Chương 2: QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI LỄ HỘI TRÒ TRÁM
2.2. Quá trình triển khai phục hồi lễ hội Trò Trám
Phục hồi lễ hội Trò Trám nằm trong xu thế chung của cả nước và cũng là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của bà con xóm Trám luôn mong muốn được phục hồi lại các giá trị văn hóa của ông cha. Để chuẩn bị cho công tác phục hồi lễ hội này, ngày 5/1/1993 UBND xã đã gửi công văn mời những
38
người đã từng tham gia lễ hội Trò Trám trước 1945 đến Hội trường UBND xã để cung cấp thông tin, thảo luận với hai cán bộ Bảo tàng Hùng Vương và cán bộ xã Tứ Xã. Cuộc trao đổi diễn ra trong 3 ngày. Trên cơ sở những thông tin thu thập được, cán bộ Bảo tàng Hùng Vương đã tổng hợp các ý kiến rồi viết thành kịch bản phục hồi lễ hội Trò Trám. Trong biên bản cuộc họp nêu rõ mục đích yêu cầu phục hồi cần “tôn trọng nội dung lịch sử, phục dựng lại vốn cổ truyền dân gian. Tất cả cảnh quay phải dàn dựng đúng về hình thức, lễ nghi, địa điểm và các hoạt động phong phú của trò “tứ dân chi nghiệp”. Các diễn viên tham gia trình trò phải dùng đúng ngôn ngữ địa phương trong các lời thoại,...” (PV bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương, ngày 8/9/2016).
Trong cuộc họp tại xã bàn về việc phục hồi Trò Trám theo chỉ thị của tỉnh Vĩnh Phú và huyện Phong Châu đã có hai quan điểm khác nhau ngay chính trong nội bộ đảng ủy và UBND xã. Một số cá nhân đã kịch liệt phản đối việc phục hồi lại lễ hội xuất phát từ nguyên nhân hiểu sai về mục đích và ý nghĩa của lễ hội. Một bộ phận người dân có quan điểm cho rằng, lễ trình trò
“tứ dân chi nghiệp” trong hội Trò Trám không phải là trò tốt đẹp gì; những người trình diễn chỉ mượn rượu để làm trò đùa, trêu ghẹo đàn bà con gái chứ không thể hiện được nét đẹp văn hóa giống như các hội làng khác. Đồng thời, phần nghi lễ thì thuộc loại hình tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp mà trước đây con người còn phụ thuộc vào tự nhiên, nay khoa học đã phát triển, yếu tố tâm linh không còn phù hợp nữa. Một vài người thì cho rằng, từ thời viễn cổ, cha ông đã làm như vậy thì nay mình cứ theo như vậy có ảnh hưởng gì đâu, chuyện tâm linh khó nói lắm, “ai tin thì tin, không tin thì thôi” (PV cụ Chử Bá Thơ, ngày 22/8/2016).
Về bản chất của tín ngưỡng thờ “vật linh” và thực hành “lễ mật” được các nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học cho rằng, đây là một hình thức ma
39
thuật truyền sinh. Mục đích của việc thực hành “lễ mật” là mong muốn của con người thông qua “tác động”, cầu xin thần linh để được nhân khang vật thịnh. “Chỉ thông qua các nghi lễ trò diễn, thần linh mới “giáng hạ” để đến với con người hay nói các khác, con người dùng nghi lễ tôn giáo để thông quan với thần linh” [54, tr. 157].
Hơn nữa, lễ hội Trò Trám không phải là lễ hội chung của cả làng mà là của xóm Trám nếu phục hồi chỉ được tiếng của xóm Trám, với các xóm còn lại trong xã không được lợi gì. Vì vậy, nếu muốn phục hồi thì xóm Trám tự làm, tại sao xã lại phải đứng ra làm cho xóm, xã không thể bỏ kinh phí ra để phục hồi cho văn hóa của một xóm mà kinh phí của xã là kinh phí phúc lợi chung của toàn dân. Một lý do khác là vấn đề về chủ trương của chính quyền đang đi “chệch hướng”, trái lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước là phải tăng cường tiết kiệm công quỹ chung. Việc chính quyền cho phục hồi lễ hội chẳng khác nào thừa nhận sự lãng phí vật chất của xã hội. Trước đây, xã đã quyết định san phẳng nền đất của miếu Trám để làm sân chiếu bóng và chính quyền xã cũng đã chi vào đó rất nhiều tiền, nếu bây giờ mà phục hồi lại lễ hội Trò Trám thì sân chiếu bóng không còn sử dụng được nữa.
