Những thay đổi của lễ hội sau phục hồi

Một phần của tài liệu Lễ hội Trò Trám: Nhà nước, cộng đồng và sự phục hồi (Trang 76 - 84)

Chương 3: LỄ HỘI TRÒ TRÁM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÀN LUẬN

3.3. Những thay đổi của lễ hội sau phục hồi

Trong một bài viết rất hay với nhan đề “Một thế giới như nước: Bối cảnh và quá trình trong văn hóa Việt Nam”, Jamieson nêu ra một số nhận xét về sự biến đổi của văn hóa Việt Nam, cho rằng những khuynh hướng văn hóa

“đều tùy thuộc nhiều vào bối cảnh. Sự tương liên giữa các khuynh hướng văn

71

hóa có thể giải thích phần nào, tại sao một vài phần căn bản của văn hóa Việt Nam không thay đổi nhiều như một số phần khác dù là Việt Nam đã thay đổi nhiều trong một thế kỷ qua và thay đổi nhanh chóng trong hơn thập kỷ qua”

[73, tr. 480]. Thông qua trường hợp nghiên cứu về phục hồi lễ hội Trò Trám so với thời điểm khôi phục vào năm 1993 và hiện nay (2016), tác giả luận văn cũng nhận thấy trong các thực hành văn hóa truyền thống có những yếu tố văn hóa dễ dàng thay đổi nhưng không tan biến, ngược lại có những yếu tố truyền thống duy trì lâu dài trong lễ hội “tháo khoán” bị mai một là do không phù hợp với đời sống đương đại.

Về sự thay đổi của lễ hội sau khi phục hồi là vấn đề hết sức khó nói bởi không có văn bản nào để làm căn cứ chứng minh. Chỉ riêng câu chuyện phục hồi phần “lễ mật” diễn ra trong đêm 11 tháng Giêng cũng đã xảy ra rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có cụ thì cương quyết không phục hồi phần nghi lễ này vì nó trái với thuần phong mỹ tục, đó là trò bậy bạ; thậm chí sau khi lễ hội được phục hồi phần nghi lễ này vẫn tồn tại nhiều ý kiến không đồng nhất.

Trái lại, với ông Bùi Văn Lợi, Nguyễn Quang Toản thì có quan điểm phải phục hồi đúng như cũ. Cũng có một số người cùng quan điểm với hai vị tiền bối này nhưng họ chưa từng được xem nghi lễ này nên thực chất họ chẳng biết căn cứ vào đâu cả nên cứ nói chung chung. Vậy làm sao biết trước đây nó như thế nào để nói rằng bây giờ nó thay đổi? Việc phục hồi lại lễ hội Trò Trám đều chỉ dựa vào lời kể “hồi cố” của các cụ cao tuổi trong xóm Trám mà thôi. Đơn vị phụ trách phục hồi tổ chức sưu tầm viết thành kịch bản rồi giao cho bà con thực hành. Do đó, nói về sự thay đổi của lễ hội tác giả cũng chỉ căn cứ vào thực tế tư liệu điền dã của bản thân và bản tài liệu viết tay của cụ Dương Văn Thâm về “Một tấn Trò Trám trước Cách mạng tháng Tám” để nghiên cứu, đối chiếu.

72

Trong lễ hội được phục hồi lại vào năm 1993 các vai diễn đã có sự thay đổi về giới tính. Phụ nữ xưa thường được nhắc đến với phong cách đi đứng, giao tiếp chú trọng nét đoan trang, nhã nhặn, hiền thục. Trong ứng xử gia đình, người phụ nữ luôn được nhắc đến với vai trò “nội tướng” chăm lo cho chồng con và thường lép vế hơn so với đàn ông. Họ không tham gia vào các công việc xã hội đặc biệt là tế lễ liên quan đến hội làng dường như trước đây không có bóng dáng của người phụ nữ. Do đó, lễ hội Trò Trám thời trước năm 1945, những vai nữ đều do con trai đóng giả. Với cái nhìn rộng rãi hơn của xã hội, định kiến phân biệt nam nữ đã được xóa bỏ. Ngày nay, phụ nữ đã dần dần khẳng định được vai trò của mình trong xã hội, nhiều chị em phụ nữ còn đảm đương những chức vụ cao trong lĩnh vực công tác xã hội. Đối với công việc lễ hội của làng, chị em phụ nữ cũng đã có những đóng góp đáng kể.

