Quan điểm hoàn thiện chế định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

Một phần của tài liệu Chế định quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam (LV thạc sĩ) (Trang 93 - 98)

CHƯƠNG 3. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH QUYỀN

3.1. Quan điểm hoàn thiện chế định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

3.1.1. Các quyền con người cơ bản cần được ghi nhận một cách đầy đủ trong Hiến pháp

Về cơ bản, trong Hiến pháp của mỗi quốc gia đều ghi nhận quyền con người với phạm vi điều chỉnh khác nhau. Nhìn chung, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện khá đầy đủ các nguyên tắc và các quyền cơ bản của con người được nêu trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên Hiệp Quốc về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Điều này chứng tỏ những cố gắng rất lớn của nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền và tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 còn thiếu một số quyền và tự do quan trọng đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền con người. Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng các quyền còn thiếu trong Hiến pháp đã được ghi nhận trong các đạo luật chuyên ngành thì không cần thiết phải được quy định

90

trong Hiến pháp. Quan điểm này không đúng cả về lý luận và thực tế. Bởi, về lý luận, với tính chất là những giá trị tự nhiên, vốn có của mọi cá nhân, được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế, các quyền con người trước hết và nhất thiết phải được ghi nhận trong Hiến pháp. Việc một đạo luật nào đó đã đề cập đến những quyền nhất định không thể lấy làm lý do để không tiếp tục hiến định các quyền ấy, bởi quyền hiến định – với tư cách là các quyền do nhân dân xác lập – luôn phải được ưu tiên và cao hơn so với các quyền luật định – với tư cách là các quyền do nhà nước ấn định cho nhân dân. Hơn nữa, về thực tế, hầu hết các quyền và tự do còn thiếu trong Hiến pháp năm 2013 chưa được ghi nhận cụ thể, rõ ràng ở bất cứ văn bản pháp luật nào của Việt Nam [19].

Để bảo đảm các quyền con người được thực hiện trên thực tế, điều quan trọng trước tiên là các quyền con người cơ bản phải được ghi nhận một cách đầy đủ trong Hiến pháp.

3.1.2. Chế định quyền con người phải được xây dựng phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người

Vấn đề này chỉ mối liên hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về quyền con người. Pháp luật mỗi quốc gia là phương tiện để truyền tải luật nhân quyền quốc tế, là điều kiện để đảm bảo cho luật nhân quyền quốc tế được thực hiện. Bởi thông thường, pháp luật quốc tế không được áp dụng trực tiếp bởi tòa án của các quốc gia nên để pháp luật quốc tế về quyền con người được thực thi trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, các nhà nước phải nội luật hóa các quy phạm pháp luật quốc tế về quyền con người vào hệ thống pháp luật của nước mình. Ngược lại, luật nhân quyền quốc tế, nhìn từ góc độ pháp lý là một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn và tập quán pháp lý quốc tế xác lập, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của mọi thành viên, của cộng đồng nhân loại có tác động thúc đẩy sự tiến bộ của pháp luật quốc gia về quyền con người. Sự hình thành và phát triển của hệ thống văn kiện luật nhân quyền quốc tế kể từ khi Liên Hiệp Quốc được thành lập bao gồm các điều ước quốc tế, nghị quyết, tuyên bố, tuyên ngôn, khuyến nghị, phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế,… đã thúc đẩy

91

quá trình pháp điển hóa các quyền con người vào hệ thống pháp luật quốc gia, tức là pháp luật mỗi quốc gia đều được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Hơn thế nữa, trong trường hợp pháp luật quốc gia chưa hài hòa với một điều ước quốc tế về quyền con người mà nước mình là thành viên thì hầu hết các quốc gia đặt sự ưu tiên áp dụng với các điều ước quốc tế (đây là nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế được nêu trong Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969).

Nhà nước ta đã và đang chủ động, tích cực tham gia, ký kết các văn kiện quốc tế về quyền con người. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên các quyền con người trong Hiến pháp phải được phản ánh trên cơ sở những giá trị nhân quyền phổ quát, được ghi nhận trong các công ước quốc tế. Điều này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các quyền con người.

3.1.3. Việc ghi nhận quyền con người trong Hiến pháp phải đảm bảo tính hợp lý (tính khả thi)

Một trong những yêu cầu khi xây dựng các quy định trong Hiến pháp là phải bảo đảm tính khả thi bên cạnh tính hợp pháp. Yêu cầu này nhằm mục đích tránh tính hình thức, trừu tượng của các quy định về quyền con người trong Hiến pháp. Điều mà các Hiến pháp trước đã mắc phải. Chẳng hạn như quy định tại Điều 35 Hiến pháp năm 1959 về quyền của thanh niên được nhà nước chăm sóc, giáo dục, Điều 60 trong Hiến pháp năm 1980 về chế độ học tập không phải trả tiền. Những quy định này mặc dù vẫn đảm bảo về tính hợp pháp nhưng lại không đảm bảo được tính hợp lý vì không tính đến các điều kiện thực thi trong thực tế thời bấy giờ. Bởi vậy, nó chỉ mang tính hình thức mà không được thực hiện trong thực tế.

