CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LUẬN LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO
1.3. PHÁT TRIỂN CHO VAY DOANH NGHIỆP FDI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.3.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI tại Ngân hàng thương mại
1.3.1.1. Các nhân tố thuộc về ngân hàng thương mại - Chính sách phát triển sản phẩm của ngân hàng
Thực tế cho thấy, sự phát triển của hoạt động cho vay doanh nghiệp FDI ở NHTM chủ yếu là do chính sách phát triển sản phẩm của ngân hàng quyết định.
Nếu ngân hàng không có một định hướng cũng như chính sách về phát triển cho vay doanh nghiệp FDI thì cũng có nghĩa là không có một động lực nào từ phía ngân hàng dành cho sự phát triển của hoạt động này, đồng thời cũng không nuôi dưỡng được mối quan hệ lâu dài với bên đi vay để phục vụ các nhu cầu về tài chính của khách hàng. Nếu một ngân hàng chú trọng vào công tác phát triển cho vay doanh nghiệp FDI, ngân hàng sẽ đưa ra các sản phẩm dịch vụ phục vụ riêng cho phân khúc khách hàng FDI, đào tạo nhân sự, xây dựng hình ảnh ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại…
- Chính sách cho vay doanh nghiệp FDI của ngân hàng
Chính sách cho vay doanh nghiệp FDI là một hệ thống biện pháp có liên quan đến việc phát triển cho vay hoặc hạn chế cho vay để đạt được mục tiêu đã hoạch định của NHTM đó. Do đó, việc hoạch định chính sách cho vay doanh nghiệp FDI có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của mỗi ngân hàng. Một chính sách cho vay doanh nghiệp FDI đúng đắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng FDI, đảm bảo khả năng sinh lời của hoạt động cho vay dựa trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ luật pháp và đường lối của ngân hàng Nhà nước. Bất kỳ một ngân hàng nào muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của mình thì phải có chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của ngân hàng.
- Nguồn vốn của ngân hàng
Quy mô vốn của ngân hàng quyết định mở rộng cho vay, chỉ khi có nguồn vốn mới có thể phát triển được cho vay doanh nghiệp FDI. Vốn tự có của NHTM càng cao chứng tỏ ngân hàng đó càng mạnh. Để quản lý quy mô hoạt động thì các NHTM chỉ được phép huy động một lượng vốn bằng một tỷ lệ nhất định so với vốn tự có. Vì vậy mà nếu NHTM có số lượng vốn tự có lớn thì có thể huy động vốn với quy mô lớn. Mặt khác để quản trị rủi ro NHNN đưa ra các giới hạn như giới hạn cho vay đối với một khách hàng, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, tỷ lệ dùng vốn tự có để mua sắm tài sản cố định. Những nhân tố đó trực tiếp hay gián tiếp tác động đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI của các NHTM.
- Chất lượng nhân lực của ngân hàng
Quy mô và chất lượng cán bộ nhân viên của ngân hàng cũng có tác động đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI. Muốn phát triển cho vay doanh nghiệp FDI phải có nguồn nhân lực tương ứng. Nguồn nhân lực không những có đủ về số lượng mà còn phải đáp ứng về chất lượng. Nếu chất lượng cán bộ tín dụng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng cho vay từ đó mà tác động đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI. Không chỉ nguồn nhân lực trực tiếp mà số lượng cũng như chất lượng hệ thống kiểm soát tín dụng cũng cần phải được bố trí tương ứng để đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng.
- Mạng lưới hoạt động của ngân hàng
Mạng lưới hoạt động rộng là nhân tố tác động tích cực đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI. Mạng lưới rộng sẽ tạo điều kiện mở rộng nguồn huy động vốn, từ đó mà tác động đến cho vay.s Mạng lưới rộng sẽ tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch với ngân hàng được thuận lợi hơn từ đó mà phát triển cho vay nói chung và cho vay doanh nghiệp FDI nói riêng. Mặt khác, mạng lưới hoạt động rộng còn giúp các ngân hàng mở rộng các hoạt động dịch vụ từ đó mà gián tiếp thúc đẩy phát triển cho vay doanh nghiệp FDI.
- Công nghệ của ngân hàng
Các NHTM rất quan tâm đến công nghệ, họ thường đi đầu trong ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ tin học. Khi phát triển cho vay số lượng các giao dịch tăng lên, giá trị các giao dịch tăng lên đòi hỏi phải cải tiến công nghệ quản lý.
Ngược lại khi công nghệ quản lý hiện đại sẽ tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm lại từ đó có tác động trở lại với mở rộng cho vay.
- Công tác kiểm tra, kiểm soát
Công tác kiểm tra, kiểm soát đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro cho các khoản vay. Việc kiểm soát tốt và theo dõi sát sao khách hàng là việc làm cần thiết trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro của ngân hàng. Với những khoản vay được kiểm tra thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, không hiệu quả của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, giảm nguy cơ mất vốn của ngân hàng.
1.3.1.2. Các nhân tố bên ngoài ngân hàng thương mại"
- Các nhân tố thuộc về doanh nghiệp FDI
+ Nhu cầu vay vốn của khách hàng: Nhu cầu vay vốn của khách hàng ảnh hưởng đến giá trị của món vay, từ đó tác động làm tăng hoặc giảm dư nợ cho vay của ngân hàng.
