Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, tệ nạn tham nhũng đang diễn ra ngày càng phức tạp với những hình thức, thủ đoạn tinh vi. Chúng tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau có những dạng mà khi nhìn hiện tượng bề ngoài thì đó là một hoạt động bình thường có khi còn có người cho rằng đó là tốt nhưng thực chất bên trong đó là tham nhũng. Qua nghiên cứu chúng ta thấy rằng hiện nay ở Việt Nam ta tham nhũng đang tồn tại dưới một số dạng phổ biến cụ thể như sau: [4, tr.23-24].
2.1.2.1. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
Trục lợi từ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là dạng tham nhũng liên quan đến cán bộ lãnh đạo các ban ngành, địa phương lợi dụng chức quyền để xét duyệt các dự án, đề án cho các chủ đầu tư. Dạng tham nhũng này thường có quy mô lớn và diễn ra phổ biến làm thất thoát lớn tài sản của quốc gia như các vụ án Mường Tè, Nguyễn Đức Chi và mới đây là vụ PMU18…
Thực tế cho thấy, tỷ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản là rất lớn, trung bình từ 10-20%, cá biệt có công trình lên tới trên 30%. Nhiều công trình xây dựng chất lượng kém, thậm chí chưa nghiệm thu đã hư hỏng, chưa đưa vào sử dụng hoặc ngay sau khi sử dụng đã xuống cấp như Nhà hát chèo Hà Nội, đường cầu dẫn Hoàng Long (Thanh Hoá), cầu Rào (Hải Phòng), hầm chui Văn Thánh. Những thủ đoạn tham nhũng phổ biến trong khâu kết thúc công trình xây dựng là: khai tăng giá trị, khối lượng, chủng loại nguyên vật liệu, giá trị san lấp, thi công; thực hiện chi phí cho ban quản lý, chi phí tư vấn vượt tỷ lệ, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sai quy định; sử dụng vốn sai mục đích [18, tr.71-75].
2.1.2.2. Trong lĩnh vực quản lý đất đai
Mua bán phi pháp thông tin, bí mật quốc gia để trục lợi. Những thông tin, bí mật quốc gia thường bị mua bán để trục lợi thường là các thông tin về chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước, thông tin về quy hoạch đất đai cho các khu công nghiệp, khu đô thị mới, cầu đường giao thông sẽ xây dựng…
Chia chác đất đai, công thổ cho mình và những người thân đứng tên. Đây cũng là một dạng tham nhũng có quy mô lớn và phổ biến, liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ địa chính ở các địa phương, dẫn tới tình trạng đất công đang bị tư nhân hóa rất nhanh ở nước ta. Thời gian qua chúng ta đã phát hiện và xử lý nhiều vụ như vụ ở thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ đất đai ở Phú Quốc (Kiên Giang)…
2.1.2.3. Trong các doanh nghiệp
Tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước, ở nước ta doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, nắm giữ một tài sản rất lớn, sử dụng một số lượng lớn lao động ưu tú được đào tạo, sử dụng phần lớn tài nguyên của đất nước, song hiệu quả kinh tế rất thấp. Thực tế hiện nay, nếu một người nào đó trong bộ máy quản lý doanh nghiệp nhà nước có ô dù đủ mạnh thì người đó có thể lạm dụng, tham nhũng ở mức độ nhất định mà nguy cơ bị xử lý tương đối thấp. Sự can thiệp ngoài luật pháp và trên luật pháp là nguồn gốc của tình trạng các thể chế giám sát bị vô hiệu hoá, các tiêu cực có thể diễn ra kéo dài mà không bị phát hiện hoặc xử lý. Không ít trường hợp đã hạ cánh an toàn. Có thể nhận định: tỷ lệ các vụ tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước bị phát hiện còn thấp và tâm lý cho rằng, trong tình trạng tranh tối tranh sáng hiện nay, không ai tranh thủ thì là người dại [18, tr.59-60].
Tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước độc quyền, độc quyền cũng là một trong những nguyên nhân của nạn tham nhũng. Ở Việt Nam hiện nay, chi phí đầu tư và vận hành các dịch vụ độc quyền đều cao khác thường so với mức trung bình trong khu vực, ttrong khi chất lượng dịch vụ đều thấp hơn: từ điện, điện thoại cố định, Internet đến dịch vụ cảng, chất lượng điện. Báo cáo Kiểm toán nhà nước năm 2006 được công bố công khai cho thấy sai phạm có tính hệ thống, kéo dài nghiêm trọng ở tất cả các Tổng công ty nhà nước về hạch toán, chi tiêu, lập quỹ trái phép, các vụ tham nhũng lớn đã được phát hiện ở các ngành dầu khí, hàng không, viễn thông, giao thông. Nhờ vị thế độc quyền trên những vị trí chỉ huy hay chiến lược của nền kinh tế nên các tập đoàn độc quyền có quyền lực rất lớn về kinh tế. Không những thu nhập chính thức của họ rất cao, các chế độ khác như đi nước ngoài, hội nghị cũng cao hơn mức bình thường mà những sai phạm nghiêm trọng trong đầu tư rất ít bị phát hiện và khi bị phát hiện thì vẫn hạ cánh an toàn [18, tr.60].
Cấu kết giữa doanh nghiệp tư nhân và một số quan chức hoặc chính quyền, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tư nhân sống và phát triển dựa vào các mối quan hệ với chính quyền, sẵn sàng chi tiền đút lót để đạt được phi vụ khinh doanh. Trong không ít trường hợp, doanh nghiệp tư nhân đã hối lộ để có đất, có giấy phép để hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, thoả thuận với cơ quan thuế, hản quan, nhận bảo kê cho các hoạt động nhạy cảm. Các doanh nghiệp tư nhân vừa là các nạn nhân vừa là tòng phạm hoặc thủ phạm trong hoạt động hối lộ. Một mặt học tố cáo về nhũng nhiễu, tham nhũng và đóng góp tích cực vào chống tham nhũng khi có cơ hội an toàn; mặt khác, vì miếng cơm manh áo hay vì lợi nhuận, họ khuất phục, hợp tác, thậm chí chủ động hối lộ chính quyền hoặc quan chức để được nhận lợi nhuận lớn [18, tr.67-68].
2.1.2.4. Trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước
Lợi dụng chức quyền để ký bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay tiền nhà nước, số tiền vay bị chi sai mục đích dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước, vụ án Lã Thị Kim Oanh là một điển hình. Nâng, gửi giá, ăn phần trăm trong các dự án mua thiết bị máy móc. Dạng tham nhũng này phổ biến trong những dự án nhập khẩu thiết bị, máy móc cho các doanh nghiệp nhà nước, các dự án mua thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, các dự án tin học hóa từ trung ương đến địa phương. Trục lợi trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhiều tài sản nhà nước đã và đang bị hóa phép trước khi cổ phần hóa, nhiều công ty, xí nghiệp nhà nước được đánh giá tài sản chỉ bằng 1/5 hay 1/10 giá trị thực tế. Sau khi cổ phần hóa, cổ phiếu được chuyển nhượng với giá gấp nhiều lần giá gốc. Đây là con đường hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân. Tham nhũng bằng cơ chế. Dùng cơ chế lãnh đạo thông qua những quy định không công bằng để thanh lý và hợp pháp hóa tài sản công cho một nhóm người có chức có quyền được hưởng lợi. Điển hình là việc thanh lý các biệt thự, villa của Nhà nước cho một số cá nhân có chức, có quyền.
Đây là dạng tham nhũng kép vì người tham nhũng không những được chia tài sản lớn giá trị hàng tỷ đồng chỉ với giá tượng trưng mà lại không phải nộp bất kỳ khoản thuế thu nhập nào đối với những tài sản này.
2.1.2.5. Trong lĩnh vực hành chính
Nhũng nhiễu vòi tiền, nhận hối lộ trong khi thi hành công vụ thường liên quan nhiều đến cán bộ hải quan, thuế vụ, cảnh sát giao thông, hộ khẩu… và các cán bộ được nhà nước giao trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu các loại, trong đó có quota xuất khẩu dệt may điển hình là vụ thứ trưởng Bộ thương mại Mai Văn Dâu mua bán hạn ngạch quota xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Trục lợi trong việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đã từng có cả đường dây liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh theo từng lĩnh vực, từng thị trường đầu tư khác nhau. Tham nhũng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp như:
cho phép hợp pháp hóa các chi tiêu trái quy định của nhà nước, thanh quyết toán sai, rút tiền công để lập quỹ đen. Lạm dụng phương tiện, tài sản công (xe công, điện thoại) vào các mục đích ngoài công vụ mà thực chất là hành vi sử dụng trái phép tài sản nhà nước để nhằm mục đích cá nhân. Tổ chức đi tham quan, nghỉ mát, công tác nước ngoài sai mục đích. Sử dụng công quỹ để hối lộ cấp trên, tạo các quan hệ làm ăn phi pháp.
2.1.2.6 Trong lĩnh vực tư pháp
Cố tình làm sai lệch hồ sơ các vụ án hình sự, dân sự để trục lợi, ăn tiền của đương sự (của một bên hoặc cả hai bên nguyên đơn, bị đơn). Đây là dạng tham nhũng khá phổ biến đối với cán bộ, công chức ở các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thanh tra. Điển hình của dạng này là vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn đã dùng hàng tỷ đồng mua chuột, hối lộ lôi kéo hàng loạt cán bộ trong hệ thống tư pháp.
Cụ thể là những hành vi dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm, bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, ra giá, nhận quà. Nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên, phẩm phán nhận hối lộ hoặc do tình cảm cá nhân cố tình làm trái các quy định của pháp luật, bỏ lọt tội phạm, gây ra tình trạng oan sai, thậm chí còn tham gia vào những đường dây chạy án, chạy nhà tù để phạm nhân được đặc xá.
2.1.2.7. Trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ
Tuyển chọn và đề bạt cán bộ theo kiểu mua quan bán tước là loại tham nhũng đã có từ lâu (đặc biệt là ở trong nhà nước phong kiến) thời gian gần đây bắt đầu phát sinh mạnh ở nước ta. Loại tham nhũng này khá phổ biến, liên quan đến các ghế lãnh đạo, các vị trí công việc có nhiều bổng lộc. Những công việc có nhiều cơ hội nhũng nhiễu, kiếm chác thì “giá” càng cao. Tạo dựng chức quyền còn liên quan đến quá trình gian lận trong bầu cử, quá trình đấu đá, hạ bệ nhau… Mặc dù dạng tham nũng này khá phổ biến nhưng thực tế rất khó đưa ra ánh sáng loại tham nhũng, tiêu cực này. Cho, tặng quà cáp có giá trị cao, biếu xén, lại quả phong bao, phong bì là dạng tham nhũng phổ biến nhất và là nguồn bổng lộc không nhỏ của cán bộ có chức quyền. Một số cán bộ khi lên chức nhân dịp năm mới được nhận tiền “mừng tuổi” lên đến hàng tỷ đồng. Số tiền mừng tuổi chúc phúc đầu năm mà lên đến hàng tỷ đồng thì đâu còn là ý nghĩa thông thường của việc mừng tuổi đầu năm (một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc). Thực chất đó là việc hối lộ và nhận hối lộ một cách công khai nhưng được che đậy bởi truyền thống văn hóa - một biểu hiện của tham nhũng hợp pháp.
2.1.2.8. Trong giáo dục, y tế
Các dạng tham nhũng trong ngành giáo dục, đào tạo, liên quan đến việc chạy trường chuyên, lớp chọn, tuyển sinh, đi du học, dạy tại chức cho các địa phương, dạy thêm, nâng điểm thi cử, điểm kiểm tra của học sinh, mua bán bằng cấp để chạy chức, chạy quyền… Tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt phát triển ở khu vực thành phố. Trong khi hàng trăm ngàn giáo viên ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, gian khổ lương không đủ sống thì nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý, nhiều giáo viên chủ chốt trong ngành giáo dục trở thành tỷ phú. Trong ngành y tế tham nhũng tồn tại phổ biến dưới dạng vòi vĩnh, đòi tiền bồi dưỡng, móc ngoặc kê đơn thuốc, ăn hoa hồng bán thuốc. Ngoài ra, việc cấp phép kinh doanh, nhập khẩu các loại dược phẩm cũng có nhiều tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong thể dục, thể thao bằng việc bán độ, dàn xếp tỷ số, khai gian lận tuổi để thi đấu lấy thành tích, lấy thưởng.
Trên đây chỉ là một số dạng tham nhũng cơ bản còn trên thực tế còn có rất nhiều dạng tham nhũng mà chúng ta có thể thấy, có thể gặp hàng ngày trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra và phân biệt đâu là hành vi tham nhũng đâu không phải là hành vi tham nhũng.