Chương 3: LỄ HỘI TRÒ TRÁM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÀN LUẬN
3.2. Bàn luận về việc tổ chức trình diễn ngoài địa phương
Ngày 9 tháng 3 năm 1993, đội trò được BQL di tích Đền Hùng đưa lên trình diễn phục vụ lễ giỗ tổ Hùng Vương. Tiết mục trình diễn của đội trò rất hấp dẫn với du khách thập phương về dâng hương các vị vua Hùng. Việc phục hồi lễ hội Trò Trám đã thành công, báo đài đưa tin, viết bài khiến cho lễ hội được công chúng biết đến nhiều hơn. Từ khi phục hồi năm 1993 cho đến nay, năm nào tỉnh Phú Thọ cũng mời đội trò tới đền Hùng trình diễn vào dịp lễ hội ngày mồng 10 tháng 3; đồng thời cũng có nhiều cơ quan tổ chức mời đội trò đi trình diễn như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Thanh Hóa, ...
Khi mới phục hồi lễ hội có sự thống nhất giữa chính quyền và nhân dân nên mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Chính quyền quan tâm sâu sát, nhân dân nhiệt tình tập luyện cố gắng để làm sao khôi phục lại được văn hóa của địa phương vốn đã bị mai một. Càng về sau, nhất là khi di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, đội trò chính thức được thành lập, dưới sự quản lý của ba cấp:
Cấp xã, huyện và tỉnh thì mọi phức tạp đã bắt đầu nảy sinh. Những chủ thể văn hóa của lễ hội đã có những đòi hỏi về quyền lợi mỗi khi huyện hay tỉnh điều động họ đi biểu diễn phục vụ ở đâu đó. Với những người dân quê quanh năm không ra khỏi lũy tre làng thì lúc đầu họ thích vì được đi đây đi đó.
Nhưng khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân khá hơn, họ lại so sánh thù lao của một ngày đi biểu diễn với một ngày công lao động tại địa phương là 200.000đ, còn tiền thù lao cho người đi biểu diễn trình trò “tứ dân chi
68
nghiệp” chỉ được nhận 100.000đ/người/ngày. Những người đi biểu diễn thấy tiền thù lao ít lại mất công, mất việc nên họ cũng không còn thiết tha với việc đi trình diễn nữa.
Hơn nữa, người nông dân với bản chất tùy tiện quen với cuộc sống tự do, nay là thành viên của đội trò muốn đi biểu diễn ở đâu đều phải xin ý kiến của cả ba cấp chính quyền nêu trên nên khiến họ thấy phiền hà và bị trói buộc về thủ tục hành chính. Sự thiếu hiểu biết và chưa hiểu nhau cũng phần nào tạo nên mâu thuẫn giữa các thành viên đội trò với người quản lý và chính quyền địa phương. Một số thành viên trong đội trò cho rằng, mỗi lần đi biểu diễn ở đâu đều phải trích lại một khoản tiền nhất định để trả công cho người dẫn đoàn. Vì vậy, số tiền của họ không được hưởng 100% nên họ tỏ ra thái độ không bằng lòng và không cần đến người quản lý mà tự họ sẽ lo liệu mọi việc. “Có một bất cập là ở đâu đó họ mời đi thì họ liên hệ với mình nhưng khi trả kinh phí thì họ lại chuyển cho UBND xã. Hợp đồng do xã đứng ra làm, vì đội trò nằm dưới sự quản lý của xã nên không tự tung, tự tác được. Các thành viên trong đội không hài lòng với việc chi trả thù lao cho anh em thấp quá.
Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đoàn đi biểu diễn, tiền ăn và đi lại xã chi, tiền thù lao nhận được là 50.000đ/ngày. Hơn nữa, đi biểu diễn ở địa phương khác thì mới có tiền, còn biểu diễn phục vụ trong ngày hội hàng năm ở xóm thì không bao giờ có tiền cả” (PV một thành viên trong đội trò, ngày 22/8/2016).
Cách nhìn nhận của chính quyền địa phương cũng là một trong những nhân tố tác động đến việc phục hồi và tổ chức lễ hội Trò Trám. Vấn đề cơ bản là vị lãnh đạo cấp xã đương nhiệm thuộc người của HTX nào. Lãnh đạo là người của HTX làng dưới nơi có lễ hội Trò Trám thì lễ hội được triển khai theo quy mô lớn. Ngược lại, lãnh đạo là người không phải HTX làng dưới thì sự nhiệt tình của họ về vấn đề phục hồi di tích và tổ chức mở hội có phần
69
thiếu nhiệt tình. Nếu xét trên bình diện xã hội, tuy lễ hội Trò Trám là tài sản chung của toàn xã nhưng về trách nhiệm thì vẫn là các hộ dân xóm Trám. Mỗi dịp tổ chức lễ hội, xã chỉ hỗ trợ một phần kinh phí khoảng 2 - 3 triệu đồng, còn lại mọi chi phí mở hội, tu sửa di tích đều lấy từ tiền công đức hàng năm của bà con trong xóm Trám đóng góp. Tuy lãnh đạo xã đứng ra tổ chức nhưng cũng chỉ mang tính chất trách nhiệm và phong trào chung, còn mọi việc đều do xóm Trám thực hiện, nếu có thiếu nhân sự thì chính quyền xã mới điều động nhân lực của các xóm khác đến trợ giúp.
