Chương 1: CƠ SỞ KHÁI NIỆM VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.2. Khái quát về địa bàn nghiên cứu
Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cách di tích đền Hùng khoảng 12km và cách thành phố Việt Trì 10km. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng. Địa danh xã Tứ Xã xưa nằm trong vùng thuộc trung tâm của quốc gia Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam dưới thời các Vua Hùng dựng nước. Đây cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh người Việt cổ. Di chỉ khảo cổ học Gò Mun cùng với hàng ngàn hiện vật đồ đá, đồ đồng... qua bốn lần khai quật tại địa phương hiện đang trưng bày tại nhà trưng bày thời đại Hùng Vương (nay là Bảo tàng Hùng Vương) đã cho thấy sự tồn tại lâu đời của cư dân Tứ Xã.
Phía Bắc xã Tứ Xã giáp xã Sơn Vi; phía Nam giáp xã Vĩnh Lại và Bản Nguyên; phía Đông giáp xã Cao Xá; phía Tây giáp xã Sơn Dương và Kinh Kệ của huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 815,6 ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp là 612 ha, đất thổ cư và đất chuyên dùng có 203,6 ha. Toàn bộ đất của xã trải dài 4km2. Tính đến cuối năm 2015, toàn xã Tứ Xã có 2.420 hộ, 9.814 nhân khẩu, mật độ dân số đạt 1147 người/km² [3].
Khí hậu xã Tứ Xã mang đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Mùa lạnh, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau.
Đặc biệt, vào mùa lạnh, thời tiết hanh khô, thường có các đợt gió mùa đông bắc, nhiệt độ thường xuống thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người, nhất là người già và trẻ nhỏ thường hay bị ốm đau liên quan đến các bệnh của thời tiết. Nhiệt độ trung bình trong năm của xã Tứ Xã là 220C, nhiệt độ cao nhất là vào tháng 7, có ngày lên tới 400C, và mùa đông, vào tháng 12 âm lịch, nhiệt độ có thời điểm xuống tới 80C.
18
Lượng mưa trung bình đạt 2000 mm/năm, song sự phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Lượng mưa từ tháng 4 tới tháng 10 âm lịch, chiếm tới 90% lượng mưa của cả năm, lượng mưa ở mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau chỉ chiếm có 10%. Độ ẩm trung bình cả năm là khoảng 83,3%, trong đó độ ẩm cao nhất là vào tháng 7, 8 và thấp nhất là vào tháng 2 âm lịch.
Địa hình xã Tứ Xã thuộc vùng tiếp giáp giữa đồng bằng với trung du, miền núi nên không được bằng phẳng, có nhiều gò thấp và cả những khu vực ngập nước. Trước năm 1965, do các công trình thủy lợi chưa được hoàn thiện nên phần lớn diện tích canh tác chỉ cấy được một vụ (vụ chiêm), còn vụ mùa hầu hết không gieo cấy được do bị ngập nước. Hiện nay hệ thống thủy văn trên địa bàn xã Tứ Xã tương đối tốt, với các trạm bơm nước lấy nước từ sông Hồng đổ vào các hệ thống kênh thủy lợi trong huyện Lâm Thao, sau đó dẫn thủy nhập vào hệ thống mương máng tưới tiêu của các xã dẫn nước vào ruộng đồng phục vụ cho thâm canh nông nghiệp. Nhờ hệ thống dẫn nước thuận lợi, cùng với việc áp dụng giống cây trồng và kỹ thuật chăm bón tốt nên năng suất lương thực và hoa màu không ngừng tăng theo từng năm.
1.2.2. Lịch sử hình thành xã Tứ Xã
Tứ Xã xưa kia được gọi theo tên Nôm là Lỗ Cáp, có nghĩa là ốc đảo và tên tục theo tiếng địa phương là Kẻ Gáp. Theo lời của các bậc cao niên trong làng, truyền thuyết kể lại rằng: Thời cổ, dân Tứ Xã người còn thưa thớt, sống rải rác từ Gò Mun đến các gò Mả Giang, Lò Ngói, Gò Gai, Cây Sung, Gò Gạch. Thuở ấy, chưa có đê ngăn nước nên mỗi khi mùa mưa đến, nước sông Hồng dâng cao làm các cánh đồng ở đây nước ngập mênh mông trắng xóa.
