Chương 2: QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI LỄ HỘI TRÒ TRÁM
2.1. Bối cảnh phục hồi lễ hội Trò Trám
2.1.1. Đối với Nhà nước
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ở giai đoạn từ sau năm 1945 đến năm 1955, miền Bắc có nhiều di tích và lễ hội bị gián đoạn. Thời gian này, từ cách nhìn nhận thiếu khách quan cho rằng, mọi nghi lễ liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng của người dân đều bị quy chụp “mê tín dị đoan” nên có nhiều di tích bị hoang tàn, trong đó có miếu Trám. Cụ Chử Bá Thơ cho biết, “Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng cải cách ruộng đất vào năm 1955, ruộng chung của phường Trám dùng cấy lúa để lấy gạo đồ xôi nếp, đóng oản cúng thần vào các ngày lễ tết, hội làng cũng bị chính quyền lấy xung vào đất công của HTX nông nghiệp. Không có ruộng cày cấy, cuộc sống người dân lại thiếu thốn đủ bề, cộng với Nhà nước cấm đoán việc thờ cúng, mở hội. Hơn nữa, dân làng phải đi tản cư do xã Tứ Xã gần với địa điểm đánh phá cầu Phong Châu, miếu Trám không có người trông coi trở nên hoang tàn đổ nát nên không tổ chức lễ hội được nữa” (PV cụ Chử Bá Thơ, ngày 22/2/2016).
Trước sự tác động của thiên nhiên, con người và sự không đồng nhất về chính sách văn hóa tôn giáo tín ngưỡng ở mỗi thời điểm khiến cho các giá trị di sản văn hóa cứ thế mà trôi mất dần theo thời gian. Từ năm 1945 - 1955, nước nhà phải tập trung vào việc đấu tranh chống thực dân Pháp ở miền Bắc, sau khi được giải phóng, miền Bắc lại phải thực hiện cuộc “cải cách ruộng đất” và “tăng gia sản xuất” để hỗ trợ lương thực vào cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ, giải phóng đất nước nên từ nhà nước đến chính quyền địa phương đều ít quan tâm đến lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.
Vào năm 1957, Ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ” đã ý thức được tư tưởng của Hồ Chủ Tịch coi “Văn hóa là một mặt trận” [18]. Mặt trận văn hóa trong tư tưởng này được hiểu theo
29
khái niệm rộng, bao gồm hai lĩnh vực trọng yếu là đấu tranh ngoài trận mạc và tăng gia sản xuất ở hậu phương. Sở Văn hóa Phú Thọ đã khai thác tư liệu liên quan đến lễ hội Trò Trám với phần trình diễn trình trò “tứ dân chi nghiệp” nhằm mục đích khuyến khích người dân hăng say lao động sản xuất nông nghiệp, tích lũy lương thực, cung cấp ra tuyền tuyến,… Có thể nói, đây là việc mở đầu cho công tác phục hồi lễ hội Trò Trám sau này. Theo người dân kể lại, “Việc phục hồi lễ hội Trò Trám là do BQL di tích đền Hùng xây dựng kế hoạch nhằm cung cấp tư liệu cho Bảo tàng Hùng Vương đã được UBND tỉnh Vĩnh Phú thông qua. Sau khi lễ hội diễn ra vào năm 1944 thì bị gián đoạn đến tận năm 1993 mới phục hồi và duy trì cho đến ngày nay” (PV ông Nguyễn Thành Ngữ, ngày 10/8/2016).
Có một sự thay đổi dễ nhận thấy là sau đổi mới cùng với việc củng cố nền chính trị ổn định, thúc đẩy nền kinh tế vững mạnh thì văn hóa xã hội cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Nhằm thực hiện theo Nghị quyết TW 5 khóa VIII và Nghị quyết TW 9, khóa XI về việc tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phú đã có nhiều hoạt động thiết thực đến công tác bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa cơ sở, trong đó có việc khôi phục xây dựng lại miếu Trò, điếm Trám và tổ chức lễ hội.
Thực tế đã chứng minh, khi kinh tế phát triển, con người có nhu cầu hưởng thụ cao hơn, nhất là các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh.
