Chương 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ LỄ HỘI VÀ VĂN HÓA TINH THẦN
1.3 KHÁI NIỆM VĂN HÓA TINH THẦN VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA LỄ HỘI VỚI VĂN HÓA TINH THẦN
1.3.1 Khái niệm văn hóa tinh thần
Văn hóa là một hiện tượng khách quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh của đời sống của con người, là tổng thể phức hợp về những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người kiến tạo có tính đặc thù của mỗi dân tộc. Văn hóa tinh thần đó là mọi cái được sáng tạo theo xu hướng đi tới những lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ. Đó là toàn bộ những tư tưởng tập quán, lối sống, thể chế, những vật tượng trưng thể hiện những tư tưởng cao đẹp và thể hiện sức sống, sức sáng tạo phát triển của con người.
Văn hóa tinh thần là tất cả những hình thái của đời sống tinh thần của một xã hội nhất định. Đó là trình độ mà xã hội đã đạt được về các mặt như giáo dục, khoa học, văn nghệ, triết học. Văn hóa tinh thần là một cái vô hình, trái với vật chất là cái hữu hình. Tinh thần là cái sáng, cái tinh túy trong con người để hiểu biết, nhận thức trái,
phải, đúng, sai, chân giả, thiện, ác. Tinh thần bao gốm tình cảm, trí tuệ, tâm hồn của mỗi con người.
Văn hóa tinh thần đã tạo ra một hệ thống ý nghĩa và giá trị ở các lĩnh vực tri thức, tâm linh và nghệ thuật. Ở lĩnh vực tri thức, năng lực tinh thần đã khám phá, phát minh những tư tưởng, những giá trị khoa học ngày một tinh vi và hiện đại hơn. Ở lĩnh vực tâm linh, tinh thần hướng tới cái thiêng liêng cao cả, cái đạo đức. Ở lĩnh vực nghệ thuật, loài người đã tạo ra những giá trị thẩm mỹ ngày mỗi phong phú hơn. Văn hóa tinh thần hướng đời sống tinh thần, tâm linh của con người đến điều hạnh phúc , điều thiện, cái thiêng liêng cao cả, cái tinh túy, cái vĩnh hằng trong đời sống hiện thực nghĩa là hướng con người đi tới cái Chân – Thiện – Mỹ.
Như vậy, văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hóa phi vật thể, nó là những biểu hiện tượng trưng mà chúng ta không thấy được và nó được lưu trữ qua mọi thời gian với quá trình tái tạo của đông đảo cộng đồng.
1.3.2 Mối quan hệ giữa lễ hội với văn hóa tinh thần
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ra đời và phát triển trong xã hội loài người. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa của cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Lễ hội phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống; đồng thời thông qua lễ hội: trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của nhân dân được tỏa sáng.
Ở Việt Nam, lễ hội gắn bó với làng xã như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Trong lễ hội, tín ngưỡng ẩn tàng trong cả lễ hội như một phần âm tính của văn hóa tâm linh. Khó có thể nói đến một lễ hội mà không đề cập đến tín ngưỡng trong lễ hội. Không có tín ngưỡng không thành lễ hội, bởi chủ nhân đích thực của lễ hội là những người nông dân sống trong lũy tre xanh với nghề trồng lúa nước. Vòng quay tuần tự của thiên nhiên và mùa vụ khiến cho người nông dân có những nhu cầu tâm linh nhất định. Lễ hội là nơi chứa đựng, là nơi giải tỏa những ước muốn tâm linh của người nông dân, và hội làng được mở ra là để người dân lập lại một sự cân bằng trong quan hệ nhiều chiều: người và người, người và vạn vật, người và thần linh, người và vũ trụ. Hay nói cách khác, đó là những triết lý mang đậm đà màu sắc Á Đông của người nông dân Việt Nam về trời, đất, người với nước non,
thiên thời địa lợi nhân hòa. Người dân mở hội để cầu mùa mong quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc.
Bởi vậy, lễ hội chính là một phương diện nào đó lại là cơ hội để giải tỏa những uất ức của người dân, nhất là trong xã hội từ thười xa xưa, con người có hàng trăm hàng ngàn điều cần giải thoát. Do đó, lắng động trong lễ hội là những niềm tin dân dã đã được lịch sử thời gian định hình những tín ngưỡng dân gian của con người, hay nói cách khác, đó là nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ ngàn xưa tới nay. Các lễ hội như một bảo tàng tâm linh chứa đựng những khát vọng thiết tha và mãnh liệt của người nông dân trong xã hội cổ xưa rất đời thường và cũng rất cao cả, thiêng liêng nhưng lại rất thực. Lắng động trong các lễ hội dân gian là tín ngưỡng bản địa của người dân ở một nước nông nghiệp được gửi gắm trong nhân vật phụng thờ, trong trò diễn, lễ thức không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng.
Như vậy, khởi điểm là các nghi thức nông nghiệp của những cư dân sống bằng nghề trồng lúa nước, lễ hội trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng- một thành tố văn hóa đặc biệt ở làng quê. Vì thế, lễ hội mang một tính chất thiêng liêng và tính chất thế tục.
Trong các lễ hội, âm thanh náo nức của tiếng trống vào hội, những khuôn mặt rạng rỡ, hoan hỉ của những cư dân trong cộng đồng, dù đó là cộng đồng của dân tộc người Việt hay đồng bào các dân tộc ít người. Đường làng, ngõ xóm như sạch sẽ, phong quang hơn. Mọi thứ đều trở nên khác với bình thường. Tâm trí mọi thành viên của cộng đồng đều hướng vào vị Thần được thờ phụng, vị Thánh của làng. Nhân vật này vừa gần gũi, vừa xa vời, vừa thiêng liêng, vừa rất đời thường. Đó là nơi người dân ký thác mọi niềm vui nỗi buồn, là chỗ dựa tinh thần của cá thể, gia đình, dòng họ và cả cộng đồng. Tất cả mọi người khi đến lễ hội đều tìm thấy chỗ dựa ấy cho mình và cả cộng đồng. Trong một xã hội nông nghiệp đầy phấp phỏng, lo âu cùng các trắc trở đều có thể ập đến.
Lễ hội là lúc đẹp nhất để mọi người dân trong cộng đồng thể hiện niếm biết ơn, niềm tin tưởng ấy. Tràn ngập trong các nghi thức, nghi lễ, hoạt động của các ngày lễ hội là chất thiêng. Chất thiêng này cố kết các số phận con người, hướng con người vươn tới sự trong sáng, bằng an ủi tinh thần, tâm hồn. Con người đến với lễ hội là đến với một chuỗi thời gian không xác định quá khứ, hiện tại, tương lai mà là thời gian đồng hiện, đưa con người vào cõi thiêng, sống trong một không gian thiêng từ trung
tâm điện thần của những di tích đến những địa điểm liên quan đến nhân vật phụng thờ.
Các trò diễn, các nghi lễ đưa con người vào tâm thể trở về cội nguồn, tắm mình trong không gian huyền thoại đậm đặc chất lịch sử, và biểu hiện trong con người lòng biết ơn, sự mong ước thầm kín khi họ đến với vị Thánh của làng, đến với Thần linh để cầu mong cho bản thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng sự an bình, sinh sôi, nảy nở của con người lẫn tạo vật.
Tuy nhiên, đan cài hòa lẫn vào chất thiêng ấy là chất thế tục. Lễ hội vì thế luôn luôn thấm đượm chất đời. Dẫu có một thoáng ngẩn ngơ vì những nghi thức cổ xưa, một chút thầm thì từ ngàn xưa vọng về thì âm thanh náo nức của lễ hội vẫn là âm thanh cuộc đời tươi nguyên nhựa sống. Ai có thể quên được mùi thơm cay nồng quyến rũ của miếng trầu mà cô gái làng có làn môi cắn chỉ đã mời ta trong không khí bảng lảng của chiều hội làng. Ai có thể quên cô gái làng thắt đáy lưng ong vừa cõng em bé vừa giữ chú tóc trong vòng vôi, vừa nấu nồi cơm thi, những biểu hiện của chất thể tục ấy hòa quyện vào chất thiêng, khiến cho lễ hội là “thời điểm mạnh của sinh hoạt cộng đồng là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt của văn hóa làng”[18].
Tất cả đó không phải là công việc đơn giản, có thể giải quyết một sớm một chiều và càng không thể là công việc của một người hay một số người mà là công việc của cả một cộng đồng, cả dân tộc. Dù thế nào, lễ hội vẫn như dòng nước mát lành chảy từ cội nguồn văn hóa dân tộc qua thời gian và không gian và có sức mạnh lan tỏa đến thế hệ hôm nay và mai sau. Đó cũng chính là hành trang của thế hệ hôm nay để bước vào thiên niên kỷ thứ ba, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội là thời điểm mạnh của sinh hoạt cộng đồng về phương diện văn hóa, hội tụ những sinh hoạt văn nghệ đặc sắc của nhân dân ta. Lễ hội với những đặc trưng chung và riêng của nó được đánh giá như một pho lịch sử văn hóa khổng lồ, một bộ bách khoa thư đồ sộ về văn hóa; một điểm hội tụ của văn hóa làng, là môi trường văn hóa thấm đượm chất cộng cảm, cộng đồng. Lễ hội bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với văn hóa làng hay đô thị, gồm những cảnh quan văn hóa, di tích, phong cảnh, tục ngữ, môi trường, phong tục, tập quán. Lễ hội là một hình thức chuẩn, một cơ cấu chuẩn để thể hiện tất cả những cái hay, cái tốt, cái đẹp của cảnh quan môi trường, của tín ngưỡng phong tục tập quán. Lễ hội còn là dịp để con người ôn lại truyền thống lịch sử
của đất nước, của làng, thực hiện tốt những cái đã biết, biết được những cái chưa biết, trao truyền lòng biết ơn thần linh và thế hệ đi trước.
Lễ hội còn là một hình thức tổng hòa văn hóa nghệ thuật: vừa lễ trang nghiêm thành kính, vừa hội chan hòa vui vẻ, vừa cảnh quan tươi đẹp, lại vừa có trò chơi bách hí cuốn hút say mê người đi hội. Trong khung cảnh lễ hội, không ai cảm thấy mình thừa. Mối giao cảm cộng đồng khiến cho nhóm này dễ hòa nhập với nhóm kia, cá nhân này dễ làm bạn với cá nhân khác. Và tất cả, trong cái thiêng, cái vui ấy dễ cố gắng làm đẹp và sống đẹp, chơi đẹp với nhau.
Lễ hội đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt và trở thành hành động thường niên, không thể thiếu nhất là đối với người dân nông thôn.
Tính lan truyền của cơn lốc lễ hội khiến người dân tưng bừng dân khí. Người dân khắp nơi hưởng thụ lại nhiều cái mà họ trước kia chưa được biết hoặc bị lãng quên. Họ vừa kéo vào cuộc chơi trực tiếp sáng tạo, tự làm, tự thưởng thức và đem niềm vui đến cho mọi người. Lễ hội vì thế được coi là môi trường văn hóa lành mạnh, thấm đẫm chất cộng cảm cộng đồng. Sức hút của lễ hội đối với con người thật mạnh mẽ.