây dựng mô hình NLKH dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế” [105] và các khảo sát nhanh trên thực địa của tác giả cho thấy các mô hình sau đang được thử nghiệm áp dụng với hiệu quả cao nên đề xuất phổ biến.
* Mô hình vườn nhà với cây rừng (gọi tắt là vườn rừng)
Mô hình này nên được xây dựng ở vùng núi thấp, vùng đồi, nơi có lượng mưa lớn, đất dốc, đã bị thoái hóa, ít có khả năng phát triển nông nghiệp. Trong đó, rừng thường bố trí ở các khu vực đồi núi; Vườn nhà bố trí ở nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phù hợp với một số loại cây hoa màu, gia vị, ăn quả. Cơ cấu diện tích:
trồng keo 65%; tre, luồng lấy măng và bảo vệ vườn rừng 10%; Nhà cửa, các loại cây gia vị, rau màu, cây ăn quả... 15%; loại khác 10%. Việc mở rộng mô hình vườn - rừng giúp tăng thêm diện tích rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.
* Mô hình vườn nhà với cây công nghiệp
Áp dụng cho những vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai thường phù hợp với một số loại cây công nghiệp như cao su, các loại cây ăn quả... Cơ cấu diện tích gồm: cây công nghiệp 70%; cây ăn quả 10%; rau màu 10%; nhà cửa 5%…
Đại bộ phận diện tích dành cho cây công nghiệp, kết hợp với cây đa mục đích để che bóng, chống xói mòn đất và tận dụng các sản phẩm khác.
* Mô hình vườn nhà với cây ăn quả
Mô hình vườn nhà với cây ăn quả, gọi tắt là vườn quả, thường được phát triển ở khu vực thung lũng thấp với đất phù sa thoát nước hoặc được đào mương đắp líp để thoát nước trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô. Khu vực đất xám phù sa cổ có bề mặt tương đối bằng phẳng hoặc gợn sóng cũng có thể áp dụng.
Cơ cấu diện tích: Diện tích các loại cây cây ăn quả có thể áp dụng như thanh trà, nhãn, chuối... khoảng 80%; chuối nên trồng xen dưới tán cây ăn quả.
* Mô hình rừng + nương hoặc bãi chăn thả + ruộng
Mô hình này nên bố trí ở vùng đồi và vùng núi thấp. Đây là những vùng có địa hình dốc, đất thích hợp cho trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như sắn hoặc một số cây lương thực như ngô, lúa nương.
Cơ cấu diện tích trồng gồm rừng (keo) chiếm 10%; sắn 30%; ngô 30%; lúa 15%... mô hình này chỉ áp dụng tốt nhất cho những vùng có nguồn nước tự nhiên.
* Mô hình VAC được đề xuất phát triển ở vùng có đất phù sa, diện tích tương đối lớn và bằng phẳng có thể đào được ao cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm đồng thời có đủ nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất ngay trên đất thổ cư. Mô hình này thích hợp cho những vùng có đất chưa bị thoái hóa nặng có khả năng cải tạo đất rất tốt, chống ô nhiễm môi trường đất do sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu phân bố diện tích đất cho các loại là: Cây ăn quả (hồng, bưởi thanh trà) khoảng 20% diện tích;
chuối 20%; cây hoa màu khoảng 25%; chuồng trại, nhà cửa 20%.
* Mô hình RVAC (Rừng - Vườn - Ao - Chuồng)
Rừng được trồng hoặc được bảo vệ ở đỉnh đồi, khu vực sườn đồi phát triển cây công nghiệp hoặc cây ăn quả. Ngô và sắn được trồng xen kẽ hoặc trồng riêng ở khu vực tiếp theo. Khu vực chân đồi là vườn và chuồng trại trồng các loại rau xanh, lúa nước, đậu, đỗ các loại và đào ao thả cá. Việc trồng xen canh và đa dạng các loại cây trong vườn tạo ra cơ hội chăm sóc và cải tạo đất.
■ Các giải pháp sinh thái - công trình và công nghệ
* Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như sinh học, canh tác, thuỷ lợi...
để đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa ngăn chặn xói mòn và cải thiện độ phì của đất, nâng cao năng suất cây trồng.