Xong, khi nước rút, để lại một lượng phù sa cho đồng ruộng và một lượng tôm cá lớn, thuận lợi cho cư dân sinh sống. Lúc đó, ông Ngô Quang Điện thấy khu đất ở Tứ Xã có địa hình tốt, theo thuyết phong thủy là thế Ngưu Miên (thế đất có hình con trâu nằm ngủ) nên ông bèn chiêu dân ở các gò quanh
19
vùng về định cư lập ấp tại xóm Trám, vì trên gò đất này có nhiều cây trám mọc nên còn có tên gọi là phường Trám.
Để tưởng nhớ đến công ơn của những người chiêu dân lập ấp, dạy dân cấy cày, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bách tính, sau khi ông Ngô Quang Điện mất, dân làng lập miếu thờ và tạc tượng ông dưới dạng Đức Chúa Ông đặt tại chùa Tổng để thờ cúng. Người đời sau làm đôi câu đối để tưởng nhớ công lao của ông đã có công khai dân lập ấp: “Thời á Hồng Bàng thiên dân hóa dân thành thịnh ấp. Công thùy Tứ Xã Đông thổ, Tây thổ lẫm anh thanh”.
Tạm dịch: Từ thuở Hồng Bàng, Ngài dụ dân lập ấp, khai hóa dân cư thịnh vượng;
Công ơn của Ngài lẫy lừng từ Đông sang Tây ở đất Tứ Xã ngày nay.
Bà Ngô Thị Thanh, theo các bậc cao niên trong làng kể lại, là con gái của ông Ngô Quang Điện. Bà có công dạy dân cày cấy, hàng năm mở ra hội Trò để khuyến khích bách tính lao động sản xuất nông nghiệp và thu hút người dân ở những nơi khác về xóm định cư. Khi bà mất, dân làng tưởng nhớ đến ân đức của Bà nên đã lập miếu thờ tại đồi trám mà nay gọi là miếu Trám.
Cơ cấu làng xã của xã Tứ Xã trước đây được phân chia theo phiên để quản lý. Theo giải thích của một bô lão trong làng, từ phiên là một từ cổ chịu ảnh hưởng của người Mường ở vùng Thanh Sơn (Phú Thọ) có nghĩa là xóm hay làng như tên gọi ngày nay. Người dân địa phương không gọi là giáp (giáp nhất, giáp nhị, giáp tam, giáp tứ) như các làng Việt ở đồng bằng. Lúc bấy giờ, xã Tứ Xã gồm 6 phiên: Nổ phiên (xóm Nổ), On phiên (xóm On), Nam phiên (xóm Nam), Cả phiên (xóm Cả), Bùi phiên (xóm Bùi), Cổ Lãm phiên (xóm Cổ Lãm hay xóm Trám).
Trước Cách mạng tháng Tám, Tứ Xã là một trong 10 làng của tổng Vĩnh Lại, bao gồm: Làng Thạch Cáp, Bản Nguyên, Đông Thịnh, Hùng Lãm, Quỳnh Lâm, Trân Vĩ, Trình Xá, Văn Điểm, Vân Cáp và Vĩnh Lại. Về sau,
20
một số làng có số xuất đinh đông, nên năm 1927 bốn làng là Thạch Cáp, Đông Thịnh, Trân Vỹ, Vân Cáp được tách ra từ tổng Vĩnh Lại để lập thành tổng Thạch Cáp, nhưng việc tách tổng chưa hoàn thành thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ nên 4 làng này chỉ được gọi chung là Tứ Xã. Trải qua hàng ngàn năm cùng với sự biến thiên của lịch sử, địa danh và địa giới xã Tứ Xã đã có nhiều lần thay đổi. Năm 1946, Nhà nước thống nhất gọi các phủ, châu, huyện là huyện và bỏ cấp tổng nên hợp nhất Tứ Xã với các làng Sơn Dương, Dụng Hiền và Thụy Sơn thành xã Việt Tiến. Đến năm 1948 xã Việt Tiến lại tách ra thành hai xã là Sơn Dương và Việt Tiến. Tháng 8 năm 1964 Chính phủ cho đổi tên xã Việt Tiến thành xã Tứ Xã và giữ nguyên tên gọi về mặt pháp lý giao dịch hành chính cho đến ngày nay.
