Chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân

Một phần của tài liệu Những khía cạnh pháp lý của hợp đồng đại diện cho thương nhân (Trang 51 - 55)

Chương 2 CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN

2.6. Chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân

Tương tự như các quan hệ hợp đồng khác, hợp đồng đại diện cho thương nhân có thể bị chấm dứt trên cơ sở hành vi của các bên hoặc theo các trường hợp pháp luật quy định. Luật Thương mại 2005 không có quy định riêng về các trường hợp chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân, tuy nhiên có thể gián tiếp tìm thấy một số trường hợp chấm dứt hợp đồng đại diện tại Điều 144. Kết hợp các trường hợp này với quy định về chấm dứt hợp đồng dân sự (Điều 424, Điều 426 Bộ luật dân sự 2005) và chấm dứt hợp đồng ủy quyền trong dân sự (Điều 588, Điều 589 Bộ luật dân sự 2005), hợp đồng đại diện cho thương nhân chấm dứt trong 05 trường hợp sau:

- Thời hạn đại diện cho thương nhân chấm dứt.

- Công việc đại diện cho thương nhân đã hoàn thành.

- Bên giao đại diện và bên đại diện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

- Bên giao đại diện hoặc bên đại diện chấm dứt hoạt động.

- Bên giao đại diện hoặc bên đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trường hợp đầu tiên dẫn tới hợp đồng đại diện cho thương nhân chấm dứt là do sự chấm dứt của thời hạn đại diện. Thời hạn đại diện là khoảng thời gian mà bên giao đại diện và bên đại diện xác định để bên đại diện thực hiện công việc đại diện. Nói cách khác, thời hạn đại diện là thẩm quyền đại diện về mặt thời gian, theo đó, nó xác định khoảng thời gian có hiệu lực của thẩm quyền đại diện. Ngoài thời hạn này, bên đại diện không còn có thẩm quyền đại diện.

Thông thường, các bên trong quan hệ đại diện thỏa thuận về thời hạn đại diện bằng cách xác định cụ thể thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc đại diện. Luật Thương mại 2005 không giới hạn thời hạn đại diện, tuy nhiên, trong trường hợp

các bên không có thỏa thuận thì áp dụng quy định tại Điều 582 Bộ luật Dân sự 2005 về thời hạn ủy quyền trong dân sự, thời hạn đại diện được xác định là 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng đại diện do công việc đại diện cho thương nhân đã hoàn thành là trường hợp chấm dứt hợp đồng vì mục tiêu của hợp đồng đã đạt được. Ví dụ: thương nhân A ủy quyền cho thương nhân B làm đại diện với mục đích bán 1.000 tấn vật liệu xây dựng; sau khi bên B bán hết khối lượng sản phẩm trên, hợp đồng đại diện cho thương nhân giữa bên A và bên B sẽ chấm dứt. Với những hợp đồng đại diện như trên, thường các bên không có thỏa thuận về thời hạn chấm dứt hợp đồng mà hợp đồng sẽ kết thúc khi bên đại diện hoàn thành công việc đại diện của mình.

Trong số các trường hợp chấm dứt hợp đồng đại diện, đáng chú ý là trường hợp chấm dứt do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên đại diện hoặc bên giao đại diện. Quan hệ hợp đồng đại diện là quan hệ thỏa thuận, do vậy, không bên nào bị ép buộc phải tiếp tục duy trì quan hệ nếu không còn nhu cầu, tức là các bên có thể chấm dứt quan hệ đại diện theo ý chí của mình.

Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt quan hệ hợp đồng của một bên có thể là sự vi phạm hợp đồng và gây ảnh hưởng tới lợi ích của bên kia nên Luật Thương mại khá chú trọng điều chỉnh vấn đề này. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật Thương mại 2005, bên đại diện hoặc bên giao đại diện chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi hợp đồng đại diện không xác định thời hạn (không có thỏa thuận về thời hạn đại diện) và với điều kiện bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết trước. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện, điều mà các bên quan tâm nhất là quyền và nghĩa vụ về mặt tài chính. Khoản 3 Điều 144 Luật Thương mại ghi nhận trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng

mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng. Ngược lại, nếu bên đại diện yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được (trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác).