+ Năng lực quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh và năng lực tài chính của khách hàng: Các tiêu chí này phản ánh tiềm lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng trả nợ ngân hàng. Năng lực sản xuất kinh doanh và năng lực tài chính của doanh nghiệp càng cao càng giúp cho ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng và ngược lại.
+ Tài sản bảo đảm: Tài sản đảm bảo càng có tính lỏng cao, ít biến động về giá trị, chu kỳ sống dài và có giá trị càng lớn so với khoản vay thì càng tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng tín dụng.
+ Đạo đức và uy tín của khách hàng: Đây là nhân tố có ý nghĩa to lớn và quan trọng trong quá trình xem xét thẩm định khoản vay. Một khách hàng có tiềm lực tài chính có phương án khả thi, tuy nhiên đạo đức và uy tín không đảm bảo như đã từng có nợ quá hạn, đạo đức nghề nghiệp thấp, kinh doanh có nhiều tai tiếng thì ngân hàng từ chối cấp tín dụng cho khách hàng.
- Các nhân tố thuộc về môi trường + Môi trường chính trị, xã hội:
Sự ổn định về chính trị - xã hội sẽ thu hút đầu tư, các doanh nghiệp FDI có thể yên tâm đưa ra các quyết định đầu tư vào nước ta. Chính vì thể mà nhu cầu vốn để đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất gia tăng. Ngược lại nếu môi trường chính trị, xã hội không ổn định sẽ làm các nhà đầu FDI tư rút vốn đầu tư dẫn đến nhu cầu vốn sẽ giảm theo.
Giữa ổn định chính trị và ổn định và phát triển kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, chính trị và an ninh quốc gia được giữ vững sẽ là nhân tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, các doanh nghiệp FBI đầu tư nhiều vào Việt Nam, từ đó mà tạo điều kiện phát triển cho vay doanh nghiệp FDI.
Không chỉ có chính trị trong nước mà tình hình chính trị quốc tế cũng tác động đến phát triển cho vay. Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu, các nền kinh tế của các quốc gia hiện nay đều phát triển theo xu hướng phát triển nền kinh tế mở để tranh thủ cơ hội phát triển kinh tế. Nền kinh tế mở chịu ảnh hưởng rất lớn của nền kinh tế thế giới. Các biến động thị trường thế giới luôn tác động đến nền kinh tế trong nước, qua đó giúp tác động đến giá cả và sản xuất, và từ sản xuất sẽ tác động đến mở rộng cho vay của ngân hàng. Chính vì thể khi nền kinh tế thế giới phát triển ổn định sẽ thúc đẩy phát triển cho vay doanh nghiệp FDI.
+ Môi trường kinh tế vĩ mô:
Môi trường kinh tế vĩ mô cũng có ảnh hưởng đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI. Xét cho đến cùng thì cái gốc để phát triển cho vay an toàn và hiệu quả vẫn là phát triển kinh tế, khi kinh tế phát triển nó là nhân tố thúc đẩy phát triển cho vay doanh nghiệp FDI và ngược lại, khi kinh tế suy thoái sẽ tác động tiêu cực đến phát triển cho vay doanh nghiệp FDI. Đến lượt kinh tế phát triển cũng chịu tác động của hàng loạt các nhân tố khác mà các nhân tố đó không còn chỉ đơn thuần là kinh tế nữa như các vấn đề về xã hội, an ninh, quốc phòng….
+ Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN: khi NHNN thực hiện CSTT thắt chặt làm lãi suất cho vay ngắn hạn tăng sẽ tác động đến các quyết định chi tiêu và đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, hạn chế NHTM cho vay. Ngược lại, khi NHNN thực hiện CSTT nới lỏng sẽ khuyến khích các NHTM phát triển cho vay.
+ Môi trường pháp lý
Hệ thống pháp luật, nhất là những bộ luật có liên quan đến hoạt động ngân hàng và hoạt động cho vay của ngân hàng có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển cho vay của doanh nghiệp FDI NHTM. Hệ thống pháp luật đầy đủ, nghiêm minh, ổn định là hành lang an toàn cho các NHTM phát triển cho vay doanh nghiệp FDI, ngược lại hệ thống pháp luật không đầy đủ, thiếu nghiêm minh tác động tiêu cực tới phát triển cho vay doanh nghiệp FDI của các ngân hàng. Khi hệ thống pháp luật không đầy đủ sẽ không có cơ sở để xử lý vi phạm trong mối qua hệ với ngân hàng.
Chấp hành pháp luật không nghiêm tạo kẽ hở để những doanh nghiệp FDI lừa đảo
sử dụng sai mục đích vốn vay của ngân hàng."
+ Môi trường tự nhiên
Các yếu tố tự nhiên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển cho vay doanh nghiệp DFI. Đây là nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,… Khi xảy ra thường gây hậu quả lớn tác động lớn đối với cả ngân hàng và khách hàng. Ngân hàng khó có khả năng thu hồi được vốn, khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, khách hàng không có khả năng trả nợ… điều đó sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển cho vay doanh nghiệp FDI.