Đây cũng chính là ký ức về hồi cố các giá trị văn hóa truyền thống nên hàng loạt các đình, đền, chùa, miếu... được phục hồi, gắn với nó là các lễ hội được mở ra. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, phong trào phục dựng lễ hội nở ra rầm rộ trên cả nước. Đặc biệt là sau Pháp lệnh của Hội đồng nhà nước số 14 - LCT/HĐNN ký ngày 04 tháng 04 năm 1984 về việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh. Theo cách nói của nhiều nhà nghiên cứu thì
30
đây là thời kỳ “phục hưng” hay “bùng phát” của lễ hội. “Cùng với việc xây dựng lại đền, chùa, đình, miếu... là việc khôi phục các lễ hội của làng vốn bao lâu nay bị quên lãng do chiến tranh, do không còn di tích vật thể làm nơi mở hội. Lễ hội tổ chức vừa để xác định lại vị trí của di tích, để trở lại với hình bóng xưa của truyền thống văn hóa làng, để cảm ơn ghi nhận công lao đóng góp của tất cả những người đã tham gia phục hồi lại di sản văn hóa và cũng để khoe với các làng khác nét văn hóa của làng mình” [30, tr. 8].
Dựa vào việc Nhà nước phục hồi lại tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nâng cấp tôn tạo khu di tích đền Hùng, hướng đến tổ chức lễ hội đền Hùng với tầm cỡ quốc gia. Năm 1993 nhà trưng bày Hùng Vương trong quần thể di tích lịch sử đền Hùng được khánh thành và đưa vào hoạt động phục vụ công chúng. Nhiều di tích, văn hóa, lễ hội của các xã nằm trong vành đai bảo vệ cấp 1 của đền Hùng đều được khôi phục trong đó có lễ hội Trò Trám. Để tìm hiểu tiến trình lịch sử thời đại các vua Hùng dựng nước cần dựa vào các nguồn sử liệu đặc biệt là hiện vật khảo cổ học. Tuy nhiên, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với nguyện vọng cơ bản của nhân dân cũng là tấm gương phản ánh sự nghiệp dựng nước và giữ nước từ thuở ban đầu nên các di tích ở vùng ngoại vi đền Hùng cũng được UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng và khôi phục. Đồng thời, tỉnh Phú Thọ từ xưa tới nay cũng là cái nôi của văn hóa dân gian còn bảo lưu rất nhiều các lễ hội mang đậm tính cổ xưa, gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước của người Việt cổ, đó là tín ngưỡng cầu
“phồn thực” và cầu an. Đây là một trong những lý do chính yếu để UBND tỉnh giao cho Bảo tàng Hùng Vương cùng với BQL di tích đền Hùng triển khai công tác phục hồi lễ hội Trò Trám.
Mặt khác nhân dân Tứ Xã ở giai đoạn từ 1945 - 1990, vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống của người dân còn thiếu thốn mọi bề, UBND xã thường xuyên phải đi vay nợ để cứu đói cho nhân dân. Quan điểm
31
của chủ tịch xã muốn phục hồi lại lễ hội Trò Trám nhằm vừa để thực hiện chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh, Bảo tàng Hùng Vương, BQL di tích đền Hùng, phòng Văn hóa huyện vừa thông qua phục hồi lễ hội này để giới thiệu về xã Tứ Xã, từ đó có thể thuận lợi hơn trong việc tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho dân.
Sau khi đồng chí Chủ tịch UBND xã Tứ Xã tiếp nhận công văn từ cấp trên gửi về địa phương (công văn số 1209/HC do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú ký ngày 17/1/1992) về việc kêu gọi nhân dân xã Tứ Xã đóng góp hiện vật cho nhà trưng bày thời đại Hùng Vương, bằng nhiều hình thức: Hiện vật, câu chuyện kể, ảnh chụp, băng video, các văn bản Hán Nôm về thần phả, sắc phong, thần tích, văn tế,... liên quan đến lễ hội Trò Trám. Công văn số 255/HC do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện Phong Châu ký ngày 28/12/1992 gửi tới UBND xã Tứ Xã về việc thành lập, tổ chức chỉ đạo lễ hội Trò Trám tham gia vào kỳ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3/1993. Căn cứ vào hai công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Phong Châu, đồng chí Chủ tịch xã lúc bấy giờ đã bỏ qua mọi sự phản đối không đồng lòng của một bộ phận cán bộ trong Đảng ủy xã quyết định cho phục hồi lễ hội Trò Trám.