Quy định như trên của Luật Thương mại về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân theo tác giả có một số điểm chưa thỏa đáng như sau:

Thứ nhất, Luật Thương mại quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện chỉ dành cho loại hợp đồng đại diện không xác định thời hạn đã bó hẹp quyền tự do hợp đồng của các chủ thể. Bản chất của hợp đồng đại diện là sự tự do thỏa thuận ý chí của các bên, do vậy, không tùy thuộc vào việc có thỏa thuận về thời hạn hợp đồng hay không, khi các bên không có nhu cầu tiếp tục thực hiện việc đại diện nữa thì họ phải được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Điều cần thiết của pháp luật là quy định về nghĩa vụ của mỗi bên khi có sự kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng xảy ra. Ở khía cạnh này, quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự thể hiện sự tiến bộ hơn khi quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền không phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng và không bị hạn chế trong bất kỳ trường hợp nào. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, quy định nghĩa vụ tuân thủ sự chỉ dẫn của bên giao đại diện còn có sự mâu thuẫn với quy định về thời hạn đại diện cho thương nhân vì: nếu trong hợp đồng đại diện có quy định thời hạn mà bên giao đại diện muốn chấm dứt hợp đồng, ví dụ bên giao đại diện đưa ra thông báo muốn ngừng mua thép thì theo Điều 144 Luật Thương mại là không được. Nhưng nếu bên đại diện vẫn tiếp tục mua thép thì lại vi phạm nghĩa vụ tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện [10; tr.56].

Thứ hai, khác với Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại 2005 không quy định nghĩa vụ thông báo cũng như thời hạn thông báo của bên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện cho bên còn lại và bên thứ ba. Bộ luật Dân sự 2005 cũng không quy định cụ thể về thời hạn này. Tại Điều 588 về đơn

phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền quy định bên đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền phải báo trước một thời gian hợp lý cho bên còn lại, nhưng cũng chỉ trong trường hợp hợp đồng ủy quyền không có thù lao. Thời hạn thông báo chấm dứt hợp đồng theo khoản 1 Điều 92 Luật Thương mại 1997 là 60 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng. Quy định như Luật Thương mại 2005 đặt bên bị đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện rơi vào tình thế bị động, gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của họ. Tương tự như vậy, Luật Thương mại 2005 cũng không quy định các bên trong hợp đồng đại diện phải thông báo cho bên thứ ba có liên quan về việc chấm dứt hợp đồng. Nếu bên thứ ba không được biết sự kiện này thì các hợp đồng đã ký với bên đại diện về nguyên tắc vẫn có hiệu lực.

Khi đó, lợi ích của bên thứ ba không thể được đảm bảo an toàn.

Thứ ba, quy định về nghĩa vụ tài chính của bên giao đại diện đối với bên đại diện khi bên giao đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng chưa được Luật Thương mại 2005 xác định một cách thỏa đáng. Khoản 3 Điều 144 Luật Thương mại quy định nếu bên giao đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng nhưng không làm rõ những khoản thù lao khác là khoản nào, làm cách nào chứng minh khoản thù lao khác mà bên đại diện “đáng lẽ” được hưởng? Sự không rõ ràng này của pháp luật có thể là kẽ hở để bên giao đại diện trốn tránh trách nhiệm thanh toán các khoản thù lao cho bên đại diện.

Thứ tư, quy định khi bên đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng (nếu các bên không có thỏa thuận khác) là chưa hợp lý, bởi lẽ: bên đại diện có thể muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện trong trường hợp bên giao đại diện vi phạm nghĩa vụ thanh toán thù lao. Khi đó, nếu các bên không có thỏa thuận khác, quy định người đại diện mất quyền hưởng thù lao sẽ được áp dụng và như

vậy, bên đại diện gần như sẽ “tay trắng” vì không có cơ sở nào để yêu cầu bên giao đại diện thanh toán khoản thù lao chính đáng trên.

Một phần của tài liệu Những khía cạnh pháp lý của hợp đồng đại diện cho thương nhân (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)