Chương 3 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN
3.1. Thực trạng xác lập và thực hiện hợp đồng đại diện cho thương nhân ở Việt Nam
Hoạt động đại diện cho thương nhân và hình thức pháp lý của nó là hợp đồng đại diện cho thương nhân mặc dù đã được ghi nhận và điều chỉnh chính thức ở Việt Nam từ năm 1997 tại Luật Thương mại nhưng cho đến nay, loại hình hợp đồng này vẫn còn tương đối mới mẻ trong giới doanh nhân. So với các hoạt động trung gian thương mại khác như đại lý thương mại, môi giới hay ủy thác mua bán hàng hóa, hoạt động đại diện cho thương nhân khá hạn chế về mức độ phổ biến. Rất nhiều người còn nhầm lẫn giữa đại diện cho thương nhân với các hình thức trung gian khác, đặc biệt là ủy thác mua bán hàng hóa- hình thức trung gian cũng có dấu hiệu của sự ủy nhiệm giữa hai bên [22]. Đứng trước sự lựa chọn giữa hình thức đại lý mua bán hàng hóa và đại diện cho thương nhân, nhiều doanh nghiệp cũng lựa chọn sử dụng hình thức đại lý mua bán hàng hóa vì mức độ phổ biến của nó cao hơn nhiều so với đại diện cho thương nhân. Hiện nay, hoạt động đại diện cho thương nhân mới chỉ xuất hiện nhiều hơn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo thống kê của Phòng Pháp chế và chính sách Cục sở hữu trí tuệ cập nhật đến ngày 12/02/2014, cả nước hiện có 170 tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đang còn đủ điều kiện hành nghề [24]. Ngoài đại diện sở hữu công nghiệp, số liệu thống kê về hoạt động đại diện cho thương nhân hiện trong các ngành nghề khác hiện hữu chưa nhiều trong các báo cáo, tổng hợp số liệu cũng như diễn đàn xã hội, diễn đàn online. Thật khó để nắm bắt con số chính xác về sự lựa chọn hoạt động đại diện cho thương nhân của các thương nhân. Thực trạng này trái ngược với các nền kinh tế phát triển trên thế giới, nơi hoạt động đại diện nói chung, bao gồm cả hình thức đại diện giữa hai thương nhân diễn ra phổ biến và mang lại nhiều giá trị trong kinh doanh. Thậm
chí, nhiều nước đã thành lập hẳn hiệp hội những người đại diện thương mại độc lập, ví dụ Hiệp hội những người đại diện của những nhà sản xuất (The Manufacturers' Agents' Association) được thành lập vào năm 1909 tại Anh và Ireland sáp nhập vào năm 1922, Hiệp hội những người đại diện thương mại độc lập (Manufacturers' Agents National Association -MANA) [17; tr.35, 36]. Trong bối cảnh đó, các vụ kiện cũng như tranh chấp liên quan đến hoạt động đại diện cho thương nhân và hợp đồng đại diện cho thương nhân ở nước ta cũng không có nhiều. Ví dụ, trong Ấn phẩm 50 phán quyết chọn lọc của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, chỉ có Phán quyết số 16 và Phán quyết số 40 có liên quan đến vấn đề đại diện nhưng Phán quyết số 40 lại là tranh chấp giữa hai thương nhân nước ngoài, dùng luật Thụy Sỹ làm căn cứ ra phán quyết. Phán quyết số 16 có một phần tranh chấp liên quan đến chủ thể chính của hợp đồng mua bán giao kết thông qua người đại diện [26].