1.2.3. Các hoạt động kinh tế
Giống như nhiều cư dân làng Việt khác, nhân dân Tứ Xã lấy nghề nông trồng lúa nước là chính. Nhưng do địa hình bị ngập nước, bà con chỉ cấy được một vụ lúa nên vào thời gian nông nhàn hoặc khi vãn mùa, người dân trong xã còn làm thêm các nghề phụ, như: Đan lát, nuôi tằm, kéo kén, dệt vải. Tuy nhiên, nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải chỉ còn có một số hộ trong làng sản xuất, bởi sức cạnh tranh với thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ lụa của làng Tứ Xã không nhiều nên người dân chuyển sang làm nghề khác cho thu nhập ổn định hơn. Những sản phẩm của nông nghiệp và nghề thủ công được người dân trao đổi ở chợ hay tại gia đình.
Do Tứ Xã là vùng trũng nên các ao hồ có nhiều phù du, các loài thủy sản, nhuyễn thể. Để tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế trong gia đình, ổn định đời sống, nhiều cá nhân trong làng còn tranh thủ thời gian vào lúc nông nhàn đi đánh bắt tôm cá, cua, ốc, ếch ở các ven hồ đầm nhằm cải thiện bữa ăn hoặc mang bán lấy tiền mua các thực phẩm khác. Cá, cua và ốc nhồi ở đây rất ngon, được lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay: “Cơm đồng Á, cá đồng
21
Gáp”, tức lúa gạo cấy ở cánh đồng làng Á rất thơm và dẻo; cá ở các ao hồ, vũm của cánh đồng làng Gáp rất béo và thơm ngon.
Chợ Gáp cũng được hình thành từ rất sớm để nhân dân trong và ngoài xã đến trao đổi hàng hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Hiện nay, chợ vẫn được duy trì và mở rộng với nhiều mặt hàng phong phú có xuất xứ từ nhiều vùng miền được bày bán ở đây. Ngoài chợ phiên (chợ ta) truyền thống của làng Gáp họp một tháng 6 ngày vào ngày mồng 2 và 7 hàng tuần, dân các xã lân cận trong và ngoài huyện mang các sản phẩm nông nghiệp đến bán - mua rất nhộn nhịp, hàng ngày còn có chợ chiều, họp từ 1 - 7 giờ tối, chủ yếu bán thực phẩm, tôm, cua cá, hoa quả, rau xanh…, cho người dân trong làng. Gần đến ngày giáp tết, chợ họp rất đông người và nhất là vào sáng ngày 30 Tết, chợ làng Gáp có lượng người đến mua - bán sản phẩm và đi chơi chợ Tết rất đông, nó trở thành ngày hội, chợ làng náo nhiệt hơn hẳn với những phiên chợ ta hàng tháng.
Ở xã Tứ Xã, người dân ngoài làm kinh tế nông nghiệp còn làm nghề thủ công truyền thống mà nổi tiếng là làng nghề mộc Việt Tiến. Nghề mộc ở đây đã hình thành từ lâu đời. Trước đây, những người trong phường mộc thường mang cưa, bào, đục đi làm dạo khắp nơi trong và ngoài tỉnh để kiếm sống. Những năm đầu của thế kỷ 21, khi kinh tế phát triển, nhiều địa phương xây cất nhà mới, mua sắm vật dùng bằng gỗ trang trí trong ngôi nhà nên họ không đi làm ở những tỉnh xa nữa mà mở xưởng mộc tại nhà, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Các sản phẩm mộc của phường nghề chủ yếu là đồ gia dụng, mỹ nghệ, tượng thờ, khám thờ và nhất là nghề khôi phục nhà cổ bằng gỗ được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến. Đến nay, trong làng có hơn 200 hộ làm nghề, trong đó có khoảng 20 xưởng mộc với quy mô lớn, mỗi xưởng thu hút từ 5 - 10 nhân công lao động đến làm thuê, bình quân thu nhập của người thợ từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Hàng năm doanh thu từ làng nghề và dịch vụ chiếm 50% tổng doanh thu của xã. Bên cạnh nghề mộc, nghề nuôi và chế biến rắn cũng khá phát triển, với hơn 400 hộ tham gia. Việc phát triển ngành nghề thủ công không những góp phần nâng
22
cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương mà còn giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập, ổn định đời sống văn hóa - xã hội.
