Chương 2. GIÁ TRỊ VÀ VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN VIỆT NAM
2.2 VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG
2.2.3 Lễ hội nhắc nhở người ta sống trật tự, mực thước
Có một điều tưởng như là phi lý trong hoạt động lễ hội là mọi người tham dự lễ hội được phép sống thái quá, được phép vô trật tự hơn ngày thường. Thực ra, đó là
trạng thái cần thiết và rất đặc trưng của lễ hội, vì cái thái quá ấy đã đáp ứng nhu cầu duy trì sự thăng bằng trong tâm lý mà ngày thường không thể có được. Cái thái quá và vô trật tự ấy đã có một tác dụng là giải phóng những “xung cảm” khi bị kìm hãm trong đời sống đơn điệu hàng ngày.
Tuy nhiên, trong thực tế, các ngày hội, dù không ai bảo ai, không ai nhắc nhở ai, nhưng hễ cứ bước chân vào ngày hội, bước chân vào các quần thể di tích linh thiêng như đền, miếu, chùa, thậm chí đến một khu rừng cấm vào đó, người ta đều giữ trật tự, tự giác tuân theo những nguyên tắc nhất định. Bất cứ ai cũng đều nghĩ rằng, đây là chốn linh thiêng, là nơi có các vị Thần linh chứng giám, không ai muốn xúc phạm hay làm điều gì đó không phải với các vị thần linh đó. Lòng tin của mọi người vào các vị thần linh đã khiến mọi người muốn chứng tỏ tấm lòng chân thành của mình, muốn được các vị chứng giám sự tốt đẹp của mình. Vì thế, trong ngày thường có thể có những người không được tử tế cho lắm, thậm chí có những lúc độc ác nhưng bước chân vào chốn linh thiêng này, ai cũng muốn hay cố tỏ ra mình là người tốt bụng và lương thiện. Nói đúng hơn, trước các vị thần linh, ai cũng muốn mình trở thành người tốt, muốn trở lại với bản chất thánh thiện của con người.
Có lẽ cũng chính vì thế, mà trong lễ hội mọi người mong muốn được sống hết mình, được sống với những nỗi niềm khát khao mà ngày thường bị chi phối bởi nhiều mối ràng buộc mà họ không thể có được. Ngoài nhu cầu muốn lấy lại sự thăng bằng cho tâm lý mà ngày thường không bị kìm hãm, lệ thuộc vào quy chế, khuôn mẫu nào cả, nên con người trong lễ hội và cũng chỉ trong lễ hội đã tự cho phép mình sống như mình mong muốn.
Với thực tế xã hội thời xưa, ông cha ta đã phải tuân thủ nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân”, nam nữ dù có yêu nhau cũng không giám đối diện chứ chưa nói đến trực diện với nhau. Nhiều trường hợp, cho đến ngày cưới mà các cô dâu, các chủ rể còn chưa hề biết mặt nhau. Cái khoảng cách khắc nghiệt đó đã khiến con người muốn được đối diện, trực diện và được gần gũi nhau. Mong muốn đó đã trở thành nhu cầu bức thiết khiến mọi người phải tìm cách thỏa mãn.
Nhu cầu đó đã được tọai nguyện khi đến lễ hội, hay nói cách khác, lễ hội đã tạo cơ hội cho mọi người thực hiện ước muốn của mình. Cũng chính vì thế mà khi vào hội, mọi người đã sống hết mình, một cách vô tư, hồn nhiên. Ngày thường đã có chàng trai nào dám ôm vai người bạn gái, thậm chí quàng tay qua vai người bạn gái riết chặt
vào mình và người bạn gái cũng đã giám làm như thế với người bạn trai trước con mắt của cả đám đông dự lễ hội để còn thò tay vào trong chum bắt chạch, bắt lươn. Lúc đó, thắng hay thua không thành vấn đề mà vấn đề ở đây là họ được dịp gần gũi người bạn khác giới với mình. Chỉ cần đơn giản thế thội, nhưng mỗi khát khao của cả một năm, có khi cả nhiều năm đã được thỏa mãn. Họ vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc, mọi người đứng xem cũng vui vẻ, hạnh phúc thay cho cả nỗi khat khao của mình.