“Lúc đó mình phải dựa vào công văn trên yêu cầu để làm, hơn nữa mình cũng muốn có công văn ấy. Mình muốn làm để có cái quảng bá cho người ta biết đến làng Tứ Xã là làng như thế nào, thì mình đi quan hệ ở đâu đó nó cũng mới thuận lợi. Trong đảng ủy có nhiều người không muốn làm, nhưng mình cứ căn cứ vào công văn của UBND huyện đưa xuống thì mình quyết tâm làm. Cuối cùng, mọi người trong ban lãnh đạo xã đã đồng ý cho chủ trương phục hồi hội Trám là do căn cứ vào nội dung công văn của cấp trên gửi xuống xã nên không thể chống đối được, chứ thực tâm trong lòng họ không bằng lòng việc phục hồi lễ hội Trò Trám” (PV một vị lãnh đạo xã, ngày 19/8/2016).
40
Lúc bấy giờ lãnh đạo xã rơi vào tình thế hết sức khó khăn một mặt vừa phải thỏa hiệp với người dân, mặt khác phải hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo cấp trên giao phó. “Lúc bấy giờ, trong đầu mình chỉ nghĩ đơn giản là sân chiếu phim cũng không dùng mấy, khoảng một đến hai tháng mới có một đoàn chiếu phim về chiếu cho đồng bào xem khoảng hai đến ba tối nên hiệu quả cũng không cao. Nhưng nếu phục hồi được lễ hội Trò Trám thì cả nước sẽ biết đến người dân Tứ Xã mình là ai. Quan điểm của mình là phải phục hồi lễ hội Trò Trám thì làng mới mở mày mở mặt ra được” (PV Lãnh đạo xã, ngày 19/8/2016).
Việc phục hồi Trò Trám lúc đó không chỉ ở các khu vực khác mà ngay trong bản thân xóm Trám cũng xảy ra nhiều ý kiến phản đối, nhất là giới trẻ.
Họ cho rằng, Trò Trám thì có gì là hay ho mà phục hồi. Thời đại này là thời nào mà còn cầu đinh đông con để làm gì, trong khi nhà nước chỉ cho đẻ hai con. Phục hồi lại chỉ tổ “bêu riếu” làm xấu mặt xóm Trám chứ được lợi ích gì.
Bên cạnh đó, các cụ bô lão cũng có nhiều người phản đối nhưng phản đối ở việc đạo diễn chỉ đạo làm hiện thực quá, mang tính sân khấu trình diễn chứ không mộc mạc như các cụ thời trước. Nhiều cụ đã thể hiện sự không đồng tình này bằng việc không tham dự vào lễ hội nữa,...
Lễ hội Trò Trám đã bị gián đoạn một thời gian khá dài. Những người tham gia vào lễ hội trước kia nay đã không còn hoặc cũng tuổi cao trí nhớ kém. Người dân sinh sau năm 1945 không được xem lễ hội Trò Trám nên việc không biết không hiểu về ý nghĩa của lễ hội cũng là lẽ thường tình.
Người dân trong xã hoặc không quan tâm hoặc không biết Trò Trám nó như thế nào, nhiều người lại chỉ nghe kể lại theo chiều không tốt nên có rất nhiều ý kiến khác nhau về Trò Trám. “Tôi không được trực tiếp xem các cụ diễn trò bao giờ mà chỉ nghe kể lại là có trò “linh tinh tình phộc” nhưng đó là trò nhây nhả (bậy bạ). Lúc chúng tôi đi học cấp ba học cùng với học sinh các xã lân
41
cận, mỗi khi họ nói đến Trò Trám là chúng tôi thấy xấu hổ lắm. Thậm chí trong làng chơi với nhau cũng hay chế giễu xóm Trám là đồ “linh tinh tình phộc” (PV một người dân, 39 tuổi, ngày 6/8/2016). Hơn nữa, lễ hội Trò Trám trước đây chỉ là của riêng xóm Trám sau này mới lan rộng ra toàn xã. “Tôi cũng nghe nói Trò Trám có một số cái hay, cái đẹp và ý nghĩa trong nghi lễ nhưng dân mình cũng có ai quan tâm đâu, bởi nó là việc riêng của xóm Trám.
Mặt khác, chúng tôi còn phải đi làm chứ thời gian đâu mà đi xem hội. Từ lúc phục hồi đến nay, tôi cũng chưa đi xem hội bao giờ”(PV một người dân, 62 tuổi, ngày 6/8/2016). Thậm chí, có người là cán bộ xã cũng không mấy mặn mà trong chủ trương phục hồi lễ hội. “Riêng Trò Trám tôi không hào hứng lắm, chẳng qua là theo xu thế chung thì mình phải làm thôi. Tôi là lãnh đạo thật nhưng tôi có bao giờ xem Trò Trám đâu” (PV một vị lãnh đạo xã, ngày 22/8/2016).