Trong Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền được sống trong môi trường trong lành tại Điều 43. Nói cách khác, đây là quyền về môi trường. Về tính pháp lý của quyền này, hiện có hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất coi quyền về môi trường là một quyền con người cụ thể, trong khi quan điểm thứ hai coi đó là một quyền hàm chứa nằm trong nội hàm của một số quyền khác

92

như quyền sống, quyền về sức khỏe. Về lý thuyết, quyền này có thể xung đột với một số quyền con người khác (ví dụ, việc thực hiện các quyền tự do kinh doanh có thể dẫn đến phát triển các hoạt động sản xuất một cách tràn lan, không được kiểm soát và gây ra những thảm họa môi trường). Về thực tế, đây là một quyền gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ môi trường. Như đã phân tích ở trên, đây là một quyền mới của Hiến pháp năm 2013, thể hiện sự tiến bộ và cách tiếp cận ngày càng phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, xét về điều kiện thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành, có thể thấy đây đang là một thách thức đối với nước ta. Trước tiên, quyền được sống trong môi trường trong lành được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được sống trong môi trường sạch đẹp, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có ô nhiễm, suy thoái hay sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động bình thường của con người được pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế ghi nhận và bảo vệ. Thứ hai, việc bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để thực hiện hóa quyền con người. Một sự thật hiển nhiên là, các quyền con người không thể thực hiện được nếu môi trường không được bảo đảm, vì môi trường có liên quan và tác động trực tiếp tới hưởng thụ quyền con người của mỗi cá nhân và cộng đồng. Vì vậy, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường của con người là nhu cầu thiết yếu để bảo vệ cuộc sống con người, điều kiện đảm bảo sự phát triển và hoàn thiện con người. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, ở cấp độ quốc gia, nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và sửa đổi năm 2005 cùng nhiều văn bản pháp lý quan trọng về môi trường. Tuy nhiên, nghiên cứu về hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, hầu hết các quy phạm pháp luật mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc chung chung, chưa chú trọng việc lồng ghép cách tiếp cận quyền con người với bảo vệ môi trường,… Hơn nữa, thực tế ô nhiễm trên quy mô rộng, suy thoái cục bộ, có dấu hiệu khủng hoảng môi trường do quá trình phát triển ưu tiên cho tăng trưởng

93

kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường đang trở thành những rào cản lớn đối với việc thực hiện quyền này ở nước ta.

Bởi quyền con người không phải chỉ cần được thừa nhận trong Hiến pháp mà còn phải đảm bảo được thực hiện trong thực tế. Vì vậy, các quyền con người khi được ghi nhận về mặt pháp lý cũng đồng thời phải tính đến các điều kiện đảm bảo thực hiện quyền trên thực tế.

3.1.4. Quy định về thiết chế bảo vệ quyền con người trong chế định quyền con người

Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xuất phát từ và nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Nòng cốt của cơ chế này là các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người có hình thức tổ chức rất đa dạng như: Uỷ ban quyền con người quốc gia, cơ chế Ombudsman (người đại diện). Uỷ ban quyền con người thường bao gồm nhiều thành viên đại diện cho các nhóm xã hội, nghề nghiệp khác nhau. Tên gọi của thiết chế này có thể khác nhau giữa các nước, ví dụ như Uỷ ban hay Trung tâm quyền con người quốc gia, Uỷ ban quyền con người và bình đẳng. Nó có thể được quy định trong Hiến pháp (như Philippin, Thái Lan), hoặc bằng một đạo luật cụ thể (như Malaixia), hay bởi một nghị quyết của Nghị viện (như Đan Mạch), một quyết định của Tổng thống (như Inđônêxia). Cơ chế Ombudsman xuất hiện đầu tiên tại Nghị viện Thuỵ Điển vào năm 1809. Tại một số quốc gia, cơ chế này tương đương với thanh tra Quốc hội hoặc thanh tra nhà nước. Ombudsman thường có một bộ máy giúp việc, gọi là Văn phòng Ombudsman. Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Ombudsman như là một cơ chế quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Áo, Tây Ban Nha.

Chức năng cơ bản của các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là quyền của nhóm xã hội dễ bị xâm hại; đồng thời, tiếp

94

nhận, điều tra và giải quyết những khiếu nại của các cá nhân và các nhóm về những vi phạm quyền con người theo pháp luật quốc gia.

Với ý nghĩa như vậy, thiết chế cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cần thiết phải được ghi nhận trong Hiến pháp.

Một phần của tài liệu Chế định quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam (LV thạc sĩ) (Trang 93 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)