Thực hiện chỉ thị nội dung của 02 công văn cấp tỉnh và huyện nêu trên, ngày 13/1/1993, UBND xã tổ chức hội nghị bàn về công tác phục hồi lễ hội Trò Trám. Hội nghị có sự chỉ đạo của trưởng phòng Văn hóa huyện Phong Châu,Giám đốc BQL di tích Đền Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương và cán bộ quản lý di tích Đền Hùng cùng với Bí thư, thường trực Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch, trưởng ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch Hội phụ nữ, trưởng ban công an, phụ trách văn hóa xã cùng với các cụ bô lão xóm Trám. Hội nghị đã nghe giám đốc BQL đền Hùng và trưởng phòng văn hóa huyện nói chuyện về ý nghĩa của lễ hội Trò Trám với quần thể di tích đền Hùng, với văn hóa tỉnh Vĩnh Phú và giao nhiệm vụ cho địa phương thực
32
thi chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh và phòng văn hóa huyện, sau đó đồng chí chủ tịch xã đã trình bày lý do, mục đích của việc phục hồi lại lễ hội Trò Trám, kế hoạch phục hồi, phân tích cái được cũng như những thách thức đặt ra cho việc phục hồi lễ hội này, như: Nguồn kinh phí và nhân sự tham gia lễ hội không có; các văn bản liên quan đến văn tế không còn; nhiều tục hèm hiện không còn phù hợp với cuộc sống đương đại; cách thức tổ chức lại lễ hội như thế nào, theo nguyên bản hay cải biên,... Ban đầu cũng có rất nhiều ý kiến đưa ra, chủ yếu là có hai vấn đề: Đồng thuận và không đồng thuận. Mỗi ý kiến đều có quan điểm riêng của người phát biểu, trong đó số ý kiến phát biểu ủng hộ chiếm đa số nên hội nghị đi đến thống nhất 3 vấn đề sau: 1) Xây dựng lại ngôi miếu Trò theo hình mẫu miếu cũ ngày xưa. 2) Thành lập Ban tổ chức xây dựng miếu Trám và tổ chức lễ hội Trò Trám do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. 3) Giao cho đồng chí Phó chủ tịch xã cùng các thành viên trong tổ chức Mặt trận và nhân dân xóm Trám có trách nhiệm thi công xây dựng miếu và tiến hành tổ chức lễ hội dưới sự chỉ đạo của UBND xã và BQL Di tích Đền Hùng.
Sau khi hội nghị kết thúc các đại biểu đã ra xem xét mặt bằng nơi sẽ tiến hành xây dựng lại miếu Trám và khảo sát con đường rước lúa thần từ miếu Trám ra cánh đồng và ngược lại, từ đó xây dựng lộ trình khoa học về thời gian phục hồi miếu Trám và lễ hội.
2.1.2. Đối với người dân
Việc phục hồi lễ hội trò trám cần phải dựa vào nhiều nguồn tư liệu trong đó có một nguồn tư liệu mà các nhà nhân học bảo tàng Mỹ gọi là “Báu vật nhân văn sống” đó là những ký ức lưu truyền trong dân gian của những người cao tuổi sinh ra ở thời điểm trước năm 1945. Qua kết quả phỏng vấn hồi cố, những người ở lứa tuổi này hiện số lượng không còn nhiều, sức khỏe và trí nhớ đã giảm, nên các câu chuyện gắn liền với ký ức của họ khi trực tiếp
33
tham gia hay xem lễ hội Trò Trám đã không còn nguyên vẹn mà đã bị “vỡ vụn” từng mảnh nhưng nó chính là nguồn tư liệu quý giá về quá trình thăng trầm của lễ hội Trò Trám trước năm 1945 và từ năm 1945 đến trước khi phục hồi lễ hội vào năm 1993. Để triển khai thực hiện quy trình phục hồi lễ hội vào năm 1992, cán bộ của Bảo tàng Hùng Vương phối kết hợp với cán bộ phòng văn hóa huyện Phong Châu đi nghiên cứu, điền dã phỏng vấn các bậc cao niên trong làng từ đó mới về xây dựng kế hoạch và nội dung phục hồi lễ hội.