Đối với lễ hội Trò Trám, trong tiết mục trình trò “tứ dân chi nghiệp”, các nhân vật đóng vai thợ cấy, kéo sợi quay tơ, bán xuân đã được chị em đảm nhận thay cho những người nam giới đóng giả nữ như trước đây. Ngoài ra, những câu hát trong trò diễn cũng đã có thêm một số lời mới và lược bỏ bớt những lời cũ mà đạo diễn cho là không nên đưa vào, bởi nó mang tính khơi gợi sự dâm tục. Việc bớt lời cũ cũng đã gây ra sự tranh luận gay gắt giữa đạo diễn phục hồi trò với các cụ bô lão trong xóm. Phía đạo diễn kịch bản lễ hội thì muốn cải biên cho phù hợp, còn các cụ trong làng muốn giữ nguyên, bởi đó là văn hóa làng. “Tục hay không tục là quan niệm của mỗi người, đó là quyền của họ. Chúng tôi không thấy cái gì là tục cả nên chúng tôi muốn lưu giữ nó” (PV ông Bùi Văn Lợi, tư liệu điền dã của Vũ Hồng Thuật, 28/1/2001).

Đạo diễn kịch bản lễ hội đưa ra sự giải thích cho việc bỏ bớt một số câu hát có lời thô tục, vì ông cho rằng khi đi diễn ở đền Hùng, trước mặt quốc tổ không nên hát những câu như vậy. Còn ý kiến các cụ lại muốn vốn có của nó như thế nào thì để nguyên như vậy không thay đổi “Lúc ấy các cụ không đồng ý với ban nghiên cứu, sưu tầm tư liệu Trò Trám của tỉnh, vì đạo diễn bảo mình phải bỏ bớt các lời tục, nhưng các cụ bảo tục mới tốt, vì lễ hội của mình

73

là xuất phát từ những cái tục như vậy, có “linh tinh tình phộc” mới thành lễ hội Trò Trám. Việc phục dựng lại thì đều căn cứ vào lời các cụ kể lại. Ông Ninh bảo chúng tôi là các cụ phải cải tiến đi, chứ bây giờ ai còn làm thế nữa nhưng các cụ muốn cũ như thế nào thì giờ làm lại như thế” (PV một cụ cao tuổi trong xóm Trám, ngày 12/8/2016).

Sau phục hồi, yếu tố thiêng trong thực hành nghi lễ cũng không còn giữ được như trước đây. Cả người chủ lễ lẫn người thực hành cũng đều chú trọng đến “Cái Tục” hơn là “Cái Thiêng” của nghi lễ. Trước kia, phần “lễ mật” có tắt đèn, nến, ai muốn làm gì trong đêm tối ấy thì làm nhưng không hề gây ra sự ồn ào, nó thể hiện tính thiêng của tục hèm được ẩn nấp trong chiếc áo khoác của nghi lễ thực hành tôn giáo. Ngày nay, phần nghi lễ này, tuy vẫn tắt đèn điện nhưng khi hành lễ có nhiều máy ảnh, điện thoại chụp ảnh phát ra ánh sáng và máy quay video của đài truyền hình, các viện nghiên cứu,... nên “Cái Tục” của nghi lễ đã vượt quá “Cái Thiêng”. Để có được những thước phim hay, những bức ảnh đẹp phục vụ cho việc nghiên cứu, làm kỷ niệm hay đăng tải trên báo đài, trên mạng internet, mạng xã hội facebook để câu like,...; thậm chí họ còn có thể chen lấn xô đẩy nhau ngay trong khi thực hành “lễ mật”.

Một người dân cho biết: “Trước kia Trò Trám chỉ có làng mình xem thôi, nhưng hiện nay có rất nhiều người ở các nơi họ về xem lắm, cả ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định,... Năm ngoái, tôi còn bán được một ít đĩa video do khách ở trong thành phố Hồ Chí Minh họ đặt mình quay cho họ” (PV một thành viên đội trò, ngày 4/5/2016).

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những chủ thể văn hóa họ chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Họ đón tiếp những vị khách như nhà báo, nhà quay phim, nhà nghiên cứu,... khá nồng nhiệt, bởi có quay phim chụp ảnh thì lễ hội của họ mới được quảng bá rộng rãi, mới có nhiều người biết đến và đi liền với nó là số người đến lễ đặt tiền công đức cũng nhiều lên. Sự góp mặt

74

của những vị khách này khiến cho lễ hội của họ trở nên hoành tráng và nổi tiếng hơn so với các lễ hội khác ở trong huyện.

