1.1. LÝ THUYẾT VỀ ĐÀO TẠO
1.1.4 Đào tạo nguồn nhân lực
1.1.4.3 Đào tạo nguồn nhân lực
Vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường lao động là một vấn đề phức tạp bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Hệ thống GD-ĐT với nhiều nhân tố và thành phần như hệ thống chính sách, cơ cấu hệ thống nhà trường, mục tiêu, nội dung đào tạo v.v… Tương tự bản thân thị
trường lao động ở nước ta cũng là một hệ thống bao hàm nhiều cấp độ khác nhau: thị trường lao động toàn quốc hoặc thị trường lao động ở các vùng, khu vực (nông thôn, thành thị) hoặc ở các địa phương, các ngành kinh tế – kỹ thuật. Về trình độ nhân lực có thể có các thị trường lao động chất xám, thị trường lao động có kỹ năng, thị trường lao động phổ thông v.v… Hơn nữa, thị trường lao động nước ta mới hình thành và đang trong quá trình phát triển với nhiều biến động trong thời kỳ chuyển đổi. Nhiều nhân tố thị trường đã xuất hiện như nhân tố cạnh tranh giữa những người tìm việc làm trong các kỳ tuyển dụng lao động của các công ty – xí nghiệp, các cơ quan nhà nước; sự chi phối về mức sống và giá cả sức lao động ở các ngành kinh tế, khu vực địa phương khác nhau… Mặt khác vai trò can thiệp của nhà nước bằng hệ thống chính sách và pháp luật chưa đầu đủ tạo ra những “nhiễu” trong thị trường lao động vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Đặc biệt cho đến nay, chúng ta chưa hình thành một hệ thống thông tin về thị trường lao động một cách đầy đủ và đồng bộ, được cập nhật theo thời gian (năm) làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá các đặc trưng và biến động của thị trường lao động để phục vụ cho công tác kế hoạch hoá đào tạo chung cho toàn hệ thống cũng như từng cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Các khía cạnh thích ứng của hệ thống giáo dục – đào tạo đối với thị trường lao động được đề cập đến ở hai mức cơ bản:
1. Ở mức vĩ mô: nghiên cứu sự thích ứng của GD- ĐT với thị trường lao động ở các khía cạnh hệ thống chính sách và chiến lược phát triển GD-ĐT; cơ cấu hệ thống mạng lưới các trường ĐH, CĐ, THCN, DN; khung pháp lý và các qui định chuẩn về đào tạo, về cơ cấu ngành nghề, chính sách ưu đãi v.v…
2. Ở mức vi mô: Đi sâu vào nghiên cứu sự thích ứng của các loại hình trường (ở một số ngành điển hình) với nhu cầu thị trường lao động thông qua việc phân tích
đánh giá những chuyển đổi về mục tiêu nội dung đào tạo; phương pháp và tổ chức quản lý đào tạo; mối quan hệ giữa nhà trường và cơ sở sản xuất v.v…
Những thay đổi của hệ thống GD- ĐT nói chung và giáo dục ĐH, CĐ, THCN, DN nói riêng ở mức vĩ mô và vi mô đều có tác động qua lại lẫn nhau và được thể hiện khá cụ thể ở tình hình VIỆC LÀM của học sinh tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, THCN, DN ra thị trường lao động. Do đó việc nghiên cứu tình hình việc làm của học sinh tốt nghiệp là một vấn đề quan trọng tạo cơ sở đánh giá mức độ thích ứng của hệ thống GD-ĐT với thị trường lao động vở Việt Nam và làm căn cứ để có những điều chỉnh – bổ sung cần thiết cho các hoạt động đào tạo của nhà trường cũng như toàn hệ thống GD-ĐT nói chung.
Quá trình chuyển đổi hệ thống GD-ĐT thích ứng với nhu cầu phát triển KT-XH và thị trường lao động đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động; tăng cường công tác hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề, phát triển các tổ chức dịch vụ việc làm v.v… trong hệ thống GD-ĐT. Các khía cạnh nói trên cũng là một phần quan trọng của việc nghiên cứu sự thích ứng giữa GD-ĐT với thị trường lao động ở Việt Nam.
Xét về góc độ trực tiếp và gián tiếp thì sự thích ứng hay đáp ứng trực tiếp của GD-ĐT với thị trường lao động kỹ năng và thị trường lao động chất xám được thể hiện qua các tác động cung – cầu lực lượng lao động kỹ thuật qua đào tạo ở các ngành kinh tế – dịch vụ hoặc các khu vực, địa phương theo các chỉ số về lượng (số người được đào tạo, số việc làm được tạo ra) hoặc về chất như trình độ cần được đào tạo và cơ cấu ngành nghề được đào tạo thích hợp với nhu cầu nhân lực kỹ thuật trong thực tế từng thời kỳ. Do đó các kết quả nghiên cứu về lao động, việc làm của đội ngũ lao động kỹ thuật, tình hình sử dụng, tình trạng thất nghiệp của đội ngũ này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tính đáp ứng và mức độ thích ứng của đội ngũ lao động kỹ thuật còn được
thể hiện qua các kết quả nghiên cứu về nhu cầu đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ lao động kỹ thuật hiện nay và trong những năm tới.
Vấn đề thích ứng của GD-ĐT với thị trường lao động ở các mức độ khác nhau có thể được thể hiện qua những đánh giá định tính hoặc định lượng theo các chỉ số cụ thể. Đồng thời tính thích ứng cũng cần hiểu một cách tương đối theo thời kỳ, giai đoạn phát triển khác nhau của đời sống KT-XH.
* Trong thời đại ngày nay, chất lượng cao cùng với cơ cấu hợp lý của nguồn nhân lực (bao gồm cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền, khu vực, địa bàn…) mới là yếu tố cơ bản tạo nên vai trò quyết định của nguồn nhân lực đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng qui mô đào tạo, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo có một cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Chất lượng đào tạo nhân lực thể hiện ở chất lượng sản phẩm của đào tạo, đó chính là chất lượng của đội ngũ nhân lực được qua đào tạo. Việc nâng cao chất lượng đào tạo đang là một yêu cầu bức thiết hiện nay trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Yêu cầu đó ngày càng gay gắt hơn bởi nước ta muốn phát triển, đương nhiên sẽ phải tham gia toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lực lượng lao động có chất lượng thấp là nguyên nhân cực kỳ quan trọng làm hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực phục vụ cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, một trong các mục tiêu chung mà Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010 đã xác định là “Ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học – công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, … “