CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẾ ĐỊNH QUYỀN CON NGƯỜITRONG HIẾN PHÁP
1.3. Mối quan hệ giữa quyền con người và Hiến pháp
Tư tưởng về quyền con người được khởi thủy từ khi trên trái đất xuất hiện những nền văn minh cổ đại mà tiêu biểu là nền văn minh rực rỡ ở Trung Đông (khoảng những năm 3000-1500 TCN). Chính trong nền văn minh này, nhà vua Hammurabi xứ Babilon đã ban hành bộ luật có tên gọi là Bộ luật Hammurabi với câu tuyên bố nổi tiếng, theo đó, mục đích của đức vua khi thiết lập ra bộ luật này là để “…ngăn ngừa những kẻ mạnh áp bức kẻ yếu”. Nhưng phải đến khi có Hiến pháp, với tư cách là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quyền con người mới được ghi nhận một cách rõ ràng nhất. Giữa quyền con người và Hiến pháp không chỉ thể hiện sự tác động một chiều của Hiến pháp
28
đối với việc thừa nhận và bảo đảm thực hiện quyền con người mà còn thể hiện vai trò của quyền con người đối với sự ra đời Hiến pháp. Hơn nữa, quyền con người cũng chính là mục tiêu hướng tới của Hiến pháp mỗi quốc gia.
1.3.1. Vai trò của quyền con người đối với sự ra đời Hiến pháp
Không phải từ khi có pháp luật là đã có Hiến pháp. Sự ra đời của Hiến pháp gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản lật đổ chế độ phong kiến.
Trong nhà nước chiếm hữu nô lệ và nhà nước phong kiến, hoàn toàn không hề biết đến Hiến pháp và không thể có Hiến pháp. Bởi vì trong các chế độ đó, quyền lực của nhà vua là vô hạn. Trong xã hội phong kiến chuyên chế, nhà vua nắm trong tay quyền lực nhà nước do “trời ban” và “thay trời trị vì thiên hạ” với những quyền hành không giới hạn. Trong xã hội tồn tại một nền thống trị hà khắc, tùy tiện. Điều đó có nghĩa rằng nhà nước phong kiến đương nhiên không có và cũng không cần đến một bản Hiến pháp quy định về tổ chức quyền lực nhà nước. Bản chất phản nhân dân của nền chuyên chính phong kiến ngày càng tăng dẫn đến sự bất bình và các cuộc chống đối của các giai cấp bị bóc lột, áp bức.
Ðồng thời, trong lòng xã hội phong kiến, giai cấp tư sản lại là người đại diện cho một phương thức sản xuất mới ra đời và đang dần lớn mạnh, trở thành giai cấp có địa vị độc lập về kinh tế và sớm trưởng thành về ý thức giải phóng, chống đối với chế độ chuyên chế. Họ đứng lên phất cao ngọn cờ tự do, dân chủ, bình đẳng để tập hợp quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột để lật đổ chế độ phong kiến nhằm xác lập quyền thống trị của měnh. Khẩu hiệu lập hiến ra đời trong bối cảnh đó. Bối cảnh ra đời Hiến pháp cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của những tư tưởng về quyền con người, về tự do, dân chủ, bình đẳng. Mặc dù trong giai đoạn này, tư tưởng về quyền con người chủ yếu thể hiện dưới dạng những đòi hỏi về quyền công dân nhưng ngay từ thời điểm đó, quyền con người đã trở thành một thứ vũ khí tư tưởng rất lợi hại, thúc đẩy con người đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của những nền cai trị chuyên chế, bất công. Hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu đã nâng địa vị của những thần dân lên thành công dân. Hiến pháp ra đời và trở thành công cụ để hạn chế quyền lực nhà
29
nước và bảo vệ quyền công dân. Chính vai trò của quyền con người mà trong tư duy chính trị của nhân loại, vấn đề quyền con người đã trở thành một nội dụng chính của lịch sử lập hiến. Luật về các quyền của Anh sau Cách mạng năm 1689, Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, Hiến pháp của tất cả các nước, dù ở chế độ xã hội nào cũng đều có những quy định về quyền con người.