Mục đích diễn trò cũng hướng đến phục vụ khách thập phương nên thay vì chỉ diễn trò vào ngày 12 tháng Giêng như trước đây thì từ năm 2007, Ban tổ chức lễ hội quyết định vào tối 11 tháng Giêng biểu diễn trò “tứ dân chi nghiệp” phục vụ khách thập phương, sáng ngày 12 tháng Giêng thì biểu diễn phục vụ bà con trong xã đến xem. So với những năm đầu mới phục hồi thường cũng có đội văn nghệ để phục vụ bà con. Các tiết mục văn nghệ thường chọn những người hát hay hoặc hay hát từ các khu trong xã, theo hình thức mỗi khu góp một tiết mục. Khoảng 5 năm trở lại đây, buổi tối có đoàn văn công của tỉnh về biểu diễn các tiết mục ca nhạc phục vụ bà con để chờ đến giờ làm “lễ mật”. Tuy nhiên, những tiết mục văn nghệ này không được bà con hưởng ứng. “Tối hôm trước văn nghệ là mỗi khu diễn một tiết mục, mấy năm nay tỉnh đưa một số tiết mục về diễn nhưng dân mình không thích vì nó mang tính chuyên nghiệp có khác gì xem tivi đâu. Dân thích xem bà con diễn hơn” (PV một thành viên đội trò, ngày 4/5/2016).

Tiệc ăn uống sau lễ hội cũng có sự thay đổi trước đây sau khi tan hội bà con trong phường tổ chức ăn uống chỗ ngồi và mâm cỗ phân theo ngôi thứ cao thấp. Nhưng hiện nay bữa ăn được làm vào đêm hôm 11 sau khi tiến hành

“lễ mật” xong lễ sẽ được hạ xuống cho nhân dân thụ lộc. Đối tượng thụ lộc là tất cả nhân dân trong xã và khách thập phương ai có lòng ở lại dự lễ đều được ngồi vào mâm cỗ hưởng lộc. Việc sắp xếp chỗ ngồi không còn phân theo ngôi thứ hay chức tước như dưới thời phong kiến mà ai gặp đâu thì ngồi đó. Tuy nhiên lãnh đạo các cấp thì vẫn được chú trọng xếp ngồi vào một mâm riêng và được cụ thủ từ tiếp đón trọng thị. Việc ăn uống chỉ mang tính chất hưởng lộc nên mỗi người một ít, không quan trọng cỗ to hay nhỏ cốt là để lấy lộc,

75

lấy may. Điều này cũng được nhà nghiên cứu Phan Kế Bính đề cập “Một miếng việc làng là một miếng thừa lộc thánh, ăn được may mắn” [8, tr. 34].

Việc quản lý hòm công đức hiện nay trong các di tích cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Năm 1996, miếu Trám có đặt hòm công đức ở trong đền và năm đó thu được 1.900.000đ, giao nộp cho thủ quỹ. Sau khi cụ từ mất, con trai của người trông coi miếu có mâu thuẫn với BQL di tích nên đã đem đốt cuốn sổ ghi công đức và các giấy tờ công văn liên quan đến khôi phục và tổ chức lễ hội Trò Trám, với lời giải thích “đốt cho cụ để ở dưới ấy cụ đi làm Trò Trám”. Việc này dẫn đến sự mất mát rất lớn một lượng tài liệu về nội dung và quá trình phục hồi hội Trám mà chúng tôi muốn khai thác sâu hơn nữa cho nội dung luận văn của mình nhưng không có cơ hội. Từ năm 1997 - 2004, trong miếu không đặt hòm công đức nhưng từ năm 2005 đến nay, BQL di tích miếu Trám đã đặt hòm công đức trở lại để nhân dân và khách thập phương quyên góp tiền. Việc nhận và ghi chép tiền công đức giao cho ông Lâm Quang Cường phụ trách. Sau mỗi năm tổ chức lễ hội, số tiền công đức sẽ được công bố công khai với dân làng và được giữ lại để phục vụ cho việc tổ chức lễ hội năm sau.

