CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỌC SINH SINH VIÊN TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH HÀ NỘI
2.2. Thực trạng phát triển hoạt động cho vay đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Nội
2.2.1. Chính sách cho vay đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Nội
Chương trình cho vay đối với HSSC tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Nội nhằm đáp ưng mục tiêu giúp cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, nhiều HSSV có nguy cơ bỏ học được tiếp tục theo học. Theo đó, các chính sách cho vay đối với HSSV được quy định cụ thể như sau:
2.2.1.1. Đối tượng được vay vốn
Để vay vốn từ chương trình, người vay vốn phải thuộc một trong các đối tượng như sau:
HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo qui định tại Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg của TTCP.
Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, học nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp của các Bộ, ngành, tổ chức
chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác theo qui định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của TTCP.
Tuy nhiên, NHCSXH không giải quyết cho vay đối với những HSSV là: (i) Học viên cao học, nghiên cứu sinh; HSSV học văn bằng thứ 2; (ii) Cán bộ công tác tại các ngành ở xã, huyện, tỉnh học tại chức; (iii) HSSV có hoàn cảnh khó khăn bị các cơ quan xử phạt hành chính trở lên về: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp,…; (iv) HSSV đang bị các trường học kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Trong đó, các HSSV có hoàn cảnh khó khăn được quy định như sau: (i) HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; (ii) HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
2.2.1.2. Điều kiện vay vốn
Để được vay vốn, HSSV phải có đủ các điều kiện sau:
- HSSV đang sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn như trên.
- HSSV được vào học và đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể phải có một trong 02 loại giấy tờ sau: Đối với sinh viên năm thứ nhất phải có Giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận của nhà trường theo mẫu quy định; Đối với sinh viên năm thứ 2 trở đi phải có Giấy xác nhận của nhà trường theo mẫu quy định.
- Là HSSV có hoàn cảnh khó khăn được UBND cấp xã nơi hộ gia đình của HSSV sinh sống xác nhận.
2.2.1.3. Mức vốn cho vay
Mức cho vay cụ thể đối với từng HSSV được xác định căn cứ vào khả năng tài chính của NHCSXH và nhu cầu vay vốn của người vay, nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa theo quy định của TTCP công bố từng thời kỳ.
Hiện nay, theo Quyết định 1656/QĐ-TTg của TTCP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2020 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên, mức vốn cho vay tối đa đối với HSSV là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV.
Số tiền xem xét cho vay tối đa đối với mỗi hộ gia đình căn cứ vào số lượng HSSV trong gia đình, mức vốn cho vay tối đa của NHCSXH, số tháng từng sinh viên còn phải theo học tại trường kể từ ngày có nhu cầu vay vốn.
2.2.1.4. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi được thoả thuận.
Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khoá học.
Thời hạn cho vay tối đa được xác định theo công thức sau:
Thời hạn cho vay = thời hạn phát tiền vay + 12 tháng + thời hạn trả nợ.
- Thời hạn phát tiền vay: Là khoảng thời gian tính từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày HSSV kết thúc khoá học, kể cả thời gian HSSV được nhà trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Trong thời gian phát tiền vay, HSSV chưa phải trả nợ gốc và lãi. Lãi tiền vay được tính từ ngày nhận món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc.
- Thời hạn trả nợ: Là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc và lãi. Người vay và ngân hàng thoả thuận thời hạn trả nợ cụ thể nhưng không vượt quá thời hạn trả nợ tối đa được quy định cụ thể là: (i) Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. (ii) Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.
2.2.1.5. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay do TTCP quy định từng thời kỳ. Hiện nay, lãi suất cho vay 0,55%/tháng; Lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
2.2.1.6. Quy trình cho vay
Hiện tại, NHCSXH cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo hai quy trình như sau:
Quy trình cho vay ủy thác: Áp dụng đối với HSSV vay vốn thông qua hộ gia đình. Gồm 8 bước được mô tả thông qua hình như sau:
Hình 2.3: Quy trình cho vay ủy thác
Nguồn: NHCSXH Chi nhánh Hà Nội (2021) Các bước được mô tả tóm tắt như sau:
Bước 1: Khi có nhu cầu vay vốn, người vay viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi cho Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Trên giấy đề nghị vay vốn, người vay phải ghi đúng, đầy đủ, rõ ràng các nội dung theo yêu cầu và có chữ ký của người vay.
