Một số vấn đề đặt ra đối với việc phát triển nguồn lực con người Hà Nội hiện nay

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố hà nội hiện nay (Trang 107 - 115)

Thứ nhất, quy hoạch phát triển nguồn lực con người của Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa thực sự xuất phát vào nhu cầu thực tiễn

Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực là một khâu quan trọng, có vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển nhân lực là việc lập dự án thiết kế xây dựng tổng thể nguồn nhân lực, là bản luận chứng về những mục tiêu, phương hướng và giải pháp phát triển nhân lực trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, dự báo nhu cầu nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020, đây là căn cứ quan trọng để hoạch định các chương trình, kế hoạch hàng năm về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Mặc dù đã xây dựng được quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhưng quy hoạch này cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn 10 năm, chưa thực sự mang tính chiến lược lâu dài để định hướng cho sự phát triển.

Đối tượng quy hoạch chỉ tập trung vào nhóm nhân lực trong độ tuổi lao động và tập trung chủ yếu vào nhân lực do Hà Nội quản lý, chưa đề cập nhiều tới tiềm năng nhân lực tại các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố mà đối tượng nhân lực này có vai trò và trên thực tế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển của Thủ đô chưa thực sự dựa trên cơ sở điều tra về nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng lĩnh vực

104

cụ thể, vì thế chưa sát với nhu cầu của thực tiễn. Hơn nữa nội dung quy hoạch nhân lực lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước chưa được đề cập tới, đây thực sự là hạn chế lớn trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Hà Nội. Trên thực tế đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội được đánh giá là vừa thừa, vừa thiếu, “tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao” [79, tr.69], “một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa nhiệt tình, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và người dân” [79, tr.70]. Chính vì vậy, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý của Thành phố cần phải được quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tạo ra đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, tạo ra nền hành chính công trong sạch, liêm khiết, phục vụ.

Những hạn chế, bất cập, chưa theo sát nhu cầu thực tiễn trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới quá trình phát triển nguồn nhân lực Hà Nội trong thời gian qua chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực Hà Nội trong thời gian tới cần phải quan tâm tới vấn đề này.

Thứ hai, số lượng nguồn lực con người Hà Nội tăng nhanh nhưng chất lượng nguồn lực con người chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Cũng như cơ cấu dân số cả nước, dân số thành phố Hà Nội hiện nay đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Tính đến nay, dân số Hà Nội là trên 7,2 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 4,95 triệu người, chiếm trên 60% tổng dân số toàn Thành phố; nếu tính từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm có gần 100.000 lao động được bổ sung vào nguồn nhân lực của Thành phố. Con số này cho thấy, lực lượng lao động của Hà Nội hằng năm được bổ sung với số lượng rất lớn. Hơn nữa, trong giai đoạn 2008 - 2016 , tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với tổng dân số của thành phố Hà Nội tăng dần trong các năm, từ mức 52,6% năm 2008 lên mức 65,26% năm 2016 và dự báo lên gần 70% vào năm 2020. Xu hướng này phản ánh đúng diễn biến cơ cấu dân số vàng ở nước ta nói chung, ở Thành phố Hà Nội nói riêng.

105

Sự gia tăng dân số, trẻ hóa lực lượng lao động, hay nói cách khác số lượng nguồn lực con người Hà Nội tăng lên là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Tuy có lực lượng lao động dồi dào, nhưng sự phát triển nguồn lực con người Hà Nội đang đứng trước mâu thuẫn giữa sự tăng nhanh về số lượng với sự phát triển chậm về chất lượng. Có thể nói, nguồn lực con người Hà Nội đông nhưng chưa thực sự mạnh, số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng. Nguồn nhân lực Hà Nội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô gắn với phát triển kinh tế tri thức. Bằng nhiều nỗ lực và cố gắng, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đã tăng lên, năm 2009 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Hà Nội là 31,1%, đến nay tỷ lệ này đã tăng lên đạt gần 50%, nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu mà Thành phố đặt ra (Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%) [78, tr.81]. Tuy tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên nhưng chất lượng, nhìn chung, vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kiến thức kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm của lao động Hà Nội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa nói tới so sánh với quốc tế; trình độ ngoại ngữ, phương pháp tư duy khoa học và thể lực của nhân lực Hà Nội, nhìn chung còn yếu. Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố kêu ca, phàn nàn không tuyển được lao động có trình độ cao hoặc có tuyển được vẫn phải mất công đào tạo lại.

