THỰC TRẠNG TRONG SINH HOẠT LỄ HỘI HIỆN NAY Ở NƯỚC TA

Một phần của tài liệu LỄ hội – một nét đẹp TRONG đời SỐNG văn hóa TINH THẦN VIỆT NAM (Trang 57 - 65)

Chương 2. GIÁ TRỊ VÀ VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN VIỆT NAM

2.3 THỰC TRẠNG TRONG SINH HOẠT LỄ HỘI HIỆN NAY Ở NƯỚC TA

Đối với bất kỳ một sự thay đổi văn hóa nào nói chung cũng tác động hai mặt tích cực và tiêu cực đối với xã hội. Trong trường hợp sự phát triển lễ hội truyền thống trong thời gian vừa qua, chúng ta đánh giá được những mặt làm được trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

a) Mặt tích cực trong quản lý lễ hội

+ Việc tổ chức và quản lý lễ hội đã xác định và củng cố bản sắc văn hóa; tái tạo và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế- xã hội và văn hóa của các quốc gia với nhau, việc phục hồi và phát triển lễ hội truyền thống có một vai trò rất qua trọng trong việc xác định “căn cước” của nền văn hóa Việt Nam. “Thông qua các sinh hoạt lễ hội, bảo lưu nhiều phong tục tập quản tốt đẹp của dân tộc, tạo nền vững chắc cho văn hóa bản địa có sức đề kháng những độc tố từ sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai”[21].

Những năm qua khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ

phận nhân dân được nâng cao, do đó tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng, có ý nghĩa lớn.

Nhu cầu tổ chức lễ hội đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là loại hình lễ hội văn hóa du lịch. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực: vừa giữ gìn, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hiện đại, phát huy được tác dụng tích cực của lễ hội, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Lễ hội đáp ứng một cách hiện thực, hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tổ chức các nghi lễ và hưởng thụ các hoạt động hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các vùng, miền, dân tộc, tri ân công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua sinh hoạt lễ hội nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.

Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội đã có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu lớn bổ sung cho nguồn thu ngân sách quốc gia. Lễ hội còn góp phần tích cực trong việc giao lưu với các nền văn hóa trong khu vực và thế giới.

Khi các thói quen sinh hoạt văn hóa của người dân đang dần thay đổi theo hướng

“hiện đại hóa” có nghĩa là nghiêng về việc hưởng thụ văn hóa thông qua các phương tiện truyền thông mới như truyền hình, phát thanh, Internet hay các mạng giải trí khác trên máy tính, thì việc tổ chức, phục hồi và phát triển lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là một tín hiệu đáng mừng cho nền văn hóa nước nhà. Một nghiên cứu cho thấy: Theo báo cáo của Bộ VH,TT&DL (Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch), hiện tại, cả nước có 7.966 lễ hội (trong đó có 7.039 lễ hội dân gian chiếm 88,36%, có 332 lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4,16%, có 544 lễ hội tôn giáo chiếm 6,82%, có 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài chiếm 0,12 % và các lễ hội khác chiếm 0,5

%) [1]. Chúng ta không thể phủ nhận những nét tích cực của lễ hội truyền thống như:

khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết cộng đồng, hướng con người tới cội nguồn dân tộc, cội nguồn tự nhiên. Đặc biệt, nhiều lễ hội như: Lễ hội bắn pháo hoa (Đà Nẵng), Festival Trái cây Việt Nam (Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang), Lễ hội cà phê (ở Tây Nguyên), Festival Huế... đã góp sức quảng bá, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, góp phần kích thích sản xuất, phát triển kinh tế địa phương và đất nước.

Môi trường lễ hội chính là nơi giúp các cộng đồng bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa của mình một cách tốt nhất. Tác giả Pham Quang Nghị viết: “Lễ hội như một bảo tàng văn hóa dân gian lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa do các thế hệ tiền nhân sáng tạo… trong lễ hội các làng quê là những sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Nét đặc biệt của lễ hội là những sinh hoạt văn hóa ấy được bảo tồn trong tâm thức con người từ thế hệ này đến thế hệ khác, rất ít thay đổi” [17]. Khi bàn về những giá trị của lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện nay, tác giả Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng: “Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc ấy”[14]. Ông nhấn mạnh: “Điều này càng trở nên quan trọng trong điều kiện xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, khi mà sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thì làng xã và lễ hội Việt Nam lại gánh một phần trách nhiệm là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” [14].