Cái thái quá, cái khác thường ấy còn được thể hiện ở cả cách ăn mặc, dáng điệu, nói năng, cư xử. Ngày thường ai mặc gì cũng được, ăn thức gì cho no bụng cũng xong hay nói năng, đi lại có thể bỗ bã, nghênh ngang một tý cũng chẳng sao. Nhưng, những ngày lễ, ngày hội, từ đứa trẻ cho đến các ông già, bà già ai cũng muốn chăm chút cho mình hơn ngày thường từ quần, áo, cái khăn cho đến cách ăn nói, đi đứng đều muốn tỏ ra khác thường. Ai cũng sắm được bộ quần áo dễ nhìn và đẹp đẽ, sang trọng hơn; ai cũng muốn nói năng lễ phép, lịch sự, tế nhị, văn minh và tỏ ra duyên dáng, thân mật với mọi người. Ngày thường thì ăn gì qua quýt cho xong, nhưng đến ngày lễ hội thì phải ăn cho ra hồn một tý. Kham khổ, chịu khó, chịu thương cả năm rồi, ngày lễ, ngày tết cũng phải có được một mâm cỗ không sang trọng thì cũng phải khác những ngày thường, trước hết là để dâng cúng các cụ ông, bà tổ tiên, thứ nữa là để cả nhà được một bựa ngon miệng hơn, có nhiều chất bổ hơn, vui hơn.
Những thứ đó là khác thường, là thái quá. Và sự khác thường đó còn được thể hiện ở cả dáng cắt may quần áo, cả những giọng điệu trầm bổng, ngọt ngào bằng lối nói chữ, nói vần vè hẳn hoi khi mời, khi chào nhau và cố tìm những thức ăn hiếm quý hơn, lạ hơn, chế biến và cách bày biện cũng đặc biệt hơn, ngon hơn, đẹp hơn. Thực ra, làm như thế không phải để khoe khoang với dân làng mà là để tỏ tấm lòng thành kính với các vị thần linh, tổ tiên và thỏa mãn nỗi khát khao của mình, của cả gia đình mình.
Như vậy, cái thái quá, cái khác thường chính là nỗi khát khao, ước mong ngàn đời của người nông dân quanh năm “đầu tắt mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
nhưng phải chịu kham khổ, túng thiếu, đói nghèo.
Ở đây có thể nói rằng, người nông dân đã “hạ thế” tất cả những lý thuyết cao siêu, những quan niệm sâu xa về cuộc đời từ trên trời xuống hạ giới, trần tục hóa, cụ thể hóa tất cả những khát khao đó thành hiện thực. Nhưng, muốn có cuộc “hạ thế” đó phải đợi đến ngày lễ hội và chỉ có trong lễ hội, dưới sự chứng giám của thần linh thì họ mới giám thực hiện mong muốn của họ. Vì họ tin tưởng rằng, một khi đã được các bậc
thần linh chứng giám như thế thì những ước mong của họ mới được phù hộ để trở thành hiện thực.
Vì vậy, những việc thái quá, những hoạt động gần như mất trật tự trong lễ hội thực ra chỉ là cái ước muốn của con người. Nhờ những điều thái quá như thế mà cuộc sống của họ được hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn dù trong phút chốc, còn hơn đằng đẵng cả năm, cả đời không bao giờ có. Xét đến cùng, từ những điều thái quá và mất trật tự đó, lễ hội nhắc nhở người ta sự trật tự, sự mực thước hàng ngày. Để từ đó, sẽ là điều kiện, là cơ hội cho sự tái tạo của mỗi người trong cuộc sống hiện tại, làm cho cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn và ngày càng hoàn thiện hơn.