Trong nhiều ý kiến phỏng vấn sâu cho thấy, hầu như trước đây người dân trong cộng đồng xã Tứ Xã gần như không quan tâm đến Trò Trám. Họ dửng dưng coi như không liên quan gì đến mình, ngay cả việc phục hồi hay không cũng chẳng sao. Vấn đề nằm ở chỗ nhận thức của người dân về Trò Trám là trò không có gì hay ho, thậm chí là tục tĩu nên có nhiều người ở xóm khác khi chính quyền điều động nhân lực tham gia trình diễn trò “tứ dân chi nghiệp” nhưng họ không đi, không đóng góp và cũng không tham dự lễ hội. Hoặc trong một bộ phận người dân xóm Trám cũng có suy nghĩ cục bộ rằng Trò Trám là của riêng xóm Trám nên không muốn cho người xóm khác tham gia.
Việc phục hồi lễ hội được tiến hành sau nhiều cuộc họp, ban xây dựng miếu Trám được thành lập, công việc cụ thể được phân công cho từng thành viên trong ban tổ chức. Các thành viên gồm: Ông phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; ông bí thư chi bộ xóm Trám làm phó ban phụ trách và giám sát, theo dõi thi công, ghi chép thu chi tài chính, nguyên vật liệu thi công và chỉ
42
đạo chung; ông Bùi Văn Lợi làm thủ quỹ;... Kinh phí phục hồi miếu Trám do UBND xã chi trả, mọi chi tiêu đều được công khai, minh bạch và có sự giám sát, theo dõi của các thành viên trong ban tổ chức. Đồng thời, các cụ phụ lão cũng phối kết hợp với chi bộ, các chi hội trưởng (Hội người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên) để phân công công việc cho từng người trong xóm tham gia vào việc xây dựng miếu. Với những gia đình có các suất đinh nhưng không cư trú tại địa phương nên không thể tham gia ngày công lao động thì bố mẹ hoặc người thân đi làm thay hoặc đóng tiền cho ban tổ chức lấy thêm kinh phí cho việc phục hồi lễ hội. “Thực ra làm tưởng nó đơn giản nhưng đến lúc xong quyết toán nhiều tiền quá. Tổng kinh phí cả làm miếu Trám đến công tập luyện các tích trò trình diễn “tứ dân chi nghiệp” và bữa cơm liên hoan cho toàn xóm Trám lên tới 9,6 triệu đồng. Số tiền này lúc ấy lớn lắm. Chính vì vậy, ngay từ đầu trong đảng ủy đã có nhiều ý kiến phản đối ủy ban không nên phục hồi lễ hội thêm nữa sau khi phục hồi xong, tốn quá nhiều kinh phí ủy ban lại bị phê bình là chi quá tay vào việc không đáng chi trong khi người dân thì đang đói. Kể từ sau khi đài truyền hình Việt Nam, đài truyền hình tỉnh phát tin trong dịp lễ hội đền Hùng trên tivi, từ đó lễ hội Trò Trám trở thành nổi tiếng, báo đài họ quan tâm đến thì suy nghĩ của mọi người mới thay đổi chứ lúc đó cứ nhắc đến Trò Trám là họ ghét lắm” (PV một vị lãnh đạo xã, ngày 4/5/2016).
Về công tác dựng miếu, phụ trách thợ xây giao cho ông Nguyễn Xuân Tiếp, Nguyễn Thành Đoàn, Nguyễn Văn Lực; trong đó ông Lực là thợ cả điều hành công việc chung của nhóm thợ. Thợ mộc do ông Chử Văn Ninh phụ trách nguyên vật liệu. Khung miếu được tận dụng từ số gỗ xoan còn thừa trước đây làm trường học, số gỗ còn thiếu thì mua thêm của nhà ông Bùi Văn Tam và gạch xây dựng mua nhà ông Nguyễn Văn Tài đều là người trong xóm.
Ngói lợp xin ở chùa Vân Cáp và các hộ gia đình trong xã. Tất cả các quy trình
43
phục hồi di tích đều có sổ sách ghi chép cụ thể. Rất tiếc, do thời gian đã hơn 20 năm nên những ghi chép này đến nay không còn ai lưu giữ.
“Vật linh” thờ trong miếu Trám được cụ Hoàng Văn Đôn là người cao tuổi nhất trong làng và am hiểu phong tục tập quán về “lễ mật” đã đến nhà ông Nguyễn Đình Thị (người gốc xóm Trám) nhờ làm “Nõ Nường” bằng gỗ mít để sử dụng trong lễ “linh tinh tình phộc”. Hiện nay, cụ Nguyễn Đình Thị đã mất nên tác giả không có cơ hội để phỏng vấn. Theo kết quả nghiên cứu của TS Vũ Hồng Thuật, thì “vật linh” được làm mô phỏng bộ phận sinh dục nam và nữ.