Theo nội dung vụ việc, nguyên đơn là người bán có quốc tịch Singapore, bị đơn là người mua có quốc tịch Việt Nam. Đối tượng của hai hợp đồng mua bán là bột ngũ cốc và cà phê. Nguyên đơn ủy quyền cho Công ty X là người đại diện ký kết hợp đồng với bị đơn hai hợp đồng mua bán bột ngũ cốc và cà phê Coffeemix.Trên hai hợp đồng này ghi các bên ký kết là nguyên đơn và công ty X và tên bị đơn. Sau khi nguyên đơn chuyển hàng theo hai hợp đồng này kèm hóa đơn vận tải gốc, bị đơn đã không thanh toán theo hai hợp đồng và các bên phát sinh tranh chấp. Nguyên đơn kiện bị đơn ra Trung tâm Trọng tài đòi bị đơn thanh toán theo hợp đồng, tiền lãi và các khoản phí khác. Trong Văn thư phản bác đơn kiện, bị đơn trình bày một nội dung liên quan đến vấn đề người đại diện ký kết hợp đồng và ai là chủ thể của hợp đồng: Bị đơn thừa nhận có ký kết hai hợp đồng nói trên với Công ty X nhưng không ký bất cứ hợp đồng nào với nguyên đơn nên nguyên đơn không có tư cách pháp lý để kiện bị đơn. Ủy ban trọng tài đã bác lý lẽ của bị đơn cho rằng nguyên đơn không có tư cách pháp lý để kiện bị đơn với hai lý do:
(i) Trong cả hai hợp đồng đã ký, tên người mua là bị đơn và tên người bán là nguyên đơn & Công ty X. Như vậy, người bán gồm hai công ty (nguyên đơn và công ty X). Nguyên đơn là một công ty được thành lập hợp pháp theo luật của Singapore. Công ty X là công ty được thành lập hợp pháp theo luật Singapore, có văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh theo giấy phép của Bộ Thương mại Việt Nam. Nguyên đơn đã uỷ quyền cho công ty X (mà cụ thể là cho ông A-Trưởng chi nhánh Văn phòng đại diện của Công ty X tại Thành phố Hồ Chí Minh) ký kết các hợp đồng thương mại với các đối tác Việt Nam. Như vậy, trong cả hai hợp đồng nói trên nguyên đơn là bên bán hợp pháp.
(ii) Trên thực tế, bị đơn đã nhiều lần tiến hành kinh doanh với nguyên đơn
& công ty X. Vì vậy, không có lý do gì để bị đơn từ chối tư cách người bán của nguyên đơn trong hai hợp đồng này.
Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng bình luận rằng: Hiện nay việc ký kết hợp đồng thông qua người/tổ chức đại diện là một hiện tượng khá phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp một bên có thể viện lý do về chủ thể hợp đồng để từ chối tư cách chủ thể khởi kiện của đối tác. Vì vậy với hình thức giao kết này, các bên cần xác định rõ trong hợp đồng các chủ thể chính của hợp đồng và đại diện được uỷ quyền để giao kết hợp đồng. Chỉ các chủ thể của hợp đồng mới có các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng và có quyền khởi kiện hay tham gia tố tụng khi có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó. Người đại diện chỉ là người được ủy quyền giao kết hợp đồng đó theo hợp đồng uỷ quyền.
Qua tranh chấp trên có thể thấy, mặc dù tham gia vào quan hệ đại diện cho thương nhân nhưng các bên vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về tư cách chủ thể của hợp đồng đại diện. Mặc dù tên nguyên đơn đã được ghi rõ trên hợp đồng và thực tế bị đơn đã nhiều lần giao dịch với nguyên đơn và công ty đại diện của nguyên đơn nhưng bị đơn vẫn từ chối tư cách bên bán của nguyên đơn.
Thực trạng im ắng của hoạt động đại diện cho thương nhân nói trên không chỉ xuất phát từ nhận thức hạn chế của một bộ phận doanh nghiệp mà cũng có
nguyên nhân từ thực trạng các quy định pháp luật hiện hành. Luật Thương mại hạn chế phạm vi của hợp đồng đại diện cho thương nhân chỉ được giao kết giữa hai bên chủ thể đều là thương nhân. Do vậy, rất nhiều người chưa phân biệt được đại diện cho thương nhân và hoạt động đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Hiện nay ở nước ta, hình thức đại diện độc lập đã bắt đầu được xác lập như đại diện của các luật sư cho khách hàng trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng, đại diện của các ông chủ, “bầu show” cho ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn... Tuy nhiên, đây không phải là hình thức đại diện cho thương nhân và hợp đồng được ký kết giữa họ không phải là hợp đồng đại diện cho thương nhân. Tương tự như vậy, khái niệm “đại diện” được nhiều doanh nghiệp hiểu chỉ là việc một người trong công ty, doanh nghiệp thay mặt cho công ty, doanh nghiệp đó tiến hành giao dịch với đối tác. Tranh chấp về loại quan hệ này đã xảy ra trong thực tế, chủ yếu là phía công ty, doanh nghiệp từ chối trách nhiệm pháp lý với bên đối tác với lý do người đại diện ký kết hợp đồng không đủ tư cách đại diện. Những tranh chấp này cũng không phải là tranh chấp về hợp đồng đại diện cho thương nhân theo Luật Thương mại.