Chương 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN CHO THƯƠNG NHÂN VÀ PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN CHO THƯƠNG NHÂN
1.5. Pháp luật của một số nước trên thế giới về hợp đồng đại diện cho thương nhân
1.5.1. Pháp luật các nước thuộc hệ thống Common law
Các nước thuộc hệ thống Common law, điển hình là Anh và Mỹ có nguồn pháp luật chủ yếu và quan trọng nhất là án lệ. Do vậy, hệ thống án lệ về đại diện, bao gồm đại diện thương mại ở Mỹ và Anh là rất đồ sộ. Viện Pháp luật Hoa Kỳ (American Law Institute-ALI) đã ban hành một bộ tập hợp hóa các quy tắc được thừa nhận chung về đại diện là Restatement of Law, Agency, trong đó bao gồm các quy định, phân tích, bình luận, diễn giải, dẫn chiếu án lệ về đại diện [17, tr.38].
Một điểm đặc trưng của pháp luật Mỹ và Anh là các nước này không có những khái niệm riêng cho từng hoạt động trung gian thương mại. Thuật ngữ
“agent” (thường được dịch là đại lý hoặc đại diện) được dùng để chỉ chung cho những người trung gian tiến hành hành vi theo sự ủy quyền của người ủy thác.
Mặt khác, pháp luật Mỹ và Anh đều không có sự phân biệt giữa đại diện trong thương mại và đại diện trong lĩnh vực dân sự. Đại diện trong lĩnh vực dân sự và đại diện trong lĩnh vực thương mại đều chịu sự điều chỉnh pháp luật như nhau.
Đại diện thương mại (commercial agency) chỉ được đề cập đến trong các công trình khoa học pháp lý, các giáo trình về luật [17; tr.41].
Pháp luật về đại diện ở các nước thuộc hệ thống Common-law, trong đó có Anh, Mỹ điều chỉnh quan hệ đại diện về các vấn đề sau:
Thứ nhất, về định nghĩa và xác định quan hệ đại diện. Nhìn chung, hệ thống pháp luật Anh-Mỹ định nghĩa quan hệ đại diện là quan hệ dựa trên sự đồng ý giữa các bên, theo đó một người (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của một người khác (gọi là người được đại diện) để xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba. Các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch thuộc về người được đại diện và người thứ ba.
Thứ hai, về các loại người đại diện và quan hệ đại diện. Pháp luật Anh, Mỹ có nhiều tiêu chí để phân định các loại người đại diện, ví dụ: căn cứ vào tính chất ủy quyền lại hay không, người đại diện được phân loại thành người đại diện nguyên cấp và người đại diện thứ cấp; căn cứ vào tính độc lập hay phụ thuộc vào người được đại diện, người đại diện được phân loại thành người đại diện phụ thuộc và người đại diện độc lập. Về phân loại quan hệ đại diện, pháp luật Anh - Mỹ phân loại quan hệ đại diện gồm quan hệ đại diện do có sự thỏa thuận, quan hệ đại diện do phê chuẩn, quan hệ đại diện không thể phủ nhận hay mặc nhiên, quan hệ đại diện theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại diện. Nhìn chung, pháp luật Anh và Mỹ khá tương đồng khi quy định người đại diện có các nghĩa vụ sau: nghĩa vụ trung thành; nghĩa vụ cẩn trọng; nghĩa vụ tuân thủ; nghĩa vụ giải thích và ghi chép các khoản chi phí; nghĩa vụ thông tin. Người được đại diện có các nghĩa vụ: nghĩa vụ thanh toán thù lao; nghĩa vụ hoàn trả chi phí và bồi thường; nghĩa vụ không gây trở ngại; ngoài ra, tùy thỏa thuận, người được đại diện có thể có nghĩa vụ cung cấp các thông tin cần thiết.
Thứ tư, về việc chấm dứt quan hệ đại diện. Quan hệ đại diện chấm dứt do hành vi của các bên; chấm dứt quan hệ đại diện theo quy định pháp luật; nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên khi chấm dứt quan hệ đại diện; bảo vệ người thứ ba khi các bên chấm dứt quan hệ đại diện.