Qua các đợt phỏng vấn trò chuyện với cộng đồng, ký ức của họ được sống lại như những thước phim tư liệu kể về văn hóa của làng mình. Trong và sau quá trình cán bộ Bảo tàng Hùng Vương phỏng vấn, các chủ thể văn hóa, họ đã chủ động tự đi tìm kiếm tư liệu để bổ sung cho trí nhớ của mình. Đến thời điểm có quyết định của UBND tỉnh, Bảo tàng Hùng Vương về phục hồi di tích Trò Trám, họ là những người tham gia tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến và thực hành nghi lễ, lễ hội như cụ Dương Văn Thâm, Bùi Văn Lợi, Chử Bá Thơ,…
Đặc biệt là nguồn tư liệu về niềm tin tôn giáo và ý thức tạo lập bản sắc văn hóa dân tộc của một bộ phận, cá nhân trong xóm Trám chính là tác nhân đưa đến sự đồng thuận trong phục hồi lễ hội. Nhiều người dân trong làng kể lại, tuy miếu Trám bị hư hỏng, đổ nát về kiến trúc nhưng nền tảng tâm linh của người dân với nữ thần, thành hoàng bản cảnh của làng không bị “xô đẩy” mà ngược lại nó trở thành thành trì vững chắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhiều người sống xung quanh miếu Trám cho biết:
Khi miếu Trám bị hư hỏng hay khi nhà nước thực hiện chính sách cải cách văn hóa, chính quyền địa phương ngăn cấm người dân cúng bái, bói toán, đồng bóng,… nhưng người dân vẫn ngấm ngầm ra nền miếu khấn nôm (không thắp hương, nến) vào ban đêm của các ngày 30 và mồng 1; 14 và ngày 15 hàng tháng; hoặc khi gia đình có việc đại sự, những ngày làm nhà, sửa nhà, xuống đồng, con cái đi làm ăn xa hay ốm đau,… Đến ngày lễ hội hàng năm, một vài người trong xóm Trám cũng ngấm ngầm đến giờ “mật” (12 giờ đêm) ra thắp hương thực hành tục hèm bằng cách dùng “vật linh” với biểu tượng bộ
34
phận sinh dục nam là một đoạn gốc tre bánh tẻ để nguyên rễ, dài khoảng 25cm và biểu tượng sinh dục nữ là bẹ mo cau, to bằng bàn tay có khoét lỗ để tiến hành nghi thức “linh tinh tình phộc”. “Để tránh mọi người phát hiện, nhất là các đồng chí đảng viên và trưởng thôn, khi làm một việc gì đó mà muốn cho yên tâm, tôi thường giả vờ ra đứng hóng mát trên nền miếu Trám nhưng đứng ở đấy là khấn nôm Đức Thánh Bà để bà phù hộ cho mình, mình mới yên tâm. Còn ngày lễ hội của làng thì chỉ có 3 người ngấm ngầm với nhau ra sân miếu làm lễ mang tính chớp nhoáng rồi về ngay để tránh các ông cán bộ thôn và đảng viên biết” [56]. Có thể nói, chính việc cầu khấn “vụng trộm” vào ban đêm của người dân trước đây đã trở thành “mạch ngầm” văn hóa niềm tin tôn giáo chảy trong lòng đất không bao giờ bị vơi cạn nên khi nhà nước cho phép phục hồi lễ hội thì người ta mới nhớ những cái đó để mà phục hồi lễ hội sau gần 50 năm bị gián đoạn.
