CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỌC SINH SINH VIÊN TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH HÀ NỘI
2.2. Thực trạng phát triển hoạt động cho vay đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Nội
2.2.3. Đánh giá sự phát triển hoạt động cho vay đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Nội
2.2.3.1. Những kết quả đạt được
Việc phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội trong giai đoạn 2019-2021 đã đạt được một số kết quả nhất định như sau:
Thứ nhất, tỷ lệ HSSV được vay vốn trong tổng số HSSV thuộc diện vay vốn có nhu cầu vay ngày càng cao. Giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ này luôn tăng và ở mức cao, 99,33% năm 2019, 99,36% năm 2019 và đạt 100,00% vào năm 2021. Điều này cho thấy NHCSXH luôn tạo điều kiện một cách tối đa để đáp ứng được nhu cầu vốn của HSSV có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn chính sách.
Thứ hai, nguồn vốn cho vay đã góp phần hỗ trợ về mặt tài chính cho các đối tượng HSSV thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là các HSSV thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn đột xuất về tài chính và Hộ có mức thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Năm 2021, dư nợ cho vay của các nhóm hộ này đều chiếm tỷ trọng rất cao, với hộ nghèo là 23,53%, hộ khó khăn độ xuất về tài chính là 18,60% và hộ có mức thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo lên đến 56,25%.
Thứ ba, NHCSXH Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện tốt và huy động được nguồn lực, thế mạnh của các tổ chức chính trị xã hội, phục vụ cho hoạt động vay ủy thác đối với HSSV. Hiện Chi nhánh thực hiện ủy thác cho 4 tổ chức chính trị xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên). Hiện cho vay qua ủy thác chiếm đến hơn 99% dư nợ cho vay đối với HSSV qua giai đoạn 2019-2021.
Các Tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác đã tích cực thành lập Tổ TK&VV, bình xét công khai hộ đủ điều kiện vay vốn, phối hợp tốt với NHCSXH Chi nhánh Hà Nội, do đó chương trình cho vay đối với HSSV đã nhanh chóng được tuyên truyền rộng khắp đến với mọi người dân, các Tổ TK&VV không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động.
Thứ tư, chương trình cho vay đối với HSSV của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội đã có tác động tích cực, đặc biệt trong việc tạo điều kiện cho HSSV theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo, nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm để tạo thu nhập. Giai đoạn 2019- 2021, tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp luôn đạt trên 60%. Các HSSV có việc làm vừa tạp ra được thu nhập để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cá nhân và gia đình, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả đất nước, cũng như tạo điều kiện để hoàn trả nợ gốc và lãi, giúp NHCSXH Chi nhánh Hà Nội tiếp tục
có nguồn lực triển khai chương trình đến các đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn khác.
2.2.3.2. Những hạn chế
Tuy nhiên, công tác phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội trong giai đoạn 2019-2021 cũng còn một số hạn chế nhất định:
Thứ nhất, số lượng HSSV vay vốn tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội có xu hướng giảm qua các năm. Số lượng HSSV còn dư nợ vay vốn tại Chi nhánh giảm từ 5.215 HSSV năm 2019 xuống còn 3.891 HSSV năm 2021.
Thứ hai, tỷ lệ HSSV vay vốn trong số HSSV thuộc diện vay vốn liên tục giảm qua các năm. Năm 2019, tỷ lệ HSSV vay vốn trong tổng số HSSV thuộc diện đủ điều kiện vay vốn là 95,40%, đến năm 2020 chỉ còn 89,53% và còn 87,85% vào năm 2021.
Sự sụt giảm phần nào cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về chính sách cho vay đối với HSSV chưa được thực hiện tốt. Nhiều HSSV thuộc diện vay vốn nhưng không biết đến chương trình, hoặc không làm hồ sơ vay vốn do chưa nhận thức được lợi ích của chính sách.
Thứ ba, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với HSSV giảm trong giai đoạn 2019-2021.
Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với HSSV trong tổng dư nợ cho vay của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội giảm dần từ mốc 1,70% năm 2019 xuống còn 0,85%
năm 2021. Cho thấy hoạt động cho vay HSSV đang ngày càng giảm dần về quy mô so với các chương trình cho vay khác của Chi nhánh.