Sự hạn chế về chất lượng nguồn lực con người Hà Nội nói trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, manh mún, tản mạn, song nguyên nhân chủ yếu là do giáo dục, đào tạo. Chính vì vậy đặt ra vấn đề cần phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, để giáo dục và đào tạo thực sự đảm nhận tốt chức năng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Thứ ba, cơ cấu nguồn lực con người còn mất cân đối, việc sắp xếp, sử dụng nguồn lực con người của Hà Nội còn bất cập.

Nhìn một cách tổng quát qua số liệu thực tế cho thấy, cơ cấu nguồn lực con người cũng như việc sắp xếp, sử dụng nguồn lực con người của Hà Nội chưa thật sự

106

hợp lý, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn chưa được khắc phục, nơi có nguồn nhân lực có trình độ thì không được sử dụng, hoặc sử dụng không đúng với chuyên môn được đào tạo, nơi cần nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đã qua đào tạo để phát triển thì lại thiếu. Hiện nay, phần lớn số lao động có tay nghề, được đào tạo có trình độ và đội ngũ chuyên gia các nhà khoa học chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, còn ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa của Hà Nội lại thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ cao để phát triển. Theo số liệu điều tra của công trình nghiên cứu Đời sống văn hóa của cư dân Hà Nội, tác giả Nguyễn Hữu Minh làm chủ nhiệm, cho thấy, số người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên khu vực nội thành cao hơn khu vực giáp nội thành và xa nội thành, tỷ lệ là khu vực nội thành 34,9%, khu vực giáp nội thành là 5,2% và khu vực xa nội thành là 3,4% [65, tr.45].

Hà Nội đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, “phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 70-75%

tổng số xã của Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới” [79, tr.97]. Thực tế nông nghiệp của Hà Nội hiện nay vẫn là sản xuất nhỏ, manh mún, công nghệ thấp, năng suất thấp, do đó, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, không có con đường nào khác, Hà Nội phải “phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiến tiến, tạo ra sản phẩm sạch, có năng suất và chất lượng cao” [79, tr.88]. Điều này đòi hỏi lao động nông thôn của Hà Nội phải được đào tạo về chuyên môn, để có trình độ kiến thức nhất định chứ không phải chỉ là những kinh nghiệm sản xuất mang tính truyền thống. Hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tất yếu dẫn tới việc xây dựng và thực tế đã xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở vùng nông thôn Hà Nội, do đó xuất hiện nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn nhưng thực tế hiện nay nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội đang thiếu lao động hoặc không tuyển dụng được lao động có tay nghề, có trình độ. Thực tế đang đặt ra nhu cầu thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông thôn của Hà Nội.

107

Trong cơ cấu nguồn lực con người, bộ phận công chức, viên chức giữ vai trò hết sức quan trọng, chịu trách nhiệm vận hành bộ máy quản lý hành chính của Thủ đô về mọi mặt. Tuy nhiên, bộ phận cơ cấu nguồn lực này vẫn còn những hạn chế nhất định. Cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chưa đồng bộ, có sự chênh lệch và mất cân đối về độ tuổi giữa các thế hệ cán bộ của Thành phố, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong bộ máy lãnh đạo của Thành phố còn thấp; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, năng lực thực tiễn của một phận cán bộ công chức, nhất là bộ phận cán bộ công chức cấp cơ sở, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của Hà Nội còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn kiểu công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”, có cũng được, không có cũng được. Cùng một chủ trương chính sách nhưng do năng lực cán bộ khác nhau, cho nên chủ trương chính sách đó thông qua đội ngũ cán bộ đến với người dân cũng có sự khác nhau. Thực tế này ở Hà Nội đã có và đã xảy ra. Điều này đang đặt ra cho Hà Nội cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt phải sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, “dụng nhân như dụng mộc”.