Lễ hội trước đây chỉ là của riêng xóm Trám nhưng khi phục hồi xã là cơ quan đứng ra tổ chức, lễ hội đã phần nào mang tính xã hội hóa. Tuy nhiên, xã chỉ quản lý về mặt nhà nước, còn mọi việc vẫn là giao cho xóm sở tại. Lực lượng nòng cốt trong việc phục hồi lễ hội là các đảng viên và các cụ bô lão, họ chính là những người vận động thuyết phục đôn đốc bà con trong xóm và các bạn trẻ tham gia vào công tác phục hồi lễ hội. Năm đầu tiên làm mà không có các cụ đảng viên hăng hái thì cũng không làm được. Phải có các cụ nói thì cánh trẻ mới theo hết ai cũng nhiệt tình, xã phải dựa vào những cá nhân ấy chứ xã làm sao đứng ra lo được hết mọi việc” (PV một vị lãnh đạo xã, ngày 18/8/2016). Về sau, lễ hội được mở rộng ra toàn xã, lực lượng tham gia cũng được mở rộng hơn, khi cần xã có thể huy động nhân lực của các khu hành chính từ đội tế, đội rước, đội trò. Riêng đội trò gần như vẫn chỉ có người

76

xóm Trám đến mấy năm gần đây mới có thêm một số nhân vật lấy từ xóm khác. Một số các hoạt động, vui chơi giải trí cũng được đưa thêm vào lễ hội như múa sư tử, bóng chuyền, cờ người,... do số lượng khách tham dự hội ngày càng đông nên xã phải bố trí lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh cho lễ hội đảm bảo cho mọi hoạt động của lễ hội diễn ra tốt đẹp.

Lễ hội trò Trám gắn với tín ngưỡng dân gian, do vậy nó thuộc về đời sống tâm linh và mang “tính thiêng”. Tất nhiên tính thiêng là cái vĩnh hằng nhưng trong mỗi xã hội nó được biểu hiện ở những hình thức khác nhau. Lễ hội Trò Trám cũng không nằm ngoài qui luật đó, tuy xuất phát từ đời sống hiện thực nhưng bản thân nó là sự thăng hoa từ đời sống hiện thực ấy. Vì vậy sự thay đổi một vài yếu tố trong lễ hội cũng là điều hoàn toàn tự nhiên trong quá trình phát triển chung của toàn xã hội.

77

Tiểu kết chương 3

Sau những “va chạm” giữa chủ thể văn hóa với nhà nước và chính quyền địa phương, cuối cùng lễ hội Trò Trám cũng được phục hồi theo nội dung của kịch bản do Bảo tàng Hùng Vương soạn ra. Việc phục hồi không chỉ thể hiện sự “quan tâm” của nhà nước hay nói đúng hơn sự nhìn nhận lại của một giai đoạn lịch sử đã khiến cho nhiều lễ hội làng quê Việt Nam bị gián đoạn, trong đó có lễ hội Trò Trám.

Quy trình phục hồi di tích mang tính “liên cấp”, với nhiều cơ quan chủ quản đồng phối hợp tổ chức đã dẫn đến nhiều ý kiến chồng chéo nhau và đã dẫn đến nhiều câu chuyện mâu thuẫn trong quá trình tổ chức lễ hội. Mặt khác, do ít thời gian và kinh phí xây dựng nên chất lượng công trình và nội dung lễ hội cũng không được như mong muốn. Chỉ sau 7 năm xây dựng miếu, công trình kiến trúc tâm linh đã bị hư hỏng và đã phải làm lại bằng các nguồn kinh phí khác nhau cũng đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong nội bộ.

Sau khi lễ hội Trò Trám được phục hồi, hàng năm đều có tổ chức lễ hội với quy mô khác nhau. Năm 2007, di tích miếu Trám được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nên vị thế lễ hội Trò Trám càng được nhiều người biết đến thông qua các phương tiện truyền thông và công chúng; những nghệ nhân dân gian của lễ hội này đã “xuất quân” đi biểu diễn ở nhiều nơi. Do tác động của kinh tế thị trường cùng với cơ chế vận hành của BQL cấp xã đã tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân, khiến cho lễ hội Trò Trám ít nhiều đã bị suy giảm “tính thiêng” và mang hơi thở của tính “đời thường”

vào trong lễ hội.

Một phần của tài liệu Lễ hội Trò Trám: Nhà nước, cộng đồng và sự phục hồi (Trang 76 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)