CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC HÀ NỘI
2.3. Đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội
2.3.2 Những hạn chế và nguyên nhân
- Các đơn vị gửi hồ sơ thông qua chương trình DVCTT nên đôi khi do lỗi đường truyền mạng internet nên hồ sơ gửi qua KBNN Hà Nội chậm, KBNN không tiếp nhận được hồ sơ, chứng từ nhất là trong thời điểm cuối năm ngân sách khối lượng chứng từ lớn.
- Một số trường hợp, chủ tài khoản tin tưởng KTT đơn vị nên giao chứng thư số cho KTT tự phê duyệt chứng từ. Từ sự lỏng lẻo, chủ quan, tin tưởng quá mức của chủ tài khoản dễ dẫn đến tình trạng thất thoát trong việc quản lý tài chính tại đơn vị mà cán bộ kho bạc Hà Nội không thể phát hiện được.
- Toàn bộ chứng từ được gửi bằng file điện tử nên khó khăn cho cán bộ kho bạc Hà Nội trong việc kiểm soát chứng từ trên chương trình máy tính. Do vậy, chuyên viên tiếp nhận lại phải in hồ sơ để đọc, việc tiết kiệm chi phí đơn vị này lại chuyển sang tăng chi phí của đơn vị khác lên nhiều lần…
- Toàn bộ chứng từ được gửi bằng file điện tử nhưng do cơ sở hạ tầng, đường truyền mạng chưa thật sự ổn định nên có một số trường hợp vì đường truyền lỗi nên đơn vị gửi một chứng từ hai lần và cán bộ KBNN đã không phát hiện được và đã thực hiện chuyển tiền hai lần cho cùng một chứng từ kế toán. Điều này có nguy cơ gây thất thoát NSNN vì nếu trường hợp ĐVSDNS không trung thực, không thu tiền nộp lại NSNN mà sẽ lợi dụng kẽ hở này cấu kết với người bán hàng để trục lợi.
- Vì dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên mạng internet nên đây là nguy cơ dẫn đến mất an toàn thông tin, nguy cơ bị tin tặc tấn công làm phá hủy dữ liệu hoặc đánh cắp dữ liệu
- Tiện ích tra cứu trên dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự hiệu quả chưa đáp ứng được nhu cầu của ĐVQHNS cũng như chuyên viên KB trong việc theo dõi tình trạng hồ sơ.
- Một số trường hợp thiếu hồ sơ, chứng từ dịch vụ công trực tuyến nhưng cán bộ kiểm soát chi thường xuyên vẫn xử lý cho đơn vị.
- Vẫn xuất hiện những dịch vụ vụ công trực tuyến bị xử lý quá thời hạn quy định.
- Mặc dù KBNN Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình, quy trình, thủ tục theo hướng cải cách hành chính do KBNN đề xuất nhưng chuyên viên kho bạc vẫn phải sử dụng nhiều ứng dụng một lúc để truy vấn, xử lý một nghiệp vụ.
2.3.3.2 Nguyên nhân
- Ý thức chấp hành ngân sách của đơn vị chưa thực sự tốt
Ý thức chấp hành luật pháp còn hạn chế, các chế tài kỷ luật trong lĩnh vực tài chính còn chưa nghiêm thì tình trạng đơn vị sử dụng NSNN thực hiện chi tiêu vượt ra ngoài khuôn khổ của chế độ, tiêu chuẩn, định mức cho phép trên thực tế là không ít; tuy nhiên việc hợp thức hoá, hợp pháp hoá các khoản chi này lại được thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi khác rất khó cho cơ quan KBNN kiểm tra phát hiện.
Mặt khác, năng lực của cán bộ làm công tác quản lý tài chính ở mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị cũng có sự khác biệt cả về trình độ nhận thức và khả năng chuyên môn nên sự hợp tác giữa KBNN và ĐVSDNS có lúc gặp những hạn chế, khó khăn nhất định. Cơ chế thực hiện công khai, dân chủ tại các đơn vị sử dụng NSNN đã có nhưng việc thực thi lại chỉ ở mức độ nhất định, chưa có chế tài đủ mạnh bắt buộc thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN phải công khai, minh bạch chi tiêu ngân sách tại đơn vị, đây cũng là một trong những nguyên nhân và khó khăn cho khâu kiểm soát của KBNN và hiệu quả của sử dụng NSNN.
- Một số cán bộ công chức không tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ, khi Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới thì không thực hiện ngay mà vẫn giải quyết công việc dựa trên chế độ chính sách cũ hoặc là theo thói quen, cảm tính nên chất lượng chưa cao.