Hiện nay, trong nông nghiệp do áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, giống, cây trồng và hệ thống thủy nông tương đối tốt, bà con cấy được hai vụ lúa một vụ trồng màu (ngô, khoai tây, khoai lang, rau xanh). Các ngành nghề thủ công được mở rộng, đời sống của người dân so với trước đây rất sung túc.
Trong làng có nhiều hộ gia đình xây cất nhà cao tầng và mua đồ dùng gia dụng đắt tiền. Các cơ sở hạ tầng: Đường, trường, trạm, điện, nước, chợ được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống của người dân đang được đổi thay theo từng năm.
1.2.4. Đặc điểm văn hóa - xã hội
Với truyền thống là một làng Việt cổ được hình thành cách ngày nay hàng ngàn năm, nhân dân Tứ Xã còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đặc sắc do các bậc tiền nhân tạo lập. Ngày nay thế hệ con cháu làng Tứ Xã đang ra sức lưu giữ và truyền thừa cho thế hệ sau. Ngoài những lễ hội mang tính văn hóa đậm chất dân gian vùng đất tổ Hùng Vương trên địa bàn xã còn có di chỉ khảo cổ học Gò Mun, đền Xa Lộc được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Tứ Xã xưa là vùng quê nghèo nhưng có truyền thống hiếu học. Ngay từ thời phong kiến, Tứ Xã đã có nhiều người học hành đỗ đạt cao, tiêu biểu như Nguyễn Quang Thành đỗ tiến sỹ lúc 24 tuổi. Năm 1680 thời vua Lê Hy Tông, ông được triều đình bổ nhiệm làm quan đến chức “Thiểm đô ngự sử” và được dân làng tôn quý, sau khi ông mất dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu quan nghè hay miếu nghè Gáp. Quan võ Chử Đức Cương là người có công trấn ải biên thùy vùng núi phía Bắc được triều đình phong kiến ban tặng tước Quận công. Theo các bậc cao niên trong làng, Nhất Nguyên Nguyễn Tất An chính là người đã soạn ra bài văn tế miếu Trò bằng chữ Nôm mà ngày nay các cụ trong ban tế của làng sử dụng mỗi khi làng có tổ chức cúng tế, cầu đảo.
23
Kẻ Gáp phân chia thành 5 khu dân cư hành chính là Thạch Cáp, Đông Thịnh, Vân Cáp, Trân Vỹ, Hùng Lãm. Nhưng đặc biệt phường Trám là nơi có đủ dân cư của 5 khu dân đến sinh sống, điều đó tạo cho mỗi người dân phường Trám có tính xã hội cao, tình đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, vì thế mà người đời có câu: “Chết chôn đất Nhà Gia, sống làm nhà xóm Trám”. Nói như vậy, vì trước đây Tứ Xã là vùng trũng, thấp, dân thường để mồ mả ở cánh đồng Nhà Gia là nơi đất cao hơn cả, không sợ bị ngập nước.
Xóm Trám là xóm cổ nhất, có nhiều phong tục hay, nhất là tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau tận tình như anh em ruột thịt nên người dân ước mong được sống và làm nhà ở đất đó.
Cư dân xóm Trám sống trên dải đất hẹp. Một nửa phía Tây gọi là đất công (hay đất chùa), một nửa phía Đông gọi là đất tư, phía dưới là ao hồ và đồng ruộng chiêm trũng. Những hộ nghèo đều ở phía đất công, nhà ở chen chúc chật hẹp, những hộ ở phía Đông cũng đa số là dân nghèo nhưng đời sống khá hơn vì có ruộng đất riêng. Do đất đai chật hẹp nên những hộ làm ăn khá giả có điều kiện một chút lại thiên chuyển đi ở xóm khác nên xóm Trám luôn là xóm tiếp nhận những hộ nghèo từ các nơi khác về sinh sống.
