Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là giặc nội xâm, giặc ở trong lòng chúng đánh ta từ trong đánh ra. Do đó, tìm nguyên nhân tham nhũng trước hết là tìm bên trong hệ thống tổ chức và thực thi quyền lực Nhà nước. Từ cách tiếp cận này cho thấy, mức độ và quy mô của tham nhũng cũng phụ thuộc vào hai vấn đề cơ bản: quyền lực công cộng được hình thành và thực thi như thế nào? Vấn đề kiểm soát quyền lực công được thực hiện ra sao?
Ở khía cạnh thứ nhất, tham nhũng xuất hiện là do quyền lực công chưa được hình thành một cách công khai, minh bạch. Cách thức tổ chức không hợp lý tạo ra sự tập trung quyền lực quá mức ở một số khu vực này và sự thiếu vắng quyền lực ở một số khu vực khác. Nói cách khác, việc tổ chức và thực thi quyền lực Nhà nước thiếu đúng đắn, sở hở, không bao trùm các lĩnh vực đời sống xã hội mà đáng ra quản lý Nhà nước phải vươn tới. Từ đó tạo ra sự chồng chéo, rối loạn: vừa có nguy cơ độc quyền cao, vừa triệt tiêu, hạn chế tính hiệu lực hiệu quả lẫn nhau, làm sai lệch các chức năng trong thực thi quyền lực. Biểu hiện trên thực tế của tình trạng đó là hệ thống phân quyền thiếu minh bạch, mang tính hình thức giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trung ương (lập pháp, hành pháp và tư pháp); chưa xác định rõ thẩm quyền của địa phương về quản lý lãnh thổ và quản lý nhà nước về kinh tế xã hội.
Ở khía cạnh thứ hai, tham nhũng còn là hệ quả tất yếu của việc quyền lực công không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lạm quyền, chuyên quyền trong việc thực thi quyền lực.
Có thể thấy hệ thống kiểm soát quyền lực ở nước ta về hình thức tương đối hệ thống và toàn diện, một mặt là hệ thống quyền lực bên trong Nhà nước như: giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân, Thanh tra Nhà nước, Thanh tra nhân dân; mặt khác là hệ thống kiểm soát từ bên ngoài Nhà nước như: Kiểm tra Đảng;
giám sát phản biện của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, của phương tiện thông tin đại chúng. Những hình thức giám sát này tuy đã có tác động tích cực nhất định, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ để kiểm soát quyền lực nhà nước theo đúng yêu cầu. Hiện tượng chuyên quyền, lạm quyền, vi phạm dân chủ, sử dụng sai lệch quyền lực Nhà nước diễn ra khá phổ biến.
Thực tiễn cho thấy, quyền lực chính trị ở nước ta tập trung vào bộ máy Đảng, song việc kiểm soát quyền lực của Đảng, các cơ quan Đảng, các cán bộ Đảng lại chưa được đặt ra và giải quyết đúng tầm vóc của nó cả về lý luận và thực tiễn.
Những hạn chế nêu trên đã góp phần không nhỏ tạo ra sự lạm quyền, chuyên quyền trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà Nước, cản trở quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và những nổ lực phát huy dân chủ. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để sự tha hóa quyền lực tiếp tục tồn tại và gia
tăng, làm xói mòn từng bộ phận của hệ thống chính trị, làm cho việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn tham nhũng, lãng phí gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là lý do giải thích vì sao mà đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều, số lượng cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật ngày càng lớn, các điểm nóng chính trị xã hội có nguy cơ lây lang ngày càng tăng. Hàng loạt các vụ án đặt biệt nghiêm trọng được phát hiện và xử lý trong thời gian qua đã và đang là hồi chuông cảnh báo về hậu quả của sự tha hóa quyền lực khi mà quyền lực không bị kiểm soát chặt chẽ.
Nguyên nhân thứ hai, của tham nhũng là do thói vụ lợi, tham lam ích kỷ như Hồ Chí Minh nói là chủ nghĩa cá nhân. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Chủ nghĩa các nhân là bệnh chính, do đó mà sinh ra các thứ bệnh, trong đó có tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh.
Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trong đời sống xã hội rất đa dạng, tinh vi, khó nhận diện. Nó thường xuyên tìm các kẻ hở của hệ thống, của pháp luật, của cơ chế, chính sách để trục lợi. Nó thích ứng rất nhanh với mọi thay đổi, mọi hoàn cảnh, mọi loại cán bộ cán bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân không thể tồn tại được nếu hệ thống tổ chức và thực thi quyền lực đúng đắn, chặt chẽ. Nếu hệ thống tổ chức quyền lực Nhà nước mà đúng đắn thì người muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.
2.1.4.2. Nguyên nhân cụ thể trực tiếp - Nguyên nhân khách quan
+ Việt Nam là nước đang phát triển, trình độ quản lý còn lạc hậu, mức sống thấp, pháp luật chưa hoàn thiện
Thực tế cho thấy, tham nhũng thường phát triển ở những nước chậm phát triển hoặc đang phát triển. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể qua hơn 25 năm đổi mới nhưng về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Đo đó, dù muốn hay không chúng ta vẫn thiếu các nguồn lực từ vật chất đến văn hóa tinh thần cho các nổ lực phát hiện, phòng, chống tham nhũng như việc hoàn thiện các khuôn khổ
pháp lý, đổi mới tri thức và chuẩn mực quản lý kinh tế, xã hội… Vì vậy, nạn tham nhũng ngày càng trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực, ở mọi ngành, mọi cấp.
+ Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế, vì vậy còn tồn tại và đang xen giữa cái mới và cái cũ
Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tệ tham nhũng. Quá trình chuyển đổi là quá trình đòi hỏi phải có thời gian, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Cơ chế cũ vốn quen thuộc bị thay thế nhưng nếp nghĩ thói quen thì vẫn còn, trong khi đó cơ chế mới đang được hình thành còn sơ khai cả trong nhận thức và quá trình thực hiện, vì vậy không khỏi lúng túng, Các chuẩn mực đánh giá không rõ ràng, chắc chắn đã khiến không ít người lợi dụng danh nghĩa đổi mới, vượt rào, năng động, sáng tạo để đục khoét tài sản nhà nước, lợi dụng chủ trương xã hội hóa một số lính vực để “thương mại hóa” thu lợi ích tối đa cho cá nhân hoặc một nhóm người, thậm chí một cơ quan đơn vị hay một địa phương.
+ Ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường
Đó là sự cạnh tranh khốc liệt, sự ngự trị của đồng tiền làm cho cho người sản xuất kinh doanh có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá, tìm cách hối lộ công chức Nhà nước để tạo lợi thế trong kinh doanh. Trong xã hội sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, các giá trị xã hội bị đảo lộn mọi người đều bị sức ép của việc kiếm thật nhiều tiền có tâm lý mọi việc đều có thể mua bán. Đây là điều chúng ta đã dự báo trước nhưng lại không kịp thời có biện pháp thích hợp để chủ động hạn chế ngay từ đầu cho nên từ mối lo về kinh tế đến nay chuyển sang những mối lo về các tệ nạn xã hội.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tác hại to lớn của những yếu tố tiêu cực (còn gọi là những thất bại, những mặt trái) trong nền kinh tế thị trường thật sự đã đến mức báo động và điều đó góp phần làm nặng nề thêm tệ tham nhũng thông qua việc thúc đẩy các hành vi phạm pháp của cán bộ công chức, ganh đua làm giàu phi pháp, đục khoét tiền của Nhà Nước và nhân dân.