* Trồng rừng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, phủ xanh đất trống, núi trọc, áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc theo hướng nông lâm kết hợp. Khi trồng rừng, cần bảo đảm các nguyên tắc sau: - Phù hợp với mục tiêu trồng rừng; - Phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của vùng định gây trồng; - Nhanh đưa lại hiệu quả; - Dễ gây trồng hoặc có hiểu biết kỹ thuật gây trồng. Tôn trọng nguyên tắc không làm giảm năng suất và chất lượng gỗ của rừng khi trồng xen các cây nông nghiệp thân thảo ngắn ngày (cung cấp lương thực thực phẩm) với cây rừng trên đất canh tác lâm nghiệp với lưu ý sau: Trồng xen cây nông nghiệp thân thảo ngắn ngày trong giai đoạn đầu, khi rừng trồng chưa khép tán; Lựa chọn các cây nông nghiệp, dược liệu, chịu bóng hoặc ưa bóng dưới tán rừng.
* Trồng và bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ chống cát bay, cát chảy để bảo vệ vùng nội đồng, giữ nguồn nước ngọt cho sản xuất , sinh hoạt của dân cư trong vùng.
Chú ý tiến hành theo hướng rừng và đồng cỏ chăn nuôi với mục đích chủ yếu là thâm canh các cánh đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, kết hợp trồng xen các cây thân gỗ (cây lâm nghiệp) đặc biệt là các cây họ đậu nhằm nâng cao năng suất các đồng cỏ, tạo bóng mát cho gia súc, tạo hàng rào ngăn cản gia súc để thực hiện việc chăn thả luân phiên gia súc trên các cánh đồng cỏ.
* Áp dụng các biện pháp chống ô nhiễm đất do các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Trước mắt phải giải quyết vấn đề nước thải, rác thải của các khu công nghiệp, làng nghề để chấm dứt tình trạng xả thải gây ô nhiễm đang diễn ra.
* Có biện pháp phòng chống, khắc phục sự cố trượt lở, xói mòn trên đất dốc, sạt lở bờ sông. Dự báo và phòng chống các tai biến sập lở, lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá.
3.3.3.2. Giải pháp áp dụng cho các vùng bị thoái hóa đất a. Vùng bị thoái hóa nhẹ hoặc không thoái hoá (H1)
Vùng đất thoái hoá nhẹ có 237.456,15ha chiếm 47,15% DTTN của tỉnh, phân bố ở các vùng có rừng tự nhiên hoặc rừng trồng, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, trồng lúa 2 vụ, chuyên màu, có nhiều ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền...
Ở những vùng này cần bảo tồn nghiêm ngặt rừng, tăng độ che phủ đất, khai thác hợp lý tài nguyên đất, đầu tư thâm canh và thường xuyên đánh giá độ phì của đất.
b. Vùng bị thoái hoá trung bình (H2)
Vùng thoái hoá trung bình có diện tích 117.307,02ha chiếm 23,31% DTTN toàn tỉnh. Phân bố nhiều nhất ở huyện Phong Điền, sau đó đến các huyện A Lưới, Hương Trà, Nam Đông... Đất bị thoái hoá chủ yếu do có độ che phủ thấp (đa số diện tích có rừng nghèo, rừng tre nứa, vườn tạp, cây công nghiệp hàng năm, cây bụi cây gỗ rải rác, đất lúa 1 vụ). Đối với các vùng đất này cần tiếp tục cải tạo đất, ưu tiên thử nghiệm, trồng các cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện sinh thái đồng thời tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường, chống xói mòn, rửa trôi đất. Cụ thể:
Huyện Quảng Điền đã chuyển hơn 527ha canh tác từ diện tích đất trồng lúa, trồng màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng mía, lạc và cây thực phẩm; mở rộng diện tích sản xuất các giống cây trồng có năng suất và hiệu quả cao hơn, như các giống lúa mới TH1, TH5, giống lạc MD7, MD9, L14 lên 864ha... Thị xã Hương Thủy tiến hành phát triển trên đất sỏi đá vùng gò đồi, khoảng 35ha chè; 74ha thanh trà…
Công tác trồng rừng vẫn cần tiếp tục duy trì, bên cạnh đó cần đầu tư chiều sâu đối với các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu.
