CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH BCTC CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM VÀ THƯƠNG MẠI ĐÔNG DƯƠNG
2.3. Đánh giá tình hình tài chính của Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thương mại Đông Dương
Sau đây là những điểm cơ bản rút ra khi thực hiện phân tích từ BCTC của Đông Dương.
2.3.1. Những kết quả đạt được
Đầu tiên phải nói đến bối cảnh thời điểm phân tích: Giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn đối mặt với nhiều thử thách đối với các DN nhỏ trên thị trường, công ty Cổ phần Dược phẩm và Thương mại Đông Dương đã không ngừng cố gắng thay đổi, phát triển các chiến lược SXKD để duy trì Lợi nhuận và vị trí của bản thân trên thị trường. Thành tích đó là Đông Dương đã duy trì được Lợi nhuận dương trong cả giai đoạn, năm 2021 LN có giảm nhưng đã nhanh chóng phục hồi một năm sau đó.
Thứ hai, cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Đông Dương vẫn đảm bảo tốt để duy trì hoạt động SXKD, việc TSNH đều có xu hướng tăng dần, thậm trí tăng hơn 40,45% vào năm 2022 thể hiện nhu cầu vốn ngắn hạn của DN lớn.
VCSH cũng được Đông Dương duy trì và tăng trưởng đều đặn, điều này chứng tỏ Đông Dương kinh doanh không để bị thua lỗ kéo dài nhiều năm.
Thứ ba, về doanh thu và chi phí: Sau khi nỗ lực phục hồi hiệu quả SXKD, năm 2022 DT đã phục hồi và tăng trưởng rõ rệt, các loại chi phí tài chính cũng được DN hạn chế và giảm bớt để tránh ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ.
Thứ tư về các chỉ tiêu tài chính: VQ HTK đã cải thiện tích cực vào năm 2022, DN không còn bị tồn đọng nhiều HTK, thời gian luân chuyển một vòng HTK cũng được rút ngắn, khả năng kinh doanh của DN tốt lên đáng kể. Đông Dương cũng duy trì HSSD TSCĐ cao và tăng trưởng vượt mức trong năm 2022, dù công ty không có đầu tư thêm nhiều vào TSCĐ, khẳng định rằng bộ máy công ty đã thực hiện rất hiệu quả về quản lý TSCĐ. KNTT nhanh của Đông Dương cũng duy trì tốt ở mức độ an toàn với tiêu chuẩn đánh giá và so với ngành. Đặc biệt KNTT lãi tiền vay của DN rất tốt, dù có pha giảm nhưng đã nhanh lấy lại được và tăng vượt trội so với trung bình ngành, tạo uy tín rất tốt đối với các nhà đầu tư và tổ chức tài chính.
Cuối cùng, Đông Dương đã chứng tỏ sự quyết tâm và năng động trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tổng kết lại, trong giai đoạn 2020-2022, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thương mại Đông Dương đã có những thành tựu đáng kể trong việc duy trì LN, quản lý TS và NV, cải thiện chỉ số tài chính và nỗ lực phát triển sản phẩm.
Các thành công này phản ánh sự quản lý tài chính hiệu quả và chiến lược kinh doanh đúng đắn của công ty trong một giai đoạn khó khăn trên thị trường 2.3.2. Những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đáng kể, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thương mại Đông Dương còn gặp rất nhiều hạn chế trong công tác quản lý và SXKD như:
- Quy trình quản lý các loại chi phí của Đông Dương còn chưa hiệu quả, khoản mục GVHB của công ty quá cao so với DT đạt được, hiện chưa thấy Đông
Dương khắc phục được hạn chế này. Với cơ cấu bộ máy thích hợp với quy mô DN vừa và nhỏ nhưng Đông Dương vẫn duy trì mức Chi phí quản lý kinh doanh cao so với số lượng nhân sự trong công ty.
- Hàng tồn kho: VQ HTK của Đông Dương còn thấp, lượng hàng còn ứ đọng nhiều, tốc độ luân chuyển vốn ở khâu sản xuất còn kém hiệu quả dẫn tới hiệu suất sử dụng vốn giảm.
- Khoản phải thu: Nhìn qua phân tích thì có thể thấy Đông Dương đanh thực hiện chính sách nới lỏng tín dụng không hiệu quả, hậu quả là công ty bị chiếm dụng vốn rất nhiều từ bên thứ 3.
- Hiệu suất sử dụng TTS: AU của Đông Dương duy trì ở mức thấp, có xu hướng giảm, đây là dấu hiệu không tốt với DN
- Khả năng thanh toán: Khả năng thanh toán ngắn hạn của Đông Dương thấp hơn so với tiêu chuẩn chung, đặc biệt là KNTT tức thời của DN quá thấp, nguy cơ gặp rủi ro thanh khoản cao hơn so với trung bình ngành.