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân dân phường Trám nhìn chung là nghèo khó chỉ có khoảng 30% số hộ trong phường có ruộng cày cấy do diện tích đất ruộng canh tác nông nghiệp ít. Đa phần số hộ trong làng không có ruộng đất, đến thời vụ phải đi làm thuê, ăn bữa sáng lo bữa tối. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nghề kiếm tôm cá và nghề mộc, cung bông, dệt vải. Thuở ấy, bà con đã biết tổ chức những người cùng nghề nghiệp làm ăn thành phường hội như phường lưới, phường lờ, phường tát,… và thường lệ, sau mỗi vụ kiếm tôm cá, các phường tổ chức làm lễ cúng miếu và ăn tập đoàn với nhau, gọi là “ăn đụng”. Những người làm nghề mộc thường rủ nhau vào hội công mộc, hàng năm có tổ chức ăn uống, cầu cúng tổ nghề để duy trì sự cúng bái tại đền Công Mộc. Cuộc sống của cư dân phường Trám vốn
24
nghèo khó lại bị trận hỏa hoạn năm 1929 đã thiêu cháy toàn bộ các nóc nhà trong xóm, khiến cho đời sống của người dân đã khốn khó lại càng khó khăn hơn. Tuy nghèo khó, nhưng người dân phường Trám đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà, sẵn sàng giúp đỡ, bênh vực nhau khi có khó khăn hay bị đè nén áp bức.
Mỗi năm phường có ngày hội Trò Trám các gia đình trong phường đều tổ chức ăn tết lại, chào mời anh em con cháu và khách các nơi về xem hội Trò Trám. Dân phường Trám chia thành hai mảnh, mảnh trên và mảnh dưới. Hai mảnh phân công nhau chịu trách nhiệm đăng cai cho phần tổ chức lễ hội hàng năm. Quỹ chung của phường có 4 mẫu ruộng cấy và một mẫu hồ cá. Hàng năm, mang số ruộng, hồ ấy ra bán chương (cho đấu thầu) để lấy tiền chi phí cho việc cầu cúng và mở hội làng. Ngoài ra, còn có lệ “bầu ngôi bán chức” để lấy tiền ăn uống. Người dân trong phường được dự các cuộc tế lễ và ăn uống theo thể lệ “vọng phường”. Theo các cụ kể lại thì cứ đàn ông là phải có ngôi ở trong phường, nghĩa là trong năm đó nhà nào sinh được con trai thì xin được
“vọng phường” đầu năm để xin ngôi thứ cho con. Nếu trong phường có nhiều người đẻ con trai thì những người có con trai họp nhau lại cùng sửa cỗ mời đủ các quan viên trong phường ăn uống hội lễ. Riêng ngày 12 chính lễ thì phải có một bữa ăn uống chung, nhưng tùy theo từng năm, nếu được mùa thì làm cỗ to ăn theo ngôi thứ; còn mất mùa thì làm cỗ nhỏ ăn vào quỹ chung của phường và tiền nộp “cheo” của các cô con gái trong phường đi lấy chồng. Các thứ ngôi gồm: Ngôi trưởng và ngôi trùm, những người đã có ngôi được gọi là quan viên phường, theo qui định ngôi trưởng phải sửa ba bữa rượu cho làng.
Bữa thứ nhất dành cho những người già và người có chức vị trong phường ăn để tả đơn cho những người làm ngôi, tức viết phiếu công nhận.
Bữa thứ hai gọi là bữa bát lớn (còn gọi là cỗ chức sắc hay cỗ mâm trên), nghĩa là đong thịt chín vào cái bát lớn (bát loa) để lên mặt mâm lót lá chuối có đủ cả lòng, dồi, rau, cơm và nửa chai rượu. Bữa rượu này mời tất cả những người đã làm ngôi trong phường ăn. Bữa bát con (cỗ đại trà, mâm