Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất tại Tòa án

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất từ thực tiễn tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 38 - 42)

Chương 1.KHÁI QUÁT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI TÒA ÁN

1.1. Lý luận chung về giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất

1.2.2. Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất tại Tòa án

Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất được thực hiện theo trình tự quy định của luật tố tụng dân sự, bao gồm các giai đoạn khởi kiện, thụ lý, chuẩn bị xét xử, hòa giải, đưa vụ án ra xét xử, xét xử sơ thẩm, kháng cáo, kháng nghị, xét xử phúc thẩm, giải quyết đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Sơ đồ tóm tắt thẩm quyền của các cấp Tòa án nhân dân hiện nay

Khởi kiện: Người khởi kiện là một trong các bên tham gia hợp đồng hoặc bên thứ ba liên quan tới hợp đồng. Người khởi kiện nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho Tòa án đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo là tài liệu chứng cứ, bao gồm hợp đồng, giấy tờ về đất, các biên bản giao nhận tiền, đất và các chứng cứ khác có giá trị chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện, theo đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét ra quyết định xử lý đơn khởi kiện như: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện biết.

Thụ lý vụ án: Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự. Theo Điều 195, Điều 196, Điều 197 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thụ lý vụ án. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Chuẩn bị xét xử: là quá trình bao gồm nhiều công việc khác nhau như đo đạc, thẩm định, định giá đất tranh chấp, lập hồ sơ vụ án, tiến hành hòa giải vụ án v.v... Căn cứ vào đơn khởi kiện của người khởi kiện, Tòa án xác định các chứng cứ, tài liệu liên quan tới vụ án, yêu cầu các cá nhận cơ quan tổ chức có liên quan cung cấp hoặc tự mình tiến hành thu thập, trong một số trường hợp như đương sự không thể thu thập được và có đơn yêu cầu; tất cả các cách thu thập chứng cứ nêu trên đảm bảo nghĩa vụ chứng minh của đương sự và việc đánh giá khách quan toàn diện khi giải quyết vụ án của Tòa án. Khi chứng cứ tài liệu đầy đủ đã đảm bảo cho việc giải quyết thì Thẩm phán phần công xét xử phải đưa vụ án ra xét xử.

Các giai đoạn tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án được Tòa án thực hiện theo quy định chung như giải quyết một vụ án dân sự thông thường.

Kết luận chương 1

1. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Nhà nước đã mở rộng các quyền cho người sử dụng đất, khiến cho các giao dịch về quyền sử dụng đất diễn ra ngày càng nhiều. Trong chương này, Luận văn đã đề cập khái quát các vấn đề liên quan tới giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất như khái niệm quyền sử dụng đất, hợp đồng về quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất, từ đó đưa ra đặc điểm, nguyên nhân và hậu quả của tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất. Ngoài ra luận văn cũng khái quát các vấn đề như khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa, phân loại và nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất tại Tòa án. Qua đó làm rõ hơn phần nào về hoạt động giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.

2. Pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất tại Tòa án bao gồm pháp luật chuyên ngành, được điều chỉnh trực tiếp bởi những quy phạm pháp luật trong Luật đất đai, Bộ luật tố tụng dân sự và những quy định cụ thể của hệ thống Tòa án. Dựa trên các quy định của pháp luật, Tòa án giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất theo thẩm quyền và trình tự nhất định phù hợp nhằm đưa ra những phán quyết, quyết định chính xác nhất, giải quyết các tranh chấp hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất từ thực tiễn tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)