- Cơ cấu tài chính: Hiện tại Đông Dương đang duy trì cơ cấu nợ so với VCSH cao, khả năng tự chủ của DN thấp, mức độ phụ thuộc vào chủ nợ cao.
- Khả năng sinh lời: Các chỉ tiêu sinh lời còn thấp, chưa thực sự hiệu quả, ROS và ROA chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, mặc dù có sự tăng trưởng nhẹ trong ROE nhưng vẫn chưa giúp Đông Dương bứt phá hơn về LNST. Các chỉ tiêu sinh lời của Đông Dương so với trung bình ngành còn thấp, DN cần có biện pháp cải thiện hiệu quả dòng LN trong tương lai.
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế - Tác động từ bên ngoài:
Một tác động rất lớn tới tình hình tài chính của Đông Dương đó là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, giai đoạn thử thách sức mạnh của các công ty nhỏ trong ngành Dược phẩm và y tế. Bởi:
+ Phía nhà cung cấp: Dịch bệnh gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng của DN, từ SX đến vận chuyển và phân phối, gây ra thiếu hụt nguyên liệu, trang
thiết bị vật tư. Các nhà cung cấp cũng phải đảm bảo quy định khắt khe về vệ sinh an toàn phòng chống dịch bệnh.
+ Phía khách hàng: Nhu cầu của KH bị thay đổi, giảm bớt các nhu cầu về các mặt hàng chủ lực, tăng nhu cầu về các sản phẩm khẩu trang và thực phẩm chức năng. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm bất ngờ khiến Đông Dương chưa kịp thích ứng và tồn hàng nhiều .
+ Về đối thủ cạnh tranh: Đông Dương phải cạnh tranh cao với các DN lớn hơn về cả quy mô và danh tiếng có ưu thế thích ứng tốt hơn, nên việc DN bị giảm DT trong giai đoạn dịch là điều khó tránh khỏi.
+ Chi phí gia tăng: Dịch bệnh gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng giá cả các nguyên vật liệu, gây ra tăng chi phí sản xuất và vận chuyển, khó khăn lớn cho các DN vừa và nhỏ.
+ Chính sách của nhà nước: Pháp luật điều chỉnh để thích ứng với tình hình khó khăn và nhu cầu của người dân, nên các quy định về an toàn và di chuyển nghiêm ngặt gây ra bất lợi nhiều cho Đông Dương.
- Tác động từ bên trong:
+ Khả năng thích ứng: Các DN vừa và nhỏ như Đông Dương thường có quy mô nhỏ hơn và tài nguyên hạn chế, nên khả năng thích ứng sẽ không tốt bằng các DN lớn khi có sự thay đổi môi trường kinh doanh. Điều này giảm khả năng cạnh tranh của Đông Dương trên thị trường, gây ra giảm lợi nhuận.
+ Nguồn lực: Dịch bệnh gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực do các chính sách cách ly, phong tỏa, gây ra hạn chế trong duy trì SXKD và quy trình cung ứng sản phẩm, chăm sóc khách hàng của Đông Dương.
+ Quản lý: Công tác quản lý các loại chi phí của Đông Dương chưa thực sự hiệu quả, do phương thức kinh doanh nhập hàng tồn dự trữ và cung cấp cho các đối tác đầu ra không đạt được như kỳ vọng trong giai đoạn dịch bệnh, GVHB cond quá cao, công tác quản lý kinh doanh chưa tốt nên CP QLKD cao, Đông Dương cũng đã vay nợ nhiều hơn để duy trì SXKD.
+ Sản phẩm chưa đa dạng: Theo như thông tin cung cấp, Đông Dương chỉ tập trung vào một vài phân khúc mặt hàng chính là mặt hàng Haisamin và Incamix, các mặt hàng này không được tiêu thụ cao trong giai đoạn 2020-2021 nên gây suy giảm LN.
+ Trình độ kinh nghiệm: Vì là DN nhỏ, nên ngoại trừ BGĐ có thâm niên lâu năm, các nhân viên khác của Đông Dương chủ yếu kinh nghiệm và chuyên môn chưa đủ cao để giúp công ty ổn định LN trong đợt dịch và bứt phá lại ngay sau khi nền kinh tế phục hồi.
Kết luận chương 2
Dựa trên thông tin thống kê từ số liệu được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thương mại Đông Dương, nghiên cứu và phân tích thực trạng chiến lược kinh doanh, các chỉ số tài chính và năng lực hoạt động của công ty trong giai đoạn 2020-2022, em đã tổng kết được cơ bản những kết quả đạt được của công ty, đồng thời rút ra được những ưu điểm, hạn chế nổi bật còn tồn tại để xác định kỹ hơn nguyên nhân gây ra tình trạng hiện tại. Dựa trên những điều rút ra có thể đề xuất thêm các giải pháp, ý tưởng góp phần cải thiện năng lực hoạt động sản xuất của Đông Dương trong thời gian tới.