Linga dài 25cm x10cm, tròn lẳn; Yôni dài 27cm x 22cm, có hình mui rùa, khoét lỗ ở giữa cả hai “vật linh” đều phết sơn màu cánh gián. Khi làm “vật linh” phải trải qua một số nghi lễ, kiêng kỵ. Đi lấy gỗ phải chọn ngày giờ, kiêng gặp phụ nữ, người tàn tật. Khi đi lấy gỗ về đẽo vật linh phải bọc kín bằng vải đỏ để không cho ai nhìn thấy, đem về thắp hương cáo yết bà thần miếu xin được làm
“vật linh” để dân làng mở hội. Trong những ngày làm “vật linh”, người đẽo vật linh phải ăn mặc chỉnh tề, làm ở nơi kín đáo. Vật linh làm xong phải làm lễ thiêng, sau đó cất vào hòm sắc phủ vải hồng điều, đến khi có hội thắp hương khấn thần miếu xin lấy vật linh ra trình trò [72, tr. 982].
Tín ngưỡng phồn thực bắt nguồn từ quan hệ tính giao của cặp đôi sinh thực khí. Lẽ dĩ nhiên, người ta sẽ tôn sùng và thiêng hóa sức mạnh của cặp đôi này trong các nghi thức truyền sinh. Dương Đình Minh Sơn trong công trình chuyên khảo riêng về cặp đôi “Nõ Nường” cũng đã khẳng định: ““vật linh” hay “Nõ Nường” là cơ sở của phép biến hóa ma thuật vật “hèm”, lời thần chú, bùa hộ mệnh, thần dược, cây “Âm Dương”” [44, tr. 44].
Theo một người dân cho biết, “từ năm 1993 đến nay, ở miếu Trám đã làm hai lần “vật linh”. “Vật linh” làm vào năm 1993 dùng đến năm 2004 thì nhượng lại cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sau đó họ gửi tiền cho cụ từ trông coi đền làm lại “vật linh” mới. Cuối năm 2004, cụ Thơ làm “vật linh” mới sau đó
44
dùng thuốc đỏ chấm vào đầu Linga và ở lỗ khoét Yôni nên trông không được đẹp. Gần đến ngày hội của năm 2005, cụ Thơ nghe theo lời góp ý của ông Dương Đình Minh Sơn (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) dùng sơn đỏ để sơn toàn bộ “vật linh” trông cho nó đẹp và cụ Thơ đã làm theo như vậy” (PV một người dân, ngày 22/2/2016).
Trong quy trình phục hồi lễ hội Trò Trám còn có tiết mục rước bó lúa thần từ điếm Trám ra ngoài miếu Trò. Theo ký ức của các vị bô lão trong làng, lần rước lúa thần cuối cùng là vào năm 1928. Trong kịch bản của Viện nghiên cứu Âm nhạc và BQL di tích đền Hùng, bó lúa thần cũng được xem là
“vật linh” nên không thể thiếu trong ngày hội. Tuy nhiên, ngày dự kiến diễn ra lễ hội quá gấp và tổ chức vào thời điểm tháng giêng âm lịch, lúc bấy giờ lúa mới cấy đang trong thì con gái nên không có bông lúa để làm bó lúa thần.
Theo tập quán của địa phương, đến tháng mười âm lịch là vụ thu hoạch lúa mùa, cụ từ ra phần ruộng nhà mình chọn những bông lúa to, hạt mẩy bó thành một bó đem treo ở trong buồng bảo quản cẩn thận, tránh chuột ăn thóc và đến ngày hội làng thì mới mang ra điếm Trò để rước lễ. Để có được bó lúa thần rước trong dịp phục hồi lễ hội, ban tổ chức lễ hội xóm Trám đã cử một người vào trong bản người Mường ở huyện Thanh Sơn cùng tỉnh mua một bó lúa mang về làm lễ. Việc đi vào vùng người Mường mua bó lúa để làm bó lúa thần không được dân làng ủng hộ, với quan niệm là lúa của người Mường nên không biết họ chăm sóc như thế nào. Loại lúa này được gọi là “lúa cum”, tức sau khi người Mường ngắt từng bông lúa trên nương rẫy rồi bó nhỏ thành từng bó, sau đó treo trên gác sàn nhà cho khô dần, khi nào ăn thì mang ra giã cả bó lúa để lấy gạo. “Theo tập tục của làng Trám, ruộng lúa để cấy lúa thần không được bón phân chuồng và tưới nước bẩn. Lúa thần được cắm vào lọ độc bình, đồng thời chọn một ngọn mía vào cắm lẫn với bó lúa, mang ý nghĩa cầu mong cho lúa tốt như lá mía” (PV ông Nguyễn Thành Ngữ, ngày 10/8/2016).