Có thể kết hợp trồng rừng với hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch.
c. Vùng bị thoái hoá nặng (H3)
Vùng H3 có diện tích 116.549,90ha chiếm 23,15% DTTN của toàn tỉnh.
Phân bố nhiều nhất ở huyện A Lưới (chiếm 21,26% tổng diện tích đất tự nhiên bị thoái hóa ở mức H3), sau đó là các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Lộc. Cấp độ H3 còn phân bố ở vùng cát ven biển (ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc), do tác động của gió và cát di động.
* Đối với các đất bị thoái hoá ở mức độ H3, phải tiến hành cải tạo đất, sau đó mới tiến hành trồng trọt.
- Ở khu vực đất cát ven biển phải chấn chỉnh hoạt động nuôi tôm trên cát, khai thác titan để loại bỏ tác nhân gây ô nhiễm đất, phá hoại rừng phòng hộ. Những vùng có cát bay phải tiến hành cố định cát, sau đó trồng các loại cây phù hợp để vừa cải tạo độ phì cho đất vừa tạo ra sản phẩm tăng thu nhập. Có thể áp dụng mô hình sau đây:
Vườn (Rừng) - Ao - Chuồng: Trồng keo tai tượng hoặc tràm cố định cát, tạo bóng mát, giữ nước; sau đó trồng cỏ nuôi bò hoặc trồng bông xen lạc, bông xen dưa hấu hoặc trồng thanh long ruột đỏ trên cát và đào hồ nuôi cá.
- Đối với các vùng đất có tính thích nghi sinh thái rất thấp hoặc không thích nghi cần chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Các vùng đất thoái hóa H3 ở các huyện miền núi như A Lưới, Nam Đông thì cần ưu tiên đầu tư trồng rừng phục hồi, khoanh nuôi bảo vệ những diện tích rừng đang có, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng. Lựa chọn tập đoàn cây trồng phù hợp để phát triển lâu dài, coi trọng phát triển rừng kinh tế. Bộ giống cây trồng để trồng rừng kinh tế gồm: keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, keo lai, phi lao, thông nhựa, cây sao, dầu, huỷnh và một số cây bản địa có ở rừng tự nhiên.
* Tiến hành các biện pháp chống xói mòn
- Làm ruộng bậc thang ở những khu vực có độ dốc từ 5 - 250, đất có tầng dày tối thiểu từ 60cm trở lên, có thể chủ động nguồn tưới [64]. Khi thiết kế cần bảo đảm các nguyên tắc: Ruộng thiết kế theo đường đồng mức; Ruộng phải có bờ, độ rộng, hẹp của mặt ruộng phụ thuộc vào độ dốc và tầng dày; Đất bị san làm tầng không vượt quá 2/3 độ dày tầng đất ban đầu, phải bảo đảm trả được lớp đất màu trên mặt, tỷ lệ sử dụng đất trên 65% so với diện tích ban đầu.
- Thiết kế các công trình và thềm đơn giản
+ Thềm cây ăn quả: Thềm cây ăn quả có thể làm trên sườn dốc >300. Khoảng cách giữa hai hàng cây ăn quả được bảo vệ bằng lớp đất phủ thực vật tự nhiên lâu năm hoặc các cây cỏ, cây họ đậu... Cây ăn quả chính được trồng trong các bồn riêng.
+ Thềm sử dụng linh hoạt: là các dạng thềm nằm cách nhau khá xa, xen kẽ là các dãy sườn đồi chưa được xử lý dùng để canh tác canh tác hỗn hợp. Loại cây
trồng chính ở thềm là cây lương thực, phần sườn dốc chưa xử lý ở giữa nên trồng cây dài ngày hay cây lấy gỗ.
+ Thềm tự nhiên: được áp dụng cho các sườn dốc từ 7 - 100, thềm được hình thành sau khi tạo ra các bờ thấp (đai chắn) bằng đất hay đá thu lượm tại chỗ.
- Áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp phù hợp với địa hình không dốc lắm (thường <120) như: canh tác theo đường đồng mức; cày bừa ngang dốc; bố trí đa canh; trồng cây thành dải; trồng cây bảo vệ đất...