Trên thực tế cho thấy, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian được phục hồi và gìn giữ nhờ việc tổ chức lễ hội truyền thống. Nhờ có các lễ hội truyền thống được mở ra hàng năm, các đoàn nghệ thuật truyền thống như múa rối, chèo, quan họ, hay các đội vật, võ nghệ có dịp được mời, biểu diễn ở các địa phương;

người dân vì thế cũng mới có dịp được thưởng thức các loại hình nghệ thuật này trong một môi trường diễn xướng phù hợp.

Việc tổ chức các lễ hội truyền thống là tác nhân kích thích phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới đã mang lại cho các lễ hội truyền thống những chức năng mới. Một trong những chức năng đó là lễ hội được xem như nhân tố kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương, Chúa Bà Kho, Hội Đền Hùng cũng được xem như những tác nhân kích thích sự phát triển kinh tế của cả cộng đồng dân cư địa phương.

Thực sự, các lễ hội được mở ra góp phần tăng trưởng kinh tế cho nhiều địa phương. Tác giả Hoàng Quốc Hải nhận xét rằng: “Trong những năm trở lại đây, nhờ có sự công đức của thập phương mà các Đền, Chùa, Miếu, Phủ được xem là linh thiêng hay các danh thắng được tu sửa, xây dựng đẹp đẽ hơn. Người dân ở xung quanh các di tích sống nhờ được vào dịch vụ và trở nên khá giả. Người dân cả trong

và ngoài nước cảm thấy vui vẻ, phấn khởi vì đời sống tâm linh được giải tỏa, và ông cho rằng, nhờ vậy, họ cảm thấy gắn bó với đất nước hơn”[8].

+ Việc tổ chức các lễ hội truyền thống góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Sự phục hồi và phát triển của lễ hội truyền thống đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương. Trên thực tế, việc tổ chức các lễ hội truyền thống trong làng thường do người dân địa phương tự đứng ra thực hiện mà ít có sự can thiệp từ phía Nhà nước. Người dân tự đứng ra quyên góp, xây dựng lại các thiết chế Đình, Chùa những nơi tổ chức lễ hội.

Tính năng động của cộng đồng cũng được phát huy tối đa trong việc phục hồi và phát triển các lễ hội. Việc khội phục các lễ hội truyền thống đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở nhiều địa phương, người dân thực sự trở thành chủ thể và khách thể trong việc sáng tạo và hưởng thụ đời sống văn hóa của mình thông qua lễ hội và họ trở nên phấn khởi hơn.

Sau nhiều năm dồn sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế, giờ đây nhiều cộng đồng dân cư Việt Nam đã có đủ thời gian, vật lực và tài lực để chú ý hơn đến nhu cầu sinh hoạt tinh thần của mình. Lễ hội truyền thống ở các làng quê Việt Nam được xem như một dịp để vui chơi, gặp gỡ. Mỗi khi làng tổ chức lễ hội truyền thống, người dân địa phương vui vẻ sống trong không khí ngày hội quanh năm mới có một lần; những con người xa xứ cũng một lần có dịp nhớ về thăm quê hương, nơi gốc tích sinh thành của bản thân; và cũng là thời điểm để người địa phương đón bạn bè ở nơi khác đến thăm quê hương mình. Lễ hội truyền thống thực sự đã làm phong phú sinh hoạt tinh thần của người dân, bù đắp cho các sinh hoạt văn hóa hàng ngày của họ, vốn quá lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, điều đáng lưu ý hơn là sinh hoạt lễ hội do chính cộng đồng địa phương sáng tạo và chính họ là người hưởng thụ.

Hàng năm, người dân các cộng đồng vẫn tổ chức các lễ hội truyền thống của mình. Họ coi đó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của cả cộng đồng mình.

+ Việc tổ chức lễ hội truyền thống đã tăng tính đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở các địa phương.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống góp phần làm cho người dân ý thức về cộng đồng của mình nhiều hơn. Lễ hội Đền Hùng giúp người dân ý thức về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Ở Hội Gióng hay các hội về anh hùng lịch sử khác giúp người dân ý

thức về một truyền thống đấu tranh anh dũng của cộng đồng, dân tộc mình. Tất cả các lễ hội, dù ở quy mô thế nào đi nữa, cũng giúp người dân ý thức và duy trì cộng đồng mà mình đang sống, giúp họ ý thức về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Trong các lễ hội, các hoạt động từ thiện, góp công, góp của trùng tu xây dựng di tích nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Tiền công đức của nhân dân trong các lễ hội cũng được sử dụng cho nhiều mục đích giúp đỡ cộng đồng và các hoạt động xã hội khác.

+ Việc tổ chức và quản lý lễ hội giúp người dân ý thức về việc giữ gìn di sản.

Trong thời gian vừa qua, việc phục hồi và phát triển của lễ hội truyền thống đã thu hút sự quan tâm của cả toàn xã hội. Không chỉ ngành văn hóa luôn chỉ đạo, định hướng và theo dõi sát sao các hoạt động lĩnh vực do mình quản lý mà cả các ban, các ngành khác trong xã hội cũng đặc biệt quan tâm đến sự khội phục và phát triển của lễ hội. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là sự quan tâm của người dân đến sự phục hồi và phát triển của lễ hội cũng như chủ động tham gia tổ chức và giữ gìn di sản của chính cộng đồng mình.

Chúng ta nhận thấy rằng: “Hội hè được mở lại cùng với việc xếp lại các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tạo cho quần chúng nhân dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ, trân trọng những cơ sở vật chất mà tiền nhân để lại, tạo cho các cấp, các ngành, các đoàn thể ở địa phương chăm lo, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa của dân tộc”[21].

Trên thực tế cho thấy, người dân ở các địa phương đã phát triển phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa cổ truyền như đình, đền, chùa, miếu phục vụ lễ hội truyền thống để khẳng định bản sắc của cộng đồng mình. Điều này có thể tích cực, có thể tiêu cực, tuy nhiên xét trên góc độ tích cực, chúng ta có thể thấy chính tâm lý tự tôn cộng đồng đã góp phần phục vụ lễ hội, giúp người dân của mỗi cộng đồng mình và cố gắng gìn giữ và phát huy những di sản ấy theo cách riêng của họ.

b) Những hạn chế trong việc tổ chức và quản lý lễ hội trong thời gian qua Việc tổ chức và quản lý lễ hội trong những năm vừa qua cũng đã nảy sinh ra nhiều yếu tố tiêu cực, gây ra những khó khăn trong công tác quản lý lễ hội như những sai lệch về cả nội dung lẫn hình thức tổ chức lễ hội, sự lai căng giữa cái cũ và cái mới, sự phục hồi các tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, lợi dụng lễ hội để kiếm lời.

Đánh giá về những việc chưa làm được trong việc phục hồi, tổ chức và quản lý các lễ hội còn có những mặt tiêu cực sau:

+Mê tín dị đoan, đốt vàng mã tràn lan diễn ra ở hầu hết các lễ hội, ở mọi quy mô lớn, nhỏ khác nhau

Đây là thách thức cơ bản nhất. Hiện nay, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong lễ hội còn nhiều hạn chế, dẫn tới sự thiếu trách nhiệm và ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia và phục vụ lễ hội, nhất là trong thực hiện nếp sống văn minh, giao tiếp ứng xử, vệ sinh môi trường.

Tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hoá, những giá trị, bản sắc của các lễ hội truyền thống đang bị giảm sút và có nguy cơ bị xói mòn, do các tệ nạn lôi kéo khách hành hương tham gia trò chơi cá cược, cờ bạc, bói toán, mê tín di đoan, móc túi, tình trạng vi phạm trật tự và an ninh xã hội vẫn tiếp diễn. Ở hầu hết các lễ hội, thì vấn đề mê tín dị đoan luôn luôn gắn bó một cách hữu hiệu với lễ hội truyền thống. Trong thời gian qua, tệ nạ mê tín dị đoan không những không biến mất mà ngày càng trở nên trầm trọng và tràn lan hơn với việc bùng nổ trở lại như những việc lên đồng hay xem bói, đốt vàng mã tràn lan đã làm cho người dân mất nhiều thời gian và tiền bạc.

Hiện tượng thiếu lành mạnh vẫn còn tồn tại các hủ tục như mê tín, dịch vụ khấn thuê, rút thẻ, bán ấn, bán sách tướng số, tử vi, bán hàng rong, tranh giành thu tiền bán vé dịch vụ xuất hiện tại nhiều khu vực tổ chức lễ hội. Nhiều du khách còn có những biểu hiện lệch lạc, thiếu hiểu biết, ném tiền xuống giếng cổ, lên mặt trống đồng, nhét tiền vào tay tượng Phật. Một hiện tượng khá phổ biến ở các lễ hội là xả rác tùy tiện, bẻ cành cây lộc, thắp hương đốt vàng mã quá nhiều, bất chấp quy định của ban tổ chức lễ hội.

+ Vấn đề môi trường và du lịch

Có thể nói, loại hình lễ hội truyền thống phụ thuộc vào sự tồn tại của không gian văn hóa cụ thể. Hiện nay, cùng với sự phát triển về số lượng lễ hội, xu hướng mở hội với quy mô lớn ngày càng tăng. Trong khi đó, cơ sở vật chất, hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khuôn viên của di tích, danh thắng và không gian tổ chức lễ hội có giới hạn, không đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của du khách với mật độ đông, khiến cho các hình thức biểu hiện tính chất, chức năng vốn có của lễ hội truyền thống có nguy cơ bị biến đổi. Mặt khác, sự quá tải về số lượng khách tham gia lễ hội dẫn đến tình trạng lộn

xộn, ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, tuỳ tiện nâng giá dịch vụ, thiếu nước sạch và không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các quán hàng, tạo những hình ảnh phản cảm, làm giảm ý nghĩa của các lễ hội.

+ Vấn đề thương mại hóa

Tác động của nền kinh tế thị trường đôi khi dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, tổ chức lễ hội chưa thực sự chú ý giá trị văn hoá; có tư tưởng trục lợi, coi lễ hội là một thương phẩm để mưu cầu lợi nhuận, là nguồn lợi riêng của địa phương, nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội, mất cân đối giữa yếu tố lễ và hội, đặc biệt những biến tướng như mê tín dị đoan, Chùa giả, hòm công đức tràn lan. Một số doanh nghiệp đóng góp kinh phí tham gia lễ hội đã lạm dụng quảng bá quá mức, nặng về thương mại, cắt xén phần lễ hoặc phần hội, làm cho các giá trị vật chất lấn át giá trị văn hóa và đạo đức, bản sắc văn hóa của lễ hội bị phai mờ.

+ Vấn đề bảo tồn và phát triển

Ở nước ta, việc bảo tồn lễ hội còn mang tính tự phát và phụ thuộc vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Mặt khác, các nhà văn hóa học và các nhà quản lý chưa nghiên cứu một cách sâu sắc và hệ thống những lý luận và kinh nghiệm về bảo tồn lễ hội truyền thống. Vì thế, chưa đưa ra những chính sách phù hợp và kịp thời, nhiều quyết định quản lý trong lĩnh vực này còn mang tính chủ quan, duy ý chí. Trong thực tế, nhiều lễ hội tổ chức kéo dài quá thời gian quy định, nội dung lễ hội trùng lặp, không thể hiện bản chất, đặc trưng.

+ Vấn đề toàn cầu hóa

Sự chuyển đổi cơ cấu xã hội cùng với những thay đổi điều kiện kinh tế - xã hội trong quá trình toàn cầu hóa tạo ra nhiều cơ hội mở rộng giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng trong và ngoài lãnh thổ quốc gia. Đồng thời cũng làm nảy sinh những mối đe dọa về sự suy thoái, biến dạng các lễ hội truyền thống. Bên cạnh những nghi thức đã định hình, còn có biểu hiện pha tạp, vay mượn hoặc cải biên không hợp lý, phong cách biểu diễn không phù hợp với cộng đồng, gây phản cảm, làm biến dạng nghi thức lễ hội. Hiện có xu hướng đua nhau nâng cấp lễ hội bằng cách tùy tiện thêm vào các thành tố xa lạ với lễ hội hay tập quán của cộng đồng, vừa tốn kém, vừa làm giảm giá trị chân thực, trần tục hóa và đơn điệu hóa, thậm chí làm biến dạng lễ hội.

Một phần của tài liệu LỄ hội – một nét đẹp TRONG đời SỐNG văn hóa TINH THẦN VIỆT NAM (Trang 57 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)