1.2. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
1.2.3. Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh hại keo
Bệnh khô cành ngọn keo khi bệnh gây hại nặng có thể phun thuốc như:
Benlate, Tiltsuper 300ND, Carbenzim, Topsin-M... phun 2-3 lần, các lần cách nhau khoảng 10 ngày. Đối với bệnh phấn hồng hại keo sử dụng thuốc Bordeaux nồng độ 1% phun hoặc quét lên các vết bị bệnh. Bệnh khô lá keo xử dụng thuốc: Benlate, thuốc gốc đồng như: Champion 77 WP, Funguran.OH 50KP, COC 85WP...phun lên lá 3-4 lần, các lần cách nhau 7- 10 ngày. Bệnh phấn trắng hại keo sử dụng một số loại thuốc như TiltSuper 300EC, Anvil 5SC, Score 250ND, Benlate 50WP, Carbenzim...cho cây khi cần thiết. Bệnh nguội than có thể dùng thuốc chlorothalnil.
Ngoài ra còn sử dụng thêm một số biện pháp lâm sinh như chặt toàn bộ cây bị chết hoặc nhiễm bệnh nặng đưa ra khỏi rừng để tiêu hủy nguồn bệnh tránh xâm nhiễm.
Tăng cường chăm sóc như bón phân cân đối, chú ý phân lân và ka li, giảm bón phân đạm để tăng khả năng chống chịu của cây, tỉa cành ở tầng dưới của tán lá khi quá rậm cần được tiến hành thường xuyên, đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, hạn chế được sự xâm nhiễm của nấm bệnh, tỉa thưa, phát dọn thực bì như giây leo bụi rậm, vun gốc (Phạm Quang Thu, 2003)[27].
Biện pháp phòng trừ bệnh hại keo được tổng hợp khá đầy đủ trong cuốn sách sâu bệnh hại rừng trồng. Bệnh gỉ sắt đỏ, bệnh do tảo Cephaleuros virescens Kunze gây hại. Khi cây bị bệnh nặng, có dấu hiệu ảnh hưởng lớn đến rừng trồng thì có thể phòng trừ bằng phun thuốc có chứa gốc đồng: Benlate – C, Boóc đô: 0,6 - 0,7%.
Bệnh bồ hóng, bệnh do nấm Meliola bribanensis Hansford khi gây hại ít không nhất thiết phải tiến hành phòng trừ bệnh này cho rừng trồng mà tác động một số biện pháp lâm sinh như: Cải thiện điều kiện thông gió, chiếu sáng cho tán lá cây rừng.
Khi cây bị nhiễm nặng, có dấu hiệu ảnh hưởng lớn đến rừng trồng thì phòng trừ bằng phun thuốc chống nấm: Hợp chất lưu huỳnh vôi và các thuốc diệt côn trùng, chống sự lây lan (Phạm Quang Thu, 2011)[32].
Bệnh khô đầu lá, bệnh do nấm Pestalotiopsis acaciae (Thum.) K. Yokoy. &
S. Kaneko gây hại. Biện pháp phòng trừ tăng cường chăm sóc giúp cây trồng sinh trưởng tốt. Khi cây bị bệnh có thể cắt bỏ lá bệnh và đưa ra khỏi rừng để thiêu huỷ.
Bệnh ở rừng trồng, không cần thiết phải tiến hành biện pháp phòng trừ bằng thuốc hoá học. Khi bệnh xuất hiện ở vườn ươm có thể dùng thuốc Chlorothalonil hoặc Carbendazim.
Bệnh loét thân cành, bệnh do nấm Lasiodiplodia theobromae Pneumonia gây hại. Biện pháp quản lý dịch bệnh đạt hiệu quả tốt nhất là chọn cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa. Không trồng keo trên các lập địa có thời gian hạn kéo dài trong năm đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, tránh gây vết thương cho cây. Chọn các xuất xứ có tính chống chịu bệnh cao. Có thể sử dụng một số thuốc hoá học sau để phòng trừ như: Daconil, Carbendazim.
Bệnh phấn hồng hại keo, bệnh do nấm: Corticium salmonicolor Berk. & Br.
Biện pháp phòng trừ tốt nhất không trồng các dòng quá mẫn cảm với bệnh gần các lô trồng cây công nghiệp như điều và cao su. Chiến lược lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao là tuyển chọn các dòng, xuất xứ có khả năng kháng bệnh trồng trên các lập địa có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc biệt những vùng có lượng mưa trên 2000 mm/năm (Phạm Quang Thu, 2002)[25].
Bệnh phấn trắng, bệnh do nấm Oidium sp. gây hại biện pháp phòng trừ tăng cường chăm sóc giúp cây trồng sinh trưởng tốt. Khi cây bị bệnh có thể cắt bỏ lá bệnh và đưa ra khỏi rừng để thiêu huỷ. Bệnh ở rừng trồng, không cần thiết phải tiến hành biện pháp phòng trừ bằng thuốc hoá học. Khi bệnh xuất hiện ở vườn ươm có thể dùng thuốc hoá học có chứa chất lưu huỳnh. Dùng hợp chất lưu huỳnh-vôi hoặc topsin 0,1% phun 2 đến 3 lần mỗi lần cách nhau 10 ngày.
Biện pháp phòng trừ bệnh rỗng ruột có hiệu quả tốt nhất là chọn một số dòng keo thích hợp khi trồng rừng trên các lập địa có lượng mưa cao. Không dùng dao để tỉa cành vì sẽ tạo vết thương và bề mặt cho nấm xâm nhiễm. Nếu cần phải dùng kéo cắt cành hoặc cưa. Trong cải thiện giống nên chọn các dòng có 1 thân để tránh phải chặt bỏ các thân khác và các cành gốc nhỏ, có khả năng tỉa cành tự nhiên.
Bệnh thối đen hom keo, bệnh do nấm Seimatosporium sp. Biện pháp hạn chế bệnh là làm sạch giá thể và khử trùng bằng biện pháp phơi nắng hoặc bằng hóa chất. Dùng dung dịch Benlate C nồng độ 1% tưới đủ ẩm trên các luống giâm hom, lấy ni lông đậy kín. Sau khoảng 15 ngày tưới đủ ẩm dung dịch thuốc tím 1% trên luống cát, trước khi giâm hom tưới nước sạch với lượng tưới bằng lượng thuốc tím đã tưới để đẩy lượng thuốc tím xuống đáy của luống giâm hom. Đất đóng bầu có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, không sử dụng phân chuồng chưa hoai. Nguồn nước tưới phải sạch, không dùng nước ao hồ gần vườn ươm đã bị bệnh. Nguồn nước tưới tốt nhất nên dùng là nước giếng. Lượng nước tưới được xác định sao cho độ ẩm tương đối với độ ẩm của đất và nhỏ hơn 50% độ ẩm bão hoà. Tưới nước cho cây phải thích hợp với điều kiện thời tiết, tránh tưới quá nhiều hoặc tưới quá ít vì cả hai đều tạo điều kiện bất lợi cho cây và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. Sử dụng thuốc hoá học sau để tiêu diệt nguồn bệnh: Zineb 1%, Boocđô 0,5-1%, Benlate 0,1%.
Nghiên cứu về biện pháp phòng trừ bệnh hại keo đã được nhiều tác giả đề cập song các phương pháp phòng trừ chủ yếu là dùng thuốc hóa học hoặc biện pháp lâm sinh. Ở Việt Nam chưa có một công trình nào nghiên một cách có hệ thống về phòng trừ bệnh khô cành ngọn Keo tai tượng bằng vi khuẩn nội sinh.