Nói cách khác, lý do để ra đời Hiến pháp xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội mà mục đích cao nhất chính là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giúp cho mọi thành viên trong xã hội đều được có cơ hội thụ hưởng quyền lợi chính đáng của mình mà không có bất cứ sự xâm phạm nào. Ở đây, quyền con người chính là yếu tố quyết định đến sự ra đời, hình thành và phát triển của Hiến pháp, trở thành nội dung quan trọng đến mức nếu không có chế định về quyền con người thì cũng không thể có bản thân Hiến pháp, nội dụng đó chi phối kết cấu của bản Hiến pháp nên trong Hiến pháp của nhiều nước, chế định quyền con người, quyền công dân thường được đặt lên hàng đầu.
Thực tiễn cho thấy, quyền con người đang ngày càng được ghi nhận rộng rãi hơn trong Hiến pháp của các quốc gia. Theo các nghiên cứu về thực tiễn lịch sử lập hiến của các nước trên thế giới cho thấy số lượng quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp đã tăng lên đáng kể theo thời gian. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1800 đến năm 2000, số lượng các quyền con người được Hiến pháp của các nước quy định đã tăng liên tục từ con số không vào thời điểm năm 1800 đến trên 60 quyền vào thời điểm năm 2000. Số quyền này thậm chí còn vượt qua tổng số các quyền (theo cách tính của nhiều chuyên gia) được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế tiêu biểu nhất về quyền con người. Điều này được minh chứng qua kết quả thống kê sau: số lượng quyền được ghi nhận trong Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp là 13 quyền, trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 là 34 quyền, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 là 34 quyền, trong Công ước Châu Mỹ về nhân quyền năm 1969 là 36 quyền, trong Hiến chương Châu Phi về quyền con
30
người và quyền của các dân tộc năm 1981 là 30 quyền. Hiến pháp không chỉ ghi nhận những quyền con người được thừa nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền con người nêu trên mà các quyền con người trong Hiến pháp các nước còn có xu hướng tương thích hơn với các quy định của luật nhân quyền quốc tế.
1.3.2. Vai trò của Hiến pháp đối với việc bảo đảm quyền con người Xã hội loài người đã trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội là công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản. Tương ứng với nó là sự ra đời của bốn chế độ nhà nước: nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư bản chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng phải đến khi nhà nước tư bản chủ nghĩa ra đời thì Hiến pháp mới được xuất hiện. Có thể thấy rằng, quyền con người và Hiến pháp cùng được sinh ra trong cách mạng tư sản. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền lại được đặt ra sớm hơn và vì cần một thiết chế đủ mạnh để bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền con người được tôn trọng và bảo vệ nên Hiến pháp mới ra đời. Hay, quyền con người là một trong những lý do dẫn tới sự ra đời của Hiến pháp. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao quyền con người lại phải được ghi nhận và bảo đảm bằng Hiến pháp mà không phải bởi bất cứ một văn bản nào khác? Trả lời câu hỏi này cũng đồng nghĩa với việc giải thích được vai trò của Hiến pháp trong việc thực hiện và bảo vệ quyền con người. Điều này được lý giải bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Hiến pháp là công cụ để hạn chế quyền lực nhà nước. Xét về nguồn gốc tự nhiên thì con người vốn dĩ sinh ra đã được tự do. Nhưng sự tự do này không thể là tuyệt đối, vì tự do của người này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân của người khác. Vì vậy, để có một cuộc sống tốt đẹp, con người đã lựa chọn từ bỏ “trạng thái tự nhiên” tức sự tự do tuyệt đối đó để tuân thủ một “khế ước xã hội”. Đó cũng là lý do mà Nhà nước được ra đời nhằm đảm bảo cho quyền con người được thực thi một cách tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của mình, không thể tránh khỏi trường hợp nhà nước lạm dụng quyền hạn của mình và can thiệp quá sâu vào quyền tự do vốn có của con người. Do vậy, muốn đảm bảo quyền con người được thực hiện một cách tối ưu nhất thì