Thứ tư, dư nợ cho vay đối với HSSV tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội có xu hướng giảm qua các năm. Dư nợ cho vay đối với HSSV đã giảm từ 125,78 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 115,56 tỷ đồng vào năm 2021. Một số đối tượng có dư nợ cho vay đối với HSSV giảm nhanh chóng trong năm 2021 như lao động nông thôn đi học nghề (giảm 63,34%), bộ đội xuất ngũ (giảm 20,13%).
Thứ năm, vòng quay vốn cho vay đối với HSSV tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội chứng kiến sự sụt giảm trong giai đoạn 2019-2021. Vòng quay vốn cho vay đối với HSSV giảm từ 0,32 vòng năm 2019 xuống còn 0,30 vòng năm 2021. Điều này cho
thấy sự phát triển về mặt chất lượng đối với cho vay HSSV của Chi nhánh đang có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt trong năm 2021.
Thứ sáu, tỷ lệ nợ quá hạn cho vay đối với HSSV của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội có mức tăng trưởng nhanh chóng. Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay đối với HSSV tăng từ 1,12% năm 2019 lên đến 1,36% năm 2021. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nợ quá hạn năm 2021 lên đến 49,54% so với năm 2020. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ quá hạn cho vay đối với HSSV đang cao hơn so với mức tỷ lệ nợ quá hạn chung của Chi nhánh.
Điều này cho thấy, hoạt động cho vay đối với HSSV tại Chi nhánh đang có xu hướng giảm sút về mặt chất lượng.
Thứ bảy, tỷ lệ HSSV có việc làm trong tổng số HSSV đã tốt nghiệp có xu hướng giảm trong giai đoạn 2019-2021. Năm 2019, tỷ lệ này là 71,20%, đến năm 2020 tăng lên thành 74,56%, tuy nhiên, năm 2021, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Coivid-19, tỷ lệ HSSV có việc làm chỉ chiếm 62,28% trong tổng số HSSV tốt nghiệp.
2.2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:
Nguyên nhân chủ quan
- Thứ nhất, NHCSXH Chi nhánh Hà Nội chưa thật sự chủ động được nguồn vốn cho vay.
Hiện tại, quy mô cấp bù từ NSNN không dựa trên cơ sở nhu cầu vay vốn thực tế của đối tượng chính sách mà bị giới hạn bởi quy mô chỉ tiêu NSNN hàng năm đã được xác định trước. Điều này làm cho NHCSXH Chi nhánh Hà Nội, trong trường hợp có khả năng huy động nhiều vốn lại không thể huy động được nhiều hơn nữa do NSNN cấp bù đã hết, làm tổng nguồn vốn của ngân hàng giảm xuống, không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân. Bên cạnh đó, việc huy động, tranh thủ tiền gửi tự nguyện không lấy lãi, nguồn nhân ủy thác của Chi nhánh cũng rất hạn chế.
- Thứ hai, hạn chế về nguồn nhân lực.
Số lượng khách hàng vay vốn tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội tương đối lớn, địa bàn rộng, với rất nhiều chương trình cho vay triển khai, cán bộ ngân hàng với số lượng ít (hiện nay tại mỗi PGD có từ 8 - 10 cán bộ) làm công tác cho vay của cả quận, huyện;
mỗi cán bộ chịu trách nhiệm cho vay trung bình từ 5 đến 7 xã, phường nên công việc nhiều khi quá tải, điều kiện làm việc khó khăn tại các xã với rất nhiều đối tượng khách hàng, đôi khi làm việc quá căng thẳng dẫn tới thái độ phục vụ chưa thật sự tốt, ảnh hưởng đến chất lượng cho vay.
- Thứ ba, hạn chế về cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất của Chi nhánh NHCSXH Chi nhánh Hà Nội chưa thực sự tốt, nhiều Phòng giao dịch chưa có trụ sở phải đi thuê mượn. Công việc vất vả, thu nhập hạn chế, đòi hỏi cán bộ phải có phẩm chất tận tụy và tâm huyết với người nghèo chế độ đãi ngộ chưa thực sự tốt so với các NHTM nên cán bộ chưa thực sự yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành.