- Sự kiểm soát các dịch vụ công trực tuyến chưa được chặt chẽ: Thời gian giải quyết công việc chỉ tối đa 01 ngày làm việc nhưng không chủ động được điều tiết lượng khách hàng đến giao dịch dẫn đến việc xử lý đôi khi còn chưa được chặt chẽ để kịp thời gian. Luật NSNN quy định tất cả các thủ tục đều phải được KBNN kiểm tra, kiểm soát trước khi xử lý, thanh toán, cấp phát và để thực hiện quy định này,
KBNN Hà Nội thực hiện kiểm soát trên từng hồ sơ, tài liệu chứng từ của ĐVSDNS mỗi khi thanh toán qua KBNN, các hồ sơ, chứng từ phải đảm bảo có dự toán được duyệt, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức.
- Quá trình thực hiện các quy trình, thủ tục đã bộc lộ những khó khăn, bất cập do nguồn lực còn hạn chế. Theo quy trình kiểm soát một đầu mối,chuyên viên kho bạc vừa phải đảm đương chức năng kế toán, thanh toán NSNN vừa kiểm soát hồ sơ dịch vụ công nên nhiệm vụ nặng nề, chồng chéo cùng áp lực xử lý hồ sơ chứng đúng thời hạn từ nên vẫn còn mắc phải các sai sót trong quy trình.
Trong điều kiện hiện nay với số lượng biên chế có hạn, thì việc bố trí cán bộ cho bộ phận giao nhận hồ sơ và trả kết quả theo hướng tách người giao dịch trực tiếp với khách hàng là không thể thực hiện được. Đặc biệt vào các thời điểm cuối năm ngân sách, khóa sổ niên độ kế hoạch năm, lượng khách hàng rất đông, KBNN luôn luôn trong tình trạng quá tải dù là theo mô hình cán bộ thanh toán giao dịch trực tiếp với khách hàng.
- Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc nhất là trong điều kiện áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong nghiệp vụ kho bạc: việc đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt đông quản lý thu, chi NSNN qua KBNN Hà Nội chủ yếu do KBNN cấp (theo phân cấp của KBNN) nên chất lượng máy chủ, thiết bị mạng và truyền thông, thiết bị nguồn đảm bảo các yêu cầu về tính năng, năng lực hệ thống tại KBNN Hà Nội chậm được đổi mới, nâng cấp phù hợp với yêu cầu của hoạt động quản lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dịch vụ công trực tuyến chưa theo kịp yêu cầu của Luật NSNN, vì vậy chưa đáp ứng được việc cung cấp thông tin nhanh, đầy đủ, chính xác về tình hình NSNN cho lãnh đạo chính quyền các cấp và cơ quan tài chính trong việc điều hành ngân sách.
Tóm lại, dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Hà Nội trong thời gian qua gia tăng cả về mặt chất lượng và số lượng góp phần đạt mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả và vai trò của dịch vụ công trực tuyến. Để hướng tới một nền tài chính lành mạnh, một
chính phủ điện tử vững chắc, thì vấn đề đặt ra là phải tìm được những giải pháp hữu hiệu, nhằm phát triển dịch vụ công trực tuyến tại KBNN nói chun và KBNN Hà Nội nói riêng trong thời gian tới.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong giai đoạn 2018 - 2020, dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH của thành phố Hà Nội, các mức độ dịch vụ công trực tuyến cũng dần được đẩy lên mức cao hơn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập. Thực trạng phát triển dịch vụ công trực tuyến được phân tích, chứng minh bằng các số liệu cụ thể từ đó đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu. Những đánh giá chủ yếu đã được rút ra theo các góc độ sau:
Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với Luật Ngân sách, đúng mục đích và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế và bất cập nhất định, làm giảm hiệu quả trong công tác dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Hà Nội.
Từ thực trạng đó, luận văn đã khái quát rút ra những kết quả, ưu điểm cũng như những mặt còn hạn chế, yếu kém, bất cập, chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, bất cập đó. Đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng để luận văn đề xuất giải pháp khắc phục, nhằm phát triển dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Hà Nội trong thời gian tới.
Những nghiên cứu thực tiễn dịch vụ công trực tuyến NSNN trên địa bàn Hà Nội được thực hiện ở chương 2 là một trong những cơ sở thực tiễn tạo điều kiện tốt cho những nghiên cứu và đề xuất giải pháp ở chương 3.