Tham nhũng là một phạm trù lịch sử, xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước và tồn tại song song cùng với sự phát triển của Nhà nước. Lịch sử Nhà nước từ khi xuất hiện đến nay cho thấy, tham nhũng như một khuyết tật bẩm sinh của “quyền lực”, là loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm bởi tính chất và hậu quả do nó gây ra. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới coi tham nhũng là một quốc nạn cần phải chủ động phòng ngừa và kiên quyết trừng trị bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ. Vì vậy, để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ tham nhũng là gì? Những đặc điểm nhận dạng những hành vi tham nhũng, nguyên nhân và hậu quả do nó gây ra. Trong đó việc xác định chính xác khái niệm tham nhũng là vô cùng quan trọng. Vậy tham nhũng là gì? Thuật ngữ tham nhũng xuất hiện từ bao giờ? Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Thuật ngữ tham nhũng bắt nguồn từ tiếng Latinh Rumpese (động từ) với nghĩa là bẻ gãy, vi phạm hoặc sai lệch. Trong tiếng Anh, tham nhũng được gọi là Corruption xuất phát từ động từ Corrupt nghĩa là bị đút lót, bị mua chuộc, đồi bại [20, tr.20], nhằm chỉ các quan chức Nhà nước đã vi phạm luân thường, đạo lý xã hội hoặc các luật lệ để tìm kiếm nguồn lợi cho bản thân, gia đình, bạn bè, đảng phái hay các nhóm người có liên quan. Thuật ngữ tham nhũng theo cách hiểu thông thường hiện nay là để chỉ những hành vi tiêu cực của những cá nhân, tổ chức có quyền lực lợi dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản, tiền của nhà nước, tổ chức và của công dân để thỏa mãn lòng tham, tính vụ lợi của cá nhân; là sự kết hợp giữa quyền lực và lòng ham muốn lợi ích cá nhân do những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định cụ thể tác động như cơ chế, chính sách, pháp luật, đạo đức. Bên cạnh thuật ngữ tham nhũng là tham ô, tham ô và tham nhũng có điểm giống nhau là đều xuất phát từ lợi ích các nhân, chỉ
nghĩ đến mình mà không nghĩ đến lợi ích người khác. Đều làm hại đến lợi ích chung, lợi ích của nhà nước, của chính phủ. Tuy nhiên, tham ô có phạm vi hẹp hơn tham nhũng vì tham ô là một trong những hành vi của tham nhũng.
Xuất phát từ những điều kiện, đặc thù riêng, các quốc gia có sự khác nhau về truyền thống lịch sử, đặc điểm văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình tham nhũng… nên quan niệm về tham nhũng có khác nhau. Chẳng hạn:
Ở Áo cho rằng:“tham nhũng là hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột” [16, tr.11- 12]. Từ điển Bách khoa Thụy Sĩ: “tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng của sự vô tổ chức của tầng lớp có trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước, đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích cá nhân” [16, tr.11-12].
Luật hình sự Trung Quốc quy định rõ tội phạm tham nhũng và khung hình phạt, Luật giám sát hành chính coi tham nhũng là hiện tượng hủ bại và chống tham nhũng là chống hủ bại. Luật chống tham nhũng của Malaysia quy định tham nhũng là việc
“công chức nhận quà biếu có giá trị bất hợp pháp để đánh đổi lấy việc bản thân thực hiện một hành vi dựa trên quyền lực, chức vụ của mình”, “người có chức quyền nhận quà biếu bất hợp pháp như một khoản thù lao cho việc người đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thực hiện một hành vi có lợi hoặc có hại cho một người khác [16, tr.11-12].
Cách định nghĩa này có tính tổng hợp và đúc kết được những yếu tố hợp lý, xác thực; nó khẳng định toàn bộ hành vi tham nhũng của con người xuất phát từ lòng ham muốn vật chất của chính những người có chức phận hoặc thế lực nằm trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia; tham nhũng là yếu tố luôn tiềm ẩn ở mọi Nhà nước, khi có cơ hội hoặc không bị kiểm soát là có thể nảy sinh và phát triển.
Ở Việt Nam, câu thành ngữ “quan” tham, “lại” nhũng đã khái quát nhận thức của nhân dân ta về tham nhũng trong các triều đại phong kiến trước đây (quan thì tham lam, lại thì nhũng nhiễu… vơ vét của công, sách nhiễu lấy của dân về làm của riêng).
Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, chúng ta đã ngày càng nhận diện đầy đủ hơn về tham nhũng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Theo từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học thì “tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân và lấy của [21, tr.878].
Còn theo Luật phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 tại Điều 1 khoản 2 thì: tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Theo Từ điển pháp luật hình sự, tham nhũng là “hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức” [10, tr.226].
Như vậy là hiện nay, đang tồn tại nhiều cách hiểu, cách xác định khác nhau về khái niệm tham nhũng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu ta thấy rằng hầu hết các ý kiến đều thống nhất ở một điểm là: tham nhũng chỉ do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện với điều kiện là họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi.
Những người có thể tham nhũng chủ yếu là cán bộ, công chức nhà nước, nhưng cũng có thể là cán bộ, nhân viên của các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế… có chức vụ, quyền hạn. Những lợi ích mà họ có được từ tham nhũng chủ yếu là lợi ích vật chất, nhưng cũng có thể là lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị hoặc các loại lợi ích khác mà họ mong muốn đạt được.
Trên cơ sở tìm hiểu và kế thừa các quan niệm về tham nhũng của nhiều nước trên thế giới cũng như của một số học giả trong và ngoài nước, chúng ta có thể thấy rằng quan niệm phổ biến nhất hiện nay coi tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi. Hành vi tham nhũng thường được biểu hiện bằng việc các công chức nhà nước cố ý làm trái các quy định pháp luật trong chấp hành chức trách, công vụ được giao hoặc không thực hiện chức trách, công vụ được giao. Những biểu hiện tập trung và điển hình nhất là ở hành vi tham ô và nhận hối lộ. Hiểu theo nghĩa rộng hơn thì hành vi tham nhũng không những chỉ xảy ra ở khu vực nhà nước mà còn xảy ra trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này chúng ta chỉ xem xét tham nhũng trong khu vực công - khu vực Nhà nước.