- Thứ ba, hạn chế trong công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH.
Trong bất kì lĩnh vực nào, việc cập nhật thông tin luôn là vấn đề quan trọng để một dịch vụ hay sản phẩm nào đó có thể dễ dàng đến được với khách hàng. Tuy nhiên, việc phổ biến thông tin cho HSSV và hộ gia đình vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện tại, việc tuyên truyền trực tiếp cho HSSV và hộ gia đình được NHCSXH quán trị cho các Tổ TK&VV, cũng như phụ thuộc vào sự phối kết hợp của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục và các đơn vị có liên quan khác.
NHCSXH Chi nhánh Hà Nội chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền một cách sâu rộng thông qua các chiến dịch truyền thông được thực hiền bài bản, có tác động đúng đối tượng.
Ở một số nơi công tác thông tin, tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới chỉ tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, chưa quan tâm nhiều đến việc quản lý, sử dụng vốn vay có đúng mục đích không, hiệu quả sử dụng vốn ra sao và đặc biệt là trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn, nên hộ vay còn chưa chấp hành tốt việc trả nợ, nhất là việc trả nợ theo phân kỳ.
- Thứ tư, mức cho vay tối đa cho HSSV vẫn còn hạn chế.
Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học trong và ngoài công lập đang từng bước thực hiện tự chủ về tài chính. Mức học phí của các trường có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trong khi đó, đến năm 2020, TTCP mới ban hành quyết định số 1656/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay tối đa lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Theo Bộ Tài chính, với mức vay 2,5 triệu đồng tháng ở thời điểm năm 2020, đáp ứng 60% chi phí trên nhưng hiện nay chỉ đạt 37% chi phí học tập do lạm phát và do dự kiến tăng học phí thời gian tới. Điều này dẫn tới mức cho vay quá thấp, ko đủ trang trải chi phí học tập, làm giảm đi sức hấp dẫn của chính sách cho vay đối với HSSV của NHCSXH.
- Thứ năm, xuất phát từ đặc thù cho vay đối với HSSV là cho vay không có TSBĐ.
Hiện tại, tất cả các khoản vay đối với HSSV của chương trình đều là vay tín chấp, các hộ vay chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện chính sách, thường rất khó khăn về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, các khoản vay thường mang tính chất dài hạn, khiến cho rủi ro đối với các khoản vay đối với HSSV này là rất cao. Trong trường hợp có rủi ro, khả năng thu hồi nợ của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội là rất thấp. Vì vậy việc thu hồi vốn để tiếp tục cho vay rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến tổng nguồn vốn, nguy cơ nợ quá hạn tăng.
Nguyên nhân khách quan
- Thứ nhất, ban Đại diện HĐQT NHCSXH, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và các Tổ TK&VV còn nhiều hạn chế trong hoạt động.
Thành viên BĐD HĐQT NHCSXH là trưởng một số ban ngành khác, hoạt động trên lĩnh vực chuyên môn riêng, lại thường xuyên có thay đổi qua các kỳ bầu cử, công tác ngân hàng chỉ là kiêm nhiệm nên chưa nắm bắt được hết nhiệm vụ, trách nhiệm của mình với ngân hàng, do vậy vẫn còn tình trạng một số địa phương sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội còn hạn chế.
Một số tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đối với NHCSXH Chi nhánh Hà Nội chưa làm hết trách nhiệm, việc xét duyệt cho vay các tổ chức chính trị xã hội chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT, tổ chức chính trị nhận làm dịch vụ ủy thác các cấp còn hạn chế, nên không phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình vay vốn như: sử dụng sai mục đích, chây ỳ, vay ké, xâm tiêu vốn tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến hiệu quả sửdụng vốn, dẫn đến chất lượng tín dụng chưa cao.
Tổ TK&VV được coi như cánh tay nối dài của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội.
