CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỌC SINH SINH VIÊN TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
1.3. Phát triển hoạt động cho vay đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội
1.3.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động cho vay đối với học
1.3.3.1. Các nhân tố chủ quan
- Nguồn lực tài chính của NHCSXH
Đây là nhân tố quan trọng cần phải đảm bảo để có thể phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV của NHCSXH. Nguồn lực tài chính dùng để tài trợ cho tất cả các hoạt động của NHCSXH, trong đó có cả hoạt động cho vay đối với HSSV. Khi NHCSXH chủ động được nguồn tài chính, có đủ vốn để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV có hoàn cảnh khó khăn thì lúc đó cơ hội tiếp cận đđược nguồn vốn của HSSV mới tăng lên, việc giải ngân mới kịp thời, đảm bảo cho HSSV có tiền để đóng học phí, chi trả các khoản sinh hoạt phí, mua tài liệu học tập; đảm bảo cho việc học tập của HSSV vay vốn.
- Chính sách cho vay đối với HSSV
Chính sách cho vay bao gồm các yếu tố giới hạn cho vay đối với HSSV, kỳ hạn của khoản vay, lãi suất cho vay, các loại cho vay được thực hiện, sự bảo đảm và khả năng thanh toán nợ của khách hàng…Chính sách cho vay có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV. Toàn bộ hoạt động cho vay đối với HSSV diễn ra như thế nào phần lớn tuân theo hướng dẫn của chính sách cho vay đề ra.
Cho nên, chính sách cho vay đối với HSSV cần phải được xây dựng hợp lý, phù hợp
với thực tế, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV cả về quy mô lẫn chất lượng.
- Quy trình cho vay đối với HSSV
Quy trình cho vay, bao gồm những quy định cần thiết thực hiện trong quá trình cho vay đối với HSSV gồm: Nhận hồ sơ xin vay, quyết định cho vay và giải ngân, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, thu hồi nợ vay cả gốc và lãi. Sự phát triển cho vay đối với HSSV có được đảm bảo hay không tùy thuộc khá nhiều vào việc xây dựng tốt quy trình cho vay, việc thực hiện tốt các quy định ở từng bước và sự phối hợp chặt chẽ, khoa học giữa các bước trong quy trình. Nếu quy trình cho vay đơn giản, thuận tiện sẽ tạo điều kiện cho HSSV có thể dễ dàng tiếp cận được vốn vay, tuy nhiên, quy trinhg cho vay HSSV cũng cần có mức độ chặt chẽ để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hạn chế thấp nhất RRTD có thể xảy ra.
- Nguồn nhân lực
Con người là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý kinh doanh của một tổ chức cho vay. Đối tượng khách hàng là HSSV thuộc hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, HSSV mồ côi,...Họ dễ tự ti mặc cảm nên phong cách phục vụ của nhân viên có ảnh hưởng rất lớn đến cảm nhận của khách hàng về tổ chức. Bên cạnh đó, việc đội ngũ cán bộ, nhân viên có phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết với người nghèo, không ngại khó khăn, gắn bó lâu dài với tổ chức là yếu tố then chốt dẫn tới sự phát triển của hoạt động cho vay đối với HSSV.
- Kiểm tra cho vay đối với HSSV
Kiểm tra cho vay đối với HSSV có vai trò quan trọng để đảm bảo hoạt động này không phát sinh những rủi ro, nhằm bảo đảm sự phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV về mặt chất lượng. Bao gồm kiểm tra kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay.