1.5.2. Pháp luật các nước thuộc hệ thống Civil law
Đại diện điển hình của hệ thống các nước theo truyền thống luật Châu Âu lục địa là Pháp và Đức. Pháp luật của hai nước này có sự phân biệt rõ ràng giữa luật dân sự và luật thương mại. Những vấn đề pháp lý chung liên quan đến hợp đồng được quy định chủ yếu trong Bộ luật dân sự, bên cạnh các quy định chung, các hợp đồng liên quan đến kinh doanh của thương nhân được quy định trong Bộ luật thương mại. Các bộ luật này của Pháp và Đức đều điều chỉnh cụ thể về quan hệ đại diện, bao gồm các vấn đề về định nghĩa, xác lập và chấm dứt quan hệ đại diện, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm pháp lý.
Với sự phân biệt rõ ràng giữa luật dân sự và luật thương mại, các quy định về hợp đồng đại diện cho thương nhân ở Pháp và Đức một mặt chịu sự điều chỉnh của các quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật dân sự, mặt khác chịu sự điều chỉnh của các quy định về đại diện - với tư cách là một hoạt động thương mại của thương nhân trong Bộ luật thương mại.
Một đặc điểm chung của pháp luật Châu Âu lục địa, trong đó có Pháp và Đức là pháp luật có sự phân biệt hoạt động trung gian thương mại thành nhiều loại hành vi khác nhau. Luật Thương mại của Pháp sử dụng các khái niệm khác nhau để chỉ những người hoạt động trung gian thương mại như người đại diện, người môi giới, người nhận ủy thác và đại lý thương mại. Người đại diện nhân danh người được đại diện, do đó, quan hệ pháp lý được xác lập giữa người được đại diện với người thứ ba, công việc được thực hiện là của người được đại diện.
Trong khi đó, những người trung gian khác (như đại lý, ủy thác mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam) nhân danh chính mình để xác lập giao dịch với người thứ ba. Người thứ ba, do vậy, chỉ quan tâm đến người đại lý, người được
ủy thác [17; tr.41]. Theo pháp luật của Cộng Hòa Liên Bang Đức, thương nhân được đại diện chịu trách nhiệm pháp lý đối với khách hàng theo hợp đồng do người đại diện ký kết. Do đó, thương nhân được đại diện phải giải quyết tất cả các yêu cầu liên quan đến hàng hóa bị khiếm khuyết hoặc không phù hợp [17;
tr.84]. Theo pháp luật của Pháp, các hợp đồng do người đại diện ký kết trong phạm vi hoạt động kinh doanh của thương nhân được đại diện sẽ ràng buộc thương nhân được đại diện đối với bên thứ ba vì người đại diện đã hành động nhân danh và vì lợi ích của thương nhân được đại diện [17, tr.83].
Ngoài một số điểm khác biệt trên, nhìn chung, pháp luật Pháp và Đức cũng có quan điểm tiếp cận tương đối thống nhất với các nước thuộc hệ thống comom law trong việc điều chỉnh về các vấn đề xác lập quan hệ đại diện, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại diện thương mại, chấm dứt quan hệ đại diện thương mại…[17, tr.41].
Tóm lại, hợp đồng đại diện cho thương nhân là một dạng hợp đồng dịch vụ, trong đó bên đại diện bằng danh nghĩa của bên giao đại diện thực hiện các hoạt động thương mại cho bên giao đại diện để hưởng thù lao. Tuy có một số điểm tương đồng với hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa...nhưng hợp đồng đại diện cho thương nhân vẫn là một quan hệ hợp đồng độc lập, thể hiện nhiều đặc điểm riêng cho phép phân biệt với các hợp đồng khác có quan hệ gần gũi. Quan hệ hợp đồng đại diện cho thương nhân được điều chỉnh bởi nhiều quy phạm khác nhau, chủ yếu nằm trong Bộ luật dân sự và Luật Thương mại. Việc nắm vững nguyên tắc áp dụng phối hợp các văn bản pháp luật trên trong việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng đại diện cho thương nhân là cơ sở để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật đối với loại hợp đồng có nhiều nét đặc thù này, đồng thời tạo cơ sở lý luận cho việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp đồng đại diện cho thương nhân.
Chương 2