Với những lần đi trình diễn ở xa, chính quyền xã và y tế cũng có đi cùng, họ vừa quan tâm, động viên anh em vừa lo cho chuyến đi được đảm bảo an toàn. Theo nhận định của nhiều người, xóm Trám từ xưa tới nay vốn có tinh thần đoàn kết nhưng lại rất hay đòi hỏi về quyền lợi. Năm 2008, UBND tỉnh huy động đội trò đi biểu diễn phục vụ Hội nghị Trung ương tại khu Triển lãm nông nghiệp Hà Nội (đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy), đến hôm lãnh đạo tỉnh về địa phương duyệt chương trình thì một số cá nhân trong đội trò đã có sự cãi cọ to tiếng, thậm chí còn văng tục, nói bậy với lãnh đạo tỉnh đòi công khai thù lao đi biểu diễn như thế nào và được nhận bao nhiêu tiền. Sự việc diễn ra khiến cho lãnh đạo xã cũng bất ngờ và phải có sự điều chỉnh ngay sau đó. Cuối cùng, lãnh đạo tỉnh cũng phải đứng ra công khai số tiền thù lao trả cho anh em đi biểu diễn và nhiều vấn đề tế nhị khác cũng được đặt ra giữa người dân với chính quyền và lãnh đạo cấp trên. Một cán bộ xã tâm sự, “Đợt đi phục vụ đại hội Đảng tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh thì mình chấp hành thôi. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng có cái khiếm khuyết là họ không công khai chế độ thù lao cho anh em đi biểu diễn được hưởng như thế nào? Cho nên, các anh em đòi hỏi là chính đáng, nhưng việc hỏi thì lại không khéo dẫn đến hiểu nhầm lẫn nhau. Tỉnh họ chỉ nói mình cứ làm tốt đi còn tiền ăn, tiền xe họ lo nhưng lại không nói trả thù
70
lao bao nhiêu tiền một ngày. Hôm ấy, đồng chí phó chủ tịch tỉnh về xã Tứ Xã, một số cá nhân trong đội trò nói linh tinh, thậm chí còn văng tục văng bậy.
Sau này, chúng tôi không dám sử dụng những người này đi biểu diễn nữa.
Đợt đấy cũng căng thẳng lắm, thực ra, họ cũng chỉ nghĩ sao thì nói vậy, với mục đích cũng chỉ đòi hỏi liên quan đến quyền lợi nhưng họ lại nói năng lôm côm, mà cô biết rồi đấy, dân mình thật thà nghĩ sao nói vậy. Hôm ấy, lãnh đạo xã mời cơm đoàn cán bộ tỉnh và tất cả các diễn viên để hôm sau đi biểu diễn, nhưng hôm ấy, mấy người trong nhóm trình trò “tứ dân chi nghiệp” có chửi bậy nên họ xấu hổ không đi ăn cơm cùng với mọi người, chúng tôi cũng lo lắm! Trước lúc ăn cơm, cán bộ tỉnh đứng lên phát biểu những khoản tiền người dân được hưởng. Những người bỏ về không ăn cơm cùng đoàn thì ngày hôm sau họ vẫn đi diễn” (PV một vị lãnh đạo xã, ngày 22/8/2016).
Có thể nói, việc đi diễn ở các nơi cũng dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập giữa các thành viên trong đội trò với người quản lý. Khi đi trình diễn ở các địa điểm xa người quản lý phải căn cứ vào kinh phí chi trả theo yêu cầu của bên thuê, phương tiện đi lại để lựa chọn số lượng diễn viên và các tích trò biểu diễn cho phù hợp. Do đó sẽ có lúc đi được nhiều người có lúc chỉ đi được ít người. Việc này, khiến cho những người không được đi lần này lại tự ái không tham gia biểu diễn phục vụ cho lễ hội của làng nữa. Câu chuyện về
“con gà tức nhau tiếng gáy” cứ vẫn kéo dài triền miên đến tận cả cuộc sống thời hiện đại mà vẫn chưa chấm dứt được, bởi nó còn phụ thuộc nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.