Cụ thể như: (i) Kiểm tra trước khi cho vay: Hoạt động này nhằm đảm bảo hồ sơ vay hợp lệ, hợp pháp, đối tượng khách hàng vay vốn đúng là đối tượng chính sách thỏa mãn các điều kiện vay vốn theo quy định; (ii) Kiểm tra trong khi cho vay: Hoạt động kiểm tra cho vay nhằm xác định đúng số tiền đã giải ngân, đúng đối tượng thụ hưởng;
(iii) Kiểm tra sau khi cho vay: Có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm xác định vốn vay có được sử dụng đúng mục đích xin vay, việc khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả hay không, khả năng hoàn trả gốc, lãi của khách hàng, …
- Kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay đối với HSSV
Đây là công tác mà NHCSXH cần tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm duy trì chất lượng, hiệu quả cho vay của ngân hàng phù hợp với các chính sách, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Để làm tốt công tác này, NHCSXH cần sắp xếp một đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, trung thực làm nhiệm vụ này và có chế độ thưởng, phạt nghiêm minh. Giúp công tác cho vay đối với HSSV mới được thực hiện đúng quy trình, hạn chế rủi ro, góp phần phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV.
- Cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện kĩ thuật phục vụ hoạt động cho vay đối với HSSV
Do số lượng khách hàng HSSV là rất lớn, các món vay nhỏ lẻ, đi giao dịch tại rất nhiều xã xa, có điều kiện kinh tế khó khăn, không có kết nối internet để giao dịch về trung tâm, các giao dịch chủ yếu là giao dịch trực tiếp. Do vậy đòi hỏi NHCSXH phải có phương tiện đi lại phục vụ việc đi giao dịch xã đảm bảo, phải có trang thiết bị, kỹ thuật và nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn, bảo mật cao. Giảm bớt khối lượng công việc cho cán bộ và thời gian chờ đợi của khách hàng khi thực hiện giao dịch. Điều này tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV được tốt hơn.
1.3.3.2. Các nhân tố khách quan
Các nhân tố xuất phát từ HSSV - Nhận thức của HSSV và gia đình
Nhận thức của HSSV và gia đình về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay cũng rất quan trọng, bởi nếu HSSV vẫn coi các khoản vay vốn ưu đãi của Chính phủ là “mặc nhiên được hưởng” thì tất yếu họ không quan tâm đến việc trả nợ và vốn vay sẽ bị thất thoát, sử dụng sai mục đích. Đặc biệt hoạt động cho vay HSSV được thực hiện bằng tín chấp nên rất cần yếu tố nhận thức từ khách hàng. HSSV và gia đình
cần ý thức được dù vay vốn chính sách, nguồn vốn chủ yếu từ NSNN để giải quyết các chính sách xã hội nhưng phải trả để đồng vốn ấy có thể quay vòng giải quyết cho nhiều đối tượng HSSV khác có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn. Do đó, nguồn vốn ngày cần phải được đảm bảo an toàn, khi đã có thu nhập nhờ việc học tập thì phải có ý thức trả nợ làm vốn quay vòng cho những HSSV khác. Có như vậy, việc phát triển cho vay đối với HSSV mới đảm bảo.
- Khả năng tìm việc làm của HSSV sau khi tốt nghiệp
Đối với những HSSV vay vốn từ chương trình cho vay HSSV của NHCSXH thì mục tiêu này được đặt lên hàng đầu, những HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn luôn mong muốn tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, có thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình hoàn trả vốn vay cho NHCSXH. Khả năng tìm việc của HSSV sau khi tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực, trình độ, tay nghề, kỹ năng làm việc của HSSV. Do đó, những HSSV vay vốn muốn có nhiều cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi ra trường thì bản thân họ phải nỗ lực hết mình để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ rèn luyện tay nghề và nâng cao kỹ năng làm việc, nhằm đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng. Khi khả năng tìm việc làm của HSSV có hoàn cảnh khó khăn tăng lên sẽ có tác động tích cực đến chất lượng cho vay HSSV của NHCSXH, vì không có việc làm HSSV sẽ không có nguồn tài chính để trả nợ, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ gia hạn sẽ tăng cao, làm tăng chi phí quản lý và xử lý nợ rủi ro đối với NHCSXH, ảnh hưởng đến sự phát triển cho vay đối với HSSV.