Ban quản lý tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm thực hiện các hoạt động như:
hướng dẫn hộ vay điền mẫu xin vay vốn, tổ chức bình xét công khai để chọn hộ đủ điều kiện vay vốn, đôn đốc tổ viên sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả lãi và nợ gốc đúng hạn và thu tiền lãi của tổ viên để nộp cho NHCSXH Chi nhánh Hà Nội tại điểm giao dịch. Vì vậy, năng lực và tinh thần trách nhiệm của Ban quản lý tổ TK&VV là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng và thu hồi vốn vay của Chương trình. Chất lượng hoạt động Tổ TK&VV ở một số nơi còn nhiều hạn chế như: trình độ, nhận thức, trách nhiệm của nhiều Tổ trưởng yếu kém, chưa đủ đủ khả năng để làm cầu nối giữa NHCSXH và người vay; Tổ trưởng còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa tổ chức sinh hoạt Tổ, chưa tích cực đôn đốc hộ trả nợ và thu lãi.
- Thứ hai, sự thiếu định hướng đúng đắn từ các hộ gia đình và HSSV.
Nhiều hộ gia đình và HSSV có hoàn cảnh khó khăn thường định hướng cho con, em sau khi học hết cấp 3 sẽ đi lao động tại công ty, hoặc làm lao động tự do để có ngay thu nhập, mà không định hướng để học nghề, hoặc học các cấp cao hơn như trung cấp, cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn (doanh nghiệp may mặc, gia dày, gia công nguyên liệu), thường đưa ra các chương trình thu hút tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, người lao động chỉ cần có bằng cấp 3, vừa làm vừa được đào tạo nghề tỏng doanh nghiệp. Điều này dẫn đến số lượng HSSV có đủ điều kiện để vay vốn nhưng không vay vốn chính sách ngày càng nhiều, dẫn đến quy mô cho vay đối với HSSV bị giảm sút.
- Thứ ba, hạn chế nhận thức của hộ gia đình và HSSV trong việc tiếp nhận vốn vay và trả nợ.
Thực tế cho thấy, một số hộ vay vốn (nhất là các hộ nghèo) có HSSV vay vốn có tư tưởng cho rằng đây là nguồn vốn của Nhà nước giúp người nghèo nên chưa nhận thức rõ trách nhiệm phải hoàn trả vốn vay. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình có mức độ hiểu biết về hồ sơ thủ tục ngân hàng thấp, thường nhờ Tổ trưởng Tổ TK&VV điền vào đơn Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay dẫn đến các hộ vay không nhớ rõ số tiền vay và thời điểm trả nợ nên bị động, lúng túng khi đến hạn trả. Bên cạnh đó, một số hộ vay chưa nghiêm túc thực hiện việc trả nợ đến hạn, đặc biệt là nợ đến hạn theo phân kỳ, mặc dù hộ vay đó có HSSV đã ra trường, có việc làm ổn định và có thu nhập.
Một số trường hợp, HSSV đã ra trường tìm được việc làm, hoặc đã có việc làm nhưng thu nhập thấp. Nhiều hộ gia đình kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thu nhập của HSSV sau khi ra trường chưa ổn định. Một số hộ có nhiều con đang theo học, đến hạn trả nợ theo phân kỳ, kỳ cuối rất khó khăn.
- Thứ tư, do tác động của trường hợp bất khả kháng.
Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để giãn cách xã hội. Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh mất việc làm, mất sinh kế do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đối tượng HSSV mới ra trường chưa thể xin được việc làm ngay, dẫn đến mất khả năng trả các khoản nợ gốc và lãi đến hạn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, luận văn đã tiến hành phân tích thực trạng phát triển hoạt động cho vay đối với HSSV tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội dựa trên hệ thống các chỉ tiêu đánh giá tại chương 1. Dựa trên số liệu thứ cấp thu thập được trong giai đoạn 2019- 2021, luận văn đã làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động phát triển cho vay đối với HSSV của NHCSXH Chi nhánh Hà Nội. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để luận văn tiến hành đề xuất giải pháp trong chương 3 nhằm phát triển hơn nữa hoạt động cho vay đối với HSSV tại NHCSXH Chi nhánh Hà Nội trong thời gian tới.