Hoàn thiện các quy định pháp luật về chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân

Một phần của tài liệu Những khía cạnh pháp lý của hợp đồng đại diện cho thương nhân (Trang 67 - 71)

Chương 3 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN

3.3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng đại diện cho thương nhân

3.3.4. Hoàn thiện các quy định pháp luật về chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân

Thứ nhất, tác giả kiến nghị Luật Thương mại cần tách các quy định về chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân thành một điều luật riêng, trong đó

quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng đại diện, thời hạn thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, nghĩa vụ của các bên liên quan khi chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân như nghĩa vụ thanh toán thù lao cho bên đại diện, nghĩa vụ thông báo cho người thứ ba…Hiện nay, theo thiết kế của Luật Thương mại 2005, các quy định trên hoặc còn thiếu, hoặc đang được quy định lẫn trong nội dung quy định về thời hạn đại diện tại Điều 144. Điều này không mang lại cái nhìn tổng quát về chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân- một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện hợp đồng.

Thứ hai, Luật Thương mại nên bỏ quy định các bên trong hợp đồng đại diện cho thương nhân chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi hợp đồng đó là hợp đồng không xác định thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 144. Như đã phân tích ở chương 2, quy định hiện hành dẫn tới việc nếu đã thỏa thuận về thời hạn đại diện trong hợp đồng, khi chưa hết thời hạn này các bên không thể chấm dứt hợp đồng. Do đó, để tự dự phòng một “đường lùi” khi không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, bên đại diện và bên giao đại diện sẽ không thỏa thuận về thời hạn đại diện khi giao kết hợp đồng. Do đó, để quyền tự do hợp đồng được đảm bảo hơn, Luật Thương mại nên bỏ quy định tại khoản 2 Điều 144, tạo điều kiện cho các bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân bất cứ khi nào. Hơn nữa, việc bỏ quy định này khiến Luật Thương mại phù hợp với quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền tại Điều 588 Bộ luật dân sự.

Thứ ba, Luật Thương mại cần bổ sung quy định bên đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân phải có nghĩa vụ thông báo trước cho bên còn lại trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời quy định nghĩa vụ của các bên thông báo về việc chấm dứt hợp đồng cho bên thứ ba. Tương tự như các quan hệ hợp đồng khác, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân của bất cứ bên nào cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc và lợi ích của bên còn lại như: mất chủ động về kế hoạch kinh doanh, mất thêm thời gian và

công sức tìm kiếm đối tác mới... Do đó, pháp luật về đại diện của đa số các nước trên thế giới đều ấn định một khoảng thời gian hợp lý buộc bên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện phải báo trước cho bên còn lại. Thời hạn này theo Điều 15 Chỉ thị số 86/653/EEC ngày 18 tháng 12 năm 1986 về hợp tác pháp luật giữa các nước thành viên Châu Âu về người đại diện thương mại độc lập là một tháng cho năm đầu tiên của hợp đồng, hai tháng cho năm thứ hai, ba tháng cho năm thứ ba và các năm tiếp theo [10; tr.166]. Thiết nghĩ, đây là kinh nghiệm pháp luật đáng để Luật Thương mại của Việt Nam học hỏi. Bên cạnh đó, Luật Thương mại cũng cần bổ sung quy định về nghĩa vụ thông báo việc hợp đồng đại diện cho thương nhân chấm dứt theo yêu cầu của một bên cho bên thứ ba biết. Mục đích của đề xuất này là nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho bên thứ ba và thậm chí cả lợi ích của bên giao đại diện vì nếu bên thứ ba không được biết hoặc chậm được biết thông tin trên thì hợp đồng do bên đại diện nhân danh bên giao đại diện ký kết với bên thứ ba vẫn có hiệu lực với bên giao đại diện. Do đó, theo tác giả, nghĩa vụ thông báo việc chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân nên trao cho bên giao đại diện, bất kể bên đơn phương chấm dứt hợp đồng là bên đại diện hay chính bên giao đại diện.

Thứ tư, Luật Thương mại cần xác định cụ thể hơn nghĩa vụ tài chính của các bên đối với bên còn lại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đối với bên giao đại diện, Khoản 3 Điều 144 quy định, khi bên giao đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên đại diện có quyền yêu cầu trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện đã giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng. Quy định trên theo tác giả vừa có điểm thiếu, vừa có điểm chưa rõ ràng. Quyền yêu cầu thanh toán của bên đại diện trong trường hợp này cần phải bao gồm cả khoản thù lao do việc bên đại diện đã giao kết các hợp đồng trong phạm vi đại diện cho bên giao đại diện. Cụm từ “những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng” cũng cần phải làm rõ, theo tác giả nên bao gồm trường hợp sau khi hợp

đồng đại diện chấm dứt mà bên đại diện ký kết được hợp đồng với bên thứ ba là bên trước đó bên đại diện đã có công sức chủ yếu trong việc thiết lập giao dịch.

Quy định như vậy mới đảm bảo bao quát được lợi ích chính đáng của bên đại diện. Ngoài ra, quy định tại khoản 4 Điều 144 Luật Thương mại 2005 cũng cần được sửa đổi lại. Với cách quy định hiện hành, khi bên đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện, dù là chấm dứt hợp pháp cũng bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thỏa thuận khác. Điều này là không hợp lý, nhất là trong trường hơp bên đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng vì bên giao đại diện vi phạm nghĩa vụ thanh toán thù lao. Do đó, Luật Thương mại chỉ nên quy định bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, trái với các thỏa thuận hợp pháp.

Với các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng đại diện cho thương nhân như đã phân tích ở mục 2.7 của Chương 2, mặc dù tác giả có chỉ ra một số tồn tại về mặt pháp luật nhưng những tồn tại này cũng là tồn tại chung của quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng của Luật Thương mại 2005.

Do vậy, tác giả không đưa ra kiến nghị hoàn thiện cho mục này.

Một phần của tài liệu Những khía cạnh pháp lý của hợp đồng đại diện cho thương nhân (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)