- Thu nhập của HSSV vay vốn sau khi tốt nghiệp
Nguồn tài chính để HSSV có thể sử dụng trả nợ NHCSXH chủ yếu từ thu nhập hàng tháng của HSSV và các khoản thu nhập khác của gia đình. HSSV vay vốn NHCSXH đi học đều thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Khi làm thủ tục vay vốn, các bậc phụ huynh phải trực tiếp ký nhận tiền vay và cam kết trả nợ hoặc phải đứng ra bảo lãnh khả năng trả nợ cho con cái. Do đó, phụ huynh có con em được vay vốn đi học sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc trả nợ gốc và lãi cho NHCSXH. Nếu thu nhập của HSSV và gia đình tăng
lên thì khả năng thu hồi nợ gốc và lãi từ HSSV sẽ tăng, làm giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ gia hạn.... từ đó thúc đẩy sự phát triển về mặt chất lượng của hoạt động cho vay đối với HSSV và ngược lại.
Các nhân tố khác - Môi trường kinh tế
Nền kinh tế phát triển ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH huy động được nhiều vốn chủ động mở rộng cho vay thực hiện chính sách vĩ mô của mình. Hoạt động cho vay nói chung được phát huy tích cực. Trong môi trường kinh tế phát triển ổn định, lạm phát vừa phải, chính sách cho vay của Nhà nước sẽ không còn nhiều biến động, thuận lợi cho cả NHCSXH lẫn khách hàng trong quá trình thực hiện vay và cho vay. Ngược lại, sự biến động mọi mặt của thị trường như biến động của giá cả hàng hóa, điều chỉnh về thị trường chứng khoán, dịch bệnh, thiên tai… và những diễn biến bất thường trên thị trường tài chính tiền tệ thể hiện qua lãi suất, tỷ giá…tất cả đều có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người vay vốn, cụ thể là HSSV.
- Môi trường chính trị, xã hội
Môi trường chính trị luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của toàn xã hội. Môi trường chính trị - xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hoạt động của các tổ chức kinh tế - xã hội trong nền kinh tế, trong đó có NHCSXH. Môi trường chính trị - xã hội ổn định, độ an toàn cao sẽ giúp Nhà nước có điều kiện tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Thói quen, tập quán, trình độ nhận thức và đạo đức của khách hàng cũng tác động không nhỏ tới hoạt động tín dụng của NHCSXH. Khách hàng chông chờ vào những chế độ đãi ngộ của Nhà nước, có thái độ không muốn trả nợ, tác động rất lớn đến khả năng thu hồi vốn của NHCSXH, làm giảm chất lượng cho vay đối với HSSV và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV của NHCSXH.
- Môi trường tự nhiên
Nhóm khách hàng vay vốn chương trình HSSV thuộc nhóm có thu nhập thấp
trong xã hội nên chỉ một biến cố như thiên tai, dịch bệnh, bệnh tật, tai nạn... cũng làm cho họ bị tổn thương nặng nề về kinh tế, có thể dẫn đến kinh tế gia đình bị suy sụp, bần cùng hóa, không thể trả nợ ngân hàng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ, khả năng bảo toàn nguồn vốn của ngân hàng nên cũng ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV.
- Sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể
Với vai trò, nhiệm vụ nhận ủy thác nguồn vốn từ NHCSXH, các tổ chức hội, đoàn thể được uỷ thác nhiều công đoạn quan trọng đối với hoạt động cho vay chính sách như: Thông báo và phổ biến chính sách cho vay ưu đãi, chỉ đạo tổ chức họp bình xét vay vốn; Chỉ đạo, hướng dẫn thành lập, quản lý toàn diện các mặt hoạt động của Tổ TK&VV; Phối hợp với Ban quản lý tổ kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả gốc, lãi theo định kỳ đã thỏa thuận, thông báo kịp thời cho NHCSXH về các trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời;…Qua đó có thể thấy rằng các tổ chức hội, đoàn thể hội đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV của NHCSXH.