Nhận nhiệm vụ của chính quyền sở tại và cũng là để hiện thực hóa niềm mong mỏi của bà con xóm Trám, ngày 3/2/1993, xóm Trám tổ chức hội nghị toàn dân trong xóm họp bàn về việc phục hồi lại lễ hội Trò Trám. Chủ trì cuộc họp là đồng chí Chủ tịch UBND xã và trưởng thôn. Qua phần giới thiệu của đồng chí Chủ tịch xã về ý nghĩa, mục đích và chức năng, nhiệm vụ của xã, thôn trong việc phục hồi lễ hội, hội nghị đã đi đến thống nhất: “Công việc phục hồi lễ hội là nhiệm vụ chung của toàn xã. Tuy nhiên, đây là vốn văn hóa cổ truyền của ông cha phường Trám để lại nên phường Trám chịu trách nhiệm chính về nhân sự, mỗi cá nhân trong phường phải có trách nhiệm góp một phần nhân lực, vật lực để phục hồi và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa quý báu này” (PV một cụ cao tuổi trong xóm Trám, ngày 10/8/2016).
Trong buổi họp có nhiều ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến phát biểu nhiều nhất là các bậc cao niên trong làng vốn trước đây đã từng tham gia lễ hội, các cụ đã có nhiều ý kiến đóng góp quý giá cho việc xây dựng nội dung và cách thức tổ chức phục hồi lễ hội Trò Trám. “Vào những ngày này, ở địa
35
phương thật là náo nhiệt với những câu chuyện bàn tán phục hồi lễ hội Trò Trám. Người nói thế này, kẻ nói thế kia và nó trở thành diễn ngôn mang tính đối thoại của những người không chính thức tham gia cuộc họp nên nó càng có cơ hội được bày tỏ quan điểm riêng của mình” (PV một thành viên trong ban tổ chức phục hồi lễ hội, ngày 12/8/2016). Có thể nói, đây là sự phát huy vốn xã hội của cộng đồng, nó thúc đẩy sự phát triển của các hành động diễn ngôn mang tính tập thể ở một cộng đồng cư dân với những quyền lợi cũng như trách nhiệm chung của cả làng trong việc quyết định phục hồi lễ hội Trò Trám hay không? Điều này cũng đồng quan điểm với Pierre Bourdieu. Theo ông, vốn xã hội là một “… tập hợp các nguồn lực hiện hữu hoặc tiềm tàng, gắn với việc sở hữu một mạng lưới bền vững gồm các mối quan hệ quen biết hoặc thừa nhận lẫn nhau ít nhiều được thiết chế hóa” [20, tr. 51 - 58].
Theo kết quả phỏng vấn hồi cố, điếm Trám được phục hồi lại năm 1948. Trong một thời gian dài do hoàn cảnh lịch sử nên điếm không còn giữ chức năng phục vụ nghi lễ mà được chuyển sang chức năng khác như làm trường học, làm nơi để bà con nghỉ trưa, trẻ em chơi trò chơi... thậm chí bà con trong xóm còn dùng làm nơi buộc, nhốt trâu bò. Bởi vậy, có nhiều ý kiến trong cuộc họp đã không đồng tình cho việc phục hồi lễ hội, với lý do là cơ sở thờ tự đã bị hư hỏng và người dân cũng đã quên niềm tin tín ngưỡng của mình với di tích. Hơn nữa, trước đây chúng ta là những người đứng ra ủng hộ phong trào cải cách văn hóa, nay lại phục hồi lễ hội, khác nào chúng ta thừa nhận chúng ta đã sai lầm....
Suốt một thời gian dài lễ hội bị gián đoạn là do chiến tranh và quan niệm sai lầm trong suy nghĩ của một bộ phận người dân cho rằng: Trò Trám là tục tĩu đáng xấu hổ. Con cháu trong phường Trám thường bị chê bai, bởi có lễ hội mang tính “dâm tục”. Điều này, khiến cho người xóm Trám dù muốn phục hồi lễ hội nhưng vẫn còn e ngại, hơn nữa, không có chỉ thị của trên cũng