Thứ tư, bất cập trong việc khai thác các tiềm năng để thu hút, đào tạo phát triển nguồn lực con người.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước, là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu có uy tín của Thủ đô và đất nước, nơi tập trung nhiều nhà khoa học, nhà giáo, trí thức tiêu biểu trong mọi lĩnh vực và là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất của cả nước. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 100 học viện, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu. Chỉ tính riêng trong số trên 60 trường đại học, học viện, trường cao đẳng khối dân sự đã có trên 1000 giáo sư và phó giáo sư, 3000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8000 thạc sĩ [47, tr.31]; đó còn chưa kể tới số lượng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các học viện, trường đại học thuộc khối công an, quân đội, tại các viện nghiên cứu với số lượng cũng rất lớn. Đây là lợi thế và là tiềm năng rất lớn của Hà Nội trong việc đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải địa

108

phương nào trong cả nước cũng có được. Các học viện, trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội có khả năng đào tạo nhân lực ở diện rộng trên các lĩnh vực: kinh tế - kinh doanh; y - dược; kỹ thuật xây dựng - kiến trúc - giao thông; kỹ thuật nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản; kỹ thuật khai thác; sư phạm - giáo dục; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; luật - quản lý công - quản lý hành chính nhà nước; văn hóa nghệ thuật; thể dục - thể thao; an ninh - quốc phòng. Đặc biệt hệ thống các viện nghiên cứu, các trường đại học ở Hà Nội được tạo thành trung tâm đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ có quy mô lớn nhất và có chất lượng cao ở Việt Nam trên phần lớn các lĩnh vực đào tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học và các viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố đều có nhiều mối quan hệ hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu lớn trên thế giới, đây là một thuận lợi lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận với trình độ của thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế, tiềm năng rất lớn nhưng thực tế việc trọng dụng, thu hút nhân tài, hay còn gọi là nguồn nhân lực chất lượng cao, của Hà Nội còn nhiều hạn chế; việc tận dụng khai thác, phát huy thế mạnh vốn có trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội cũng chưa thật sự hiệu quả. Chính điều này lý giải vì sao Hà Nội đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là Hà Nội cần sửa đổi, thậm chí là thay đổi, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút được nhiều nhân tài, tận dụng khai thác, phát huy được tiềm năng chất xám của các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Thứ năm, hạn chế trong việc xây dựng, phát triển văn hóa

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là đối với việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người, trong những năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quan tâm xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình công tác lớn trên lĩnh vực văn hóa, nổi bật là:

Chương trình số 08 của Thành ủy (khóa XIV) về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà

109

Nội”; Chương trình số 04 của Thành ủy (khóa XV) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển văn hóa của Hà Nội cũng còn nhiều hạn chế, đó là: Sự nghiệp phát triển của văn hóa Thủ đô chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô là trung tâm văn hóa lớn của cả nước; phong trào

“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa đồng đều ở các nội dung và giữa các địa phương; sự sa sút trong nét đẹp văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân Thủ đô là một thực trạng rất bức xúc và đáng lo ngại, nét đẹp “thanh lịch của người Tràng An” đang dần bị lấn át; công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, có nơi sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí; “một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa, ứng xử của người dân; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn yếu kém” [79, tr.68].

Những hạn chế nói trên đã tác động và ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển nguồn lực con người Hà Nội, làm cho chất lượng nguồn lực con người chưa thực sự như mong muốn. Do vậy, vấn đề đặt ra là, trong thời gian tới để phát triển nguồn lực con người một cách toàn diện, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm hơn nữa việc xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó chú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” [44, tr.48].

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố hà nội hiện nay (Trang 107 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)