* Cải tạo đất bạc màu
- Thuỷ lợi là biện pháp kỹ thuật quan trọng hàng đầu để cải tạo đất bạc màu, cần được thực hiện chủ động, khoa học bằng một hệ thống kênh mương hoàn chỉnh.
- Biện pháp hữu cơ bao gồm chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và tăng cường bón lót bằng các nguồn phân hữu cơ để tăng độ phì cho đất. Khi sử dụng, phân hữu cơ phải được ủ hoại mục. Ngoài ra có thể sử dụng phân hữu cơ vi sinh.
- Đa dạng hoá cây trồng để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa giúp cải tạo đất bằng các cách như sau: Công thức 2 vụ (1 vụ lúa,1 vụ rau màu); Công thức 3 vụ (1 vụ lúa, 1 vụ rau màu hè thu,1 vụ rau đông xuân); Trên đất bạc màu cần trồng xen hoặc luân canh cây trồng chính với các loại cây họ đậu.
- Che phủ đất.
Sử dụng các loại cây họ đậu và hoa màu phủ đất trống hoặc giữa các cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm chưa khép tán.
+ Trừ cỏ bằng biện pháp sinh học rất hiệu quả và giảm công làm cỏ. Ví dụ, dùng đậu mèo trừ cỏ tranh, dùng các loại cỏ Stylo, cỏ Brachiaria, cỏ Cassia, lạc dại, khoai lang... để diệt cỏ dại.
+ Phủ kín đất trống để giữ ẩm, tăng hàm lượng hữu cơ, chống xói mòn, rửa trôi tầng đất mặt, diệt cỏ dại cho đất trồng. Có thể sử dụng một số cây phủ đất như cây chè khổng lồ, lạc dại, muồng lá tròn kép, cỏ Stylo, cỏ Ruzi, cỏ Ghine thân thấp, lạc, các loại đậu, cây thuốc, gừng, gia vị, rau thơm... Các loài này vừa là nguồn thức ăn chăn nuôi, vừa là cây thuốc, cây gia vị có giá trị kinh tế cao.
Cách tốt nhất là phủ trực tiếp lên đất các loại vật liệu hữu cơ (phế thải nông nghiệp). Tùy độ dốc của đất mà phương pháp phủ khác nhau. Nếu đất bằng phẳng, thì có thể rải vật liệu phủ trực tiếp xen giữa các cây trồng. Nếu đất dốc thì phải bện các vật liệu phủ thành thảm hoặc thành tấm liếp và khi phủ phải đóng cọc tre/gỗ để giữ thảm.
- Có biện pháp làm đất thích hợp. Do đất bạc màu thường khô, cứng nên hạn chế xới xáo để tránh mất nước nhất là vào thời kỳ khô hạn. Chỉ nên kết hợp xới xáo khi làm cỏ, bón phân, tưới nước. Nếu trồng lúa trên đất bạc màu thì không nên xếp ải vì đất dễ mất thêm nước, hệ vi sinh vật trong đất sẽ bị chết, đất sẽ trở nên chai cứng hơn.
* Chống sạt lở, trượt lở bằng các biện pháp nhằm giải quyết nguyên nhân gây sạt lở, trượt lở; gia cố chống lại việc gây sạt trượt gồm: các biện pháp phủ bê tông cứng hóa bề mặt, dùng cọc neo lớp đất trượt vào tầng đá gốc ổn định, xây tường chắn hay đắp đất đá tạo bệ phản áp lực cân bằng với lực gây trượt…; xây dựng hệ thống cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại về nhân lực và vật lực.
3.3.3.3. Hệ thống giải pháp theo từng loại chức năng của đơn vị đất đai a. Đối với các đơn vị đất đai có chức năng khai thác kinh tế
■ Mục tiêu
Quy hoạch thành những vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, bảo đảm nhu cầu lương thực thực phẩm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của mỗi vùng trong tỉnh; chống bạc màu, thoái hóa đất.
■ Nội dung
- Xây dựng các vùng trồng cây hàng năm, thanh trà, cao su, keo tai tượng theo hướng hàng hóa tập trung.
- Dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho thâm canh trong sản xuất lúa nước.
- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để hình thành các cây trồng đặc sản.
- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, bảo vệ đất.
■ Điều kiện thực hiện: