2.2. THỰC TRẠNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
2.2.4. Nguyên nhân của những hạn chế
Cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, còn nhiều sơ hở, thiếu đồng bộ, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội trong thời kỳ hội nhập và sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ. Cải cách chế độ tiền lương chậm. Các quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng chưa được rà soát, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Thiếu các quy định và biện pháp cần thiết cho công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, một loại tội phạm tinh vi, phức tạp và nguy hiểm [8, tr.458].
Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy nhà nước nói riêng còn nhiều khuyết điểm, chất lượng và hiệu quả chưa cao, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, tổ chức chưa được xác định rõ ràng, cụ thể còn bị trùng lập hoặc bị phân tán.
Nhiều tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu điều tra, đôn đốc thậm chí còn nể nang né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, chưa thật sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng chưa thực sự trở thành hành động tự giác của tất cả các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là nguồn lực con người và sự quan tâm dành cho công tác phòng chống tham nhũng chưa tương xứng và đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Năng lực và sức chiến đấu của một số cấp ủy và tổ chức đảng còn yếu kém. Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh để phát hiện hành vi tham nhũng.
Do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng
trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn. Các cơ chế, chính sách và hệ thống cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng mới đi vào thực hiện, cần có thời gian mới phát huy tác dụng, hiệu quả.
2.3. MỘT SỐ NHÓM GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY THEO QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH
Tệ tham ô, hối lộ (tham nhũng) là hiện tượng xã hội thuộc phạm trù lịch sử, gắn liền với sự ra đời, phát triển của Nhà nước và quyền lực nhà nước, tồn tại với những mức độ khác nhau trong mỗi thời kỳ lịch sử. Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra những hậu quả rất lớn về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội, có khi dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế. Tham nhũng cũng là căn bệnh đồng hành, đặc trưng của mọi nhà nước, là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, đó là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực của nhà nước.
Trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội, thì tệ tham nhũng không chỉ xảy ra trong bộ máy nhà nước, mà còn xảy ra trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Nhận thức được tác hại của tệ tham nhũng, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, coi nó là một trong những nguy cơ của đảng cầm quyền. Trong nghị quyết của các đại hội Đảng và nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của ban chấp hành Trung ương, của Bộ chính trị, Ban bí thư các khóa, Đảng ta luôn đề ra nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng gắn với chống quan liêu, buôn lậu tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống tệ tham nhũng thời gian qua, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (4/2006) cũng đã nhận định: tình trạng tham nhũng , suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Vì vậy, Đảng ta tiếp tục khẳng định và yêu cầu phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tệ tham nhũng, quan liêu làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp độ cao hơn: phải tăng cường về tổ chức và cơ chế, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến cơ sở. Để cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và toàn
bộ hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay có tính khả thi, tác giả đề xuất một số giải pháp theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
2.3.1. Thực hiện tốt công tác truyền thông tuyên truyền và vận động cán bộ, công chức và nhân dân trong việc thực hiện phòng chống tham nhũng
Theo Hồ Chí Minh, đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ lâu dài không chỉ của riêng Đảng, nhà nước ta mà còn là nhiệm vụ của toàn dân. Chính vì vậy, Người huy động sự tham gia tích cực của nhân dân cùng với sự đóng góp của báo chí. Từ đó mới có thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Đồng thời, Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng về chống tham nhũng. Ngày này, Đảng và nhà nước ta đã vận dụng và phát triển quan điểm này của Hồ Chí Minh vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là:
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm Đảng viên, cán bộ công chức và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết, hội nghị lần ba ban chấp hành trung ương khóa X (7/2006) về tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, chương trình đào tạo của thành ủy về phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lâu dài để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Đảng viên. Từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh có hiệu quả với tệ tham nhũng.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, khắc phục tình trang thông tin một chiều, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo chí tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp kịp thời, đúng pháp luật cho công chúng những thông tin có liên quan đến tham nhũng.
2.3.2. Củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng
Hồ Chí Minh là người tiên phong trong phong trào chống tham ô, tham nhũng.
Người luôn có lối sống cần, kiệm, liêm, chính. Vì vậy, Người đã kiên quyết đấu tranh chống tham ô, tham nhũng. Điều này được thể hiện rất rõ qua hai vụ trọng án của Đại tá Trần Dụ Châu và Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Trương Việt Hùng. Người đã xử lý nghiêm minh giành và lại công bằng cho nhân dân. Bên cạnh đó, Người cũng linh hoạt trong đấu tranh chống tham ô, tham nhũng nhằm đạt hiệu quả cao. Người nói:
Ai kiểm thảo đúng những người khác, sẽ được khen thưởng. Ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo, thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội (trừ những tội lỗi đặc biệt nặng). Ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật. Ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật [14, tr.492-493].
Những quan điểm và những biện pháp chống tham ô, tham nhũng của Hồ Chí Minh vẫn soi sáng và được Đảng, nhà nước ta vận dụng trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày nay. Điều này được thể rõ trong những việc làm sau:
- Tiếp tục thực hiện nghị quyết 08-NQ/TW và nghị quyết 49-NQ/TW của bộ chính trị về cải cách tư pháp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cán bộ tư pháp.
- Lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, quyết tâm có cuộc sống và lối sống trong sạch được Đảng viên và nhân dân tín nhiệm, bố trí vào ban chỉ đạo, cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng của thành phố và các cấp theo chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương.
- Có cơ chế, chính sách bảo vệ và khen thưởng người tố cáo đúng, chính sách khoan hồng, độ lượng với người phạm tội nhưng tự giác khai báo, thành khẩn và tự giác khắc phục hậu quả. Xử lý nghiêm những người trù dập, trả thù người tố cáo hoặc lợi dụng người tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống hãm hại người khác.
2.3.3. Đổi mới công tác cán bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý những cán bộ tham nhũng
Bản chất của tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân, là tính trục lợi, cán bộ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút lót. Vì thế, muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó, pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì [19. tr.48]. Đây là quan điểm và cũng là biện pháp chống tham ô, tham nhũng của Hồ Chí Minh. Do đó, được Đảng và nhà nước ta vận dụng một cách triệt để như sau:
Để thực hiện thì trước hết, Đảng và nhà nước cần tập trung vào việc tạo ra một hệ thống tuyển dụng nhân sự minh bạch, công bằng với mọi người dân. Thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, đưa các yếu tố về đạo đức công vụ vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả hoạt động, khắc phục triệt để tình trạng chủ quan, nể nang, bè cánh dẫn đến bố trí cán bộ một cách áp đặt, gượng ép, thiếu dân chủ.
Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đổi mới những nội dung, chương trình mà cả phương pháp đào tạo, lượng hóa kết quả học tập nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mới của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Có như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng mới thiết thực, có hiệu quả, khắc phục bằng cấp không thực chất.
Trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, phải chấm dứt ngay tình trạng cơ cấu tùy tiện, thiếu dân chủ.
Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chấm dứt ngay tình trạng cơ cấu tùy tiện, thiếu dân chủ, mang tính áp đặt từ trên xuống, dẫn đến hiện tượng cục bộ, bè phái, phe cánh, mất đoàn kết nội bộ trong các tổ chức đảng, chính quyền. Cần có cơ chế tạo ra sự hợp lực trong nhận thức và hành động từ khâu lấy tín nhiệm đến bố trí, sắp xếp cán bộ như: phương thức bầu chọn tranh cử phải là có ít nhất hai người để lấy một người; hình thức thi tuyển khi bổ nhiệm; công khai tiêu chuẩn chức danh bầu chọn, bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần xây dựng, rà soát, bổ sung kế hoạch luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa IX một cách dân chủ, công khai và khoa học. Ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, cần chú ý và kiên quyết thực hiện luân chuyển cán bộ, đề phòng lệch lạc, lợi dụng luân chuyển để loại bỏ cán bộ tốt, trung thực và đưa vào cơ cấu cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, tạo vây cánh dễ thao túng. Công chức luân chuyển cán bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự và thực sự dân chủ.
2.3.4. Tự phê bình và phê bình
Một trong những biện pháp quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng là mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. Bác viết: "tự kiểm thảo và kiểm thảo người khác phải thật thà, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên “ít thít ra nhiều”, càng không nên nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới” [14, tr.492].
Vận dụng quan điểm này, Đảng và nhà nước ta tích cực thực hiện những giải pháp của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI (12/2011) như: đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, cấp uỷ các cấp tập trung, kiểm điểm đánh giá, làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm. Đồng thời Nghị quyết nêu rõ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết khẳng định:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc [9, tr.27-28].
Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức lối sống.
Thực hiện được giải pháp này góp phần tạo lòng tin cho nhân dân, nâng cao sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Thúc đẩy ngăn chặn và đẩy lùi được nạn tham nhũng.
2.3.5. Công khai, minh bạch, dân chủ, có khen thưởng, có kỷ luật
Trong công tác chống tham nhũng, theo Hồ Chí Minh, phải công khai, dân chủ, minh bạch. Trong kiểm thảo thực hiện nguyên tắc: cán bộ, đảng viên ở địa vị càng cao thì càng phải giữ đúng kỷ luật của đảng, càng phải làm gương dân chủ, mạnh dạn, thật thà tự kiểm thảo. Có khen thưởng, có kỷ luật, thưởng phạt nghiêm minh (cả người ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình; người thấy tội không nêu ra cũng có tội). Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị và được Đảng, nhà nước vận dụng. Điều này được thể cụ thể qua những điều luật về phòng, chống tham nhũng:
Theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005; sửa đổi bổ sung năm 2007.
Điều 11 quy định:
1. Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai minh bạch đảm bảo công bằng, dân chủ; 2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật hoạt động nhà nước và những nội dụng khác theo quy định của chím phủ [17, tr.14-15].
Ngoài ra, Luật phòng, chống tham nhũng còn quy định, công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng;
trong tài chính và ngân sách nhà nước; trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; trong quản lý và sử dụng đất; trong lĩnh vực giáo dục, y tế; trong lĩnh vực tư pháp, được nêu rõ tại các điều: 13, 14, 15, 18, 21, 23, 24 của Luật phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, Luật còn quy định công khai, minh bạch trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.