+ Do ảnh hưởng của tập quán văn hóa lạc hậu
Mặc dù từ ngàn đời xưa, quan lại tham nhũng là những hiện tượng mà ai cũng lên án nhưng trong tâm lý xã hội của người Việt Nam có rất nhiều khía cạnh khiến cho tệ tham nhũng, mà biểu hiện tập trung nhất là nạn quà cáp, hối lộ có cơ sở tồn tại và phát
triển. Chuyện biếu xén, quà cáp được coi là một nét văn hóa của người Việt Nam. Đó là những yếu tố tâm lý văn hóa ảnh hưởng không nhỏ và đã phát triển theo chiều hướng lệch lạc rất khó ngăn chặn trong cơ chế thị trường khi mà các giá trị vật chất hóa, thành hàng hóa trao đổi. Chuyện làm ăn chia chác trong các vụ việc tham nhũng hiện nay rất phổ biến và khó phát hiện đặc biệt là khi có sự thỏa thuận đồng lòng của những người tham gia.
- Nguyên nhân chủ quan
+ Hệ thống chính trị chậm được đổi mới, hoạt động của bộ máy Nhà nước kém hiệu quả Hội nghị Trung ương 3 khóa X (7/2007) xác định, nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng là: cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở, nhưng chậm sửa đổi bổ sung. Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy Nhà nước nói riêng, còn nhiều khuyết điểm, chất lượng và hiệu quả chưa cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, tổ chức chưa được xác định rõ ràng, cụ thể, còn trùng lắp hoặc bị phân tán.
+ Phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái, công tác quản lý giáo dục cán bộ, đảng viên yếu kém
Điều này có thể thấy hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên do không tự giác rèn
luyện, tu dưỡng đã chạy theo các lợi ích trước mắt dẫn đến vi phạm pháp luật, có hành vi tham nhũng. Đạo đức cần, kiệm, liêm, chính nhiều lúc bị chủ nghĩa thực dụng, cá nhân lấn át. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đặc biệt là các cấp trên, chưa tự giác tự phê bình và phê bình, chưa làm gương cho cán bộ, đảng viên trong đấu tranh chống tham nhũng, còn tình trạng e dè, nể nang hoặc vì lợi ích cục bộ mà không dám đấu tranh với các vi phạm của cán bộ, đảng viên chi bộ, tổ chức mình.
Có thể thấy rõ sự đi xuống về đạo đức phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên qua các đánh giá văn kiện của Đảng. Văn kiện Đại hội VIII chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức kỷ luật, sa đọa về đạo đức và lối sống. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 6/1997) nhận định: một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham
nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công, quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng, độc đoán… Đảng chú ý là những biểu hiện tiêu cực này đang có chiều hướng phát triển, làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm niềm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (lần 2) khóa VIII (tháng 1/1999) nhận định: suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn.
+ Cơ chế chính sách pháp luật chưa phủ kín, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán
Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng nhưng việc xây dựng thể chế, pháp luật vẫn không theo kịp, chưa phản ánh và điều chỉnh kịp thời những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nạn đầu cơ, buôn lậu, rửa tiền với quy mô lớn nhiều lúc làm chao đảo thị trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số nhân dân, quy hoạch phát triển và quản lý đo thị lệch lạc, tùy tiện gây nhiều bất bình trong nhân dân, công luận nhiều lần lên tiếng nhưng các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách biết mà vẫn lờ đi không đưa ra một đối sách, một quyết định gì. Thế nhưng họ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm nào. Cơ chế, chính sách pháp luật trong thời kì đổi mới chưa được hoàn thiện, thiếu cụ thể, còn có sơ hở và thiếu nhất quán.
+ Cải cách hành chính chưa đạt kết quả mong muốn, cơ chế xin – cho vẫn còn phổ biến; thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo ra sự sách nhiễu, vòi vĩnh, ăn hối lộ, dùng hối lộ để mua các thủ tục
Chế độ công cụ của cán bộ, công chức mới bắt đầu được quan tâm xây dựng, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức thiếu rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan đơn vị mình. Chế độ tiền lương đối với đội nhũ cán bộ, công chức bất hợp lý, chậm được cải cách. Công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém, việc đăng ký quyền sử dụng đất, cấp đất, giao đất… còn nhiều kẻ hở, tạo điều kiện cho tiêu cực, sai phạm. Trình tự, thủ tục hành chính phức tạp, lỏng lẻo, mờ mịt đã tạo điều kiện cho tham nhũng.