Bước 2: Sau khi Tổ TK&VV nhận giấy đề nghị vay vốn của người vay, Tổ TK&VV tổ chức họp để bình xét những hộ đủ điều kiện vay vốn, có sự tham gia chỉ đạo tổ chức Hội và sự giám sát của Trưởng thôn; lập danh sách các hộ gia đình đề nghị vay vốn trình UBND cấp xã xác nhận.
Bước 3: Tổ TK&VV gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn cho cán bộ tín dụng (CBTD) theo dõi địa bàn, gồm: các mẫu hồ sơ theo quy định đã được UBND xác nhận. Trước
khi gửi hồ sơ vay vốn của Tổ cho CBTD theo dõi địa bàn xã, Tổ trưởng phải kiểm soát cẩn thận (đủ các giấy tờ liên quan, không được tẩy, xóa, đủ chữ ký hộ vay, phần xác nhận của UBND xã phải cụ thể, có đủ dấu, chữ ký và gửi bản chính, không được gửi bản photocopy).
Bước 4: CBTD tiếp nhận bộ hồ sơ của Tổ và có nhiệm vụ: (i) Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của bộ hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định phải hướng dẫn lại Tổ để hoàn thiện đầy đủ; (ii) Trình Giám đốc phê duyệt cho vay những hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ. Lưu ý: Thời hạn phê duyệt cho vay không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày NHCSXH nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn theo quy định.
Bước 5: Nhận được thông báo kết quả phê duyệt cho vay của NHCSXH, UBND cấp xã thông báo trực tiếp cho tổ chức Hội cấp xã.
Việc NHCSXH gửi Thông báo đến UBND để họ nắm bắt được nguồn vốn đầu tư cho xã và có kế hoạch chỉ đạo các Ban, ngành liên quan giúp hộ vay sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Đồng thời để bố trí lực lượng bảo vệ phối hợp cùng NHCSXH đảm bảo an toàn cho buổi giải ngân.
Bước 6: Nhận được thông báo kết quả phê duyệt cho vay của NHCSXH từ UBND cấp xã, Tổ chức Hội cấp xã thông báo cho Tổ TK&VV và triển khai các công việc có liên quan, cụ thể: (i) Bố trí cán bộ tổ chức Hội và đôn đốc các Tổ trưởng tham gia chứng kiến giải ngân; (ii) Trường hợp trong xã có nhiều Tổ được giải ngân, tổ chức Hội chủ động phân chia về thời gian cho các Tổ để tổ viên đến lĩnh tiền đúng giờ, tránh lãng phí thời gian
Bước 7: Tổ TK&VV thông báo cho người vay biết số tiền được vay và thời gian, địa điểm NHCSXH giải ngân.
Bước 8: Ngân hàng tiến hành giải ngân trực tiếp cho người vay tại điểm giao dịch xã (phải có chứng kiến của đại diện Tổ TK&VV, đại diện của tổ chức Hội nhận ủy thác).
Quy trình cho vay trực tiếp: Áp dụng đối với HSSV mồ côi cả cha và mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. Gồm 2 bước được mô tả thông qua hình như sau:
Hình 2.4: Quy trình cho vay trực tiếp
Nguồn: NHCSXH Chi nhánh Hà Nội (2021) Bước 1: HSSV viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay kèm hồ sơ liên quan gửi NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở.
Bước 2: Cán bộ NHCSXH được phân công, thực hiện kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ vay vốn. Trường hợp cần thiết có thể kiểm tra, đối chiếu tính chính xác của hồ sơ vay vốn, sau đó trình Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (hoặc Tổ trưởng tổ Kế hoạch nghiệp vụ) và Giám đốc phê duyệt cho vay.
Các trường hợp cho vay trực tiếp, NHCSXH giải ngân trực tiếp cho người vay tại NHCSXH nơi cho vay hoặc tại điểm giao dịch xã.