31
vấn đề đặt ra là quyền lực nhà nước phải được hạn chế một cách phù hợp. Có nhiều cách để hạn chế quyền lực nhà nước nhưng cách tốt nhất là Hiến pháp - đạo luật tối cao phải ghi nhận các quyền tự do của con người như là một giới hạn để quyền lực nhà nước không thể xâm phạm. Hơn nữa, các quy định trong Hiến pháp, cụ thể như các quy định về cách thức tổ chức, giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng nhằm tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ nền dân chủ, quyền con người, quyền công dân; tránh việc quyền con người, quyền công dân bị lạm dụng và xâm phạm một cách tùy tiện
Thứ hai, xuất phát từ mục đích ra đời Hiến pháp.Về nguồn gốc ra đời Hiến pháp như đã phân tích ở trên, Hiến pháp ra đời là do nhu cầu hạn chế quyền lực nhà nước và để bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Do vậy, Hiến pháp chính là công cụ pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền con người ở các quốc gia.
Thứ ba, xuất phát từ bản chất của Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao, được coi là đạo luật gốc, do cơ quan có thẩm quyền cao nhất hoặc do chính nhân dân thông qua. Tầm quan trọng của Hiến pháp được thể hiện trong một lập luận của Chánh án Marshall trong phán quyết của vụ án Mabury kiện Madison: “Hiến pháp hoặc là đạo luật tối cao, không thể thay thế bằng những phương thức bình thường hoặc nó ở hệ cấp bình thường như các đạo luật khác của ngành lập pháp và nó có thể bị ngành lập pháp thay đổi nếu muốn.
Nếu lựa chọn thứ nhất là đúng, thì luật mâu thuẫn với Hiến pháp không thể là luật. Nếu lựa chọn thứ hai là đúng thì Hiến pháp thành văn là một nỗ lực ngu xuẩn của con người trong việc giới hạn quyền lực nhà nước trong bản chất vô giới hạn của nó” [31].
Theo quan điểm của luật nhân quyền quốc tế, quốc gia là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ quyền con người. Cụ thể, quốc gia có trách nhiệm hành động hoặc không hành động để thực hiện ba nghĩa vụ cơ bản sau:
nghĩa vụ tôn trọng, nghĩa vụ bảo vệ và nghĩa vụ thực hiện. Hiến pháp, với tư cách là đạo luật cơ bản của các quốc gia, luôn có các quy định khẳng định rõ các
32
quyền và tự do của cá nhân dưới hình thức các quyền con người hoặc quyền công dân. Điều này trực tiếp nhấn mạnh rằng quyền con người là những quyền thiêng liêng, không thể bị xâm phạm. Như vậy, Hiến pháp có ảnh hưởng rất to lớn trong việc điều chỉnh vấn đề quyền con người.
Do có cùng khách thể là quyền con người nên Hiến pháp nói riêng và pháp luật quốc gia nói chung có mối quan hệ chặt chẽ với luật nhân quyền quốc tế ở nhiều phương diện. Ở thời kỳ đầu, pháp luật quốc gia chính là nền tảng thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển luật nhân quyền quốc tế. Hiến pháp và pháp luật quốc gia cũng chính là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền tải pháp luật quốc tế về quyền con người, đảm bảo cho pháp luật quốc tế về quyền con người được thực hiện. Hiện tại, hầu hết các quyền con người theo luật quốc tế về quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới ở mức độ khác nhau. Với hiệu lực tối cao của mình, Hiến pháp đóng vai trò là công cụ pháp lý cơ bản để hiện thực hóa các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người ở các quốc gia.